Monday, June 2, 2014

"Đất của Chúa" đang lâm nguy tại Trung Quốc

"Đất của Chúa" đang lâm nguy tại Trung Quốc

Thánh lễ tại một nhà thờ Thiên chúa giáo tại Ôn Châu -  REUTERS /Stringer
Thánh lễ tại một nhà thờ Thiên chúa giáo tại Ôn Châu - REUTERS /Stringer

Lê Vy
Các nhật báo ra ngày cuối tuần dành khá nhiều trang cho thời sự tại Trung Quốc, đặc biệt là trước ngày kỷ niệm cuộc đàn áp đẫm máu phong trào sinh viên đòi dân chủ tại Thiên An Môn. Trước tiên, nhật báo Le Monde quan tâm đến cộng đồng người Ki-Tô giáo tại thành phố Ôn Châu qua bài viết : « Đất Thánh ‘‘Jerusalem’’ của Trung Quốc đang gặp nguy hiểm ».

Ôn Châu là một thành phố ven biển có biệt danh là thành Jerusalem phương Đông vì có đông người Kitô giáo cư ngụ tại đây với 1500 nhà thờ. Thế nhưng, chính quyền trung ương lại không mấy thiện cảm với Thiên Chúa giáo, một tôn giáo xuất phát từ phương Tây nên đã ra lệnh phá hủy các ngôi giáo đường này. Ngoài ra, thành phố này còn là nơi tập trung của nhiều doanh nghiệp tư nhân.
Theo thông tín viên báo Le Monde, 20% dân Ôn Châu tương đương với 9 triệu dân là người Thiên Chúa giáo. Tờ báo miêu tả, từ nhiều tuần nay, ngày cũng như đêm, cảnh sát giăng rào ngăn cản giáo dân đến nhà thờ. Một vị mục sư bực tức nói : « Họ càn quyét đến lúc nào không còn nữa mới thôi ». Một giáo dân cao tuổi chua chát nói : « Họ đã đốt hết sách kinh thánh nhưng vẫn còn chưa tháo dỡ thánh giá ! ». Một ngôi nhà thờ cũ tại ngôi làng Tam Giang (Sanjiang) bị chuyển thành xưởng sản xuất chiếu.
Vẫn theo báo Le Monde, đầu năm 2014, nhiều nhà thờ khác tại tỉnh Chiết Giang nhận được lệnh bị giỡ bỏ. Những cây thánh giá tại các giáo đường bị xem là quá « lộ liễu » bị buộc phải gỡ bỏ. Đầu tháng Tư, tỉnh Chiết Giang nhân danh một chiến dịch làm đẹp đô thị được đưa ra vào năm 2013, ra lệnh phá bỏ hàng chục nhà thờ khác và các cây thánh giá. Tuy nhiên, các giáo dân mỉa mai rằng, chiến dịch này chỉ nhắm vào các ngôi giáo đường.
Duy chỉ có một ngôi thánh đường tại làng Tam Giang còn kháng lại lệnh. Ngày 26/04, cả ngàn người tụ tập cầu nguyện trước nhà thờ nhằm hy vọng ngăn cản mọi sự can thiệp của chính quyền. Trong số đó, có nhiều giáo dân đến từ những giáo xứ khác. Sáng hôm sau nhiều giáo dân đã bị bắt và mục sư Paix cũng bị câu lưu trong 48 tiếng.
Ngày 28/04, lực lượng chống bạo động can thiệp vào 4h sáng và đến 20h30, ngôi giáo đường đồ sộ kia chỉ còn là đống tro bụi. Theo tổ chức phi chính phủ Mỹ China Aid, từ đầu năm nay, 60 nhà thờ và các cây thánh giá tại tỉnh Chiết Giang đã nhận được yêu cầu phải tháo dỡ, một phần các nhà thờ này đã bị phá hủy. Trong đó, có hơn 40 nhà thờ là thuộc Ôn Châu.
Báo Le Monde cho rằng, từ khi ông Tập Cận Bình lên cầm quyền, ông luôn quảng bá cho sự phục hưng Trung Hoa. Ông là hiện thân của chủ nghĩa yêu nước hoài Mao và Khổng giáo chừng nào hai xu hướng này vẫn góp phần bảo đảm quyền lực tối cao cho đảng Cộng sản. Theo mục sư Joie tại Bắc Kinh, số lượng người Ki-Tô giáo đã tăng đến mức mà người ta cho là nhiều hơn cả đảng viên đảng Cộng sản.
