Thursday, December 31, 2015

Tướng Lê Đức Anh, đưa VN thoát vòng xoáy nước lớn

Tướng Lê Đức Anh, đưa VN thoát vòng xoáy nước lớn

“Khi mâu thuẫn Trung - Xô chuyển thành mâu thuẫn đối kháng, rồi xuất hiện xu hướng liên kết Mỹ - Trung chống Liên Xô bằng "con bài Việt Nam” đã khiến ta rơi vào vòng xoáy giữa các mối mâu thuẫn giữa các nước lớn.”, đại tướng Lê Đức Anh
LTS:Năm 2016 được xác định có ý nghĩa đặc biệt đối với kinh tế - xã hội khi Việt Nam là thành viên trong Khối Cộng đồng Kinh tế Asean (AEC). Từ những ý kiến nhận định sáng suốt của Đại tướng-nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh tại thời điểm hơn 40 năm trước, thư ký của ông, Đại tá Khuất Biên Hòa đã viết về câu chuyện “Ý tưởng gia nhập Asean – khởi điểm hành trình đến AEC hôm nay”.
Trong vòng xoáy các nước lớn
Trước thềm Đại hội Đảng VI, khi đại hội Đảng toàn quân từ ngày 13-18/10/1986 , đồng chí Lê Đức Anh được bổ nhiệm làm Tổng tham mưu trưởng thay cho Đại tướng Tổng tham mưu trưởng Lê Trọng Tấn vừa đột ngột qua đời. Vừa nhậm chức, ông lập tức lên thị sát biên giới phía Bắc, rồi trở vào Nam Trung Bộ thám sát tất cả các đảo của quần đảo Trường Sa và quân cảng Cam Ranh. Lúc này, nhận định về vị thế “VN đang bị cuốn vào các vòng xoáy các nước lớn” trong tâm trí ông càng rõ.
Sau khi được bổ nhiệm là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Lê Đức Anh có điều kiện để trình bày một cách đầy đủ với Bộ Chính trị về những nhận định và đề xuất ý tưởng của mình.
Lê Đức Anh, nước lớn, ASEAN, hội nhập, Đổi Mới
Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh.
Tại cuộc họp Bộ Chính trị hẹp tại Nhà con rồng – Sở chỉ huy Bộ Quốc phòng tại Hoàng thành Thăng Long tháng 2/1987, ông đã trình bày toàn bộ báo cáo phân tích và nhận định về tình hình thế giới, trong nước, biên giới, đồng thời đưa ra ý tưởng phải tìm cách để đưa VN “thoát ra khỏi vòng xoáy ba nước lớn” là Liên Xô, Trung Quốc và Mỹ:
- 30/4/1975, ta giải phóng miền Nam. Sau đó 5 tháng, từ 19 đến 23/10/1975, cấp cao Mỹ-Trung đã gặp nhau ở Bắc Kinh và ngay sau đó ở Wasinhton, thỏa thuận 5 điểm với nội dung chủ yếu là: Mỹ sẽ viện trợ quân sự cho Trung Quốc trị giá một tỷ USD, đồng thời mở cửa thị trường và hỗ trợ kinh tế cho Trung Quốc. Đổi lại, sau 18 tháng chuẩn bị, Trung Quốc sẽ dùng tập đoàn Pôn Pốt đánh VN từ hướng Tây Nam. Bên cạnh đó, Mỹ-Trung dùng các nước thứ ba bao vây VN từ các hướng khác…
Mâu thuẫn Xô-Trung có từ những năm 50, rõ nhất từ sau Hội nghị 81 Đảng cộng sản và công nhân, mùa Thu 1960 ở Matxcơva – từ mâu thuẫn về quan điểm, đường lối, đã trở thành mâu thuẫn đối kháng và ngày càng gay gắt.
Sau khi có “Hiệp định hợp tác toàn diện Xô-Việt”, Liên Xô một mặt đưa Hải quân và Không quân tới đóng và hoạt động ở quân cảng Cam Ranh, lập cầu hàng không vận chuyển vũ khí và phương tiện chiến đấu cho Việt Nam, một mặt thiết lập “đoàn cố vấn quân sự” từ cấp sư đoàn bộ binh và trung đoàn binh, quân chủng kỹ thuật trở lên.
Họ cũng yêu cầu ta bỏ “cơ chế Đảng ủy” trong Quân đội, đồng thời đưa cả 19 sư đoàn bộ binh lên áp sát biên giới Việt-Trung. Chưa hết, họ còn đề nghị ta thành lập Quân đoàn thứ 10. Nếu làm như vậy quân số thường trực sẽ lên tới một triệu sáu. Không một nền kinh tế nào có thể nuôi nổi, huống hồ ta vừa thoát ra khỏi cuộc chiến tranh kéo dài hơn 30 năm. Có thể hình dung, trong “Đội hình tiến công” của Liên-xô, quân cảng Cam Ranh như một mũi dao, còn bộ đội Việt Nam áp sát biên giới như một tên lính xung kích.
Khi mâu thuẫn Trung - Xô chuyển thành mâu thuẫn đối kháng (trước đã có, bây giờ tăng lên), rồi xuất hiện xu hướng liên kết Mỹ - Trung chống Liên Xô bằng "con bài Việt Nam” đã khiến ta rơi vào vòng xoáy giữa các mối mâu thuẫn giữa các nước lớn.
Vấn đề đặt ra là làm thế nào để thoát khỏi vòng xoáy này mà vẫn giữ được độc lập dân tộc?
Sau khi phân tích tình hình, đại tướng đã đề xuất ba bước đi cơ bản và cần thiết: Thứ nhất, hoạt động tích cực để “tháo ngòi nổ xung đột biên giới” tiến tới lập lại quan hệ bình thường hóa với Trung Quốc; Thứ hai, tháo gỡ thế bao vây cấm vận của Mỹ để tiến tới thiết lập quan hệ bình thường với Hoa Kỳ như ý kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và hai Cố vấn Trường Chinh và Phạm Văn Đồng; Thứ ba, tìm đường gia nhập ASEAN.
Theo Đại tướng, nếu đạt được 2 mục tiêu đầu ta sẽ thoát ra khỏi vòng xoáy mâu thuẫn, thoát khỏi tầm ảnh hưởng của các nước lớn nói trên. Tiếp đó, khi vào được ASEAN sẽ là bước đi để chúng ta thoát khỏi vòng xoáy ba nước lớn một cách bền vững.
Địa chính trị Việt Nam
Sau thất bại chiến tranh Việt Nam, Mỹ đã câu kết với Trung Quốc, dùng Pôn Pốt ở Campuchia trả thù ta và ngăn chặn sự ảnh hưởng của Việt Nam với khu vực. Kế hoạch này đã thất bại.
Trong khi Mỹ chưa có chính sách mới đối với Việt Nam là thời cơ để ta có thể tiến hành phá bao vây cấm vận. Nhiều lãnh đạo của các nước ASEAN lệ thuộc Mỹ và Trung Quốc. Nếu ta tìm cách gia nhập ASEAN để nâng tinh thần độc lập tự chủ của họ lên, họ sẽ dần cảm thấy không bị lệ thuộc vào Trung Quốc và Mỹ nữa.
Lúc đó cũng có ý kiến băn khoăn, liệu vào ASEAN ta có lôi kéo được họ không hay ta lại bị họ lôi kéo? Và, liệu họ có chịu không? Vì nếu xét ở khía cạnh kinh tế họ sẽ không chịu mình đâu...
Đại tướng phân tích: “Nếu chỉ vì mục đích kinh tế thì khó, vì ta đang nghèo. Nhưng ta có hai cái "giàu" là giàu về chính trị và về địa lý, giàu về tiềm năng con người. Ban đầu về kinh tế có thể ta chưa có lợi gì, nhưng về chính trị thì ta có thế của một nước độc lập có chủ quyền, mà nền độc lập của ta không phải nói suông, cả dân tộc ta đã đổ bao nhiêu mồ hôi, xương máu và trí tuệ mới có được. Lòng tự trọng, tự tôn dân tộc thì anh nào cũng có. Ta vào thì họ sẽ có chỗ dựa về chính trị để họ vươn lên vì từ trước đến nay họ thường xuyên bị nước lớn chi phối. Họ cần ở ta là cần về chính trị trước tiên, mà ta lại có "vốn lớn" về chính trị. Trong khối Asean hiện tại một số nước trước đây rất "căng" với ta, gần đây đã có những dấu hiệu thay đổi. Sẽ có những nước ủng hộ ta. Ta sẽ đặt chân vào Asean từ cánh cửa của những nước như vậy.
Ông nói thêm, nhưng những bước đi đầu tiên phải hết sức bí mật và thận trọng. Nếu ta không vào thì Mỹ và một số nước lớn sẽ tiếp tục phá ta, thậm chí tiếp tục dùng một số nước ASEAN để phá ta. Khi ta vào được thì họ không phá được ta mà ngược lại, ta sẽ là chỗ dựa về chính trị để các nước ASEAN vươn lên.”    
Phân tích thấu đáo của Đại tướng đã được đồng tình cao. Cố vấn Phạm Văn Đồng nói: "Việc này bên Ngoại giao làm là đúng chức năng, Bộ Quốc phòng phải phối hợp. Việc lớn này cả Đảng và Nhà nước cùng làm mới xong". Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch tiếp lời: "Bây giờ các anh cứ quyết, tôi xin làm ngay!". Cố vấn Trường Chinh  đề nghị “giao cho anh Lê Đức Anh làm cái đoạn "mở đầu". Mọi người cùng nhất trí…
Ngăn Liên Xô đưa đầu đạn hạt nhân vào Cam Ranh
Song song với việc thực thi kế hoạch “Tháo ngòi nổ cuộc xung đột Biên giới phía Bắc” và đạt tới thành công, Đại tướng Lê Đức Anh đã tiến hành nghiên cứu kỹ lưỡng văn bản Hiệp định giữa Việt Nam ký kết cùng Liên Xô.
Nhận thấy không có điều khoản nào nói Liên Xô được đưa đầu đạn hạt nhân vào Cam Ranh. Sau khi được Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đồng ý, Đại tướng đã làm việc với Đại sứ Liên Xô tại Việt Nam, yêu cầu không đưa đầu đạn hạt nhân, tàu ngầm quân sự vào khu vực cảng Cam Ranh. Người Nga nhận thấy nếu không đưa được tàu ngầm mang đầu đạn H vào Cam Ranh, thì mục tiêu không đạt được nên đã đồng ý rút khỏi Hiệp định sớm 4 năm, bộ đội Hải quân và Không quân Nga cũng rút khỏi Cam Ranh.
Ngay sau khi Nga rút, VN đã kí với ASEAN Hiệp định “Khu vực Đông Nam Á là khu vực phi hạt nhân”. Các nước Asean rất đồng tình và thấy rõ VN có thiện chí. Đây chính là bước ngoặt quan trọng để sau đó Việt Nam từng bước đạt được những lộ trình quan trọng và cơ bản của 3 mục tiêu đã đề ra, sau cùng là chính thức gia nhập Hiệp hội ASEAN:
Tháng 11/1991, Việt Nam và Trung Quốc ký Hiệp định lập lại quan hệ bình thường.
Tháng 7/1993, Tổng thống Bill Clinton đã mở đường cho các tổ chức tài chính quốc tế gồm IMF, WB bắt đầu cung cấp tín dụng cho VN. Tháng 2/1994, Mỹ tuyên bố chấm dứt cấm vận sau 19 năm. Ngày 12/7/1995, VN và Mỹ chính thức lập quan hệ bình thường, lập văn phòng ngoại giao.
Ở vị trí Chủ tịch Nước, ngày 29/4/1994, Đại tướng Lê Đức Anh đã thăm Indonesia và gặp Tổng thư kí khối ASEAN. Tại cuộc gặp này, ông đã chia sẻ ý định gia nhập ASEAN của Việt Nam và nhận được ủng hộ. Sau đó, là các cuộc viếng thăm của Thủ tướng Võ Văn Kiệt và các thành viên Chính phủ đã diễn ra. Cuối cùng chúng ta đã trở thành thành viên của ASEAN vào ngày 28/71995
***
Nhìn lại ý tưởng hội nhập khởi đầu đưa ra từ Đại hội VI đến cuối nhiệm kì Đại hội VII, đặc biệt nhiệm kỳ 91-97 là giai đoạn VN ĐỔI MỚI toàn diện dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác đối ngoại đã được triển khai thận trọng, nghiêm túc và thu được kết quả quan trọng.
Ta đã làm cho bạn bè quốc tế hiểu rõ và ghi nhận chính sách của Đảng, Nhà nước và Nhân dân VN – kiên trì đường lối đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa trên nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình, tôn trọng độc lập chủ quyền, không can thiệp vào nội bộ của nhau – hợp tác cùng có lợi.
Thành quả của công tác đối ngoại và kết quả của công cuộc đổi mới đất nước đã thực sự nâng tầm vị trí VN trên trường quốc tế. Khẩu hiệu “VN muốn là bạn và đối tác tin cậy của tất cả các nước và các dân tộc trên thế giới” đã trở thành hiện thực. Từ đây, ta đã tranh thủ được sự giúp đỡ, khai thác được thế mạnh của từng quốc gia, từng tổ chức quốc tế vào công cuộc tái thiết, xây dựng đất nước của ta. AEC ngày hôm nay, là thành tựu, thành quả của một bước tiến dài trong ý tưởng – kế hoạch – thực thi mục tiêu độc lập, phát triển, tiến bộ của con người Việt Nam, nhân dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.
Đại tá Khuất Biên HòaThư ký của Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh.

