"Đả hổ diệt ruồi" : Bắc Kinh lại mạnh tay
Từ khi ông Tập Cận Bình cầm quyền, 100.000 quan chức đã bị điều traAFP
Ngay từ khi lên nắm quyền, ông Tập Cận Bình đã cam kết chống tham nhũng. Ít có lãnh đạo nào mà lại thực hiện lời hứa một cách triệt để như vậy. Theo báo Le Monde chỉ trong vòng chưa đầy ba năm, đã có tới 100.000 quan chức lớn nhỏ bị điều tra về tham nhũng, hầu như ở mọi cấp.
Sau trường hợp hồi trung tuần tháng 12/2015 của ông Quách Quảng Xương (Guo Guangchang), Giám đốc tập đoàn Phục Tinh (Fosun), nay đến phiên ông Thường Tiểu Bình (Chang Xiaobing), Chủ tịch tập đoàn viễn thông Nhà nước China Telecom bị bắt tạm giam vì đã “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”, cụm từ thường được dùng để nói về tội tham nhũng của quan chức Trung Quốc. Trong cả hai trường hợp, cổ phiếu công ty mất từ 3% đến 7% trên thị trường chứng khoán Hồng Kông. Nhưng dường như vấn đề chứng khoán không phải là mối quan tâm của Bắc Kinh.
Vụ tạm giam ông Thường Tiểu Bình diễn ra ngay vào lúc tập đoàn viễn thông China Telecom họp cuối năm để thông báo kết quả : doanh thu thường niên của tập đoàn này là 45 tỷ euro. Ông Thường Tiểu Bình mới chỉ lên làm giám đốc cách đây ba tháng, sau 10 năm lãnh đạo một công ty viễn thông khác của Trung Quốc là China Unicom. Bắc Kinh đang muốn chấn chỉnh lại ngành này, tập hợp các công ty viễn thông lớn nhỏ lại thành một cơ cấu mang tên China Tower.
Ruồi nhỏ không chừa huống chi “hổ to”
Theo Le Monde, cách thức không có gì là mới, khác hay chăng là về quy mô và cường độ. Sau guồng máy chính quyền cũng như quân đội, ông Tập Cận Bình dần dần chuyển chiến dịch ‘’bàn tay sạch’’ sang các doanh nghiệp Nhà nước, viễn thông, hàng không cũng như tài chính. Tờ báo cho biết không phải chỉ có các lãnh đạo chính quyền địa phương, mà ngay cả các giám đốc tập đoàn lớn đều lo sợ.
Hồi đầu tháng 10/2015, ông Tô Thụ Lâm (Su Shulin), cựu lãnh đạo tập đoàn dầu khí Nhà nước Sinopec bị bắt giữ. Một tuần sau, đến phiên ông Trương Khiết Mẫn (Jiang Jiemin) từng điều hành PetroChina bị kết án 16 năm tù giam. Đến tháng 11, ông Tư Hiến Dân (Si Xian Min), Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Hàng không Phương Nam China Southern Airlines cũng bị điều tra về tội tham nhũng.
Điểm chung giữa các nhân vật này : họ là những người thân cận với ông Chu Vĩnh Khang, nguyên Bộ trưởng Bộ Công an, từng làm chủ nhiệm Ủy ban Chính trị - Pháp luật trung ương (2007-2012), và với chức vụ này, ông Chu Vĩnh Khang giám sát các lực lượng an ninh và các cơ quan thực thi pháp luật của Trung Quốc.
Theo Le Monde, dù là trên danh nghĩa gì đi chăng nữa : nhân danh chống tham nhũng hay là chấn chỉnh cơ cấu các tập đoàn nhà nước, cả hai chuyện này đều dẫn tới cùng một kết quả : ông Tập Cận Bình tiến hành các đợt thanh trừng để loại trừ các vây cánh, phe nhóm chống lại chính quyền trung ương hiện thời. Điều đó giải thích vì sao trong một thời gian chưa đầy 3 năm, số quan chức bị điều tra lại lên tới cả trăm ngàn. Một con ruồi nhỏ cũng không chừa huống chi là những chú “hổ to”.