Vẫn theo mục sư Joie, chiến dịch bài người Thiên Chúa Giáo vẫn chưa được đặt tên này là một trong những ý đồ của đội ngũ lãnh đạo mới luôn ra sức quảng bá vãn hóa truyền thống Trung Quốc như Khổng giáo và Phật giáo. Không phải ngẫu nhiên mà truyền thông đại chúng chính thức của Trung Quốc lại giành nhiều chỗ cho chuyến viếng thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình tại quê hương Khổng Tử vào tháng Hai vừa qua.
Thiên An Môn trong mắt một quân nhân
Mục văn hóa và quan điểm của báo Le Monde hôm nay nhìn lại sự kiện Thiên An Môn qua bài viết : « Thiên An Môn trong nhãn quan của một quân nhân ». Trở thành họa sĩ, cựu quân nhân Trần Quang đã chuốc lấy tai họa khi làm sống lại những hình ảnh mà ông đã chụp được vào ngày 04/06/1989, ngày diễn ra cuộc đàn áp đẫm máu của quân đội trên quảng trường Thiên An Môn qua các tác phẩm của mình. Nghệ sĩ Trần Quang đã bị câu lưu ngay tại tư gia vào ngày 07/05/2014 vừa qua.
Theo tờ báo, các bức họa do ông Trần Quang vẽ lại từ các bức ảnh chụp, chỉ được trưng bày một lần tại Hàn Quốc vào năm 2009. Quá trình vận chuyển các tác phẩm này cũng vô cùng bí mật. Vào năm 2010, một ngân hàng Mỹ muốn mua ba bức họa và trưng bày những bức khác. Lần này, mặc dù đã đề phòng kỹ lưỡng, các bức họa bị hải quan tịch thu mà không hề hoàn lại.
Năm 2011, một số bức ảnh chụp về sự kiện Thiên An Môn được trưng bày tại Hồng Kông. Ngày 07/05/2014 vừa qua, họa sĩ Trần Quang bị công an ập đến nhà bắt giữ và tịch thu 7 bức họa. Từ ngày đó, người thân vẫn chưa nhận được tin gì mới của ông. Tuy nhiên, chẳng có chi tiết gì trên các bức họa và các bức ảnh của anh là gây sốc cả vì nó chỉ thuật lại một cách hòa bình cảnh điêu tàn của quảng trường Thiên An Môn sau cuộc trấn áp.
Tại Trung Quốc, chủ đề không liên quan trực tiếp với Thiên An Môn cũng trở thành mối nguy cho chính quyền. Họa sĩ Trần Quang chỉ cần vẽ con số 1989, là làm cho người ta liên tưởng đến ngay vụ đàn áp Thiên An Môn. Và vì thế mà Bắc Kinh có tật giật mình.
Người Trung Quốc làm vườn để giảm ô nhiễm không khí
Tạp chí L’Express số ra tuần này cũng quan tâm đến đất nước đông dân nhất thế giới qua bài viết : « Khi Trung Quốc làm vườn… ». Để chống lại nạn ô nhiễm không khí nghiêm trọng, Bắc Kinh đã quảng bá chiến dịch làm vườn, trồng hoa, cây cảnh.
Ngoài những gia đình khá giả trang bị máy lọc không khí trong nhà để giảm ô nhiễm không khí, một số người dân tích cực trồng cây nhằm mang lại một cảm giác mát mẻ, thư thái. Từ sau Hội nghị Trung ương Đảng vừa qua, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã xếp ngành làm vườn vào một trong 10 ngành công nghiệp ưu tiên. Từ đó, một thị trường rộng lớn mở ra cho các ngành làm vườn trên khắp hành tinh, trong đó có Pháp.
