Friday, June 20, 2014

Irak tan vỡ : Trách nhiệm của Obama hay Bush ?

Irak tan vỡ : Trách nhiệm của Obama hay Bush ?

Lực lượng an ninh Irak sau một trận đọ súng  tại vùng Diyala, ngày 19/06/2014.
Lực lượng an ninh Irak sau một trận đọ súng tại vùng Diyala, ngày 19/06/2014.
Reuters

Trọng Thành
Irak bên bờ tan vỡ là chủ đề chính được nhiều báo Pháp quan tâm. Le Monde chạy trên trang nhất hàng tựa « Obama hay Bush : Ai đã làm mất Irak ? ». Trong hồ sơ này, tờ báo lớn của nước Pháp đề cập đến một loạt chủ đề như : sự chỉ trích của phe bảo thủ nhắm vào đương kim Tổng thống 11 năm sau cuộc chiến do George Bush phát động, phản ứng dè dặt của Barack Obama trong việc hỗ trợ quân sự đối với Irak…Đặc biệt trong hồ sơ này của Le Monde có bài phân tích « Irak, 34 năm bất hạnh », phác họa lại lịch sử của tấn thảm kịch.

Cuộc tổng tấn công của lực lượng vũ trang thuộc cái gọi là « Nhà nước Hồi giáo tại Irak và Trung Đông » khiến một loạt các cựu lãnh đạo của chính phủ thuộc đảng bảo thủ Hoa Kỳ đồng loạt lên tiếng. Nguyên Phó tổng thống Mỹ Dick Cheney (được mệnh danh là « siêu diều hâu ») chế giễu Barack Obama nói chuyện về « biến đổi khí hậu », trong lúc tình hình đang « máu chảy đầu rơi » tại Irak. Phe bảo thủ Hoa Kỳ tự cho rằng hoàn toàn không dính líu gì đến tình trạng hỗn loạn tại quốc gia Trung Đông này. Lập luận của họ là Irak vốn đã « ổn định, an toàn và vận hành bình thường », khi Barack Obama lên nắm quyền, và chê trách Tổng thống Obama đã ra lệnh rút quân quá sớm khỏi Irak, bất chấp các cảnh báo.
Trên thực tế, hai phần ba người Mỹ cho rằng, việc tấn công Irak theo quyết định của chính quyền Bush là « một sai lầm ». Không khí hiện nay đang trở nên căng thẳng như nhiều năm về trước, khi phe chống chiến tranh đối đầu quyết liệt với phe chủ trương can thiệp quân sự. Liên minh ủng hộ hòa bình Answer (Act Now to Stop War and End Racism) tại Hoa Kỳ kêu gọi biểu tình hôm nay và ngày mai, chống can thiệp bằng ném bom, đồng thời phản đối việc Washington gửi 275 quân nhân tới Bagdad.
Hiện tại, ủng hộ một can thiệp quân sự chỉ là chủ trương của phe « tân bảo thủ » trong chính quyền Mỹ. Trong chuyến công du tại Colombia, Phó tổng thống Joe Biden nhắc lại rằng, Nhà Trắng « hy vọng các nhân nhượng chính trị (của Bagdad), để đổi lại các trợ giúp từ Hoa Kỳ ». Người phát ngôn của chính phủ Mỹ cho biết : « không có giải pháp quân sự cho phép giải quyết các vấn đề của Irak ».
Xung đột Irak : Obama ưu tiên giải pháp ngoại giao
Về khả năng can thiệp Mỹ, Les Echos có bài « Irak : Obama ưu tiên giải pháp ngoại giao so với quân sự ». Trong bối cảnh Irak đang bên bờ tan vỡ, khả năng hình thành một Nhà nước Hồi giáo thánh chiến là hoàn toàn có thể xảy ra, Tổng thống Hoa Kỳ cử một lực lượng 300 binh sĩ tới Irak, đề phục vụ trước hết cho hoạt động tình báo và cố vấn, và tuyên bố sẵn sàng có « hành động có trọng điểm », sau khi tham khảo ý kiến Quốc hội.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry, đang công du trong vùng, nhận định : Người Irak phải vượt qua khác biệt, để tự tìm ra giải pháp với nhau. Cũng như Hoa Kỳ, Pháp có quan điểm là xung đột tại Irak phải được giải quyết bằng con đường chính trị. Thông cáo của Tổng thống Pháp khẳng định « cần phải thành lập nhanh chóng một chính phủ đoàn kết quốc gia », bao gồm các bên (Sunni, Shia và Kurdistan). Điều này cũng có nghĩa là phải tránh đất nước bị chia thành ba miền, và kêu gọi sự hỗ sợ các quốc gia láng giềng hỗ trợ cho giải pháp một Liên bang Irak mới. Việc hỗ trợ các nhóm đối lập tại Syria cũng được tính tới, vì cuộc chiến hiện nay tại Irak được coi là sự tràn bờ của cuộc nội chiến Syria.