Tam cường Mỹ-Nga-Trung: Cắt nghĩa giấc mộng Trung Hoa

Tam cường Mỹ-Nga-Trung: Cắt nghĩa giấc mộng Trung Hoa

(Quan hệ quốc tế) - Những hành động từ trước đến nay của Trung Quốc luôn thống nhất và đều phục vụ cho "giấc mộng Trung Hoa" của họ.

Giấc mộng Trung Hoa
Trong cuộc trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Nguyễn Huy Quý, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc đã đề cập đến "giấc mộng Trung Hoa" của Trung Quốc và nhấn mạnh, tất cả những hành động của Trung Quốc đều phục vụ cho giấc mơ này.
Theo ông, mỗi con người, mỗi quốc gia đều có những giấc mơ và phấn đấu cho giấc mơ đó. Giấc mộng Trung Hoa, hiểu một cách đơn giản là biến Trung Quốc thành số 1 thế giới. Giấc mơ đó không xấu, nó mang ý nghĩa đại phục hưng dân tộc, thể hiện khát vọng biến Trung Quốc thành quốc gia mạnh nhất thế giới.
Tam cuong My-Nga-Trung: Cat nghia giac mong Trung Hoa
Mối quan hệ Mỹ-Nga-Trung là mối quan hệ biện chứng, vừa hợp tác vừa đấu tranh với nhau
Khi ông Tập Cận Bình lên Chủ tịch Trung Quốc đã nói khá rõ về "giấc mơ Trung Hoa": phải cải cách, mở cửa, xây dựng CNXH, đem lại hạnh phúc cho nhân dân. Điều đó không có gì sai. Nhưng Trung Quốc có cuốn sách "Giấc mộng Trung Hoa" và nhiều cuốn sách khác nói rất cụ thể, rất trắng trợn về giấc mộng này.

