Wednesday, December 30, 2015

Đại hội Đảng 12 có 'hai điểm quan trọng'

Đại hội Đảng 12 có 'hai điểm quan trọng'

  • 9 giờ trước
Image copyrightAFP
Image captionÔng Nguyễn Phú Trọng (giữa) sẽ tại vị chức Tổng Bí thư thêm nhiệm kỳ hay phải nhường ghế cho ông Nguyễn Tấn Dũng (phải) sau Đại hội Đảng 12?
Một nhà quan sát nước ngoài nói về điểm "chưa có tiền lệ" ở Đại hội 12 trong lúc con trai Tổng bí thư Lê Duẩn cảnh báo về vai trò nhân dân bị "lu mờ".
Giáo sư Carl Thayer, nhà quan sát chính trị Việt Nam lâu năm, vừa có bài phân tích về Đại hội Đảng 12 trong đó ông mô tả đại hội này đặc biết quan trọng vì "hai lý do".
"Thứ nhất, họ sẽ bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng mới. Những người này sẽ lần lượt bầu Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Uỷ ban kiểm tra Trung ương Đảng, tổng bí thư và thông qua các ứng viên chủ tịch nước, thủ tướng và chủ tịch quốc hội. Những ứng viên này sẽ được bầu vào tháng 5/2016.
"Các ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng vừa nhóm họp Hội nghị 13, bỏ phiếu chọn ứng viên cho bốn vị trí cao nhất của đảng và nhà nước. Việc lựa chọn lãnh đạo gây nhiều tranh cãi năm nay. Trên lý thuyết, điều lệ Đảng buộc những người đã phục vụ hai nhiệm kỳ và/hoặc hơn 65 tuổi phải nghỉ hưu.
"Tuy nhiên, thực tế có thể có ngoại lệ đặc biệt. Ví dụ, Đại hội Đảng 11 bầu ông Nguyễn Phú Trọng làm Tổng Bí thư dù năm đó ông đã hơn 65 tuổi.
"Có tin đồn rằng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng muốn là Tổng bí thư kế tiếp và ông có thể được miễn trừ quy định tuổi tác. Nhưng trường hợp của ông Dũng chưa có trong tiền lệ.
"Việt Nam chưa từng có nhà lãnh đạo ở chức vụ cao lại tìm kiếm sự miễn trừ [quy định tuổi tác] để khi rời ghế cũ lại chuyển sang ngồi một ghế khác cũng cao trong hàng ngũ chóp bu lãnh đạo. Trường hợp này tạo nên hiệu ứng phản đối ông Dũng dữ dội từ phía các đối thủ của ông là Chủ tịch Trương Tấn Sang và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng," ông Thayer viết.
Nhà quan sát này bình luận rằng có một điều không thể phủ nhận là Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay đã minh bạch hơn so với trước đây trong việc truyền thông đến người dân về cơ chế lựa chọn lãnh đạo.
Tuy nhiên, đến nay tên của các ứng viên được chọn bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và các vị trí cao hơn vẫn được giữ bí mật, ông Thayer nhận xét.
Image copyrightGETTY
Image captionGiáo sư Carl Thayer nói trường hợp của ông Nguyễn Tấn Dũng chưa có trong tiền lệ
Lý do thứ hai khiến Đại hội Đảng 12 quan trọng, theo Giáo sư Carl Thayer, là tại sự kiện này sẽ công bố hai văn kiện chính yếu -Báo cáo chính trị và Báo cáo Kinh tế-Xã hội 2016-2020. Dự thảo các văn kiện này đã được đưa ra tháng 9/2015 để thảo luận công khai.
Dự thảo Báo cáo Chính trị ưu tiên các vấn đề giáo dục và đào tạo, phát triển khoa học và công nghệ, chống tham nhũng, tăng cường các quy định pháp luật, đoàn kết dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa và xây dựng "đảng trong sạch vững mạnh".
Báo cáo Kinh tế-Xã hội nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát nợ công và đặt mục tiêu phát triển Việt Nam thành quốc gia hiện đại và công nghiệp năm 2020.
Báo cáo cũng đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP 6,5-7% trong 5 năm tiếp theo.
Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người dự kiến đạt 3.670 - 3.750 đôla, đưa Việt Nam tiếp cận danh sách quốc gia thu nhập trung bình.
Image copyrightAP
Image captionAi trong số bốn nhà lãnh đạo này sẽ tiếp bước sau Đại hội Đảng 12 vẫn còn là một ẩn số
Nhà báo Huy Đức vào hôm 30/12/2015 viết trên Facebook cá nhân đánh giá về con người và những chính sách của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
"Sau mười năm trở thành người có quyền lực nhất đất nước, ông Dũng đã có nhiều quyết định làm khánh kiệt nền kinh thế [đặc biệt là chính sách lập các tập đoàn kinh doanh đa ngành].
"Đã hai năm, kể từ ngày ông "gửi thông điệp cải cách" tới dân chúng, Chính phủ chưa hề có một hành động cải cách hữu hiệu nào trong khi các bộ ngành dưới trướng của ông tiếp tục "đẻ" thêm nhiều loại thủ tục nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp.
"Tính từ khi đứng trong top 5 người quyền lực nhất (ủy viên thường vụ Bộ chính trị - 1996), Nguyễn Tấn Dũng đã ở trên đỉnh cao quyền lực gần 20 năm.
"Sau 20 năm nhìn lại, đặc biệt là 10 năm làm thủ tướng, trong số các gia đình VN, có lẽ chỉ gia đình ông là thành công nhất," nhà báo Huy Đức viết.

