Wednesday, December 30, 2015

Phụ nữ giải sầu : Nhật-Hàn thanh toán "món nợ" lịch sử

Phụ nữ giải sầu : Nhật-Hàn thanh toán "món nợ" lịch sử

mediaThủ tướng Shinzo Abe và Tổng thống Park Geun Hye nhân thượng đỉnh Nhật - Hàn tại Seoul 06/11/2015Reuters
Phản kích khủng bố Hồi giáo, chiến thắng quân sự ở Irak, hệ quả biến đổi khí hậu, dầu hỏa xuống giá làm kẻ khóc người cười, hợp tác Nga-Trung bị trở ngại, Tokyo và Seoul phải « thanh toán món nợ gái giải sầu » là những chủ đề trên báo chí Pháp trước thềm năm mới 2016.
Đích thân Thủ tướng Shinzo Abe xin lỗi Hàn Quốc về những hành động bạo ngược của quân đội Thiên hoàng bắt hàng trăm ngàn phụ nữ Triều Tiên phục vụ sinh lý cho binh sĩ của các đơn vị viễn chinh. Thỏa thuận được thông báo « vĩnh viễn và không thể đảo ngược » có phần bồi thường cho 46 nạn nhân còn sống sót.
Hai nước láng giềng từ nay sẽ không tố cáo lẫn nhau về hồ sơ lịch sử này trên trường quốc tế. Hàn Quốc phải dời bức tượng thiếu nữ bằng đồng, từ bốn năm nay, ngồi nhìn vào sứ quán Nhật tại Seoul như thầm trách móc. Bức tượng này, do người dân Hàn Quốc đóng góp. Tokyo không muốn nhìn thấy nữa vì xem là xúc phạm đến danh dự quốc gia.
Tokyo và Seoul thanh toán chuyện bất đồng kéo dài hơn nửa thế kỷ
Theo Le Monde, sự kiện Tokyo và Seoul quyết định sang trang lịch sử là một thái độ chính trị can đảm. Đành rằng lý do sâu xa vẫn là nhu cầu chiến lược và có áp lực của Mỹ. Để đối phó với Trung Quốc, Nhật Bản cần phải hoà giải với Hàn Quốc .
Thái độ « thực tế » của Thủ tướng Shinzo Abe, từ nay có thêm biệt danh là « Nixon Á Châu » sẽ giúp chiến lược Thái Bình Dương của Mỹ sẽ được dễ dàng hơn và bảo đảm cho Nhật một vai trò quan trọng hơn tại Châu Á.
Hai quốc gia dân chủ tại Á Châu, có văn hóa gần giống nhau, cùng phồn thịnh như nhau và cùng là đồng minh của Mỹ nhưng Nhật và Hàn chưa bao giờ thoát ra khỏi quá khứ. Chính sách đô hộ của Nhật luôn là vết thương rỉ máu đối với Hàn Quốc trong khi Nhật Bản muốn lật qua trang sử này từ lâu.
Tại sao phải chờ đến thời điểm này mới thực hiện đuợc ? Theo Le Monde, Thủ tướng Shinzo Abe, cháu ngoại của cố Thủ tướng Nobusuke Kishi, một phạm nhân tội ác chiến tranh được Hoa Kỳ thả ra để xây dựng cánh hữu chống cộng sản, muốn phục hồi danh dự nước Nhật bằng cách lật qua trang lịch sử đau thương.
Còn Tổng thống Park Geun Hye thì muốn bảo vệ hình ảnh thân phụ Park Chung Hee, người đã ký với Tokyo hiệp ước bình thường hóa bang giao vào năm 1965, theo đó, Seoul không đòi bồi thường chiến tranh đổi lấy viện trợ kinh tế. Thỏa thuận 1965 này đã gây phản ứng chống đối rất mạnh tại Hàn Quốc.
Thật ra, Hàn Quốc cũng không hẳn thành thật với quá khứ. Chính phủ Seoul cũng muốn «sửa đổi sách giáo khoa môn sử » để xóa nhẹ những tội ác của chế quân phiệt trước đây đối với cánh tả.
Cả hai nhà lãnh đạo ngày nay đều chấp nhận rủi ro trước phản ứng của thành phần dân tộc chủ nghĩa của mỗi nước. Le Monde lấy làm tiếc là thái độ lạm dụng lịch sử để đánh bóng danh dự quốc gia ở hai nước Châu Á này đã làm mất đi khả năng phân tích mà hậu quả là bắt ngoại giao làm con tin cho tinh thần dân tộc kiêu hãnh nhưng thường bị đặt sai chỗ.