Irak : 34 năm bất hạnh
Bài phân tích quan trọng của Le Monde « Irak, 34 năm bất hạnh » vạch rõ những cội nguồn sâu xa của tình trạng xung đột, với những hệ quả khó lường được tại quốc gia Trung Đông này. Theo nhà phân tích Alain Frachon, những câu hỏi mà giới chính trị, cả tả và hữu đặt ra hiện nay ở Hoa Kỳ và Anh Quốc về ai chịu trách nhiệm trong sự tan rã của một trong những quốc gia hùng mạnh nhất vùng Cận Đông che khuất một thực tế tàn khốc. Đó là từ 34 năm qua, Irak chỉ biết đến chiến tranh, trong và ngoài nước, tôn giáo và phi tôn giáo, chủ động và thụ động.
Irak là quốc gia do đế chế Anh thành lập bao gồm ba bộ phận, người Kurdistan, người Ả Rập theo hệ phái Sunni và người Ả Rập theo hệ phái Shia trên đống hoang tàn của đế chế Ottaman vào năm 1921. Theo nhà chính trị học Pierre-Jean Luizard, Irak là Nhà nước « được dựng lên để chống lại chính xã hội của mình ». Đời sống chính trị tại Bagdad trước 1979 chưa bao giờ bình yên, nhưng kể từ 1979 trở đi quốc gia này thực sự rơi vào địa ngục, sau khi Saddam Hussein lên nắm quyền, cùng lúc với cuộc cách mạng Hồi giáo tại Iran.
Chế độ của Hussein, với nòng cốt là đảng Baas của người Sunni - vừa thành công về kinh tế, xã hội, vừa hết sức độc tài về chính trị - là một « sản phẩm lai ghép » giữa một chủ nghĩa dân tộc Ả Rập và một chủ nghĩa thế tục cấp tiến. Chế độ này đã loại trừ người Shia và thanh trừng người Kurd.
Cuộc chiến tranh kéo dài 8 năm (kết thúc năm 1988) với nước Iran Hồi giáo, khiến nước Irak « vô thần »không thể gượng dậy. Bị các quốc gia quân chủ vùng Vịnh từ chối giúp đỡ tài chính, Irak trả thù bằng cách tấn công Koweit. Để rồi từ đó, bi kịch nối tiếp bi kịch, với hai lần can thiệp của quân đội Mỹ dưới chính quyền thuộc phe bảo thủ. Hai lần can thiệp bị rất nhiều chỉ trích. Thực tế cho thấy Saddam Hussein không sở hữu vũ khí hạt nhân, không có liên hệ với Al-Qaida, hay cuộc khủng bố 11/09/2001, như nguyên Tổng thống « Bush con » cáo buộc. Theo nhà phân tích của Le Monde, « cuộc chiếm đóng (Irak của chính quyền Bush) làm tan rã những gì sót lại của Nhà nước Irak, khiến Al-Qaida phục sinh và đưa những người Shia cực đoan nhất lên nắm quyền ». Sau khi người Mỹ rút, đối đầu giữa hai cộng đồng Sunni và Shia ngày càng gia tăng. Sự sụp đổ của Nhà nước Irak khiến các chia rẽ tôn giáo càng trở nên quyết liệt, như những gì diễn ra tại Syria. « Tương lai của Irak sẽ còn là chiến tranh », nhà bình luận tỏ ra hết sức bi quan.
Biển Đông : Hà Nội – Bắc Kinh, cuộc đối thoại không thể có
Về căng thẳng tại Biển Đông, báo Les Echos có bài nhận định « Hà Nội – Bắc Kinh, cuộc đối thoại không thể có tại vùng Biển phía nam Trung Quốc ». Les Echos chú ý đến việc lãnh dạo Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì (Yang Jiechi) tới Việt Nam « tìm cách nối lại đối thoại », bị phá vỡ do việc Bắc Kinh đưa giàn khoan vào vùng biển mà Việt Nam tuyên bố thuộc đặc quyền của nước mình.
Về mặt chính thức, Trung Quốc kêu gọi hòa dịu. Trong chuyến công du tại Luân Đôn, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (Li Keqiang) tuyên bố « tham vọng bành trướng lãnh thổ không có trong gen của người Trung Quốc ». Tuy nhiên, trên thực địa, tình hình vẫn căng thẳng : trong những ngày gần đây Trung Quốc đưa ít nhất 136 tàu, trong đó có 5 tàu chiến đến khu vực giàn khoan. Đặc biệt là, Bắc Kinh « không có ý định chấp nhận nhân nhượng nào về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, được coi là thuộc về lãnh thổ Trung Quốc kể từ năm 1974. Mà một phần của quần đảo này bị sáp nhập vào năm 1958 ».
