Ba Lan và mối nguy một đảng nắm tất
- 22 tháng 12 2015
Cuộc chiến pháp lý đang diễn ra quyết liệt ở Ba Lan giữa một bên là đảng Pháp luật và Công lý (Prawo i Sprawiedliwość - PiS) theo đường lối bảo thủ, dân tộc chủ nghĩa, với bên kia là các nhóm ôn hòa bảo vệ dân chủ.
Kể từ ngày chuyển đổi thể chế, chính trường Ba Lan chưa bao giờ nóng như bây giờ dưới sự 'nhiếp chính' của Jaroslaw Kaczynski, tuy là chủ tịch đảng PiS cầm quyền nhưng không nắm chức thủ tướng.
Chỉ chưa đầy hai tháng, nhiều dự thảo luật và dưới luật được quốc hội, chính phủ và tổng thống dồn dập đưa ra, cả hợp pháp lẫn bất hợp pháp.
Trong mớ văn bản vội vã đó, đáng chú ý có Luật Công chức Cao cấp.
Dự thảo Luật Công chức Cao cấp bao gồm những điểm chính sau:
- Tất cả công chức nhà nước được quyền tham gia các đảng phái chính trị (thay vì bị cấm).
- Hủy bỏ các cuộc thi công chức nhà nước, thay vào đó các chức vụ cao cấp được chỉ định.
- Hủy bỏ quy định bắt buộc công chức cao cấp nhất thiết phải có kinh nghiệm lâu năm trong nghề.
- Tất cả công chức cao cấp sẽ bị sa thải ngay lập tức.
- Thủ trưởng Công chức nhà nước do chính phủ chỉ định, thay vì do các công chức cao cấp bầu ra.
- Hủy bỏ quy định Thủ trưởng Công chức nhà nước phải có ít nhất 5 năm không tham gia đảng phái nào.
- Giải tán Hội đồng Công chức nhà nước, cơ quan tham vấn các vấn đề công chức cho chính phủ.
Với dự thảo Luật Công chức Cao cấp, đảng PiS cầm quyền muốn thế chỗ 1600 công chức cao cấp trung lập bằng các đảng viên của mình.
Họ cũng muốn quản lý, ép buộc những người không đồng quan điểm với mình nhằm thao túng toàn bộ thông tin, tiến tới kiểm soát hoàn toàn bộ máy vận hành nhà nước (đến nay vẫn trung lập), từ phòng thuế tới cục đo đạc, thống kê, thông tin…
Giấc mơ thành hiện thực
Trong cuộc bầu cử quốc hội Ba Lan hôm 25/10/2015, đảng PiS đã giành chiến thắng tuyệt đối với 38% số phiếu trong tổng số 51,6% cử tri đi bầu.
Với kết quả này, kể từ năm 1989 khi Ba Lan chuyển sang chính thể mới, PiS là đảng cầm quyền đầu tiên chiếm đa số ghế trong Quốc hội (232/460 ghế) để tự đứng ra thành lập chính phủ.
Đảng PiS đã biến giấc mơ kiểm soát được cả quốc hội, chính phủ và tổng thống trở thành hiện thực.
Do chưa đủ 2/3 số ghế trong quốc hội để có thể thay đổi được Hiến pháp nên đảng PiS đầy tham vọng quyền lực tìm mọi cách giành nốt Tòa án Hiến pháp nhằm thao túng cả tam quyền phân lập trên chính trường Ba Lan, điều họ luôn thèm khát.
Song trải qua gần ba mươi năm sống trong thể chế dân chủ giành được từ cuộc đấu tranh gian khổ và bền bỉ, nhân dân Ba Lan không dễ gì chấp nhận bầu không khí tự do bị đầu độc và tước đoạt.
Hôm thứ bảy, ngày 12/12 khoảng 50 ngàn người đã xuống đường biểu tình bảo vệ nền dân chủ ở Warszawa.
Một tuần sau, ngày 19/12 gần mười nghìn người tại nhiều thành phố lớn của Ba Lan (4000 ở Poznan, hơn 1000 ở Lublin...) lại xuống đường phản đối sự vi hiến của đảng cầm quyền PiS và cá nhân ông Jaroslaw Kaczynski, bảo vệ nền dân chủ.
Nếu được thông qua và thực thi, Luật Công chức Cao cấp sẽ gây ra những hậu quả nặng nề về công lí và pháp luật không kém việc “cưỡng chiếm” Tòa Án Hiến Pháp.
Ý đồ PiS mượn luật này để kiểm soát toàn bộ nền kinh tế, chính trị, xã hội Ba Lan lộ ra thật rõ ràng.
Nếu được thông qua và thực thi, luật Công chức cao cấp vi phạm nguyên tắc của Cộng đồng Châu Âu là công chức dân sự không được tham gia đảng phái chính trị sẽ khởi đầu cho các bước đi nguy hiểm tiếp theo của PiS nhằm kiểm soát cả lực lượng quân đội và cảnh sát.
Chúng ta còn nhớ, sở dĩ Gorbachov trước đây loại bỏ được quyền lực, tiến tới giải tán đảng Cộng sản Liên Xô và giải thể nhà nước Liên bang Xô viết vì ông đã vô hiệu hóa được sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với các lực lượng vũ trang Xô viết.
Đảng PiS đang từng bước đưa Ba Lan quay lại mô hình quản lí kiểu cộng sản, đó là quyền lực tập trung tuyệt đối vào tay một đảng, một nhóm người, thậm chí một cá nhân.
Điều trớ trêu là mô hình đó là thứ chính ông Jaroslaw Kaczynski và các lãnh tụ phe hữu trước đây từng đấu tranh để loại bỏ.
Bài thể hiện quan điểm riêng của ông Trần Quốc Quân, cây bút hiện sống tại Warsaw, Ba Lan.
No comments:
Post a Comment