Hải quân Trung Quốc muốn khoác chiếc áo toàn cầu
Quân Trung Quốc tập luyện tại một căn cứ quân sự ở Trừ Châu (Chuzhou) tỉnh An Huy, 13/05/2015.REUTERS/China Daily
Trong bài viết « Bắc Kinh định ra cho hải quân tầm vóc toàn cầu », thông tín viên Le Monde tại Bắc Kinh nhận định, Sách Trắng quốc phòng của Trung Quốc đã nhấn mạnh tầm quan trọng của an ninh trên biển khơi.
Theo tờ báo, Trung Quốc khi quan tâm về lợi ích của mình ở nước ngoài và của người Hoa trên tất cả các lục địa, đã khẳng định quyết tâm chuyển đổi thành cường quốc hải quân. Trong cuốn Sách Trắng mới công bố hôm thứ Ba 26/5, lần đầu tiên dành riêng cho chiến lược quân sự, Hội đồng Nhà nước đã trình bày các chiến lược để giao phó vai trò toàn cầu cho quân đội Trung Quốc.
Việc công khai này được Bắc Kinh giới thiệu như một hành động minh bạch, diễn ra trong bối cảnh Mỹ-Trung đang khẩu chiến về Biển Đông. Tại đây, các công trường bồi đắp các đảo đá ngầm và rạn san hô để lấn biển của Bắc Kinh, từ nhiều tháng qua là mục tiêu của chiến dịch tố cáo mạnh mẽ từ phía Washington.
Sách Trắng quốc phòng Trung Quốc đã thừa nhận sự chuyển đổi không làm mấy ai ngạc nhiên, của cường quốc thương mại thế giới. Văn kiện này nhấn mạnh : « Sự an toàn cho các lợi ích viễn hải Trung Quốc về năng lượng và tài nguyên, các tuyến đường hàng hải chiến lược, các định chế, nhân lực và tài sản ở nước ngoài, đã trở nên mối quan ngại chủ yếu ».
Sách Trắng cũng cho rằng : « Với việc bành trướng các lợi ích quốc gia Trung Quốc, an ninh quốc gia đã trở nên dễ tổn thương hơn trước các biến động trong khu vực và trên thế giới, nạn khủng bố, hải tặc, và các thiên tai, dịch bệnh ».
Đây không phải là lần đầu tiên Bắc Kinh nêu ra « lợi ích viễn hải » trong một văn kiện chính thức. Nhưng theo chuyên gia Mathieu Duchâtel, người đứng đầu văn phòng Bắc Kinh của Stockholm International Peace Research Institute, khái niệm này « đã được dành cho một chỗ quan trọng như thế trong Sách Trắng mới : mối quan ngại chủ yếu ».
Đối đầu Mỹ-Trung tại Biển Đông
« Ý tưởng này đã được cụ thể hóa, nay thì hầu như liên quan đến vị thế của Trung Quốc với tư cách một cường quốc, có những hoạt động cả trong nước và ngoài nước » - ông Duchâtel nhận định. Ông cũng là đồng tác giả với nhà ngoại giao Đan Mạch Jonas Parello-Plesner trong cuốn sách tiếng Anh sắp ra mắt mang tựa đề « China’s Strong Arm : Protecting Citizens and Asset Abroad ».
Đối với nhà nghiên cứu trên : « Các vấn đề hàng hải trong khu vực và việc bảo vệ các lợi ích ngoài khu vực của một Trung Quốc toàn cầu hóa, phối hợp với nhau trong việc xây dựng sức mạnh hải quân Trung Quốc ». Ông nhấn mạnh : « Sự thay đổi giọng điệu là hiển nhiên so với Sách Trắng trước đó, vốn chú trọng sự hợp tác quốc tế của quân đội Trung Quốc trong các chiến dịch đa phương. Bối cảnh năm này hoàn toàn khác do sự đối đầu Trung-Mỹ tại Biển Đông, và chu trình nguy hiểm giám sát/ phản giám sát ».
Theo ông Duchâtel : « Việc hải quân Trung Quốc giám sát liên tục Biển Đông giải thích rất nhiều điều về thái độ của Bắc Kinh (kể cả việc xây các đảo nhân tạo)». Các trao đổi trên làn sóng vô tuyến hôm 20/5, giữa phi hành đoàn chiếc máy bay trinh sát Posedon của Mỹ lúc bay phía trên các đảo san hô ngoài khơi Philippines và kiểm soát không lưu của hải quân Trung Quốc, trước ống kính quay phim của CNN, đã khiến giọng điệu giữa Bắc Kinh và Washington gay gắt thêm, trong lúc sắp diễn ra Đối thoại Shangri-La ở Singapore từ ngày 29 đến 31/5. Đây là điểm hẹn quan trọng của các Bộ trưởng Quốc phòng khu vực châu Á- Thái Bình Dương.
