Trung Quốc nỗ lực biến các bãi đá, rạn san hô trên Biển Đông thành đảo nhân tạo là nhằm "viết lại luật pháp quốc tế" để ngang nhiên tuyên bố " cái gọi là chủ quyền" với Biển Đông.
Theo tạp chí National Interest, bản báo cáo thường niên về năng lực quân đội Trung Quốc của Lầu Năm Góc nhấn mạnh trong năm ngoái, Trung Quốc đã tiến hành bồi đắp, thay đổi hiện trang tại 5 bãi đá trên Biển Đông mà nước này xâm chiếm trái phép. Còn tại 4 đảo nhân tạo, Bắc Kinh đã cho xây dựng nhiều công trình lớn bao gồm các đường băng, sân bay trên bãi Đá Chữ Thập và Đá Subi. 
Tuy nhiên, Trung Quốc lại cho rằng những hành động bồi đắp và cải tạo là "hợp pháp và chính đáng" bởi đây là vùng lãnh thổ quốc gia. Quan điểm này còn được thể hiện ngay trong kỳ họp Quốc hội hồi đầu năm, khi Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố Bắc Kinh đang xây dựng "trên các hòn đảo và bãi đá thuộc chủ quyền quốc gia". Thậm chí, Trung Quốc còn nhấn mạnh những hành động này là "hết sức cần thiết". 
Trung Quốc coi hành động ngáng đường di chuyển của các tàu nước ngoài trên Biển Đông là hành động phòng vệ chứ không phải bành trướng. 
Quan trọng hơn, Bắc Kinh còn đang đẩy nhanh chương trình phát triển đảo Hải Nam, biến khu vực này trở thành một cơ sở hiện đại phục vụ như một sân bay vũ trụ cũng như nơi neo đậu của các tàu sân bay và tàu ngầm. Ngoài ra, việc biến đảo Hải Nam thành căn cứ chiến lược cho thấy Bắc Kinh đang có tham vọng thiết lập một "vùng đệm" trên Biển Đông, vùng biển có tiềm năng kinh tế lớn với trữ lượng cá và nguồn dầu khí dồi dào. 
Song, quyết định biến các bãi đá và rạn san hô thành đảo nhân tạo còn nhằm mục tiêu thay đổi hiện trạng những khu vực này và khiến các quy định luật pháp quốc tế không còn hiệu lực. Trong đó, Bắc Kinh đang nỗ lực tạo ra các hòn đảo mới biến thành vùng lãnh hải 12 hải lý và vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý. 
Hơn nữa, việc làm của Trung Quốc còn mong muốn thay đổi hiện trạng các vùng đặc quyền kinh tế từ hải phận quốc tế, nơi quốc gia nắm quyền quản lý được ưu tiên khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên thành vùng lãnh hải, khu vực mà các quốc gia khác có thể tự do đi lại. Và hành động của Trung Quốc cũng đang trở thành mối thách thức lớn đối với nguồn tài nguyên thiên nhiên biển và quyền tự do hàng hải trên Biển Đông.  
Để đối phó trước nỗ lực mở rộng tầm ảnh hưởng trên Biển Đông của Trung Quốc, Washington chắc chắn đang cân nhắc nhiều biện pháp để kiềm chế Bắc Kinh. Các giải pháp này bao gồm điều động máy bay tới không phận các đảo nhân tạo và đưa tàu thuyền của Hải quân Mỹ vào phạm vi 12 hải lý xung quanh các sạn ran hô nhằm nhấn mạnh rằng không có vùng lãnh hải nào kéo dài tới các đảo nhân tạo này. 
Thông điệp của Mỹ rất rõ ràng: Trung Quốc không phải là quốc gia có sức mạnh hay có quyền đơn phương làm thay đổi hiện trạng trên Biển Đông hoặc viết lại luật pháp và các hiệp ước quốc tế. Bởi lâu nay, các tàu thuyền của Hải quân Mỹ vẫn làm nhiệm vụ duy trì và đảm bảo quyền tự do hàng hải trên nhiều vùng biển quốc tế chứ không riêng trên Biển Đông. 