Các chuyên gia trong ngành tại vùng Pays de la Loire hy vọng sẽ ký kết được nhiều hợp đồng béo bở với Trung Quốc. Thế nhưng, tại một đất nước mà sao chép, làm đồ giả nhan nhản như tại Trung Quốc thì cần phải đề phòng. Khi mà chưa tìm được một đối tác địa phương nào đáng tin thì không hề có chuyện gửi một hạt giống nào đến Trung Quốc, theo nhận định của một chuyên viên ngành làm vườn Pháp.
Liên minh Âu Á của các nhà chuyên chế
Thứ năm vừa qua (29/05/2014), Tổng thống Putin đã khẳng định vị trí của mình với việc lập ra Liên minh Âu Á trước thềm kỷ niệm ngày Đồng minh đổ bộ lên vùng Normandie của Pháp. Liên minh này bao gồm Nga, Kazakhstan và Belarus. Trang nhất báo Le Monde chạy tựa : « Putin, Nazarbaïev, Loukachenko Khối Âu-Á của những nhà chuyên chế ».
Trang bên trong tờ báo nhận định, Liên minh Âu-Á được thành lập trong sự vội vã. Đây là khu vực kinh tế đang đi xuống nghiêm trọng từ sau khủng hoảng Ukraina. Được thiết kế gần giống như Liên minh Châu Âu, mục đích lập Liên minh Âu-Á là nhằm phá bỏ những rào cản phi thuế quan để hàng hóa, người dân được tự do lưu thông.
Ba nước thành viên này đều có cùng đặc tính…và cùng vấn nạn. Cả ba quốc gia đều chiếm ưu thế về công nghiệp nguyên vật liệu : khí đốt và dầu hỏa khai thác từ biển Caspi đối với Kazakhstan, Belarus thì tập trung khai thác chất hóa học bồ tạt và nông nghiệp còn Nga chuyên về khí đốt và dầu hỏa.
Cả ba đều đang nhiễm căn bệnh nan y là tham nhũng, thiếu vốn đầu tư và bất ổn tiền tệ. Theo nhận định của ông Chris Weafer, một chuyên gia tư vấn kinh tế, chỉ có nước Nga là lợi nhất trong Liên minh kinh tế này. Nga đang có tỷ lệ dân số già đi nên sẽ có cơ hội thu hút được lực lượng lao động trẻ đến từ các nước trong khối Liên minh Âu-Á. Ví dụ như Kirghizistan là một ứng cử viên tương lai để gia nhập khối này.
Việc thành lập Liên minh Âu-Á càng làm cho Tổng thống Putin tự cao hơn bởi vì nó có ý nghĩa quan trọng làm cho các quốc gia phương Tây thấy rằng, các biện pháp trừng phạt kinh tế nhắm đến nước Nga không hề có hiệu quả. Tuy nhiên, tờ báo kết luận, trước mắt thì Nga chưa thấy được hậu quả của việc trừng phạt vì nước này còn khoảng dự trữ tiền mặt khá lớn nhưng về lâu dài, các biện pháp trừng phạt của phương Tây sẽ phát tác vì nó góp phần làm cho giới đầu tư thêm ngờ vực và dần rút vốn khỏi nước Nga.
Lễ kỷ niệm 70 năm quân Đồng minh đổ bộ xuống Normandie
Báo Công giáo La Croix dành một hồ sơ dài cho lễ kỷ niệm 70 năm quân Đồng minh đổ bộ xuống Normandie. Buổi lễ sẽ được tổ chức tại Ouistreham, tỉnh Calvados kèm theo sự hiện diện của nhiều nguyên thủ quốc gia.
Báo La Croix gọi đây là một lễ kỷ niệm đầy căng thẳng. Cũng như năm 2004 kỷ niệm 60 năm, Tổng thống Putin cũng sẽ có mặt dự buổi lễ.
Mặc dù có các căng thẳng gần đây giữa phương Tây với nước Nga do cuộc khủng hoảng tại Ukraina, Tổng thống Pháp François Hollande vẫn mời Tổng thống Nga tham dự. Ông Putin đã khẳng định sẽ tới dự từ một tuần nay trên báo chí quốc tế. Ông cũng cho biết đã sẵn sàng trao đổi về những lợi ích chung bên lề buổi lễ.
