Wednesday, November 25, 2015

Phí Tổn Kinh Tế Của Khủng Bố

Phí Tổn Kinh Tế Của Khủng Bố

Nguyên Lam & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA
2015-11-25
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
Để tăng cường biện pháp an ninh nước Pháp phải huy động hàng chục ngàn người trong mọi ngành kể cả quân đội.
Để tăng cường biện pháp an ninh nước Pháp phải huy động hàng chục ngàn người trong mọi ngành kể cả quân đội.
 AFP
Ngay sau vụ khủng bố ngày Thứ Sáu 13 tại thủ đô Paris, Tổng thống Pháp François Hollande đã ban bố tình trạng khẩn cấp và hôm 16 còn tuyên bố rằng yêu cầu về an ninh quan trọng hơn yêu cầu giảm chi. Điều ấy có nghĩa là Pháp sẽ lại không thể chấp hành những đòi hỏi của Hội đồng Âu châu về quân bình ngân sách, bị bội chi và phải đi vay. Từ chuyện ấy, Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu thêm về những hậu quả kinh tế của nạn khủng bố. Nguyên Lam nêu vấn đề với kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa như sau:
Nguyên Lam: Xin kính chào ông Nghĩa. Sau khi bị khủng bố tấn công, nước Pháp đang lao vào một cuộc chiến như Tổng thống François Hollande đã tuyên bố trước lưỡng viện Quốc hội Pháp. Ngoài việc ban bố tình trạng khẩn cấp trong ba tháng, khung cảnh bất an và các biến cố dồn dập trên toàn lãnh thổ tất nhiên gây thiệt hại cho sinh hoạt kinh tế làm ngân sách của Pháp sẽ lại bị bội chi. Vì vậy, kỳ này chúng ta có thể tìm hiểu thêm về những hậu quả kinh tế của tình trạng khủng bố tràn lan. Thưa ông, trước tiên, về nước Pháp thì tình hình sẽ ra sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Ngoài tổn thất nhân mạng của 130 nạn nhân, và số người bị thương là hơn 300, vụ khủng bố hiển nhiên gây thiệt hại cho Pháp vào thời điểm bất lợi nhất là kinh tế lại vừa bị suy trầm. Pháp sẽ bị bội chi nặng hơn và phải đi vay bằng cách phát hành công khố phiếu. Do chính sách bơm tiền theo phương pháp “gia tăng mức lưu hoạt có định lượng” hay “quantitative easing” của Ngân hàng Trung ương Âu châu ECB, nước Pháp có thể vay với phân lời thấp nhưng dù sao cũng chất thêm một núi nợ đã quá cao. Vụ khủng bố khiến Pháp rơi vào hoàn cảnh của các nước mắc nợ và mắc nạn tài chính tại miền Nam, như Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Nhưng hậu quả không chi thu hẹp vào Pháp, hay Bỉ khi xứ này vừa nâng mức báo động lên tới tối đa tại thủ đô Bruxelles. Hậu quả kinh tế còn lan ra khối Euro và khắp Âu Châu.
Nguyên Lam: Thưa ông, thính giả của chúng ta có thể muốn biết là nó lan như thế nào?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta nhớ lý tưởng Âu Châu là hội nhập kinh tế, trước nhất là thương mại. Hiệp ước Schengen thì quy định quyền tự do vận chuyển người và vật qua biên giới của 26 quốc gia, trong đó có 22 nước là thành viên Liên Âu. Khi vụ khủng bố bùng nổ, nhiều nước liền đóng biên giới để kiểm soát người. Dù hàng hóa vẫn tự do lưu thông, việc kiểm soát người vì yêu cầu an ninh cũng gây tốn kém cho kinh tế, như phải mở từng thùng hàng container xem bên trong có người trốn hay có cất giấu chất nổ không. Chi phí bảo hiểm tăng, hàng hóa lưu thông chậm và sinh hoạt kinh tế cũng vậy.
- Nói chung, khối Euro và cả Liên hiệp Âu châu đang có nhiều vấn đề kinh tế nan giải, năm năm đã qua mà chưa khắc phục được. Thất quân bình ngoại thương với các nước ở vòng ngoài, tại miền Nam, bị nhập siêu và phải vay tiền các nước giàu có hơn ở trung tâm. Mà vòng ngoài cũng bị sức ép của di dân và rủi ro khủng bố cao hơn, với gánh nợ đã quá sức trả. Bây giờ, cuộc chiến chống khủng bố không thu hẹp vào nước Pháp và việc ngăn ngừa khủng bố ra tay trở thành ưu tiên của ngần ấy nước trong khối Euro làm kinh tế Âu châu suy trầm, đồng Euro mất giá, Hy Lạp có khi lại ra khỏi khối Euro và quan trọng nhất, cả Liên Âu mất khả năng phối hợp về mặt kinh tế và càng thiếu thống nhất hơn xưa.
