Tuesday, June 3, 2014

Bào Đồng, nguyên thư ký của Triệu Tử Dương, bị bắt

Bào Đồng, nguyên thư ký của Triệu Tử Dương, bị bắt

Ông Bào Đồng, cựu Ủy viên trung ương đảng CS Trung Quốc, trả lời phỏng vấn tại nhà riêng, Bắc Kinh, 20/02/2013
Ông Bào Đồng, cựu Ủy viên trung ương đảng CS Trung Quốc, trả lời phỏng vấn tại nhà riêng, Bắc Kinh, 20/02/2013
Reuters

Tú Anh
Lần đầu tiên, an ninh Trung Quốc bắt nhốt người cựu cán bộ lãnh đạo tâm tiếng Bào Đồng. Trong những năm qua, trước ngày tưởng niệm thảm sát Thiên An Môn, nhà ly khai thường “được yêu cầu” ra khỏi Bắc Kinh. Theo Asia News, ít nhất 80 người, từ trí thức, luật sư, nhà báo và tín đồ Thiên Chúa giáo bị bắt và điều tra về các hoạt động bị xem là “nhạy cảm”.

Để ngăn chận người dân Trung Quốc tưởng niệm vụ đàn áp phong trào dân chủ Thiên An Môn cách nay 25 năm, an ninh Trung Quốc đã bắt giam và cô lập ít nhất 80 người theo bản tin của Asia News ngày hôm nay 03/06/2014.
Trong danh sách này, có nhà ly khai Bào Đồng, nguyên là thư ký của Tổng bí thư Triệu Tử Dương, nhà lãnh đạo có xu hướng dân chủ (bị cách chức năm 1989 và bị quản chế cho đến khi qua đời vào tháng 1/2005).
Cả hai ông, Triệu Tử Dương và Bào Đồng, vào mùa xuân 1989, đã chống lại giải pháp can thiệp quân sự của phe Đặng Tiểu Bình và Lý Bằng.
Theo lời của người con trai, Bào Phác, thì thân phụ của ông đã bị dẫn đi mất tích và không thể nào truy tìm dấu tích. Cũng theo Bào Phác, thì đây là lần đầu tiên cha ông bị bắt. Trước đây, mỗi đầu tháng 6, an ninh chỉ đến nhà “khuyên” ông đi ra khỏi thủ đô mà không bao giờ cưỡng chế.
Tháng 06/1989, khi phong trào sinh viên, công nhân đòi dân chủ lên cao điểm với hàng chục ngàn người bám trụ tại Thiên An Môn thì Tổng bí thư Triệu Tử Dương và Bào Đồng, do chống lại giải pháp sử dụng quân đội “giải tỏa” quảng trường, bị cách chức, bị bắt giam. Sau đó, Đặng Tiểu Bình và Lý Bằng triệu quân từ Nội Mông về Bắc Kinh để đàn áp.
Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc lúc đầu cho biết có 2600 người chết, nhưng sau đó rút lại con số này. Các hiệp hội bảo vệ nhân quyền thấm định có từ 200 đến 2000 nạn nhân, còn chính quyền Trung Quốc thì hoàn toàn im lặng.
Ông Triệu Tử Dương bị giam và quản chế đến khi qua đời. Ông Bào Đồng bị giam 7 năm và bị quản thúc hơn 10 năm sau đó.
“Trung Quốc phải nhìn nhận sự thật lịch sử”
Trong một phản ứng nhân tưởng niệm 25 năm vụ thảm sát Thiên An Môn, Đài Loan kêu gọi chế độ Trung Quốc “không nên chối bỏ lịch sử mà hãy nhìn vào sự thật”. Hội đồng Hoa lục sự vụ, cơ quan có tránh nhiệm soạn thảo chính sách đối với Trung Quốc cho rằng “biến cố 04/06 là sự kiện không thể chối bỏ được. Phải trực diện nhìn vào lịch sử thì (Trung Quốc) mới làm vết thương lành da, chuyển hóa và mới tiến tới được".
TAGS: AN NINH - CHÂU Á - THIÊN AN MÔN - TRUNG QUỐC - TƯỞNG NIỆM - XÃ HỘI

No comments:

Post a Comment