Theo nhà nghiên cứu Jean Brisset ở Iris – Viện các quan hệ quốc tế và chiến lược Pháp – « Bắc Kinh lo ngại việc xung đột bị quốc tế hóa ». Sébastien Collin, một chuyên gia về biên giới Trung Quốc tại INALCO - Viện Nghiên cứu về các ngôn ngữ và văn minh Phương Đông, « Trung Quốc không muốn các nước Đông Nam Á thành lập một mặt trận chung, chống lại Bắc Kinh ». Theo Les Echos, tiếp theo Philippines, Việt Nam đang sẵn sàng nộp đơn kiện lên Tòa án trọng tài Liên Hiệp Quốc về luật biển tại La Haye. Malaysia và Indonesia bắt đầu bức xúc về cách hành xử của Trung Quốc. Chỉ có tiểu quốc Hồi giáo Brunei là im lặng.
Les Echos nhận định, vào giai đoạn này, khả năng hành động của Trung Quốc rất hạn chế. Chắc chắn, Bắc Kinh phải thuyết phục Hà Nội không kiện lên La Haye. Rõ ràng là áp lực của Trung Quốc lên Việt Nam sẽ còn kéo dài.
Vũ khí hóa học Syria : Bất đồng đầu tiên giữa Mỹ và Nga
Về thời sự Trung Đông, Le Monde chú ý tới « Bất đồng đầu tiên giữa Washington và Matxcơva về hệ thống vũ khí hóa học của Syria ». Trong bản báo cáo ngày 16/06, Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OIAC) đã khẳng định là khí độc chlorine đã được sử dụng trong các vụ tấn công gần đây tại Syria.
Báo cáo của Tổ chức cấm vũ khí hóa học dựa vào lời chứng của hai bác sĩ có mặt trong vụ quân đội Syria tấn công vào Kafr-Zita, ngoại ô vùng Hama, ở phía tây bắc Syria, ngày 19/05. Các chuyên gia cũng khai thác các băng video và các mảnh đạn pháo. Tuy nhiên, do tình hình chiến sự, các nhà điều tra không thể tới thực địa để thu lượm bằng chứng và gặp gỡ các nạn nhân. Trong cuộc họp kín ngày 17/06, đại diện của Mỹ bên cạnh tổ chức OIAC, đã tố cáo trách nhiệm của chính quyền Damas. Phía Syria đáp trả rằng đó là trách nhiệm của những kẻ tài trợ khủng bố quốc tế.
Vào giữa tháng Năm, chính quyền Syria đã nói với các thanh tra OIAC rằng một nhà máy sản xuất khí chlorine, cách thành phố Alep khoảng 40 km, đã bị phe đối lập đánh chiếm và phe này còn lấy được các sản phẩm hóa chất ở Tartous và Al Bayda. Một số nhà ngoại giao phương Tây đã ủng hộ đề nghị của Hoa Kỳ đình hoãn cuộc họp của OIAC trong khi chờ đợi ý kiến của chính phủ các nước thành viên về các kết luận của các thanh tra thuộc tổ chức này. Ngay lập tức, Nga đã phản đối. Một nhà ngoại giao cho biết, « lần đầu tiên, đã có sự bất đồng công khai, được bày tỏ rõ ràng trong cuộc họp giữa Matxcơva và Washington, hai nước đồng bảo trợ (hiệp định giải trừ vũ khí hóa học Syria) ». Và đây là « một bước ngoặt ».
Sau vụ quân đội Syria sử dụng vũ khí hóa học tấn công vào một vùng ngoại ô Damas, ngày 21/08/2013, Mỹ và phương Tây đã đe dọa can thiệp quân sự vào nước này. Vào giờ chót, Nga đã cứu chế độ Damas bằng việc ký kết được một thỏa thuận với Hoa Kỳ, hồi tháng 09/2013, liên quan đến việc hủy bỏ mạng lưới vũ khí hóa học của Syria. Theo văn bản này, mạng lưới vũ khí nói trên sẽ bị hủy bỏ hoàn toàn vào tháng 06/2014. Thế nhưng, kế hoạch này không được thực hiện đúng tiến độ. Cho đến nay, 92% trong số 1200 tấn chất hóa học mà Syria khai báo, đã được hủy bỏ hoặc di chuyển đến nơi khác đặt dưới sự kiểm soát của các thanh tra quốc tế.
Từ tháng Tư đến nay, kế hoạch phá hủy ngừng hẳn lại. Trong khi đó, mới chỉ có 13 trong số 51 cơ sở sản xuất vũ khí hóa học mà Damas khai báo, được vô hiệu hóa, nhưng không bị phá hủy. Nhiều quốc gia đã tố cáo sự thờ ơ của chính quyền Damas, không tham gia tiến trình phá hủy vũ khí hóa học và sự tốn kém của kế hoạch này.