Nguyên Lam: Khi ông nói đến sự mở rộng của nạn khủng bố và nguy cơ bị khủng bố tấn công, ta nhớ là Hoa Kỳ cũng vừa báo động du khách trên các tuyến bay và nhiều sinh hoạt sẽ bị đình đọng, kinh tế bị thiệt hại ngay trong mùa lễ cuối năm là khi dân chúng tiêu xài nhiều nhất. Thưa ông, nếu mình nhìn ra khỏi khung cảnh của Âu Châu thì ta còn thấy những hậu quả kinh tế gì khác?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi xin được nói đến một báo cáo mới nhất về chuyện này. Một trung tâm của Úc là Institute of Economics and Peace, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Hòa bình, vừa công bố phúc trình thứ ba của họ về kiện tượng khủng bố, gọi là “Chỉ số Khủng bố Toàn cầu năm 2015” với nhiều chi tiết đáng quan tâm. Họ cho biết là năm qua, số người thiệt mạng về khủng bố đã tăng 80%, nhiều nhất ở năm nước là Afghanistan, Iraq, Nigeria, Pakistan và Syria. Vì hiện tượng bất ổn đó, 10 trong 11 quốc gia bị khủng bố nhiều nhất đã thấy tăng vọt hiện tượng di tản và tỵ nạn. Bốn triệu người mà phải bỏ nhà lánh nạn thì họ hết sản xuất và làn sóng tỵ nạn ấy cũng gây hao tốn cho các quốc gia phải tiếp nhận, thanh lọc và cứu trợ nạn dân. Nói chung thì báo cáo của viện nghiên cứu cho biết phí tổn kinh tế của khủng bố đã tăng gấp 10 so với năm 2000 và trong năm 2014 thì tăng 61%, từ gần 32 lên tới gần 53 tỷ đô la. Thật ra người ta khó đếm ra tổn thất trực tiếp và gián tiếp mà cũng chưa có cơ sở ước lượng hậu qủa của làn sóng di dân vì khủng bố, nhưng được biết các nước chi ra khoảng 117 tỷ đô la cho yêu cầu tăng cường an ninh.
Quận đội Pháp trên các đường phố Paris
Quận đội Pháp trên các đường phố Paris. AFP
Nguyên Lam: Thưa ông, Nguyên Lam xin hỏi ông ngay một câu. Đó là một số người cho rằng sự hủy diệt vì khủng bố hay chiến tranh cũng lại là một cơ hội cho kinh tế vì yêu cầu tái thiết các cơ sở bị tàn phá. Ông nghĩ sao về ý kiến này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ rằng lý luận này chẳng những sai mà còn nguy hiểm nữa.
- Thứ nhất, nó sai vì chỉ nhìn vào ngân khoản được các nước đưa ra để tái thiết, cấp cứu nạn nhân hay nạn dân như một nguồn kích thích sản xuất mới mà không đếm ra cái mất là sự hủy diệt con người và vật chất. Thí dụ như một chuyến bay nổ tung giữa trời thì có 224 người thiệt mạng, hết sản xuất mà hãng Metrojet của Nga mất luôn một chiếc Airbus. Đó là sai lầm về “cách tính được và mất”.
- Nó còn sai vì không thấy là đáng lẽ ngân khoản ấy đã được sử dụng cho một mục tiêu khác có lợi ích cao hơn. Nôm na là đáng lẽ nấu cơm làm bánh thì phải làm áo giáp phòng thân. Đó là sai lầm về cơ hội sử dụng hay chọn lựa vì đồng tiền mà dùng vào việc này thì không dùng cho việc khác được. Sau cùng, nó nguy hiểm vì làm người ta hiểu lầm rằng chiến tranh là một kích thích kinh tế. Chiến tranh chỉ là sự hủy diệt và là một tai họa kinh tế. Ngoài ra, chiến tranh và khủng bố hoặc bất ổn vì nguy cơ khủng bố tại các nước nghèo cũng làm giảm lượng đầu tư trực tiếp từ nước ngoài và là một thất thâu về kinh tế cho các nước này.
Nguyên Lam: Trở lại cách ước lượng tổn thất kinh tế, thì viện nghiên cứu của Austrâylia như ông vừa nhắc tới đã ước tính theo phương pháp nào?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Họ ước tính một cách bảo thủ, tức là kết quả có thể thấp hơn thực tế.
- Về phương pháp thì họ đếm mức lương của số người tử vong hay thương vong, cộng thêm hậu quả cho gia đình và thân nhân. Trong năm qua, tổn thất kinh tế căn bản này lên tới hơn 51 tỷ đô la. Sau đó mới đếm những phí tổn khác như bị thương tích, bị bom, hoặc cơ sở hạ tầng bị phá hoại, tổng cộng là chín loại phí tổn khác nhau. Tuy nhiên, Viện IEP không tính ra loại phí tổn gián tiếp như thuê người canh gác, chi phí bảo hiểm gia tăng hay các thành phố bị ùn tắc vì khủng bố, v.v…