Advertising in 21 Seconds
"Trung Quốc muốn trở thành số 1 thế giới không có gì sai, vấn đề là cách thực hiện của họ như thế nào. Trung Quốc ngày nay không nghèo khổ nữa và tiếp tục giàu lên, có độc lập dân tộc, kinh tế phát triển. Nhưng tinh thần chủ yếu là họ muốn lãnh đạo thế giới.
Trong cuốn "Giấc mộng Trung Hoa" nói rất rõ: Trung Quốc mạnh nhất thế giới chưa đủ mà phải làm lãnh tụ thế giới vì Trung Quốc có nền văn hóa ưu việt nhất thế giới. Cố chủ tịch Mao Trạch Đông cũng từng tuyên bố: Ta phải mạnh nhất thế giới nếu không Mỹ sẽ xóa tên ta trong cầu tịch. Đó là tư tưởng: ta mạnh lên thì người phải chết, ta yếu thì người giết ta.
Trung Quốc muốn làm lãnh tụ thế giới, nhưng ai bầu? Thế giới có cần lãnh tụ hay không? Ngày xưa Tổng thống Truman tuyên bố lãnh đạo thế giới, nhiều nước phản đối. Bây giờ Trung Quốc muốn làm "lãnh tụ" (chứ không phải là lãnh đạo!), thậm chí nói rằng Trung Quốc có kinh nghiệm lãnh tụ thế giới. Thế nhưng trong lịch sử chưa bao giờ Trung Quốc làm lãnh tụ thế giới. Nếu hiểu lãnh tụ như vậy nghĩa là thiên triều cai trị chư hầu, Trung Quốc chỉ làm lãnh tụ ở trong cương vực Trung Hoa gồm có chính phủ trung ương (thiên triều) ở Bắc Kinh và các chư hầu. Làm lãnh tụ thế giới có nghĩa là thống trị thế giới. Đây là điều Trung Quốc nói ra.
Còn văn hóa, Trung Quốc đã sai khi nói họ có nền văn hóa ưu việt nhất thế giới. Khi nghiên cứu văn hóa thế giới không nên đặt vấn đề ai hơn ai kém mà chỉ đặt vấn đề khác nhau thế nào.
Chúng ta không phê phán "giấc mộng Trung Hoa" nói chung - muốn giàu mạnh số 1 thế giới của Trung Quốc- nhưng, điều ẩn giấu mà Trung Quốc không nói ra đó là giấc mộng bá vương, tức giấc mộng thiên triều, cai trị thế giới với danh nghĩa lãnh tụ, âm mưu đó không chấp nhận được", PGS.TS Nguyễn Huy Quý phân tích.
Những hành động từ trước đến nay của Trung Quốc luôn thống nhất và đều phục vụ cho "giấc mộng Trung Hoa" của họ. Việc Trung Quốc lợi dụng mâu thuẫn giữa Nga-Mỹ để vươn lên là chuyện lâu nay họ vẫn làm và trong năm 2015 thể hiện rất rõ.
Trung Quốc không nói lời thật lòng
Xét về mối quan hệ kiềng ba chân Mỹ-Nga-Trung, PGS.TS Nguyễn Huy Quý cho rằng đó là mối quan hệ vừa hợp tác vừa cạnh tranh.
Nga-Trung muốn xích lại gần nhau để chống Mỹ nhưng Mỹ-Trung cũng bắt tay để phân tán Nga, Nga-Mỹ có lúc căng thẳng với nhau nhưng cũng hợp tác với nhau để ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Mỹ hiện là siêu cường duy nhất, quyết định tất cả. Mỹ xác định Trung Quốc là cường quốc có khả năng cạnh tranh vai trí của Mỹ trong tương lai nhưng về mặt quân sự, Nga mới là đối thủ chủ yếu cạnh tranh tại liên lục địa Á-Âu.
Cũng theo vị chuyên gia, thế kỷ XX có 2 cuộc đại chiến, âm mưu của Mỹ rất rõ ràng: họ liên kết với Anh-Pháp tiêu diệt Nga, đồng thời lợi dụng Nga để làm suy yếu các cường quốc Tây Âu. Chiến tranh nổ ra ở châu Âu và châu Âu sẽ suy thoái, còn Mỹ được che chắn với hai đại dương (Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương). Đại chiến Thế giới 1 phút chót Mỹ mới nhảy vào, tương tự Đại chiến Thế giới 2 khi Nhật đánh Trân Châu Cảng thì Mỹ mới tham gia. Thế nhưng, lợi thế đó đến nay không còn nữa.
"Các cường quốc có mối liên hệ biện chứng, đan xen nhau. Trước mắt, giữa cuộc  tranh quyền của Mỹ, Trung-Nga càng phải xích lại gần nhau để có cái thế hơn Mỹ", ông Quý lưu ý. 
Dù vậy, Trung Quốc và Mỹ cũng dè chừng Nga vì Nga từng là một siêu cường, nếu có những lãnh tụ liên tục như Vladimir Putin họ sẽ khôi phục được vị trí siêu cường. Trung Quốc vốn mâu thuẫn với Nga, sau này do yêu cầu mà liên kết với Nga nhưng bản thân Nga-Trung không phải đồng minh.

Quần đảo Trường Sa trong tầm nhìn địa chiến lược

Quần đảo Trường Sa trong tầm nhìn địa chiến lược

(Bình luận quân sự) - Bất kỳ hoạt động nào trên khu vực Biển Đông của Trung Quốc đều gắn chặt và tương tác lớn với địa thế chiến lược của Việt Nam.

