29/05/2015
Ra Trường Sa, dễ dàng chứng kiến hoạt động xâm lấn rầm rộ của Trung Quốc
27-05-2015
Thật đáng hoan nghênh sự lên tiếng mạnh mẽ và đồng thanh của mấy vị Bộ trưởng Nhà nước Việt Nam về việc Trung Quốc đang làm những việc ngang ngược ở biển Đông, cực kỳ nguy hiểm cho an nguy của đất nước. Nhưng không hiểu vì sao trang Dân trí mới đưa tin các vị được một ngày đã phải rút xuống không kèn không trống, tuy vẫn còn giữ tiêu đề như cũ nhưng click vào thì lại thấy hiện lên bài viết “Nóng đỉnh điểm, người Hà Nội đổ ra đường đến đêm khuya”? Đúng là nóng thật, nóng đến nỗi vị nào vị ấy… vừa đăng đàn vài lời đã… phải lặn xuống nước mất tăm. Thảo nào người Việt trên toàn thế giới không hề quan tâm đến những chuyện "lớn tiếng" kiểu này mà chỉ bảo nhau hãy dồn chữ ký vào Kiến nghị gửi đến Tổng thống Obama để ông TT Hoa Kỳ có những phát ngôn đích đáng yêu cầu TQ chấm dứt các hành động xây đảo đá tại Trường Sa, may chi gỡ cho Việt Nam được một thế kẹt trước mắt. Họ Tập kia quả là láo xược, đã không coi chữ ký chưa ráo mực của người đồng cấp và đồng ý thức hệ của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam ra cái mẻ gì thì chớ, lại còn làm cho tất cả bộ sậu quan chức Việt Nam phải câm miệng hến, muốn bày tỏ lòng yêu nước cũng phải lựa chọn thời cơ mà uốn lưỡi, nếu không mới thò đã phải thụt, thế có tức hay không?
Bauxite Việt Nam
|
Thứ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông Trương Minh Tuấn thông tin tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 27/5. Vừa trở về từ Trường Sa, ông Tuấn cho biết, có 5 điểm Trung Quốc đang ráo riết thi công xâm lấn trên biển, xây cả luồng lạch lớn, đèn biển, trung tâm điều hành bay…
Hình đảo Gạc Ma với những hoạt động xây dựng đường băng rất rầm rộ.
Đánh giá về những diễn biến trên Biển Đông khi Trung Quốc gia tăng các hoạt động phi pháp trên các đảo đã chiếm đóng của Việt Nam, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn xác nhận, Trung Quốc đang ráo riết triển khai thi công lấn biến trên tất cả các các cấu trúc trái phép mà nước này chiếm đóng ở Trường Sa.
Cụ thể, có 5 điểm đang được triển khai các hoạt động xây dựng lớn là các đảo, bãi đá Huy Gơ, Gạc Ma, Châu Viên, Ga Ven, Chữ Thập. Trong đó, khu vực có hoạt động bồi lấn, xây dựng lớn nhất là đảo Chữ Thập với diện tích triển khai tới 100 ha. Các đảo Gạc Ma, Châu Viên, Huy Gơ cũng có rất nhiều công trình đồ sộ.
“Tất cả các đoàn đi Trường Sa đều có thể dễ dàng phát hiện, chứng kiến những hoạt động xây dựng, các công trình lớn Trung Quốc triển khai trên biển. Có những thời điểm, tàu của ta đi vào sát các đảo này, ở khoảng cách gần 3 hải lý có thể thấy họ xây dựng bằng san, bồi những bãi san hô lớn, san lấp trên mặt bằng đó. Họ tạo luồng lạch để cho tàu đi vào. Các công trình trên đảo Huy Gơ, Gạc Ma xây dựng đến 8-9 tầng. Họ xây dựng cả đèn biển, trung tâm hướng dẫn điều hành bay trên các đảo” – Thứ trưởng Trương Minh Tuấn mô tả.
Ông Tuấn đánh giá, hoạt động này bất chấp phản ứng của Việt Nam và Quốc tế. Đây là một bước đi chiến lược để hiện thực yêu sách hoá đường lưỡi bò của Trung Quốc. Cũng không loại trừ việc nước này muốn độc quyền kiểm soát toàn bộ vùng biển phía Nam.
Thứ trưởng Thông tin – Truyền thông cũng nhận định, việc này vi phạm ghiêm trọng tuyên bố DOC. Các nước đã lên tiếng mạnh mẽ để phản ứng những hành động này, trong đó có Việt Nam. Việt Nam đã chủ động, tích cực nêu về các quyền của mình trên vùng biển chủ quyền, kịch liệt bỏ yêu sách đường lưỡi bò, yêu cầu Trung Quốc thực hiện đúng UNCLOS.
Ông Tuấn đề nghị báo chí tiếp tục tuyên truyền mạnh việc này cũng như thực hiện các chiến lược biển đến 2020, nêu gương các mô hình, nhân tố mới về việc làm ăn trên biển gắn với bảo vệ chủ quyền.
Trao đổi thêm về vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên lưu ý, đây là chuyện hệ trọng của quốc gia, liên quan đến mối quan hệ giữa 2 nước, 2 dân tộc Việt Nam – Trung Quốc.
Bộ trưởng đề cập chuyện tuần trước, Quốc hội trong phiên khai mạc đã có yêu cầu Chính phủ báo cáo bổ sung về việc này. Dù không trực tiếp bàn việc này trong phiên họp thường kỳ hôm nay, 27/5 nhưng quan điểm nhất quán của Chính phủ vẫn được khẳng định như lần gửi công hàm chính thức tới Trung Quốc và các nước thành viên Liên Hợp Quốc để phản đối hành động vi phạm của Trung Quốc trên biển.
Bộ trưởng Nên thông tin, thời gian qua, Việt Nam cũng đã rất nhiều lần có công hàm gửi trực tiếp đến Trung Quốc để phản ứng vấn đề này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao thì không dưới 10 lần phát ngôn trực tiếp.
Với tinh thần đó, ông Nên khẳng định, Chính phủ đã yêu cầu cơ quan chuyên môn cập nhật, báo cáo với Quốc hội những thông tin mới nhất, những đánh giá tình hình cụ thể.
Nhắc lại nguyên tắc, mối quan hệ giữa Việt Nam – Trung Quốc là quan hệ lâu đời, người phát ngôn Chính phủ nhấn mạnh, những quan điểm tương đồng giữa hai nước sẽ được tiếp tục phát huy xây dựng ngày một tốt hơn.
“Chúng ta có đầy đủ thiện chí để làm việc đó. Còn những gì bất đồng thì ta tiếp tục trao đổi trên cơ sở tôn trọng công ước Quốc tế của LHQ về luật Biển năm 1982. Nguyên tắc chung nhất là không làm thay đổi hiện trạng, không làm xấu hơn tình hình trên biển. Quan điểm nhất quán của Việt Nam là đấu tranh bằng phương pháp hoà bình” – Bộ trưởng Nên quả quyết.
Việt Nam cùng với các nước ASEAN mới đây cũng ra tuyên bố bày tỏ quan ngại sâu sắc về vấn đề này. Tổng thư ký LHQ cũng ghi nhận, chia sẻ và bày tỏ quan điểm chung với Việt Nam. Hoạt động của Việt Nam, theo đó, đã tạo được sự hưởng ứng của quốc tế vì việc này không chỉ ảnh hưởng đến chủ quyền của Việt Nam mà còn tác động xấu tới hoạt động vận tải hàng hải, hàng không tự do trên khu vực biển Quốc tế.
P.T.