Trung Quốc chống khủng bố : Quốc tế lo ngại
Đối với Bộ Công an Trung Quốc, luật chống khủng bố vừa được Thường trực Quốc hội thông qua « đáp ứng nhu cầu và trách nhiệm quốc tế » của Trung Quốc. Tuy nhiên, theo Le Monde, đạo luật này gây lo ngại cho các tập đoàn thông tin điện tử quốc tế, các hiệp hội phi chính phủ và cả Tổng thống Mỹ Obama.
Theo phân tích của Tổ chức nhân quyền Human Rights Watch, luật chống khủng bố của Trung Quốc rất mơ hồ. Nhân danh « chống thánh chiến ở Tân Cương và tổ chức Daech » , Trung Quốc buộc các công ty ngoại quốc hoạt động tại Hoa lục phải tuân thủ một đạo luật mà từ ngữ rất mơ hồ và hình phạt thì rất nặng nề. Thế nào là « ý đồ chính trị và ý thức hệ đe dọa các cơ quan chính phủ Trung Quốc » ?
Chưa hết, cư dân mạng còn được kêu gọi phải « loan truyền thông điệp phản tuyên truyền chống khủng bố » nhưng không quy định cụ thể. Nếu không thi hành, công ty công nghệ sẽ bị đóng cửa, cấm hoạt động tại Hoa lục theo điều 93.
Tuy nhiên, theo Le Monde, cho dù bị phản đối Trung Quốc vẫn trông cậy và sức hấp dẫn của thị trường 700 triệu người sử dụng internet để áp đặt điều kiện với các công ty Mỹ và sử dụng bộ máy công an để trừng trị những tiếng nói công kích từ xã hội công dân.
Cũng trong chiều hướng này, Les Echos kêu gọi giới doanh nhân Châu Âu gia tăng đầu tư vào Trung Quốc vì Hoa lục là « cơ hội lưỡng tiện ». Theo giải thích của nhật báo kinh tế Pháp, doanh nghiệp Trung Quốc sắp gia tăng đầu tư tại Châu Âu. Do vậy, làm ăn với thành phần này vừa giúp cho doanh nghiệp Châu Âu thêm vốn để phát triển và đầu tư ngược lại vào Trung Quốc.
Theo Les Echos, cho dù tăng trưởng kinh tế Trung Quốc có chậm lại, thị trường chứng khoán Thượng Hải có biến đổi thất thường thì Trung Quốc vẫn là cơ hội tốt cho doanh nghiệp Pháp và Châu Âu vì « với 300 triệu người tiêu dùng, trong số 750 triệu dân thành thị, thị trường tiêu thụ Trung Quốc sẽ qua mặt Hoa Kỳ trong nay mai ».
Nhật báo kinh tế Pháp không quên Ấn Độ. Với tựa "trong số các nước đang trổi dậy, Ấn độ tiếp tục dẫn đầu" làm đầu tàu kinh tế thế giới trong khi Trung Quốc giảm tăng trưởng, Nga bị suy thoái và Brazil bị rơi tự do.
Hợp tác Nga-Trung bế tắc vì Nga … không có chiến lược kinh tế
Còn theo Le Figaro, khủng hoảng kinh tế tại Nga đã làm chiến lược hợp tác Matxcơva-Bắc Kinh không thực hiện được tốt đẹp. Với tựa « chiến lược xoay trục về hướng Trung Quốc không như hứa hẹn » nhật báo cánh hữu Pháp nhắc lại là vào năm 2014, trao đổi thương mại Trung-Nga lên đến kỷ lục 84 tỷ đôla. Tham vọng đặt ra là sẽ lên 100 tỷ vào năm 2015 và tăng gắp đôi vào năm 2020.
Thế nhưng, theo giải thích của chuyên gia kinh tế Nga Alexandre Lomanov, Trung tâm nghiên cứu kinh tế Viễn đông, thì tất cả đã tan thành mây khói. Đã vậy, tình trạng suy thoái của Nga buộc Trung Quốc phải xét lại có nên đầu tư vào nước láng giềng này hay không.