Lâu nay các nhà quân sự, chính trị đã phân tích, nêu bật rất nhiều ý nghĩa, vai trò của quần đảo Trường Sa trong chiến lược của Trung Quốc, đều cho rằng, xây các căn cứ quân sự trên đó để khống chế Biển Đông, khống chế tuyến hàng hải quốc tế và eo biển Malacca; bảo vệ “đường sinh mạng” của mình, hay, để biến Biển Đông thành ao nhà, biến thành nơi trú ẩn cho tàu ngầm, là nơi xuất phát tấn công lý tưởng để phá vỡ hệ thống bao vây của Mỹ ngăn chặn Trung Quốc tiến ra Thái Bình Dương….
Tuy nhiên, mọi điều có vẻ như chưa đủ và chưa thực tế về tầm nhìn chiến lược lâu dài của Trung Quốc trên Biển Đông và khu vực ĐNA.
Sự cọ xát mạnh về địa chính trị trên khu vực châu Á-TBD qua hoạt động của các cường quốc, càng ngày càng lộ rõ đáp án cốt lõi, phần nào giúp ta hiểu được vấn đề…
Tránh “dãy đá ngầm” Malacca….
Nếu như Trung Quốc coi tuyến hàng hải trên Biển Đông như là “đường sinh mạng” của mình thì eo biển Malacca chính là tử huyệt. Khi eo biền Malacca bị phong tỏa thì tuyến hàng hải từ Ấn Độ dương, Trung Đông qua Biển Đông bị tê liệt. Vấn đề đặt ra ở đây là mối quan hệ giữa eo biển Malacca và QĐ Trường Sa là gì? Tại sao QĐ Trường Sa, địa quân sự của nó, với Trung Quốc, quan trọng hơn, là để tránh eo biển Malacca?
Trước hết mà nói, khi đã gọi khống chế tuyến hàng hải thì phải bảo đảm 2 điều kiện là ngăn chặn được đối phương và bảo vệ được mình, nói cách khác là “đánh chuột nhưng không làm vỡ bình”.
Trung Quốc với khả năng của PLAN với các căn cứ quân sự trên các đảo Trường Sa, Hoàng Sa thì có thể ngăn chặn được tuyến hàng hải qua Biển Đông đến Nhật Bản và Đông Bắc Á nếu một cuộc đối đầu với liên minh quân sự của Mỹ xảy ra. Nhưng tất nhiên, khi đó đối phương cũng sẽ không ngồi nhìn mà sẽ phong tỏa eo biển Malacca. Lối vào Biển Đông bị bịt kín không phải bởi Trung Quốc mà bởi Mỹ-Singapo-Malaysia sẽ khiến Trung Quốc ngạt thở. Trong khi đó, hiện tại, Trung Quốc không có khả năng để khống chế eo biển Malacca theo phương thức “cấm đối phương nhưng không cấm ta”. Vì vậy, khi không làm chủ được eo biển Malacca thì Trung Quốc có được quần đảo Trường Sa và những căn cứ quân sự trên đó chí có ý nghĩa về chủ quyền mà vai trò quân sự của nó chưa khiến Mỹ và liên minh lo lắng, bất an như giới quân sự Mỹ đã phân tích.
Đương nhiên, Trung Quốc quyết tâm, bất chấp tất cả, bỏ ra bao nhiêu tiền của, công sức, uy tín quốc tế bị lên án, để xâm phạm trái phép quần đảo Trường Sa, bồi lấp những đảo đã chiếm được của Việt Nam thành những căn cứ quân sự…không phải để phục vụ cho mục tiêu nhỏ, ngắn hạn như vậy trên Biển Đông. Trung Quốc xây dựng các căn cứ quân sự trên QĐ Trường Sa để loại bỏ eo biển Malacca, không phụ thuộc vào nó.
Với hơn 85% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc phải đi qua eo biển Malacca, nếu như hoàn toàn phụ thuộc vào eo biển này, tức là vào Mỹ thì Trung Quốc sẽ hoàn toàn bị động về chiến lược, bị khống chế về an ninh năng lượng. Vì thế eo biển Malacca là “dãy đá ngầm” nguy hiểm nhất trên tuyến hàng hải sống còn của Trung Quốc nên phải tránh và trong thực tế Trung Quốc cũng đã “vòng tránh” bằng việc xây dựng đường ống dẫn dầu qua Myanmar nhưng chỉ đáp ứng là một phần rất nhỏ trong nền kinh tế, năng lượng mà Trung Quốc cần.
…bằng kênh đào Kra.
Vào trung tuần tháng 5/2015, Want China Times dẫn lại báo Hong Kong Oriental Daily cho biết, Trung Quốc và Thái Lan ký biên bản ghi nhớ xây dựng kênh đào Kra Isthmus, được mệnh danh là "kênh đào Panama châu Á" ở miền nam Thái Lan, nhằm rút ngắn hải trình của tàu bè Trung Quốc từ Trung Đông về Quảng Châu. Kênh đào Kra có hai chiều, sâu 25 m, dài 102 km, rộng 400 m, việc xây dựng sẽ hoàn tất trong 10 năm, với chi phí 28 tỷ USD. Biên bản này được ký kết tại một diễn đàn hợp tác nghiên cứu và đầu tư tổ chức ở Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. 
Quan dao Truong Sa trong tam nhin dia chien luoc 
Lễ ký kết dù rõ ràng nhưng vẫn bị giới chức 2 nước bác bỏ.