Mặc dù, Mỹ khẳng định không đứng về bên nào trong các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông nhưng rõ ràng, Washington đang cố gắng bảo vệ lợi ích quốc gia của họ thông qua hành động can thiệp gián tiếp dưới dạng hỗ trợ các nước có xung đột với Trung Quốc và ngăn chặn chiến lược bành trướng của quốc gia đông dân nhất thế giới. 
Trong quá khứ, các cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc thường xảy ra ở khu vực phía bắc Biển Đông. Điển hình, mới đây, các tàu  Trung Quốc đã ngáng đường di chuyển của tàu USNS Impeccable và USS Cowpens của Mỹ trong khu vực 200 hải lý của đảo Hải Nam. Điều quan trọng là Trung Quốc luôn cho rằng hành động phí lý của mình được thực hiện trên những khu vực thuộc chủ quyền quốc gia. Do đó, việc chặn tàu thuyền của các nước khác đi qua Biển Đông chỉ được coi như hành động phòng vệ chứ không phải là bành trướng. 
Thậm chí, hồi năm 2010, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc lúc bấy giờ là ông Dương Khiết Trì đã lớn tiếng tuyên bố "Trung Quốc là nước lớn còn các quốc gia khác là nước nhỏ. Đây là một thực tế". Nói cách khác, Trung Quốc tự coi mình là người bị các nước láng giềng dòm ngó thách thức chứ Bắc Kinh không bắt nạt các quốc gia khác. 
Bức ảnh tố cáo Trung Quốc bồi đắp và xây dựng trái phép trên bãi đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. 
Hồi năm ngoái, trong chuyến thăm tới Mỹ,Tổng Tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, Tướng Phòng Phong Huy còn công khai nhấn mạnh các quốc gia ở Biển Đông đang bị kích động từ việc "Mỹ thi hành chính sách tái cân bằng châu Á – Thái Bình Dương". Và hành động của Mỹ còn khiến tình hình căng thẳng trong khu vực không ngừng leo thang. 
Do đó, Mỹ sẽ không chỉ phải hành động để chống lại những nỗ lực nhằm thay đổi luật pháp quốc tế của Trung Quốc mà việc làm này còn cần có sự hỗ trợ của các nước trong khu vực. Washington cũng cần làm rõ quan điểm với các nước tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông rằng hành động của Mỹ không làm leo thang căng thẳng trong khu vực và Mỹ không muốn quân sự hóa các vấn đề tranh chấp. 
Trên Biển Đông, việc Mỹ sử dụng các tàu hải quân là cơ hội để Trung Quốc tuyên bố Washington đang thúc đẩy leo thang xung đột bằng cách triển khai các "tàu vỏ xám", còn Trung Quốc lại chủ yếu sử dụng tàu dân sự và tàu cảnh sát biển (tàu vỏ trắng) để khẳng định chủ quyền. Do đó, nếu Mỹ triển khai tàu cảnh sát biển để bước đầu thách thức những tuyên bố phi lý của Trung Quốc sẽ thích hợp hơn. 
Theo National Interest, hành động của Trung Quốc nằm trong "cuộc chiến chính trị" kết hợp "ba mặt trận", gồm chiến tranh pháp lý, chiến tranh dư luận (báo chí) và chiến tranh tâm lý. Và việc làm của Trung Quốc buộc các nhà hoạch định chiến lược và giới ngoại giao Mỹ phải tìm cách đối phó với tham vọng bành trướng của Bắc Kinh. 
Nội dung được thực hiện qua tham khảo Tạp chí National Interest. National Interest được thành lập vào năm 1985. Tạp chí thường tập trung vào vấn đề chính sách đối ngoại và những lợi ích quốc gia của Mỹ.
MINH THU (lược dịch)