Sunday, January 3, 2016

Người TQ 'quay lưng' với nền giáo dục nhà nước

Người TQ 'quay lưng' với nền giáo dục nhà nước

  • 1 tháng 1 2016
Image copyrightThinkstock
Angelina, học sinh 11 tuổi ở Bắc Kinh, có thể nói thành thạo Hoa ngữ và tiếng Anh.
Cô bé chơi bóng vợt, bóng đá và dành thời gian cho các trại hè ở Mỹ.
Bố mẹ của Angelina đã chọn giáo dục tư nhân thay vì hệ thống giáo dục công ở Trung Quốc vì họ lo ngại về hiệu ứng 'nồi hầm'.

Chọn nền giáo dục tư

"Tôi chọn đưa hai con gái vào một trường tư tại Trung Quốc vì ở các trường công không có đủ sự tương tác giữa giáo viên và sinh viên, và chương trình học thì quá căng thẳng," Amy Lin, một bà mẹ người Đài Loan chuyển tới Trung Quốc sáu năm trước cùng với chồng, nói.
"Tôi muốn đưa con sang Hoa Kỳ để học sau này. Có nhiều đại học cũng như cơ hội việc làm tốt hơn ở đó," bà Lin nói thêm.
Gia đình bà Lin là một trong nhiều gia đình Trung Quốc quay lưng lại với hệ thống giáo dục truyền thống ở nước này.
Ngày càng có nhiều người muốn một hướng đi khác cho con mình, một nền giáo dục phương Tây mà họ tin là sẽ giúp con mình phát triển óc sáng tạo, và họ sẵn sàng chi tiền cho chuyện này.
Hãng môi giới và đầu tư chuyên về thị trường châu Á, CLSA, ước tính thị trường giáo dục tư nhân ở Trung Quốc hiện có trị giá khoảng 315 triệu đôla.
Hãng môi giới này cũng dự đoán lượng đăng ký vào các trường quốc tế, vốn đều là trường tư nhân, sẽ tăng 14% mỗi năm từ đây đến 2018.
Khu vực tư nhân đang phát triển mạnh: Có nhiều loại lớp học đa dạng cho các phụ huynh nhiều lựa chọn, từ các lớp học chỉ diễn ra một lần trong tuần cho đến các trường dạy cả tuần, thậm chí nhận học sinh nội trú.
Image copyrightAFP
Một số trường đón nhận học sinh từ cấp mẫu giáo cho đến tận 18 tuổi, và nhiều trường còn có các lớp học ngoài giờ như dạy kèm tiếng Anh, hội họa, âm nhạc.
Nghiên cứu do McKinsey công bố vào tháng Một năm 2015 cho thấy giờ đây có nhiều trường mẫu giáo tư nhân ở Trung Quốc hơn trường công.
Trong khi đó, các trường cấp hai tư nhân cũng tăng 10% so với tỷ lệ 3% của gần 10 năm trước.

Khi áp lực bắt đầu từ bậc nhà trẻ

Mỗi năm, hơn 9 triệu học sinh ở Trung Quốc phải trải qua các kỳ thi đầu vào đầy khó khăn để được vào những trường đại học mình muốn. Hệ thống giáo dục nhà nước hiện vẫn còn sử dụng hệ thống kiểm tra cấp trung học đầy áp lực này.
Việc lựa chọn trường tốt bắt đầu từ tuổi rất nhỏ. Nhiều bậc phụ huynh tìm cách đưa con mình vào các trường mẫu giáo tốt nhất có thể. Điều này giúp con họ dễ vào các trường cấp một, cấp hai và cấp ba có chất lượng tốt sau này, nơi có các giáo viên và nguồn lực tốt nhất.
"Hệ thống giáo dục ngày nay phớt lờ trước việc phát triển cá tính, các giá trị cuộc sống và trách nhiệm xã hội, đây là vấn đề lớn nhất của đất nước chúng tôi," ông Yang Dongping, một chuyên gia về giáo dục tại Viện Công nghệ Bắc Kinh, nói.
"Rất khó để chuyển não trạng từ một hệ thống giáo dục nặng về thi cử sang một hệ thống chú trọng đến yếu tố cá nhân," ông nói.
Trước tình hình này, các trường lớp tư đang ngày càng tăng ở Trung Quốc nhằm đáp lại sự kỳ vọng của tầng lớp trung lưu mới về một hệ thống giáo dục tốt.
Image copyrightAtelier
Khi Marianne Daquet mở trường Atelier, một trường tư nhân về hội hoạ tại Bắc Kinh, bà đã đầu tư phát triển theo hướng này cho dù ban đầu bà chỉ định nhắm vào cộng đồng người nước ngoài sống ở địa phương.
Atelier dạy tất cả các bộ môn, từ sơn dầu đến điêu khắc. Học sinh của trường chủ yếu là ở độ tuổi từ 3 đến 15. Các lớp chủ yếu dạy bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp, do các giáo viên nước ngoài đứng lớp.
Một số học sinh lớn hơn đang xin vào học ở các học viện hội hoạ nổi tiếng trên thế giới như Central St Martins ở London hoặc Beaux Arts ở Paris.