Mối nguy từ những bờ biển lở lói

Mối nguy từ những bờ biển lở lói

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam
2015-12-22
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
Bãi biển miền Trung đang lở lói bị sóng xâm thực từng giờ từng phút
Bãi biển miền Trung đang lở lói bị sóng xâm thực từng giờ từng phút
 RFA
Bờ cát đang lở lói, sóng xâm thực từng giờ từng phút ở dọc bở biển từ Bắc chí Nam, vấn đề này không những đe dọa đến đời sống người dân ven biển mà tính về mặt chiến lược quốc phòng, về tương lai đất nước, đây là mối nguy lớn. Bởi mỗi mét đường nội thủy bị co vào cũng đồng nghĩa với khu vực chủ quyền trên biên Đông bị hẹp lại. Trong khi đó, các đảo mà Trung Quốc chiếm đóng trên biển Đông ngày càng phình to ra.
Biển xâm thực từ bao giờ?
Một người dân thành phố Đà Nẵng tên Long, chia sẻ: “Nó ở vậy sao hợp lý được. Nó xấc xược, nó né luật, luồn lách để nó mua đất khu sân bay Nước Mặn. Nó có tiền thì nó mua chi không được, nó đi đêm với mấy ông trên chứ với chín mươi mấy triệu dân này, việc nó mua đất và nhà nước bán đất cho nó làm sao hợp lý được!”.
Theo ông Long, hiện tại, dù muốn hay không muốn thì người dân Đà Nẵng cũng như người dân duyên hải khắp các tỉnh trên đất nước đều chịu chung cảnh ngột ngạt khi người Trung Quốc xuất hiện ngày càng đông và bờ biển thì ngày càng trở nên nguy hiểm, không còn hiền hòa như trước.
Theo ông Long, những tỉnh có bờ biển lở lói nặng nhất Việt Nam hiện tại phải nói đến Đà Nẵng, Quảng Nam, Hà Tĩnh, Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa và một số tỉnh khác đang bắt đầu bị sóng xâm thực. Và ở tất cả các tỉnh này đều có người Trung Quốc xây dựng công trình. Đặc biệt, nếu xâu chuỗi lại toàn bộ sự việc từ trước tới nay, ở những tỉnh có bờ biển bị lở lói đều trải qua hai giai đoạn gồm người Trung Quốc sang đầu tư xây dựng lấn biển, sau các đảo nhân tạo ngoài Trường Sa được đắp gấp rút. Và bờ biển Việt Nam bị lở lói, đặc biệt là bờ biển miền Trung Việt Nam.
Ông Long cho rằng có một mối liên hệ mật thiết, mang tính nhân quả giữa việc người Trung Quốc xây dựng trong bờ, xây đắp đảo nhân tạo với bờ biển miền Trung Việt Nam bị sóng xâm thực. Bởi quá trình xây dựng lấn biển của các khu du lịch, khu nghỉ mát và sòng bạc của người Trung Quốc đã làm thay đổi hướng gió đáng kể, điều này dẫn đến hậu quả nguy hiểm bởi các vectơ sóng bị thay đổi do gió gây ra.
Bên cạnh đó, tuy khoảng cách khá xa nhưng đáy biển vốn ổn định cả triệu năm nay khi mà các dòng chảy ngầm dưới đáy biển đã có qui luật đi của nó, không bị bẻ gãy bởi những vật chắn bất ngờ nào. Khi Trung Quốc hút cát dưới đáy biển một cách gấp rút để đắp đảo nhân tạo, hệ quả của việc này là tạo ra những hố sâu dưới đáy biển, bẻ gãy dòng chảy ngầm, bên cạnh đó, những đảo mới nổi lên sẽ chặn rất nhiều dòng chảy ổn định bên dưới, tạo ra một trận đồ sóng ngầm dữ dội để tìm hướng thoát của năng lượng. Việc sóng xâm thực, ngày càng đào sâu vào bờ  cũng là một hướng thoát năng lượng của những dòng chảy ngầm khi bị bẻ gãy, chặn đứng ngoài khơi.
Và cũng theo ông Long, mặc dù chưa có công trình khoa học nào cụ thể, phân tích rõ ràng về mối liên hệ giữa việc người Trung Quốc xây trên bờ, đắp ngoài khơi với việc bờ biển miền Trung Việt Nam bị lở lói. Nhưng có một chuyện rất dễ nhìn thấy là hầu hết bờ biển miền Trung Việt Nam bị lở lói sau khi người Trung Quốc xây trong bờ và đắp đảo nhân tạo ngoài khơi.
Và ông Long khẳng định rằng nguyên nhân của bờ biển miền Trung sóng xâm thực là do người Trung Quốc xây đắp, hút cát vô tội vạ. Bởi chỉ cần làm một phép so sánh nhỏ, những bãi biển không có người Trung Quốc xây dựng và cách xa Trường Sa đều không bị sóng xâm thực. Trong khi đó bờ biển miền Trung gần với Trường Sa, Hoàng Sa, nơi mà Trung Quốc đang thả sức xây dựng, hút cát và đắp. Và bờ biển miền Trung cũng là nơi có nhiều người Trung Quốc đến sống, xây dựng nhất. Như vậy, không cần phải chờ đợi một công trình khoa học nhà nước chứng minh điều này nữa.
Bởi cũng theo ông Long, khi mà nhà nước bỏ ra hàng đống tiền để nghiên cứu, sáng chế ra chiếc cào răng lược để cào cỏ ruộng thì người nông dân đã tự chế ra máy cắt cỏ, máy gặt hoặc máy cấy rồi. Và đợi nhà nước bỏ ra hàng khối tiền để nghiên cứu, chứng minh bờ biển bị xói lở là do người Trung Quốc gây nên thì không chừng lúc đó biển đã lấn vào gần đến mép núi Trường Sơn rồi. Và khi bờ biển bị sóng xâm thực, mối nguy cơ đất nước rơi vào tay người Trung Quốc sẽ rất cao.
Nguy cơ mất biển và mất nước
Ông Hải, cư dân quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng tỏ ra lo lắng: “Sân bay Nước Mặn thời Mỹ là sân bay trực thăng không thôi. Sau này quân đội Cộng sản cũng đóng quân ở đó. Đó là điểm chiến lược quân sự. Người Trung Quốc nhờ người Việt đứng tên để mua đất. Họ chơi vậy là quá cao cờ rồi. Bây giờ nhà nước đã có chính sách rút bớt dự án lại rồi. Nhưng tôi thấy họ nói vậy thôi chứ rút chi! Có mua thêm thì tụi nó mua chứ rút chi được. Nói như vậy để an ủi dân thôi…!”.
Theo ông Hải, vấn đề bờ biển bị sóng xâm thực, nếu chỉ nhìn đơn giản thì đời sống bà con dọc duyên hải sẽ bị đe dọa, phải di dời tốn kém và ngành du lịch Việt Nam bị thất thu bởi mất đi những bãi biển đẹp. Vấn đề này cũng gây thiệt hại không kém cho một đất nước vẫn đang trong tình trạng ngoi ngóp phát triển như Việt Nam.
Nhưng nếu nhìn xa một chút, nhìn về vấn đề chủ quyền quốc gia, đặc biệt là vùng lãnh hải quốc gia, câu chuyện sẽ trở nên xám xịt hơn nhiều. Bởi vì mỗi tấc đất bị sóng xâm thực cũng đồng nghĩa với mỗi tấc đường nội thủy bị co lại. Và vùng lãnh hải quốc gia thì căn cứ trên đường nội thủy để phóng, để đặt tiêu ngoài khơi.
Trong khi đó, các đảo nhân tạo của Trung Quốc vẫn tiếp tục đào đắp và nó ngày càng phình to trên biển Đông. Với đà này, chừng vài năm sau, khi mà các văn phòng hành chính, quân đội và cư dân Trung Quốc trên các đảo này nhiều lên, họ sẽ tự xếp các đảo nhân tạo vào lãnh thổ Trung Quốc. Lúc đó, lãnh hải Trung Quốc sẽ phóng từ mép nội thủy của các đảo này. Và qui luật cá lớn nuốt cá bé được giở ra. Không chừng, lúc đó phần lãnh hải Việt Nam chỉ còn teo tóp như một con sộng chảy dọc bờ biển.
Ông Hãi tỏ ra lo lắng sau câu nói nửa bông đùa nửa thật của mình. Ông nói rằng trong tình hình hiện tại, rõ ràng là nhà nước cần phải nhìn thấy mối nguy khi người Trung Quốc có mặt quá đông ở các tỉnh duyên hải cũng như các tỉnh cao nguyên. Trong khi đó, việc đào đắp các đảo nhân tạo của họ đang hoàn thiện từng ngày nhưng Việt Nam lại không đưa vụ việc này ra tòa án quốc tế. Như vậy đến khi mọi chuyện đã mỹ mãn, phía Trung Quốc sẽ tiếp tục giở quẻ trên biển Đông. Và lúc đó, có đưa ra tòa án quốc tế đi nữa thì cũng khó bề mà làm được gì họ. Có chăng là đưa ra tòa quốc tế để tranh cải về đường lưỡi vịt lãnh hải Việt Nam đang bị đường lưỡi bò của Trung Quốc đè chồng lên, xâm lấn.
Ông Long kết luận, với đà này, không bao lâu nữa Việt Nam sẽ bị đè bẹp bởi Trung Quốc và không còn đường cựa quậy trên biển Đông. Lúc đó, có trở thành một tỉnh lẻ của Trung Quốc hay không thì cũng như nhau bởi vì Việt Nam đã nằm trọn trong bàn tay lông lá Trung Quốc, những ngón tay kinh tế, văn hóa, chính trị, lãnh thổ… đang bóp chặt Việt Nam như bóp một con mực.
Nói đến đây, ông Long thở dài và cho biết thêm là ông sẽ bán những chiếc tàu đánh cá để tính chuyện làm ăn trong lĩnh vực khác. Nhưng ông cũng chưa biết là sẽ làm gì. Ông dự đoán rằng hai phần ba số tàu đánh bắt xa bờ rồi đây sẽ chuyển loại hình, sẽ độ lại thành tàu chở khách du lịch. Không chừng là chở khách Trung Quốc đi dạo trong khu vực biển mới của họ! Và chuyện này không phải là không tưởng, mỗi ngày trôi qua trên đất nước ông Long đang sống đều cho thấy điều đó!
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

Việt Nam 2015 - Vài nét đậm

Việt Nam 2015 - Vài nét đậm

Nhà báo Nguyễn Vũ Bình, viết từ Hà Nội
2015-12-30
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
000_Hkg10202399-622.jpg
Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội hôm 14/08/2015.
AFP
Năm 2015 là một năm đặc biệt của Việt Nam, so với năm bảy năm trở lại đây. Điều đặc biệt này được cộng hưởng từ nhiều yếu tố, nhưng có hai yếu tố cơ bản chi phối những yếu tố khác và quyết định diện mạo cũng như xu hướng của đất nước trong tương lai gần. Yếu tố thứ nhất, chế độ cộng sản Việt Nam đang bước đi những bước cuối cùng trong chu kỳ tồn tại của nó. Yếu tố thứ hai, sức mạnh của truyền thông lề dân, vừa là quá trình công khai hóa, tự do hóa ngôn luận, vừa là mặt trận phản biện xuất sắc, đang dần dần thay thế vai trò định hướng và dẫn dắt dư luận của truyền thông quốc doanh.