‘Bề trên'

Trong một diễn biến khác vào hôm 30/12/2015, một báo của Bộ Công an đăng bài bình luận ' Chúng ta thực sự tin nhân dân?' của ông Lê Kiên Thành, con trai cựu Tổng Bí thư Lê Duẩn.
Ông Thành viết: ''Là con trai một người Cộng sản đã hy sinh cả cuộc đời mình cho đất nước, tôi có một khao khát tột cùng là Đảng sẽ thực sự vững mạnh, sẽ thực sự là Đảng của dân tộc, của nhân dân, quên mình vì lợi ích của dân tộc, của nhân dân…
"Nhưng những đêm vắt trán nằm suy nghĩ về đất nước, tôi hiểu chúng ta còn thiếu và sai nhiều. Một trong những cái sai đó là chúng ta chưa thực sự biết tin dân!''
"Nhưng khi sự nghiệp lớn đã thành công, những người Cộng sản trở thành những người lãnh đạo đất nước, họ dần dần trở thành giai cấp cầm quyền và có lúc ‘nhìn xuống’ nhân dân của mình."
"Những cụm từ ‘Đảng soi đường’, ‘Đảng chỉ lối’, ‘Đảng dẫn dắt’ mà chúng ta vẫn hay dùng, vô hình trung đã khiến cho tất cả chúng ta đều có cảm giác Đảng đang vượt lên cả dân tộc và làm cho vai trò rất lớn của nhân dân phần nào bị lu mờ đi. Tôi rất lo sợ, qua năm tháng, chính những câu chữ đó cũng đã tạo ra sự ngộ nhận cho chính những người trong Đảng," ông Thành viết.
Ông Lê Kiên Thành, một doanh nhân khá thành đạt, viết thêm rằng "Đảng sinh ra là từ dân tộc này, tồn tại được cũng nhờ dân tộc này, vinh quang được cũng là nhờ dân tộc này, thành công này cũng là do cả dân tộc cùng đồng lòng trả bằng xương bằng máu. Vượt lên trên dân tộc là điều không bao giờ được phép!
"Trước đây khi chúng ta muốn nói điều gì với dân, chỉ dùng một tờ truyền đơn là người dân tin. Trong khi đó hiện chúng ta có đến khoảng 800 đầu báo mà chúng ta lại lo sợ nhân dân sẽ hiểu sai về Đảng khi đọc những tiếng nói trái chiều trên những trang báo lề trái. Đó là điều phi lý mà tôi không cắt nghĩa được," ông Thành viết.

Tin liên quan

No comments:

Post a Comment