« Tự do hàng hải » và « lợi ích viễn dương »
Trong các trao đổi trên làn sóng điện, phía Mỹ nỗ lực đề cao tự do hàng hải, trong khi Trung Quốc ra lệnh – ban đầu còn bằng giọng điệu lịch sự, rồi càng lúc càng gay gắt hơn – đòi máy bay Mỹ phải rời khỏi « lãnh thổ thuộc chủ quyền Trung Quốc ».
Trước đó Lầu Năm Góc đã tuyên bố sẽ nghiên cứu gởi chiến hạm và phi cơ đến khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây lên, khiến Bắc Kinh tức giận. Tờ Global Times có lượng phát hành lớn, phát ngôn viên hiếu chiến của chế độ, thậm chí còn kêu gọi Trung Quốc « chuẩn bị kỹ lưỡng » cho khả năng xảy ra xung đột với Hoa Kỳ.
Phát biểu từ Trân Châu cảng (Pearl Harbour) nhân lễ chuyển giao quyền lực lãnh đạo Hạm đội Thái Bình Dương hôm thứ Tư 27/5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter nhắc nhở rằng Hoa Kỳ muốn « đưa phi cơ và chiến hạm hoạt động khắp nơi luật pháp quốc tế cho phép ».Ông Carter đòi « chấm dứt ngay lập tức và về lâu về dài các dự án bồi đắp lấn biển của Trung Quốc và các nước liên quan ». Ông lên án Bắc Kinh « thông qua các hành vi tại Biển Đông, đang lệch pha với các tiêu chuẩn quồc tế làm cơ sở cho cấu trúc an ninh châu Á-Thái Bình Dương ».
Đối với Mathieu Duchâtel, khái niệm « tự do hàng hải » mà Hoa Kỳ bảo vệ đối nghịch với « bảo vệ tại biển xa », đòn trả đũa cường điệu của Trung Quốc trong Sách Trắng mới. Theo ông : « Điều này đòi hỏi một hàng lang an ninh cho hải quân Trung Quốc trên hải phận quốc tế, có thể sẽ quan trọng trong việc sơ tán các công dân chẳng hạn. Đồng thời cũng gợi đến các hoạt động hộ tống các đoàn tàu thương mại như ở vịnh Aden ».
Le Monde kết luận, hãy chờ xem người Trung Quốc thực hiện ý định của họ như thế nào.
Châu Á sẽ giúp người Rohingya Miến Điện ?
Cũng tại châu Á, Courrier International dịch bài viết của tờ The Wire (Ấn Độ) mang tựa đề « Liệu châu Á rốt cuộc sẽ giúp đỡ người Rohingya hay không ? ». Theo tác giả, cho dù Malaysia và Indonesia cuối cùng đã chấp nhận không đẩy tàu của người tị nạn ra biển, chỉ có một chính sách khu vực mới có thể giải quyết được cuộc khủng hoảng nhân đạo này.
Hình ảnh những người tị nạn đáng thương chen chúc trên những chiếc tàu mỏng manh trôi dạt trên biển Andaman đã gây sốc trên toàn thế giới. Châu Á đã biết đến cuộc khủng hoảng thuyền nhân, như làn sóng người tị nạn Việt Nam vào cuối thập niên 70, nhưng nay liên quan đến một tộc người ít được biết đến trong khu vực và lại càng ít hơn trên thế giới : Rohingya, người thiểu số theo đạo Hồi sống ở Miến Điện.
Phát hiện những hố chôn người ở Thái Lan, quyết định thô bạo của Malaysia và Indonesia xô đuổi những tàu của người tị nạn ra biển khơi…Miến Điện và các quốc gia láng giềng đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, khiến mạng sống của hàng ngàn người lâm vào nguy hiểm. Theo tờ báo, các chính quyền khu vực cần có một chính sách nhập cư chung nhân đạo hơn, đồng thời hợp tác chống bọn buôn người.
Tờ Malayasiakini thì cho rằng phản ứng chậm chạp và thiếu phối hợp trước vấn đề người Rohingya càng chứng tỏ sự kém hiệu quả của các nước ASEAN. Nguyên tắc không can thiệp vào chuyện nội bộ của nước khác đã dẫn đến thái độ khoanh tay bỏ mặc, vi phạm quyền con người.
Nhập cư : Vấn đề gây chia rẽ nước Mỹ
Cũng liên quan đến hồ sơ nhập cư, nhưng tại Hoa Kỳ, bài xã luận của Le Monde nhận xét, không chỉ châu Âu đang phải đối mặt mà nước Mỹ, đất nước đông đảo người nhập cư, đang chia rẽ trong vấn đề này. Thậm chí tầm vóc của nó cũng ảnh hưởng lớn đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 08/11/2016.
Nỗ lực của đảng Dân Chủ hợp pháp hóa những người nhập cư bất hợp pháp, luôn vấp phải sự chống đối của đa số dân biểu Cộng Hòa, với sự ủng hộ của một thiểu số Dân Chủ. Riêng đảng Tea Party với 90% là người da trắng thuộc giai cấp trung lưu, còn tố cáo một nước Mỹ thay đổi quá nhanh, « toàn cầu hóa » ngay từ bên trong, với người gốc Mỹ la-tinh và gốc Á chiếm quá nhiều chỗ đứng.