Những bước cuối cùng của đảng cộng sản

Trước hết, xu hướng thay đổi thể chế ngày càng rõ nét, đặc biệt trong một vài tháng trở lại đây. Như chúng ta đều biết, sự cạn kiệt nguồn lực, quá trình dồn nén cùng cực của người dân và đồng minh lớn Trung Quốc trở mặt là ba yếu tố quan trọng nhất đưa tới quá trình sụp đổ không tránh khỏi của chế độ cộng sản Việt Nam. Trong thời gian gần đây, đã xuất hiện những biểu hiện rõ nét hơn, trực tiếp và cụ thể hơn, để củng cố và khẳng định, chế độ cộng sản Việt Nam đang bước đi những bước cuối cùng trong chu kỳ tồn tại của nó.
Đầu tiên, đó là việc một số ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng. Đây thực chất là những ngân hàng mà dư nợ của nó đã vượt quá vốn pháp định, và đó là những ngân hàng đã phá sản. Nhưng nhà nước Việt Nam đã không dám để những ngân hàng này tuyên bố phá sản, họ sợ gây ra tâm lý hoảng loạn và sụp đổ hệ thống ngân hàng. Chính vì vậy, ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đứng ra mua lại các ngân hàng này với giá 0 đồng, chịu trách nhiệm về các khoản nợ của những ngân hàng này. Điều đáng lo ngại là, các ngân hàng khác cũng rơi vào tình trạng tương tự, hoặc có khá hơn chút ít, tức vẫn còn số vốn lưu động để tồn tại qua ngày.  Như vậy, hệ thống ngân hàng của Việt Nam coi như đã phá sản, các thủ thuật nhằm che mắt khách hàng và người dân chỉ kéo dài được thêm một thời gian nữa mà thôi.
Vấn đề tài chính, cụ thể là ngân sách các địa phương, đã bắt đầu kêu cứu. Từ đầu tháng 12/2015 tới nay, đã có một số địa phương lên tiếng về nguồn ngân sách cạn kiệt, không còn tiền chi cho cán bộ và các hoạt động của đơn vị. Đó là các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, 14 bệnh viện của tỉnh Đắc lăk, bệnh viện Hải Phòng, và gần đây nhất là một huyện của tỉnh Hà Tĩnh. Đây không phải là tình trạng cá biệt, các địa phương khác, trừ một số thành phố lớn (Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng..) đều lâm vào tình trạng tương tự, nhưng chưa tới mức kêu cứu.
Sự khó khăn của nền kinh tế, sự lạm quyền của các cá nhân trong bộ máy cai trị, điển hình là lực lượng công an, đã dẫn tới một hiện tượng đặc biệt, cán bộ công an cướp tiền của dân. Sự việc xảy ra tại xã Châu Hoàn, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An. Chị Lữ Thị Miền, đi vay tiền để sản xuất kinh doanh, gặp tổ công tác của công an xã Châu Hoàn đi tuần. Tổ công tác của công an xã Châu Hoàn đã yêu cầu dừng xe chị Miền, và khám xét, sau đó thu giữ số tiền hơn 90 triệu đồng, không hề có giấy tờ biện nhận việc thu giữ, thậm chí còn dọa bỏ tù và ép chị Miền viết biên nhận nhận đủ số tiền bao gồm cả hơn 90 họ đã thu giữ (tất cả chi tiết vụ việc có trên báo Dân Trí trong đường links sau: http://dantri.com.vn/ban-doc/cong-an-xa-va-huyen-bi-to-trang-tron-tran-t...)
000_Hkg10231876-622.jpg
Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội hôm 18/11/2015.
Sự việc trên là cá biệt, nhưng nó lại phản ánh rõ nét sự hỗn loạn cũng như tính chất bạo ngược của các cơ quan công quyền, một chỉ dấu cho thấy sự rữa nát của chế độ, cũng như hồi chuông cáo chung cho sự tồn tại của nó.
Quá trình tự sụp đổ của chế độ cộng sản Việt Nam còn thể hiện bằng quá trình tranh giành quyền lực, đấu đá bất tận trong nội bộ trước Đại hội toàn quốc đảng cộng sản Việt Nam lần thứ XII. Khác với các kỳ đại hội trước đây, dự thảo báo cáo chính trị trình đại hội, được viết và xin ý kiến nhân dân một cánh qua quýt. Về nội dung báo cáo chính trị hầu như không  có gì khác với các kỳ đại hội trước đây. Tất cả thời gian và sức lực của các phe phái tập trung vào việc bài binh bố trận tranh giành quyền lực. Sự giằng co của các phương án nhân sự quyết liệt và gay gắt tới mức một hội nghị trung ương (hội nghị trung ương 13) cũng chưa giải quyết nổi, có thể còn một hội nghị trung ương nữa cho việc này. Không loại trừ quá trình đấu đá sẽ dẫn tới những đột biến trong nội bộ đảng cộng sản Việt Nam, và có thể, chính sự đột biến này sẽ dẫn tới việc kết thúc độc quyền lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam.

Sức mạnh của mạng xã hội

Mạng xã hội facebooks, phương thức hoạt động của truyền thông lề dân, từ chỗ chỉ là phương tiện để cá nhân chia sẻ, thể hiện bản thân đã và đang trở thành một diễn đàn phản biện hiệu quả và trào lưu xã hội rất đáng quan tâm. Điều đầu tiên, mạng xã hội facebooks là nơi chia sẻ thông tin vô cùng nhanh nhậy, đa dạng và phong phú. Trong phạm vi nào đó, nó chính là sự công khai hóa xã hội đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ. Nhưng điều mà mạng xã hội, truyền thông lề dân làm được còn là phản biện vô cùng hiệu quả các chính sách, quan điểm, hành động và phát ngôn của các cơ quan, các tập thể và cá nhân giữ trọng trách, có ảnh hưởng tới xã hội. Chúng ta chứng kiến thành quả phản biện xã hội của truyền thông lề dân thông qua mạng xã hội facebooks như: vụ chị ve chai nhặt được 5 triệu yên Nhật, vụ tàn sát cây xanh Hà Nội, vụ Tân Hiệp Phát, vụ phạt người nói xấu chủ tịch tỉnh, vụ báo Thanh Niên bịa đặt chuyện học sinh nhận tiền nghỉ học giữ đất... rất nhiều ví dụ cho thấy hiệu quả sự phản biện của người dân trên diễn đàn mạng xã hội. Quan trọng hơn, diễn đàn mạng xã hội đã thức tỉnh hàng triệu người thông qua những thông tin và việc lập luận, lý giải những thông tin bằng sự phản biện của truyền thông lề dân, mà nòng cốt là những người thuộc phong trào dân chủ Việt Nam.
Có thể nói, mạng xã hội đã đóng vai trò cốt yếu trong việc chuyển hóa tư tưởng của người dân một vài năm vừa qua. Khi tư tưởng của người dân đã và đang chuyển biến với tốc độ hiện nay, thì quá trình sụp đổ của chế độ cộng sản Việt Nam sẽ ngày càng được rút ngắn. Bước ngoặt của Việt Nam chắc chắn sẽ tới trong một tương lai gần.
Hà Nội, ngày 29/12/2015
Nhà báo Nguyễn Vũ Bình, viết từ Hà Nội
*Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của RFA.

Kịch bản nào cho tứ trụ triều đình sau Hội nghị Trung ương 13 của đảng CSVN?

Thứ sáu, 01/01/2016

Bạn đọc làm báo

Kịch bản nào cho tứ trụ triều đình sau Hội nghị Trung ương 13 của đảng CSVN?