Tuy nhiên, điều mà các chuyên gia quốc tế lo ngại là có thể hệ thống vũ khí hóa học của Syria lớn hơn rất nhiều so với những gì mà Damas công bố. Trong khi đó, OIAC hoạt động theo nguyên tắc lòng tin và tự nguyện khai báo của nước liên quan. Từ nhiều tháng qua, OIAC đã có các cuộc thảo luận để khuyến khích chính quyền Damas bổ sung bản khai báo, được đưa ra từ tháng 10/2013. Các nước thành viên có thể tố cáo những cơ sở hoặc các kho vũ khí không khai báo. Thế nhưng, cái khó nhất là phải có được bằng chứng cụ thể.
Chống tham nhũng : Chiến lược của Hoa Kỳ tại Đông Âu
Trang phân tích báo Le Monde hôm nay có bài « Hoa Kỳ hoàn thiện chiến lược tại Đông Âu ». Ngày 20/05 vừa qua, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden công du Rumani trong hai ngày. Vào lúc đang xẩy ra cuộc khủng hoảng Ukraina, mọi người đều nghĩ lãnh đạo Hoa Kỳ sẽ nói về vấn đề phòng thủ, về bốn căn cứ quân sự Mỹ đặt trên lãnh thổ Rumani, hoặc dự án lá chắn chống tên lửa. Thế nhưng, chủ đề chính mà ông Joe Biden đề cấp đến là vấn nạn tham nhũng tại Rumani.
Phó Tổng thống Mỹ giải thích : « Tham nhũng ảnh hưởng không chỉ đến nền kinh tế của một nước mà còn đến cả an ninh quốc gia. Gần đây, chúng ta đã thấy các quốc gia khai thác nạn tham nhũng để tạo ảnh hưởng độc hại và phá hoại chủ quyền, độc lập của các nước láng giềng. Tham nhũng đã trở thành một công cụ của chính sách đối ngoại. Khi các chính trị gia có thể bị mua chuộc, khi tư pháp có thể bị thao túng và khi các phương tiện truyền thông trở thành công cụ tuyên truyền, thì quốc gia đó có thể bị thao túng từ bên ngoài. Chính vì thế các quốc gia không kiểm soát được số phận của mình. Chúng ta đã thấy tất cả những điều này tại Ukraina ».
Trong tiến trình hoàn thiện chiến lược tại Đông Âu, Hoa Kỳ đã nhắc nhở các đối tác của « Châu Âu mới » rằng an ninh của họ không chỉ phụ thuộc vào những bảo đảm quân sự từ phía Washington. Nạn tham nhũng không chỉ còn là một vấn đề đối nội, mà đó còn là một công cụ trong chiến tranh lạnh và Nga bắt đầu sử dụng.
Kể từ khi gia nhập Liên Hiệp Châu Âu, năm 2007, Rumani đã chịu sức ép rất lớn từ phía Hoa Kỳ để ngăn chặn tệ nạn này. Theo báo Le Monde, Rumani giờ đây đã đi đầu trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng.
Trong những năm gần đây, các thẩm phán Rumani đã tiến hành một chiến dịch « Bàn tay sạch », làm thay đổi bàn cờ chính trị nước này. Nhiều chính khách hàng đầu đã phải vào tù, nhịp độ bắt giữ gia tăng. Các nhà tù Rumani ngày càng đón nhiều Bộ trưởng, dân biểu, tỉnh trưởng, thậm chí cả cựu Thủ tướng Adrian Nastase. Theo số liệu của Cơ quan chống tham nhũng quốc gia – DNA, thuộc viện Kiểm sát, năm 2011 có 298 vụ kết án, đến năm 2013, con số này lên đến 1000.
Theo quan sát của Le Monde, thành viên của cơ quan chống tham nhũng quốc gia đa số là trẻ và chính họ đã phát động chiến dịch « Bàn tay sạch ». Các thẩm phán trẻ nhấn mạnh, cái khó không phải là thay đổi luật pháp và thủ tục tố tụng, mà đó là cần thay đổi tâm lý.
Hoa Kỳ đã nhận thấy có sự thay đổi trong cuộc chiến chống tham nhũng tại Rumani và chuyến công du của Phó Tổng thống Joe Biden là nhằm thúc đẩy hoàn thiện hệ thống tư pháp của quốc gia chịu trách nhiệm bảo đảm an ninh cho đường biên giới phía đông của khối NATO và Liên Hiệp Châu Âu.
TAGS: QUỐC TẾ - IRAK - ĐIỂM BÁO - HỒI GIÁO - CHÍNH TRỊ - HOA KỲ

No comments:

Post a Comment