Phát triển tính sáng tạo

"Các học sinh Trung Quốc tìm đến chúng tôi vì chúng tôi có các khoá học giúp phát triển tính sáng tạo", Daquet nói.
"Cái quan trọng không phải là kết quả, mà là mang lại cho trẻ em trải nghiệm mà chúng có thể đem vào ứng dụng trong cuộc đời sau này."
Như cầu đối với những trường như Atelier đã giúp Daquet, một công dân Pháp đến Bắc Kinh từ tám năm trước, mở thêm một trường thứ nhì ở thủ đô Trung Quốc. Bà giờ đây đang có kế hoạch mở trường học ở các thành phố khác tại nước này.
"Lý do tôi mở trường ở Trung Quốc vì chúng tôi biết nhu cầu của con mình", Kang Xie, người thành lập một trường tư nhân ở Bắc Kinh hồi năm ngoái với chồng mình và một cặp vợ chồng khác.
Xie là một giáo viên được đào tạo ở Hoa Kỳ từ thập niên 1990 trước khi trở về Trung Quốc làm việc cho một hãng quốc tế.
Học viện Quốc tế Aurora là một trường tự cấp vốn và hiệu trưởng là chú của bà, một cựu giám đốc từ một trường danh tiếng ở Bắc Kinh.
Mục tiêu của trường là tập trung vào trí óc, cơ thể. Các học sinh có thể học cách tháo lắp xe đạp, trồng cây hoa quả, hay làm sạch một con sông ở gần đo.
Các môn học bao gồm từ nghiên cứu hệ sinh thái cho đến văn hoá và lịch sử cổ đại Trung Quốc.
Image copyrightAtelier
Khi được hỏi liệu bà có gặp khó khăn khi thuyết phục các bậc phụ huynh gửi con em mình đến một trường khác biệt như vậy, Xie mỉm cười và nói: "Không, bản thân các bậc phụ huynh đã muốn tìm điều gì đó khác khi họ tìm đến tôi. Tôi chỉ đáp ứng nhu cầu của họ mà thôi."
Tất nhiên giáo dục tư nhân không phải rẻ, nhưng các bậc phụ huynh vẫn tin rằng điều này đáng đồng tiền họ bỏ ra.
Một nghiên cứu đối với các triệu phú Trung Quốc do hãng truyền thông Hurun thực hiện cho thấy những người giàu có tại Trung Quốc sẵn sàng bỏ ra 20-25% chi phí hàng năm của mình để lo chuyện học hành của con cái.
Gia đình bà Lin đã bỏ ra 28 nghìn đôla mỗi năm để trả tiền học cho Angelina. Chi phí để theo học ở các trường tư nhân khác ở Bắc Kinh còn đắt gấp đôi thế.
Trong khi đó, chi phí trung bình ở các trường công của Trung Quốc chỉ vào khoảng 1.500 đôla một năm.
Điều này là do trường tư ở Trung Quốc không chỉ mang lại những phương pháp giáo dục khác, mà còn mở ra cánh cửa dẫn đến các trường đại học ở nước ngoài sau này và những công việc với mức lương cao hơn.
Dù các bậc phụ huynh có thể đang có những hướng đi khác, mục tiêu và sự kỳ vọng của họ với con mình không thực sự thay đổi. Hầu hết vẫn đang tìm một trường đại học danh tiếng ở nước ngoài để gửi con em mình sang.
Hầu hết đều muốn đầu tư vào một trường nằm trong nhóm các trường danh giá nhất, Ivy Leage, ở Hoa Kỳ hay Oxford hoặc Cambridge ở Anh quốc.
Số học sinh Trung Quốc tại Hoa Kỳ đã tăng lên hơn 274 nghìn trong năm 2014 so với chỉ 60 nghìn vào năm 2004, theo số liệu từ Học viện Giáo dục Quốc tế.
Điều này có nghĩa là Trung Quốc giờ đây chiếm đến gần một phần ba số du học sinh quốc tế ở Hoa Kỳ.
Bản tiếng Anh bài này đã đăng trên BBC Capital.

Tin liên quan

No comments:

Post a Comment