Tin liên hệ

Nguyễn Văn Đài vào tù, Đại hội Đảng sẽ vẫn như cũ

Cánh cửa nhà tù ở Việt Nam như một vòng xoay dành cho những người bất đồng chính kiến để chế độ cộng sản Hà Nội đưa họ ra vào thường xuyên như cơm bữa

Ðường dẫn

Hội nghị Trung ương 13 của đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) đã kết thúc hôm 21-12-2015 sau một tuần họp bàn, mà theo đánh giá chung của nhiều người, thì vẫn bế tắc về vấn đề chọn lựa nhân sự lãnh đạo hàng đầu bộ máy đảng và nhà nước, hay “tứ trụ triều đình” của chế độ, dù trước đó đã trải qua hai Hội nghị Trung ương 10 và 11 cũng trong năm 2015.
Nhưng theo chúng tôi, kịch bản “tứ trụ triều đình” dường như đã thành công trong Hội nghị Trung ương 13 tuy không được công bố, nhưng đang được âm thầm khởi sự thực hiện để kết thúc công khai tạig Đại hội XII dự trù sẽ diễn ra từ ngày 21 đến 28 tháng 1- 2016.
Ai cũng cho rằng sự bế tắc bao lâu nay trong việc chọn nhân sự cho các chức vụ Tổng Bí thư đảng CSVN, Chủ tịch Nước, Chủ tịch Quốc hội và Thủ Tướng chính phủ bắt nguồn từ mâu thuẫn trong chủ trương và chính sách đối ngoại giữa hai khuynh hướng thân Trung Quốc và khuynh hướng thân Mỹ ). Mặc dù tình đồng chí Trung Quốc có độ dài thời gian hơn nhiều so với tình đồng minh Hoa Kỳ, thế nhưng chất lượng và hiệu quả thực tiễn trong quan hệ với Trung Quốc ngày càng tệ hại, trong khi chất lượng và hiệu quả thực tiễn sau khi có quan hệ đồng minh với Hoa Kỳ đã thay đổi toàn diện đời sống xã hội và bộ mặt Việt Nam theo chiều hướng ngày càng tốt đẹp, trở thành triển vọng phát triển toàn diện cho Việt Nam tiến tới dân chủ, giầu mạnh, tạo thế lực hóa giải được các nguy cơ, bảo vệ được độc lập dân tộc, chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải quốc gia.
Quan hệ Việt Nam với Trung Quốc đã theo chiều hướng ngày càng xấu đi một cách tồi tệ. Ai cũng biết Trung Quốc ngày càng trắng trợn gia tăng lấn chiếm lãnh thổ, lãnh hải, khủng bố giết hại dã man quân đội và nhân dân Việt Nam khi xua quân đánh chiếm các tỉnh phía Bắc Việt Nam năm 1979, đánh chiếm các đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam năm 1988, ngang nhiên đưa giàn khoan HD-981 vào trong thềm lục địa thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam năm 2014 và mới đây còn ngang nhiên cho bồi đắp các đảo nhân tạo trong các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Đồng thời đã từ lâu cho đến nay Trung Quốc vẫn thường xuyên ngăn cản giết hại và đập phá ngư cụ của ngư dân Việt Nam đánh bắt cá trong vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam… Những hành động ngang ngược này của Trung Quốc đã có tác dụng giác ngộ hàng ngũ lãnh đạo cấp cao và hầu hết các đảng viên đảng CSVN vốn có khuynh hướng thân Tầu, để giờ đây có thể nói không sợ sai lầm rằng trong nội bộ đảng CSVN khuynh hướng thân Trung Quốc hầu hết đã bị triệt tiêu. Nhưng vì sự an toàn cho Việt nam, bề ngoài Đảng CSVN vẫn nuôi dưỡng khuynh hướng thân Trung Quốc trong dư luận bằng các động tác giả. Vì vậy, cho đến lúc này nhiều người vẫn lầm tưởng là còn có sự tranh chấp quyền lực gay gắt giữa hai khuynh hướng thân Tầu và thân Mỹ nên cho rằng sau Hội nghị trung ương 13 vừa qua, vẫn bế tắc về vấn đề chọn nhân sự lãnh đạo hàng đầu bộ máy đảng và nhà nước, để cho rằng có thể phải có thêm Hội nghị Trung ương 14 nữa mới giải quyết dứt điểm việc chọn lựa nhân sự cho “Bộ tứ quyền lực” của đảng và nhà nước CSVN.
Thế nhưng thực tế hiện nay không còn tồn tại khuynh hướng thân Trung Quốc hay thân Mỹ trong nội bộ đảng CSVN, nên kịch bản “tứ trụ triều đình” đã thành công trong Hội nghị Trung ương 13. Theo đó, dường như Hội nghị đã nhất trí về tiêu chuẩn lựa chọn và các bước thực hiện như sau:
- Một là những nhân vật lãnh đạo cấp cao phải có tư thế, khả năng, kinh nghiệm phù hợp với xu thế toàn cầu hóa (dân chủ hóa và thị trường tư do hóa), đáp ứng được ý nguyện của tuyệt đại đa số nhân dân và cũng là khuynh hướng chung của hầu hết các đảng viên đảng CSVN hiện nay.
- Hai là, đồng thời những nhân vật lãnh đạo hàng đầu này không bị dị ứng với Bắc Kinh, đến độ gây phản ứng quyết liệt về phía Trung Quốc, bất lợi nhiều mặt cho Việt Nam.
Sau khi xem xét không tìm được ai hội đủ hoàn toàn những tiêu chuẩn trên, nhất là trong chức vụ hàng đầu là Tổng Bí thư, dường như Hội nghị đã nhất trí thực hiện kịch bản như sau:
1.- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được chọn là ứng cử viên Tổng Bí thư đảng CSVN, ứng viên cử dự khuyết là Chủ tịch Quốc hội đương nhiệm Nguyễn Sinh Hùng.
Vì Nguyễn Tấn Dũng có nhiều ưu thế nhất, do hội đủ tiêu chuẩn 1, dù tiêu chuẩn 2 có nhiều dị nghị. Nhưng để đánh tan hay ít ra làm giảm bớt tối đa những dị nghị hầu đạt tiêu chuẩn 2 một cách tương đối, bằng cách cho công bố Thư đề ngày 10-12-2015 của Thủ tướng Dũng gửi Tổng Bí thư Trọng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương đảng. Nội dung thư giải trình những điểm cáo buộc Thủ tướng Dũng là người cầm đầu phe có khuynh hướng thân Hoa Kỳ, chống Trung Quốc, để cho thấy sự thật không hẳn như vậy. Bức thư có tác dụng như lời thanh minh, cam kết công khai với Bắc Kinh rằng đồng chí Dũng nếu được Đại hội XII bầu làm Tổng Bí thư trong nhiệm kỳ 5 năm tới (2015-2020) vẫn tiếp tục thực hiện chính sách đối ngoại đa phương như hiện nay và vẫn là người đồng chí trung thành trong quan hệ song phương cố hữu với Trung Quốc. Điều này khi thực hiện là hoàn toàn có lợi cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng do sự nhất trí giữa hai khuynh hướng thân Trung Quốc và thân Mỹ. Vì vậy, động tác này không phải thể hiện mâu thuẫn giữa hai khuynh hướng thân Trung Quốc và thân Mỹ mà là kết quả của một sự thỏa hiệp phân chia quyền lực một cách an toàn trước một hiểm họa chung cho đất nước và cho chính đảng CSVN, giữa các phe phái lợi ích trong nội bộ đảng CSVN thì đúng hơn.