Cho nên, Putin khó mà hy vọng vào Tập Cận Bình. Điểm an ủi cho Nga là các dự án lớn đã ký kết như xây dựng đường giao thông liên lạc hai nước, hợp tác hàng không và năng lượng hạt nhân không bị bỏ rơi.
Tuy nhiên, cho dù lãnh đạo chính trị hai bên có thuận thảo đến đâu thì hợp tác kinh tế cũng không thể thực hiện. Theo nhà kinh tế Alexandre Lomanov, vấn nạn của Nga là « không có một mô hình phát triển kinh tế lâu dài » do vậy đã phá hỏng các hợp tác song phương
Ukraina khẳng định bỏ Nga chuyển trục sang Tây Âu
Nhật báo Công giáo La Croix đưa tựa này vì kể từ 01/01/2016, thỏa thuận thành viên liên kết giữa Ukraina và Liên Hiệp Châu Âu bắt đầu có hiệu lực. Văn kiện này dự kiến thành lập vùng trao đổi thương mại tự do và đổi lại Ukraina cải cách chính trị xây dựng nhà nước theo mô hình dân chủ Tây Âu, tận diệt tham nhũng.
Ukraina sẽ hợp tác sâu xa với Châu Âu trong lãnh vực an ninh và quốc phòng. Để được như thế, Châu Âu sẽ giúp cho Ukraina đào tạo cảnh sát, quân đội, canh tân bộ máy hành chánh và trao đổi sinh viên, giáo chức đại học. Từ nay đến 2020, Liên Hiệp Châu Âu viện trợ 1 tỷ euro cho Ukraina không kể 11 tỷ cho vay.
Để trả đũa, Nga đã quyết định ngưng hiệp định mậu dịch tự do với Ukraina. Chính vì Tổng thống cũ Viktor Ianoukovitch từ chối ký kết hiệp định thành viên liên kết với Bruxelles vào giờ chót cách nay 2 năm nên đã xảy ra những cuộc biểu tình lớn ở quảng trường Maidan buộc ông phải lưu vong.
Theo La Croix, hành động lấn chiếm Crimée đã làm cho phe thân Nga yếu đi. Hơn hai phần ba dân số Ukraina tuyên bố ủng hộ hiệp ước liên kết với Tây Âu. Tuy nhiên, nhà chính trị học Volodymir Yermolenko cảnh báo : công luận có thể thay đổi. Nếu những lời hứa không được thực hiện thì coi chừng nỗi thất vọng của dân chúng và mạng lưới thân Nga vẫn tồn tại sẽ tạo ra một kịch bản mới.
Đằng sau chiến thắng Ramadi có bóng dáng Hoa Kỳ
Về tình hình Trung Đông, Le Figaro nhấn mạnh đến vai trò của Mỹ trong chiến thắng quân sự của Irak tái chiếm Ramadi (thành phố Su-ni). Không có chiến lược của Mỹ vận động hệ phái Sunni, đào tạo biệt kích Irak và oanh kích yểm trợ, quân đội Irak khó mà chiếm lại Ramadi.
Vấn đề là chính quyền Bagdad có thật tâm tôn trọng hệ phái Sunni hay vẫn bị áp lực của phe Shia thân Iran muốn độc quyền chính trị ? Mất Ramadi và Mossoul trước đây cũng vì thái độ kỳ thị này. Le Figaro dự báo chiến thắng quân sự sẽ không bền vững nếu không có giải pháp chính trị hoà giải giữa hai hệ phái Hồi giáo Sunni và Shia tại Irak.
Các tựa chính trên trang nhất 
« Giao thừa trong cảnh giác an ninh tột độ », tựa và ảnh ba người lính mặc quân phục ngụy trang cầm súng đi tuần trên đại lộ Champs Elysées trên trang nhất của Le Figaro, Làm cách nào để thực hiện lời cam kết trong thỏa thuận khí hậu COP21 ?, câu hỏi của La Croix.
Bức ảnh chụp hai người dân Anh ở thành phố York cầm bình trà mà nước lũ ngập đến lưng trên trang nhất của Le Monde, hoặc tình trạng « các trạm trượt tuyết bị thiếu tuyết » trên báo Liberation dường như để nhắc độc giả đừng quên cuộc sống thực tại cho dù tâm trí đang bận lo tổ chức Giao thừa và đón năm mới.