Vấn đề là quan điểm này có thể khiến đảng Cộng Hòa phải trả giá trong kỳ bầu cử tổng thống năm tới, khi trên 70% người Mỹ gốc nhập cư bỏ phiếu cho phe Dân Chủ vì đảng này thoáng hơn. Vết rạn nứt Cộng Hòa – Dân Chủ đang trở thành hố ngăn cách giữa người da trắng và các cộng đồng thiểu số, mà tỉ lệ đang tăng lên trong số cử tri, đặc biệt là người Mỹ la-tinh.
Người dân Hy Lạp ồ ạt rút tiền ngân hàng
Tại châu Âu trên lãnh vực kinh tế, phụ trang Le Figaro cho biết « Người Hy Lạp tranh nhau rút tiền khỏi ngân hàng ». Chỉ trong ngày thứ Năm 28/5, khoảng 500 triệu euro đã bị các chủ tài khoản rút ra, vì người dân lo sợ Hy Lạp sẽ ra khỏi khu vực đồng euro và chính phủ kiểm soát vốn như đã xảy ra ở Chypre trước đây.
Nếu tính từ tháng 11/2014 đến cuối tháng 4/2015, đã có 30,6 tỉ euro bị rút khỏi các ngân hàng Hy Lạp. Mối lo sợ « Grexit » dần dần đã bao trùm, kể cả những người ái mộ vị Thủ tướng cánh tả nhất. Áp lực của các chủ nợ, thương lượng rơi vào ngõ cụt và các tin đồn liên tiếp về việc thiết lập chế độ hai đồng tiền song song khiến dân chúng ngày càng lo âu.
Hậu quả là vào ngày cuối tuần trước ngày lễ của Chính thống giáo, hàng người nối dài dằng dặc trước các ghi-sê, do sợ tiền lệ đã xảy ra ở nước láng giềng Chypre : ngày 17/03/2013 trước weekend kéo dài, chính phủ đã ra lệnh hạn chế số lượng tiền mặt rút ra từ ngân hàng.
Báo Pháp : Từ FIFA, « Những người Cộng Hòa » đến ngoại giao cánh tả
Le Monde đề cập đến « Platini- Blatter : Cuộc chiến trên đỉnh quyền lực bóng đá ». Trong lúc FIFA đang trong tâm bão với xì-căng-đan tham nhũng chưa từng thấy, Chủ tịch người Thụy Sĩ Joseph Blatter, 79 tuổi, vẫn trông cậy vào lá phiếu của các liên đoàn nhất là châu Phi để tại vị.
Nhưng dù bám được chiếc ghế, ông Blatter không bình an vô sự : Michel Platini, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) lớn tiếng yêu cầu ông ra đi. Tổng thống Pháp và Thủ tướng Anh cũng tuyên bố ủng hộ thay đổi người đứng đầu FIFA, chỉ có Tổng thống Nga Vladimir Putin là lội ngược dòng, tố cáo « áp lực » của Mỹ muốn ngăn trở Cúp bóng đá thế giới diễn ra tại Nga.
Trong khi đó nhật báo Le Figaro quan tâm đến việc đảng cánh hữu UMP đã chính thức đổi tên, với tựa trang nhất « Những người Cộng hòa sang trang mới cho UMP ». Theo tờ báo, kết quả giai đoạn đầu của chủ tịch đảng, cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy là tích cực về mặt đoàn kết bên trong.
Giai đoạn hai bắt đầu từ hôm nay, với tên mới cho đảng « Những người Cộng hòa » được các đảng viên thông qua với tỉ lệ phiếu cao, ông phải chứng minh được sự thay đổi không chỉ ở tên gọi. Còn giai đoạn ba kể từ thứ Hai tới, ông Sarkozy cần chứng tỏ năng lực thu hút cử tri Pháp, hơn là chăm chăm qua mặt những đối thủ cạnh tranh trong nội bộ.
Còn Libération dành trang bìa và 6 trang trong cho đề tài « Ngoại giao cánh tả đã đi đến đâu ? ». Tờ báo thiên tả cho rằng : «Thực dụng, can thiệp: Chính sách ngoại giao của ông François Hollande đã đi xa khỏi truyền thống cánh tả, tuy nhiên đã mang lại sức nặng cho nước Pháp trên trường quốc tế ».
Nhật báo công giáo La Croix qua chủ đề « Biến đổi khí hậu nghĩa là gì ? » đã giải thích trong 10 câu hỏi và trả lời. Từ các dấu hiệu, nguyên nhân, hiệu ứng nhà kính, hành động của con người cho đến những tác động, biện pháp đối phó…trong bối cảnh còn 6 tháng nữa, 196 quốc gia sẽ họp tại Paris để cố gắng đạt đến một thỏa thuận toàn cầu về vấn đề này.
Cùng chủ đề
No comments:
Post a Comment