- Trên đại thể, ta thấy nạn khủng bố hoành hành nhiều nhất ở các nước nghèo, với lợi tức bình quân một đầu người còn thấp nên hậu quả về tổn thất kinh tế cũng không nhiều. Nhưng sau vụ khủng bố tại Paris thì người ta nên e rằng sự chuyển dịch về bạo lực đã vào tới Âu Châu và các nước tương đối giàu có, nên phí tổn kinh tế cũng cao hơn. Một thí dụ là vụ khủng bố 9-11 tại nước Mỹ giàu có ngày 11 Tháng Chín năm 2001 đã gây tổn thất trực tiếp ước tính là từ 35 tỷ đến 109 tỷ đô la, nghĩa là lợi tức toàn năm của một nước nghèo.
Nguyên Lam: Khi chuẩn bị chương trình này, Nguyên Lam nhớ là năm 2001, sau khi tấn công Hoa Kỳ thì trùm khủng bố Osama bin Laden của Al- Qeada đã khoe rằng ngoài việc tàn sát thường dân vô can, họ còn muốn làm Hoa Kỳ bị xuất huyết cho tới khi phá sản. Tức là một mục tiêu của quân khủng bố cũng bao trùm cả lĩnh vực kinh tế nữa. Ông nghĩ sao về lời tuyên bố này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi thiển nghĩ các lực lượng khủng bố xưng danh Thánh Chiến, từ Al-Qaeda tới Boko Haram hay tổ chức Nhà nước Hồi giáo ISIL, hoặc cả lực lượng Hezbollah do Iran yểm trợ, muốn tiến hành một cuộc chiến tranh tiêu hao có đặc tính toàn diện mà bạo lực khủng bố mù quáng chỉ là một phương pháp. Trong cuộc chiến toàn diện như vậy thì cũng có diện kinh tế.
- Cũng vì thế mà dù còn quá sớm, người ta vẫn cố chuẩn bị tính ra các phí tổn kinh tế. Nó có loại “trực phí” là chi phí trực tiếp có thể đếm được từ số người thương vong hay kiến trúc bị phá hủy. Nó có loại “gián phí” là phí tổn gián tiếp mà mình phải suy ra. Thí dụ như thay vì dùng tiền cho mục tiêu phát triển thì mất tiền vào mục tiêu bảo vệ an ninh và thậm chí chiến chinh chống khủng bố. Khi ấy ta phải thấy vấn đề là năng suất sút giảm, niềm tin của giới tiêu thụ sa sút và kinh tế bị ảnh hưởng. Ngoài ra, ta còn phải tính ra loại “ẩn phí”, tức là những phí tổn chìm rất khó đếm, như một vụ khủng hoảng chính trị trong khối Euro hay cuộc chiến kéo dài sau vụ 9-11 tại Hoa Kỳ.
- Khi ước tính ra và tổng cộng lại thì phí tổn kinh tế thường cao hơn những thẩm định ban đầu. Thí dụ như vụ 9-11 tại Hoa Kỳ đã gây tổn thất vật chất khoảng 30-50 tỷ nhưng phí tổn kinh tế lại có thể lên tới hơn ba nghìn tỷ đô la. Một cách nhìn khác là mức tiêu thụ bình quân của dân Mỹ đã tăng đều khoảng 7,8% một năm trong suốt 40 năm trước khi xảy ra vụ 9-11. Từ đó đến nay, trong 14 năm liền, đà gia tăng tiêu thụ chỉ cỏn có 4% một năm thôi.
Nguyên Lam: Câu hỏi cuối, thưa ông, tình hình rồi sẽ ra sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Từ 70 năm qua, các cường quốc Âu Châu như Pháp Đức đã thành lập Liên Âu không phải cho mục tiêu chống khủng bố. Mục tiêu là hội nhập kinh tế cho yêu cầu phát triển trong hòa bình, với biên cương rộng mở. Vụ khủng bố tại Pháp dẫn tới việc đóng cửa biên giới và kiểm soát cả người lẫn vật. Cái “ẩn phí” ở đây có thể là một vụ khủng hoảng chính trị khiến các nước Âu Châu lại phân tán như trước, với từng nước phải bảo vệ an ninh và quyền lợi riêng của mình mà không thể có một thỏa ước ngưng bắn hay hưu chiến với quân khủng bố chẳng có quốc gia mà lại đầy những đặc công chỉ muốn tự sát để gieo rắc cái chết. Sau cùng, không chỉ có kinh tế mới bị đe dọa mà cả khái niệm “quốc gia” do các nước xây dựng từ mấy trăm năm nay cũng có thể tiêu vong sau một cuộc chiến tiêu hao kéo dài trong cả chục năm tới….
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á châu Tự do xin cảm tạ ông Nghĩa về bài phân tích này.

No comments:

Post a Comment