Giới trẻ : Đối thoại là vũ khí chống xung đột
Truớc thềm năm mới và trong khuôn khổ "ngày thế giới cầu nguyện và hành động cho trẻ em", La Croix dành nhiều trang để trình bày vấn đề chống bạo lực, chống khủng bố bằng giáo dục, trong gia đình cũng như ở học đường. Một trong các chuyên gia tâm lý học được trích dẫn cho biết : không thể giải quyết các cuộc xung khắc bằng vũ lực hay trấn áp.
Dường như để minh chứng con đường " hiểu biết " này, nhật báo Công giáo đưa độc giả đến Philippines tìm hiểu về chương trình : Hoà bình giữa tín đồ Thiên Chúa giáo và Hồi giáo kết nối qua Skype.
Sáng kiến của tổ chức phi chính phủ Peace Tech, Hoà bình công nghệ, tạo điều kiện cho các học sinh Philippines ở phía bắc Thiên Chúa giáo trực tiếp trao đổi với học sinh Hồi giáo ở phía nam qua chương trình giáo dục truyền hình mỗi tuần hai lần. Trong lúc các chế độ độc tài kiểm duyệt thông tin thì tại Phillipines, giáo dục và đối thọai là vũ khí để chống lại tuyên truyền cực đoan một chiều.
Xăng dầu xuống giá : kẻ thích người lo
Năm 2016 sắp đến, dân chúng Pháp vui mừng vì giá xăng dầu sụt giảm. Le Monde đặt câu hỏi tại sao xăng dầu tiếp tục xuống ? Nhiều lý do phối hợp như nhân với duyên : Tổ chức các nuớc sản xuất thả nổi luợng dầu khai thác, Hoa kỳ sản xuất nhiên liệu đến mức dư thừa, Ả Rập Xê Út chấp nhận giá hạ để kiểm soát thị trường và gia tăng thị phần, Iran sắp được phép xuất khẩu dầu tự do…
Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp nhẹ gánh chi phí năng lượng hay các nước Tây Âu như Pháp, tiết kiệm được 20 tỷ euro mỗi năm, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ vui mừng thì nhiều nước khác đau khổ. Nga và Venezuela thấy khối lượng ngoại tệ dự trữ bay mất từng chục tỷ.
Cuối cùng, xin đố quý thính giả : bộ não của nam nữ có khác nhau không ? Le Figaro, trích kết quả nghiên cứu mới nhất ở Israel cho biết là " hoàn toàn không ".
 
Cùng chủ đề

No comments:

Post a Comment