RSF tố cáo Trung Quốc « bịt miệng » phóng viên nước ngoài
Ursula Gauthier, ảnh chụp từ màn hình đài France 24France 24
Tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF), hôm qua 28/12/2015, đã cáo buộc Bắc Kinh « bịt miệng » các nhà báo nước ngoài đang làm việc tại Trung Quốc, khi đưa ra quyết định trục xuất một nữ phóng viên người Pháp. Tổ chức này cũng lên tiếng yêu cầu Paris phải có phản ứng « cứng rắn » để bảo vệ thông tín viên của tuần báo L’Obs.
Ngày 26/12, Trung Quốc đã từ chối triển hạn giấy phép hành nghề của bà Ursula Gauthier, làm việc tại Bắc Kinh từ sáu năm nay. Nữ nhà báo Pháp bị cáo buộc « bảo vệ một cách trắng trợn » các hành vi khủng bố trong một bài báo đăng vào trung tuần tháng 11 và « khiến người dân Trung Quốc phẫn nộ ».
Phát biểu với hãng tin AFP, Tổng thư ký của RSF, ông Christophe Deloire, « yêu cầu chính phủ Pháp phải có hành động bảo vệ mạnh mẽ, vì vấn đề này không chỉ liên quan tới số phận của một công dân Pháp ».
Ông lên án : « Quyết định của Bắc Kinh nhằm bịt miệng các thông tín viên nước ngoài làm việc tại Trung Quốc, với ẩn ý là nếu công bố thông tin bất lợi cho chính quyền, họ sẽ có nguy cơ bị trục xuất. Điều này sẽ khiến các nhà báo tự kiểm duyệt các bài viết của mình và không phản ánh thực tế xã hội Trung Quốc ».
Bản thông cáo của RSF nhận thấy rằng : « Không chỉ dừng lại ở việc kiểm soát các cơ quan thông tấn Nhà nước, ban hành hàng chục nghìn thông tư tới truyền thông tư nhân và tiến hành một chiến dịch chống « tin đồn » (thực tế là những thông tin bất lợi cho chính quyền) trên các mạng xã hội, giờ Bắc Kinh chuyển sang bịt miệng các nhà báo nước ngoài, lực lượng chính đại diện cho quyền tự do ngôn luận tại đất nước này ».
Vẫn theo RSF, « từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, Bắc Kinh mạnh tay hơn trong việc chống « tin đồn » trên các mạng xã hội. Ngay sau khi xảy ra vụ nổ tại kho cảng Thiên Tân, rất nhiều nhà báo nước ngoài đã bị cản trở trong việc đưa tin. Còn trên mạng Internet, chính quyền Trung Quốc đánh vào những người có sức ảnh hưởng lớn và sử dụng triệt để những biện pháp kiểm duyệt và tuyên truyền ».
Cuối cùng, bản thông cáo của RSF kết luận : « Cần phải gửi một thông điệp tới chính quyền Trung Quốc để họ hiểu rằng không thể áp dụng được các phương pháp này ».
Cùng chủ đề
No comments:
Post a Comment