Thái Lan, vô địch xuất khẩu tôm nhờ bóc lột sức lao động
Thái Lan, vô địch xuất khẩu tôm nuôi nhờ bóc lột sức lao động. Đó là nội dung cuộc điều tra của hãng tin AP được tuần báo Courrier International trích dẫn. Châu Á hiện chiếm hơn 70% lượng xuất khẩu trên thế giới : Thái Lan đứng đầu, Trung Quốc về nhì, khoảng 30% lượng xuất khẩu còn lại đến từ Nam Mỹ và các nước vùng Ấn Độ Dương. Ngành xuất khẩu hải sản, chủ yếu là tôm đem về cho Thái Lan 7 tỷ đô la hàng năm.
Theo hãng tin AP để duy trì sức cạnh tranh, Thái Lan thay vì dùng người bản địa, lại sử dụng nguồn lao động nhập cư, chủ yếu đến từ Lào, Cam Bốt, Miến Điện hay Sri Lanka. Nguồn nhân lực này được trả lương rẻ mạt, và đôi khi do không có giấy tờ hợp lệ, nên họ thường hay bị bóc lột, thậm chí bị ngược đãi, đánh đập.
Cuộc điều tra này buộc chính phủ Thái Lan phải lên tiếng. Theo tờ báo Bangkok Post, bộ Nông nghiệp và đại điện chính quyền Thái Lan đã tổ chức một cuộc họp báo tại Bangkok hôm 21/12 vừa qua, để phản bác chỉ trích của AP cho rằng chính phủ Thái Lan quá thụ động.
Thông qua lời tướng Sanserm Kaewkamnerd, phát ngôn viên chính quyền quân sự, Bangkok hứa tăng cường kiểm tra các công ty chuyên xuất khẩu hải sản, cũng như các nhà máy chế biến tôm đông lạnh. Bangkok cam kết trừng phạt nghiêm khắc những ai vi phạm luật lao động, cũng như những kẻ bao che cho họ cho dù những người này có quyền thế hay là quan chức địa phương ….
Âu Mỹ đưa Thái Lan vào sổ đen
Tuy nhiên, theo điều tra của AP, vấn đề của ngành xuất khẩu tôm không chỉ diễn ra ở các xưởng chế biến, khâu lột vỏ tôm rồi phân loại đóng gói (tức ở hạ nguồn) mà bắt đầu ngay từ lúc đánh bắt hải sản (thượng nguồn). Tàu cá Thái Lan chủ yếu sử dụng người lao động thuộc diện nhập cư trái phép, theo cuộc điều tra là đại đa số đều phải làm việc quần quật mà không được phép nghỉ ngơi, cứ trên 4 người là có một người thú nhận họ thường xuyên bị chủ đánh đập.
Mỗi lần, tàu cá bị kiểm tra, rốt cuộc giới chức trách cũng nhắm mắt cho qua, hãng tin AP đánh giá là có sự móc ngoặc giữa cảnh sát và giới chủ tàu kể cả chuyện nộp tiền hối lộ : người lao động trái phép có nguy cơ bị bắt giam, trong khi giới chủ tàu lại ít bao giờ bị phạt.
Không phải chỉ có AP, mà nhiều tờ báo khác cũng đã nhắc tới vấn đề này. Mạng thông tin Anh ngữ Quartz trích dẫn bản báo cáo năm 2014 của Tổ chức Lao động quốc tế, từng cảnh báo Thái Lan về tình trạng bóc lột sức lao động. Hồi tháng Tư 2015, sau khi nhân lên gấp ba thuế đánh vào hải sản, Liên Hiệp Châu Âu còn đe dọa ngưng nhập khẩu tôm Thái Lan kể từ khi nước này bị đưa vào danh sách đen. Hoa Kỳ cũng có lời đe dọa tương tự trong trường hợp Bangkok không có biện pháp cải thiện tình trạng lao động trong ngành xuất khẩu tôm.
