FDI TQ giảm 'không phải vì giàn khoan'
Cập nhật: 14:14 GMT - thứ năm, 19 tháng 6, 2014
Bắc Kinh nói việc vốn đầu tư trực tiếp (FDI) từ các nước ASEAN vào Trung Quốc suy giảm không liên quan đến tranh chấp trên Biển Đông.
Các bài liên quan
Chủ đề liên quan
Tổng vốn FDI vào Trung Quốc trong tháng Năm giảm 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 8,6 tỷ đôla, hãng thông tấn AFP dẫn báo cáo từ Bộ thương mại nước này cho biết.
Trước đó, trong 5 tháng đầu năm nay, FDI vàoTrung Quốc (không tính khu vực tài chính), tăng 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 48,91 tỷ đôla. Riêng tổng vốn FDI trong tháng Tư là 8,7 tỷ đôla.
Theo báo cáo mới nhất, FDI từ các nước ASEAN vào Trung Quốc trong tháng Năm đã giảm 22,3% xuống còn 2,54 tỷ đôla,
Đầu tư từ Nhật Bản, nhà đầu tư lớn thứ năm tại Trung Quốc, giảm đến 42,2%, Bộ thương mại Trung Quốc cho biết, nhưng không nói rõ tổng vốn FDI hiện nay từ Nhật Bản là bao nhiêu.
Tuy nhiên, cơ quan này vẫn nhận định "nhìn chung, đầu tư từ các nước lớn vào Trung Quốc vẫn giữ đà ổn định".
Căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam đã lên cao trong thời gian gần đây sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền.
Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ thương mại Trung Quốc nói việc FDI từ ASEAN suy giảm không liên quan đến căng thẳng hiện nay.
"Nhìn chung, sự hợp tác của Trung Quốc với ASEAN không bị ảnh hưởng bởi tình hình hiện nay", ông cho biết.
Đề cập đến căng thẳng với Nhật Bản trên Biển Hoa Đông, người phát ngôn Bộ thương mại Trung Quốc cho biết "căng thẳng trong quan hệ chính trị hiện nay sẽ ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác song phương về kinh tế, gây tổn hại đến quan hệ kinh tế, thương mại và ý muốn hợp tác giữa các công ty".
"Nhìn chung, sự hợp tác của Trung Quốc với ASEAN không bị ảnh hưởng bởi tình hình hiện nay"
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc
"Tuy nhiên, người chịu trách nhiệm ở đây không phải là Trung Quốc," ông nói thêm.
Hồi tháng Năm, các cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Tĩnh và Bình Dương đã leo thang thành bạo động khiến nhiều nhà máy, doanh nghiệp Trung Quốc, Đài Loan bị ảnh hưởng.
Bắc Kinh đã cho sơ tán hàng nghìn công dân ra khỏi Việt Nam và yêu cầu Hà Nội bồi thường thiệt hại.
Tổng cục Du lịch Việt Nam đã cảnh báo căng thẳng hiện nay có thể khiến tổng thu từ du lịch giảm hơn 500 triệu đôla trong năm nay.
Mới đây, ông Nguyễn Khắc Lợi, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội cũng thông báo các công ty lữ hành Trung Quốc đã chấm dứt hoạt động trên địa bàn thành phố.
Các tập đoàn nhà nước của Trung Quốc cũng đã nhận được chỉ thị tạm thời không tham gia đấu thầu tại Việt Nam, theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) trong số ra ngày 9/6.
SCMP cho biết ba công ty Trung Quốc đang thực hiện các gói thầu ở Việt Nam cũng nhận được chỉ thị như vậy.
Tăng đầu tư ở Mỹ, Nga, Nhật
Bộ thương mại Trung Quốc cũng cho biết các khoản đầu tư ở nước ngoài của Trung Quốc trong các khu vực phi tài chính đã giảm 10,2% trong 5 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 30,81 tỷ đôla.
Tuy nhiên, đầu tư của Trung Quốc tại Hoa Kỳ tăng 144% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 2,03 tỷ đôla.
Đầu tư của Trung Quốc ở Nga và Nhật Bản tăng lần lượt 105,7% và 141,9%, trong khi đầu tư tại các nước ASEAN tăng 4,2% lên 1,9 tỷ đôla.
Bắc Kinh đã khuyến khích các công ty trong nước mua lại doanh nghiệp nước ngoài để chiếm lĩnh thị trường và thu thập kinh nghiệm từ quốc tế.
Tổng mức đầu tư của Trung Quốc ở nước ngoài trong các khu vực phi tài chính tính đến tháng năm là 556,5 tỷ đôla, theo số liệu từ Bộ thương mại nước này.
No comments:
Post a Comment