Theo The Diplomat, việc Mỹ tuyên bố đưa máy bay và tàu chiến vào gần chuỗi đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trên Biển Đông là một "nước cờ" cho thấy Washington không hề để ý phản ứng từ Bắc Kinh.
Ông Amitai Etzioni, một giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học George Washington cho rằng, Washington đang đi một "nước cờ" mà không cần biết Bắc Kinh sẽ phản ứng ra sao và cũng không tính đến chuyện mình sẽ làm gì tiếp theo. Ông nhận định, động thái mạnh mẽ trên của Mỹ có thể gia tăng căng thẳng ở Biển Đông. 
Ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang cải tạo các bãi đá ở Trường Sa, ngang nhiên xâm phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Theo ông Etzioni, trước đây, Mỹ đã có nhiều lần hành động tương tự như vậy. Mỹ đã giải tán quân đội Iraq sau khi lật đổ chế độ Saddam Hussein mà không cần tính đến chuyện những binh lính bị giải ngũ sẽ làm gì sau đó. Mỹ sa thải hàng ngàn viên chức mà không nghĩ đến chuyện các cơ quan chính phủ Iraq sẽ hoạt động thế nào. Tại Libya, Mỹ góp phần lật đổ Muammar Gaddafi, nhưng lại không chuẩn bị đối phó với tình trạng hỗn loạn tiếp đó. 
Trong trường hợp ở Biển Đông, có rất nhiều câu hỏi đặt ra: Nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục các hoạt động xây đảo nhân tạo bất chấp việc Mỹ đưa tàu chiến giám sát xung quanh thì sao? Mỹ có định sử dụng vũ lực để ngăn chặn các tàu dân sự của Trung Quốc ra vào khu vực này hay không? Nếu có, Mỹ cho rằng Trung Quốc sẽ phản ứng thế nào?

Không ai chắc chắn điều gì sẽ xảy ra với các cuộc đối đầu như vậy. Tuy nhiên, lịch sử chỉ rằng Mỹ sẵn sàng bước lên "một chiếc thang cuốn" mà không cần biết nó sẽ đi đến đâu và làm thế nào để thoát ra trong trường hợp khẩn cấp.
Máy bay trinh sát - săn ngầm Poseidon của Mỹ.
Lần này, Mỹ hành động tương tự ở Biển Đông có lẽ bởi gần đây, Mỹ và cộng đồng quốc tế đặc biệt lo ngại trước những động thái của Bắc Kinh nhằm thay đổi hiện trạng bằng cách xây dựng những hòn đảo nhân tạo và những cơ sở hạ tầng dành cho quân sự ở Biển Đông.
Theo The Diplomat, Mỹ đã đúng khi thúc giục Trung Quốc giải quyết các tranh chấp với các nước láng giềng. Bên cạnh đó, Mỹ có thể giúp giải quyết các vấn đề Biển Đông bằng cách phê chuẩn Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), bao gồm các quy định giải quyết các tranh chấp. Công ước này hiện đã được Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Việt Nam, và hầu hết các quốc gia khác trên thế giới phê chuẩn.
Nếu Trung Quốc vẫn khăng khăng cố chấp, phớt lờ các quy định quốc tế, Mỹ và các đồng minh có thể sử dụng những phương tiện phi quân sự để gây áp lực đối với Bắc Kinh. 
Theo The Diplomat, khi đưa tàu chiến và máy bay vào Biển Đông, Mỹ dường như đã định sẵn việc bước vào một 'ván cờ' phải chơi tới cùng. Nguyên nhân bởi vì quy luật đầu tiên của việc sử dụng quyền lực là nếu một quốc gia đưa ra mối đe doạ như triển khai tàu chiến, nhưng lại không theo được đến cùng, thì quốc gia đó bị cho là thất bại tới hai lần. Đầu tiên, nước đó thua cuộc ngay trong vấn đề đó; thứ hai là mất đi uy tín.
Cái giá của việc mất uy tín rất đắt vì nó khiến cho những lời đe dọa của nước đó trong tương lai bị xem thường hoặc bị phớt lờ, do đó buộc phải dùng hành động để chứng minh.
Do đó, The Diplomat nhận định, Mỹ cần kiềm chế đưa ra những mối đe doạ quân sự và dùng các biện pháp ngoại giao để giải quyết tình hình hiện nay ở Biển Đông.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin The Diplomat, một tạp chí có trụ sở ở Tokyo, chuyên về chính trị, văn hóa và xã hội tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
PHẠM KHÁNH (Lược dịch)