Nhưng mạng thông tin Quartz nhắc nhở đó là sức ép từ phía các chính quyền, người tiêu dùng cũng có thể tạo áp lực bằng cách tẩy chay tôm Thái Lan. Người dân Âu Mỹ cũng nên thau đổi cung cách tiêu dùng : chính cũng vì họ muốn ăn tôm lột vỏ sẵn, từ máy đông lạnh thảy ngay vào chảo, chính cái nhu cầu đó tạo thêm điều kiện nhu cầu cho các nhà máy Thái Lan bắt nhân công làm tôm cho sạch, lột vỏ cho nhanh : từ chuyện bị bóc lột, người lao động biến thành ‘’nô lệ’’ từ lúc nào không hay.
Dự luật tước quốc tịch : Cánh tả rạn nứt
Về tình hình nước Pháp, báo chí tiếp tục dành trang đầu về vấn đề tước quốc tịch, một đề nghị của Tổng thống François Hollande. Tờ Le Figaro gọi đó là một điều nghịch lý. Nếu như có nhiều dấu hiệu cho thấy cánh hữu sẽ bỏ phiếu ủng hộ dự luật này, thì ngược lại ngay trong hàng ngũ cánh tả, đảng của ông Hollande, vẫn có nhiều tiếng nói bất đồng, thậm chính chỉ trích kịch liệt chủ trương của Tổng thống. Rốt cuộc, theo Le Figaro, ông Hollande sẽ phải nỗ lực thuyết phục ngay trong hàng ngũ của mình, nếu muốn hội đủ đa số cần thiết, tức là ba phần năm các đại biểu để thông qua dự luật này.
Báo Le Monde trong bài xã luận cho biết các thành viên cánh tả đang xâu xé nhau trên vấn đề này. Nhiều nhân vật quan trọng thuộc ban lãnh đạo đảng Xã hội như thị trưởng Lille, bà Martine Aubry, cựu Thủ tướng Jean Marc Ayrault, cựu bộ trưởng Benoît Hamon, thị trưởng Paris Anne Hidalgo.… đều lần lượt lên tiếng chỉ trích rằng lập trường của Tổng thống Hollande cũng như của Thủ tướng Manuel Valls đi ngược lại với các ‘’giá trị của cánh tả’’.
Một số đại biểu còn đi xa hơn nữa khi cho rằng ông Hollande đã đi lầm đường, khi dùng vấn đề tước quốc tịch như một chiêu bài để thu hút thêm lá phiếu cử tri. Theo Le Monde, cánh tả đang bị rạn nứt và Tổng thống cũng như Thủ tướng Pháp có nguy cơ bị cô lập.
Báo Libération không hoàn toàn chia sẻ quan điểm này khi nhận định rằng ông Hollande (ban hành pháp) chưa hẳn đang ở trong thế ‘’đơn thương độc mã’’. Theo tờ báo, nếu như nhân danh các giá trị cộng hoà, các nhân vật ‘’sừng sỏ’’ ở thượng tầng ban lãnh đạo cánh tả lên tuyến đầu nã pháo vào ban hành pháp, thì ngược lại nhiều thành viên đảng Xã hội, nhất là ở cấp vùng thì lại không phản đối dự luật này.
Một cách thực tiễn, nhiều đại biểu đề nghị tổ chức ở cấp địa phương các cuộc thăm dò ý kiến người dân, mục đích là mở đối thoại để trao đổi về một vấn đề phức tạp, vì lợi ích quốc gia, nên phải vượt lên trên các quan điểm tả hữu truyền thống.
Các nước sản xuất dầu hỏa thắt lưng buộc bụng
Trên thị trường quốc tế, giá dầu hoả không ngừng tuột dốc, điều đó làm lung lay nền kinh tế các nước chuyên sản xuất dầu thô. Venezuela, Ecuador hay Angola đang điêu đứng, trong khi một nước giàu nhờ xuất khẩu tài nguyên như Ả Rập Xê Út lần đầu tiên từ 40 năm qua buộc phải ban hành chính sách thắt lưng buộc bụng. Đó là nội dung bài viết trên báo Le Figaro.