Nếu như Tổng thống Hollande có vẻ chịu trao đổi với Tổng thống Putin thì đối với Tổng thống Mỹ Obama lại không. Washington cho biết không hề dự định có cuộc gặp như vậy. Một khách mời khác là Thái tử Charles của Anh cũng sẽ lạnh nhạt khi gặp ông Putin, theo báo chí Anh cho biết. Báo La Croix nhận xét, không khí nghi kỵ lẫn nhau này gây khó khăn cho bộ phận tiếp tân của điện Elysée vì họ phải tránh sắp xếp những tình huống gây khó xử trong buổi lễ kỷ niệm.
Bí mật của sự tăng trưởng kinh tế tại Anh ?
Nhật báo Le Figaro mục kinh tế đặt câu hỏi : Bí mật của sự tăng trưởng tại Anh là gì ? Câu trả lời là tình dục và ma túy. Viện thống kê quốc gia Anh (ONS), tương đương với viện Insee của Pháp vừa công nhận gái mãi dâm và ma túy góp phần vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Vương quốc Anh, tức là 10 tỷ bảng Anh (12,3 tỷ euro).
Viện thống kê ước tính (ONS), tất cả 60 879 gái mãi dâm tại Anh tiếp khoảng 25 khách hàng tuần với giá trung bình là 67,16 bảng Anh (82 euro). Đó là chưa kể chi phí thuê mướn địa điểm hành nghề và « trang phục lao động » cũng như bao cao su. Đối với ma túy, ONS ước lượng có khoảng 38 000 người sử dụng heroin. Giá là 37 bảng Anh/gr (45 euro).
Ý cũng có đường dây buôn bán ma túy khá sôi nổi. Về thị trường gái mãi dâm tạo ra nguồn thu nhập cho đất nước, báo Le Figaro còn kể ra các nước khác như Áo, Slovenia, Phần Lan, Thụy Điển và Na Uy. Cũng cần phải nói rõ rằng các quốc gia xem mãi dâm như một ngành nghề hẳn hoi, những người ‘‘lao động tình dục’’ khai thuế và đóng thuế, như bất cứ người lao động nào khác.
Ly hôn : người Do Thái phải chờ đợi mòn mỏi
Tạp chí L’Express ra tuần này quan tâm đến những người phụ nữ Do Thái tại Pháp. Để ly hôn về mặt tôn giáo, họ phải có được sự đồng thuận của người chồng. Đôi khi, cái giá đó là rất đắt, có thể là một sự đau đớn chờ đợi mỏi mòn hoặc phải trả những giá tiền đắt cắt cổ. Tạp chí L’Express làm cuộc điều tra về tình trạng này và đăng dẫn chứng các nạn nhân.
Các phụ nữ Do Thái thuật lại để được ly hôn và tự do hoàn toàn phải gỡ bỏ hôn nhân về mặt tôn giáo. Nếu không thì người phụ nữ vẫn không xây dựng được cuộc sống mới với người khác vì sợ bị lên án là ngoại tình và con cái tương lai của họ cũng bị gọi là con ngoài giá thú. Biết được điểm yếu này, một số đàn ông cố tình vòi tiền, không chịu ‘‘cởi trói’’ cho người phụ nữ.
Họ đòi số tiền có khi lên đến 20, 30 nghìn euro và phải trả bằng tiền mặt. Đối với phụ nữ Do Thái giáo, đó là một cuộc đấu tranh dài, đau đớn để có được tự do. Một nạn nhân chia sẻ : « Tôi phải chờ đợi 3 năm để có được quyết định ly hôn về phương diện tôn giáo. Từ đó, khi tôi dự một lễ cưới ở một nhà thờ Do Thái giáo, tôi muốn hét toán lên ».
 
TAGS: TÔN GIÁO - TRUNG QUỐC - XÃ HỘI - ĐIỂM BÁO

No comments:

Post a Comment