Để bảo chứng cho lời cam kết này, dường như Hội nghị Trung ương 13 một mặt còn nhất trí tăng cường triệt để sự lãnh đạo của Đảng, trong tương lai bất cứ lúc nào cũng có thể truất quyền TBT Nguyễn Tấn Dũng nếu có hành động vượt quyền lãnh đạo của Đảng. Mặt khác, chính quyền đương nhiệm của Thủ Tướng Dũng đã có hành động chứng tỏ ngay bằng sự mau mắn ra tay trấn áp triệt để mọi sự phản kháng cá nhân hay tập thể đòi tự do, dân chủ, nhân quyền, đòi chuyển đổi chế độ độc đảng, độc tài toàn trị qua chế độ đa đảng, dân chủ pháp trị. Điều này đã xẩy ra trên thực tế, với các vụ bắt bớ, truy tố, xét xử để trấn áp những người bất đồng chính kiến, đấu tranh cho tự do, dân chủ và nhân quyền. Điển hình là việc hành hung, bắt giam, truy tố luật sư dân quyền Nguyễn Văn Đài và nhiều người khác mới đây. Vì vậy nhiều người lấy làm lạ là thông tin về vụ bắt giam luật sư Nguyễn Văn Đài lại được báo chí chính thống đưa tin, cùng lúc với sự việc bắt giữ đang diễn ra, tức là cùng vào sáng ngày 16-12-2015.
Đối với Hoa Kỳ, dường như cũng đã đoán được mục đích muốn thành đạt của kịch bản “nín thở qua sông” của đảng CSVN, nên dù bề ngoài đã có phản ứng quyết liệt trước việc nhà cầm quyền Việt Nam bắt giam luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài, nhưng bên trong như đã có sự cảm thông với sự khó khăn nhất thời của đảng CSVN trong việc sắp xếp nhân sự lãnh đạo hàng đầu trong giai đoạn chuyển đổi đầy cam go, phải giải quyết cấp bách. Vì vậy, trong cuộc gặp Bà Vũ Minh Khánh, vợ luật sư Nguyễn Văn Đài, và luật sư Hà Huy Sơn tại nhà riêng vào chiều 22/12/2015, có sự hiện diện của tùy viên chính trị David V. Muehlke, Đại sứ Mỹ Ted Osius đã chia sẻ và khẳng định, Mỹ cũng như các quốc gia phương Tây ở Việt Nam đều rất tức giận với việc Bộ Công an bắt luật sư Nguyễn Văn Đài, cũng như đã lần lượt lên tiếng về vụ việc này. Ông cho biết, gần như ngay sau vụ bắt, ông đã gặp Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang và Thứ trưởng Tô Lâm. Nhưng khi được hỏi, “trong hai cuộc gặp đó, ông có thấy bất kỳ một tín hiệu, một manh mối nào từ phía công an, cho thấy tại sao họ bắt anh Đài và chị Thu Hà không”, thì Đại sứ Ted Osius lắc đầu: “Không. Họ vẫn chỉ đưa ra các lý do như họ đã từng đưa ra trong những lần bắt các nhà hoạt động khác. Tôi có nói với họ, rằng luật sư Nguyễn Văn Đài cũng như các nhà hoạt động đang bị họ giam giữ kia, đều là những người yêu nước, chỉ mong điều tốt đẹp cho Việt Nam, chỉ mong Việt Nam phát triển và hội nhập để trở thành một phần của thế giới. Nhưng ông Trần Đại Quang và ông Tô Lâm không đồng ý như vậy”.
Tuy thế, Đại sứ Hoa Kỳ cũng nêu rõ rằng ông cảm nhận được sự cứng rắn của phía Bộ Công an, và chắc chắn chính quyền Việt Nam sẽ không thả luật sư Nguyễn Văn Đài sớm. "Có nhiều vụ việc, họ có những tín hiệu cho thấy mọi việc sẽ được giải quyết nhanh chóng, nhưng trường hợp này thì không. Tôi cũng không muốn gia đình nuôi hy vọng, nên tôi phải nói rõ là có thể chuyện sẽ kéo dài đấy". Vì sao Đại sứ Hoa Kỳ đoán được như vậy và đành chấp nhận như vậy, không cần làm gì hơn để đòi buộc được nhà cầm quyền Việt Nam phải thả Ls Nguyễn Văn Đài lập tức, vô điều kiện? Phải chăng đó là sự cảm thông để giúp thuận lợi cho đảng CSVN “nín thở qua sông”; và rồi Ls Đài cũng sẽ được thả, với độ thời gian kéo dài, ngắn nhất cũng phải là sau Đại hội XII của đảng CSVN, khi vấn đề nhân sự lãnh đạo hàng đầu Việt Nam đã được giải quyết một cách phù hợp đôi đàng?
Như để tăng thêm độ tin cây đối với Trung Quốc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đi thăm Trung Quốc từ ngày 23 đến 27-12-2015 gặp gỡ người đồng nhiệm Chủ tịch Quốc Hội Trung Quốc và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tại cuộc gặp gỡ này, nhà lãnh đạo Trung Quốc khẳng định ý muốn tăng cường hợp tác để quan hệ hai nước tiếp tục phát triển tốt đẹp, ổn định, và lâu dài. Ông Tập Cận Bình cũng bày tỏ tin tưởng Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ thành công tốt đẹp. Về phần mình, ông Nguyễn Sinh Hùng đề nghị hai nước thúc đẩy thực hiện nhận thức chung và các thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước; tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Đối với những vấn đề trên biển, ông Hùng nhấn mạnh thỏa thuận giữa Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về việc tăng cường niềm tin chính trị thông qua giải quyết, xử lý những vấn đề hai bên còn có nhận thức khác nhau, trên tinh thần hiểu biết, hữu nghị và thẳng thắn.
Trong cuộc gặp này, Chủ tịch Trung Quốc cũng gửi lời hỏi thăm các nhà lãnh đạo cấp cao của Việt Nam như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nhưng không thấy hỏi han gì Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng. Người ta tự hỏi đây có phải là dấu hiệu tỏ ý không bằng lòng khi đảng CSVN có ý định đưa Nguyễn Tấn Dũng lên chức vụ Tổng Bí thư? Nếu thế thì phải chăng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (Cháu của Hồ Chí Minh) sẽ là ứng cử viên dự khuyết chức vụ Tổng Bí thư? Hay là Bắc Kinh đã tỏ thái độ miễn cưỡng chấp nhận, mà không hỏi thăm gì Thủ Tướng Dũng là có ý cảnh cáo Nguyễn Tấn Dũng đừng chơi trò “nín thở qua sông” để sau đó “ qua cầu, rút ván” theo Mỹ, chống lại Bắc Kinh?
2.- Đối với các Ứng viên ba chức vụ hàng đầu khác: Chủ tịch Nước, Chủ tịch Quốc hội và Thủ Tướng Chính phủ
Hội nghị Trung ương 13 dường như đã không để Tổng Bí thư kiêm nhiệm Chủ tịch nước như nhiều người dự đoán, vì Trung Quốc không muốn có sự thâu tóm quyền lực đảng và nhà trong tay một người như Nguyễn Tấn Dũng vốn được coi là người cầm đầu phe thân Mỹ, khiến Trung Quốc e ngại, nên đã có hành động tạo áp lực, gây khó khăn cho việc sắp xếp nhân sự lãnh đạo hàng đầu Đảng và Nhà nước Việt Nam?
Theo chúng tôi, ba chức vụ hàng đầu còn lại của chế độ có thể được sắp xếp như sau: Chủ tịch Nước là Nguyễn Sinh Hùng, nếu Nguyễn Tấn Dũng được bầu là Tổng Bí thư hay hoán chuyển qua lại; Chủ tịch Quốc hội là Nguyễn Thị Kim Ngân; và Thủ tướng chính phủ có thể là Nguyễn Thiện Nhân.
Theo Chủ tịch Ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân, hơn 1,500 đại biểu sẽ tham dự Đại hội XII. Chính Đại hội này sẽ cho đáp án chính xác cho “kịch bản nín thở qua sông” mà chúng tôi vừa trình bầy. Tất nhiên, kịch bản này chỉ là một dự báo chính trị, không thể chính xác 100% như dự báo khoa học tự nhiên. Suy cho cùng, ngay cả khoa học tự nhiêu như dự báo thời tiết đôi khi cũng sai lệch nữa là một dự báo thuộc phạm trù khoa học xã hội, phải không ạ, thưa quý độc giả kính mến.
*Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Thiện Ý

Thiện Ý nguyên luật sư tại Sài Gòn trước 1975, hiện là Chủ tịch Câu Lạc bộ Luật khoa Việt Nam ở Houston.