Theo báo chí, Nga có thể đơn phương tấn công IS
Tổng thống Nga Putin (G) viếng Trung tâm Quốc phòng cùng với bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu (T) và Tham mưu trưởng Valery Gerasimovi (P), ngày 17/04/2015.Reuters
Reuters hôm nay, 24/09/2015, dẫn tin của Bloomberg theo đó Matxcơva có thể đơn phương không kích tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), nếu đề nghị gia nhập liên quân quốc tế của Nga bị bác bỏ. Thông tin nói trên được đưa ra trong bối cảnh Ngoại trưởng Nga hôm qua khẳng định Mỹ ngày càng có xu hướng công nhận lập trường của Nga trong cuộc khủng hoảng Syria. Điều mà Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngay lập tức bác bỏ.
Hãng Bloomberg dẫn lời một số người thân cận với Tổng thống Nga : ông Vladimir Putin hy vọng chính quyền Mỹ và đồng minh chấp nhận để Nga cùng tham gia vào chiến dịch không kích chống IS, cùng với Iran và quân đội Syria. Theo Bloomberg, nguyên thủ Nga đề nghị một giải pháp hành động quân sự « song song » với một tiến trình chuyển tiếp chính trị trong đó Tổng thống Assad bị loại trừ. Một chính quyền Syria mới không có Assad là điểm bất đồng chủ yếu giữa Nga và Hoa Kỳ, cùng các đồng minh, cho đến nay. Bloomberg cho hay, đề nghị này đã được thông báo với Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, cũng vẫn theo hãng tin Mỹ, một trong những người được phỏng vấn cho biết ông Putin bất bình vì sự lưỡng lự của Hoa Kỳ, và khẳng định sẽ hành động đơn phương, nếu cần.
Khủng hoảng Syria : Matxcơva muốn tin Hoa Kỳ cởi mở hơn
Ít ngày trước chuyến công du tới New York (dự Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc) của Tổng thống Nga Putin, cuối tháng, lần đầu tiên kể từ 8 năm nay, ngành ngoại giao Nga hết sức nỗ lực trong hồ sơ Syria.
Reuters thuật lại, hôm qua 23/09, trong cuộc họp báo tại Matxcơva, Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov tuyên bố : « Tôi cho rằng phía Mỹ (hiện nay) tỏ ra dễ tiếp nhận hơn đối với các lập luận của Nga » kể từ đầu cuộc khủng hoảng đến nay. Một số giới chức ngoại giao Nga lạc quan về một thỏa thuận quốc tế để giải quyết vấn đề Syria. Hãng thông tấn chính thức Syria, Sana, thậm chí còn cho rằng Nga và Mỹ đã đạt được thỏa thuận ngầm về giải quyết xung đột.
Về phát biểu nói trên của Ngoại trưởng Nga, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, John Kirby, ngay lập tức lên tiếng hoan nghênh « mọi đóng góp xây dựng của Nga trong cuộc chiến chống IS », nhưng việc Matxcơva ủng hộ Assad là « đi ngược lại các nỗ lực giải quyết xung đột ». Việc Matxcơva hậu thuẫn Damas thậm chí có thể làm gia tăng khả năng đụng độ giữa Nga với liên quân quốc tế chống IS tại Syria, theo Ngoại trưởng Hoa Kỳ.
Từ Châu Âu, sau cuộc thượng đỉnh về di cư tại Bruxelles, Thủ tướng Đức kêu gọi cần đối thoại với cả Tổng thống Syria Assad. Trong khi đó, lập trường của Pháp là chỉ có được sự «chuyển tiếp thành công », nếu ông Assad ra đi. Cũng hôm qua, Tổng thống Pháp kêu gọi Liên Hiệp Quốc tổ chức một « hội nghị quốc tế mới » về Syria, tiếp theo Genève 1 (tháng 6/2012) và Genève 2 (2/2014).
Trong bối cảnh lo ngại gia tăng về hiện diện quân sự của Nga tại Syria, hôm thứ ba, quân đội Nga tuyên bố tập trận hải quân trong tháng 9 và tháng 10 tại khu vực phía đông Địa Trung Hải. Tập trận dự trù diễn ra giữa cảng Tartous (Syria) và đảo Síp.
Cùng chủ đề
No comments:
Post a Comment