Ngân sách năm 2016 của Ả Rập Xê Út đang bật đèn đỏ báo động, vì mức thâm thủng của nước này trong ba năm liền, lên tới mức 87 tỷ đô la mỗi năm, tương đương với 11% GDP. Để vận hành guồng máy kinh tế, Ả Rập Xê Út cần bán dầu thô ở mức 90 đô la một thùng, nhưng giá dầu cứ giảm liên tục, hiện chỉ ở mức 53 đô la một thùng.
Cho tới giờ này, Ả Rập Xê Út vẫn còn đứng vững, chủ yếu là nhờ vào kho dự trữ ngoại tệ mà nước này đã tích lũy được trong suốt thời gian giá thùng dầu lên tới mức cao ngất ngưỡng. Ả Rập Xê Út hiện có khoảng 30 triệu dân, trong đó có khoảng 10 triệu là kiều dân nước ngoài.
Hầu hết những người dân bản địa đều là công chức, làm việc cho nhà nước, những công việc khác thì dành cho lao động nhập cư. Trong vòng nhiều thập niên, nhờ có ngân sách dồi dào, nên chính phủ rất hào phóng, chu cấp đủ mọi mặt cho công dân của mình, nhưng ngược lại phân biệt đối xử rõ rệt với kiều dân nước ngoài.
Thế nhưng kể từ đầu năm 2016 trở đi, chính quyền Riyad sẽ cắt giảm nhiều khoản trợ cấp, và đồng thời tăng thuế đối với người dân. Điều đó dẫn tới vài nghịch lý, vào lúc mà giá xăng dầu đang giảm trên thế giới, thì ngay tại Ả Rập Xê Út, người dân nước này sẽ phải trả giá cao gấp đôi, do bị đánh thuế cao hơn. Theo Le Figaro, Ả Rập Xê Út có đủ ngoại tệ để cầm cự trong 5 năm, nhưng trước mắt chính sách giảm chi tiêu công cộng sẽ tác động dây chuyền đến nhiều lãnh vực, kể cả việc tuyển dụng các nguồn lao động nước ngoài.
30 năm "Out of Africa" : phiên bản hoàn chỉnh
Phụ trang văn hoá báo Le Figaro dành một bài viết để nói về việc tái phát hành bộ phim Out of Africa, nhân dịp sinh nhật đúng 30 năm ngày ra mắt khán giả một trong những tác phẩm của làng điện ảnh Hollywood, mà với thời gian đã trở thành ‘’kinh điển’’.
Được trình làng lần đầu tiên vào năm 1985, bộ phim do đạo diễn Sydney Pollack thực hiện và tập hợp hai ngôi sao màn bạc lẫy lừng thế giới là Meryl Streep và Robert Redford. Dưới dạng hồi ký phóng tác, tác phẩm này thật ra kể lại cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn Karen Blixen, và đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của công chúng lẫn giới phê bình.
Theo Le Figaro, bộ phim này đã đoạt 7 giải Oscar trong đó có các giải quan trọng nhất dành cho tác phẩm, đạo diễn, âm nhạc, kịch bản phóng tác xuất sắc nhất …. Chỉ tiếc có một điều là cả hai thần tượng điện ảnh Meryl Streep và Robert Redford đều để vuột mất giải diễn xuất, cho dù họ nhập vai rất đạt và diễn xuất quá tài tình.
Cũng từ bộ phim này mà Meryl Streep lên ngôi nữ hoàng, có thể đóng bất kỳ vai gì, phim nào có tên bà đều bảo đảm ăn khách. Meryl Streep sau đó lại diễn rất đạt trong bộ phim "The Bridges of Madison County", (tạm dịch Đường đến quận Madison). 30 năm sau ngày ra đời, tác phẩm Out of Africa vẫn không có một vết nhăn và nhờ vào công nghệ hoàn chỉnh hình ảnh, mà phiên bản mới càng thêm lộng lẫy.
Cùng chủ đề
No comments:
Post a Comment