Trung Quốc bất ngờ kêu gọi Nhật Bản...dũng cảm?
(Quan hệ quốc tế) - Trung Quốc bị tố cáo đưa vũ khí ra Biển Đông nhưng lớn tiếng kêu gọi Nhật Bản nên hành động có lợi cho hòa bình và ổn định vực.
Ngày 29/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố các nhà lãnh đạo Nhật Bản nên hành động sao cho có lợi hơn đối với hòa bình và ổn định khu vực.
Tuyên bố của Trung Quốc được đưa ra sau khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bày tỏ về khả năng ủng hộ các lực lượng nước ngoài hoạt động tại Biển Đông.
Mỹ tuyên bố có đủ bằng chứng việc Trung Quốc đưa vũ khí ra Biển Đông |
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói: “Chúng tôi hy vọng Nhật Bản có thể dũng cảm đối mặt và suy ngẫm về lịch sử, tôn trọng những quan ngại của các nước láng giềng châu Á, theo đuổi lộ trình phát triển hòa bình và nỗ lực hơn nữa để tăng cường sự tin cậy lẫn nhau với các nước láng giềng”.
Trước đó, hôm 28/5, Thủ tướng Nhật Bản đã không loại trừ khả năng coi Biển Đông là một khu vực tiềm năng để các binh sĩ Nhật Bản hỗ trợ hậu cần cho binh sĩ của Mỹ và các nước khác theo một khuôn khổ pháp lý mới.
Phát biểu trước một ủy ban đặc biệt về an ninh của Hạ viện Nhật Bản, ông Abe chỉ ra nguyên nhân khi cân nhắc khả năng trên: "Chúng ta đang chứng kiến một quốc gia tiến hành các hoạt động bồi đắp (trên Biển Đông)".
Tuy không nói rõ liệu Tokyo có đưa Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) tới Biển Đông bằng việc áp dụng luật mới hay không, nếu luật này được thông qua, song ông Abe khẳng định bất cứ khu vực nào cũng có thể được cân nhắc nếu an ninh và hòa bình của Nhật Bản "bị ảnh hưởng đáng kể".
Hiện chính quyền của Thủ tướng Abe đang tìm cách thực hiện một loạt thay đổi đối với chính sách an ninh thời hậu chiến của Nhật Bản. Quốc hội nước này đang thảo luận về những dự luật an ninh sẽ mở rộng phạm vi hoạt động của SDF.
Nếu được thông qua, một trong số các dự luật sẽ cho phép SDF mở rộng hoạt động hỗ trợ hậu cần cho binh sĩ Mỹ và các nước khác mà không bị giới hạn về mặt địa lý như quy định trước đó.
Tàu hải quân của Mỹ và Nhật Bản sát cánh bên nhau |
Trong khi Trung Quốc lớn tiếng kêu gọi hòa bình và ổn định thì cùng ngày 29/5, các quan chức Mỹ cho biết đã phát hiện hai pháo cỡ lớn trên một trong những hòn đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng ở Biển Đông. Trong khi đó, một quan chức quốc phòng yêu cầu giấu tên khác đã mô tả những khí tài này là loại pháo tự hành.
Bằng chứng của Mỹ đã củng cố những quan ngại hiện nay về việc Bắc Kinh có ý đồ lợi dụng những dự án xây dựng đảo trên Biển Đông vì các mục đích quân sự.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc Brent Colburn tuyên bố Washington đã có thông tin về vụ việc trên, song từ chối cung cấp các thông tin chi tiết khác, cho rằng đây là một vấn đề thuộc lĩnh vực tình báo.
Trước đó một ngày, phát biểu với báo giới khi trên chuyến bay quân sự bắt đầu chuyến thăm châu Á 10 ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cho rằng quy mô của các hoạt động bồi lấp biển, xây đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông đang làm thay đổi nguyên trạng của khu vực này.
Ông Carter nói rằng việc máy bay Mỹ bay trên không phận quốc tế ở Biển Đông là chuyện không mới, cái mới là việc Trung Quốc đang bồi lấp, xây dựng các đảo nhân tạo quy mô lớn ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Còn trong ngày 29/5, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã lên tiếng bày tỏ quan ngại trước các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc hội đàm giữa các nhà lãnh đạo EU và Nhật Bản tại Tokyo, nêu rõ: “Chúng tôi tiếp tục theo dõi tình hình ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, đồng thời quan ngại trước bất kỳ hành động đơn phương nào làm thay đổi hiện trạng và gia tăng căng thẳng”.
- Lập Tam
No comments:
Post a Comment