Saturday, May 30, 2015

Không được thở mạnh

Không được thở mạnh

Nhạc sĩ Tuấn Khanh, viết từ Sài Gòn
2015-05-29
 
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
img_0004-0-622.jpg
Ảnh minh họa, tranh của họa sĩ Kuang Biao.
Courtesy photo
Trong một bộ phim Hồng Kông được xào nấu từ tiểu thuyết gốc của nhà văn Kim Dung, có một đoạn mô tả không khí nghiêm trọng đối đầu giữa các cao thủ, hết sức hài hước và nghiêm trang.
Một nhóm võ lâm giang hồ đi một chặng đường rất dài để tìm gặp vị Thiền sư trang chủ. Người này vừa có tính tình cô độc cổ quái, vừa là một cao thủ. Khi đưa nhóm giang hồ đó đến phòng khách chờ thiền sư hiển lộ, lũ gia nhân căn dặn là khách phải giữ tuyệt đối yên lặng, thanh tịnh, nếu không sẽ bị đuổi về. “Phải nhớ, vào đây không được thở mạnh, và không được địt”, gã gia nhân nói.

Biển Đông giờ như đỉnh Hoa Sơn

Biển Đông hôm nay, cũng trầm trọng không khác gì phòng khách ấy. Biển Đông giờ như đỉnh Hoa Sơn, nơi trổ sức hơn thua giành vị thế. Cũng có anh tài võ công xuất chúng như Lệnh Hồ Xung, cũng có kẻ nguỵ quân tử như Nhạc Bất Quần ngồi rung đùi, đếm kẻ chết mà tính lợi cho mình. Cũng có kẻ lén lút nhìn, không thở mạnh và không dám cả địt.
Biển Đông với cục diện như lửa cháy lan dần, cũng là lúc nghiêm trọng. Không phải dân đen giang hồ xứ Việt nào cũng dám cựa mình thở mạnh. Ngư dân Việt bị Trung Quốc cho tàu sắt cố ý đâm vào tàu cá để dìm chết. Đảo nhân tạo được Bắc Kinh ráo riết bồi đắp vòng vây lưỡi bò trên biển, đổ khí tài và tiếp vận quân sự cho một cuộc xâm lăng mới, mà Việt Nam là đổi thủ trực diện. Lại nghe lệnh cấm đánh cá từ giặc phương Bắc như thể biển là hồ bơi riêng của đại gia. Người đi biển Việt Nam thập thò đánh bắt, chạy cho nhanh về nhà, không dám thở mạnh, không dám địt, sợ giặc tàu sắt ngửi thấy mùi mà rượt đuổi.
Ông Nguyễn Kim Khoa – Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc Hội VN – khăng khăng nói “Ngư trường đó thuộc chủ quyền, lãnh thổ của Việt Nam. Do vậy, chúng ta phải tuyên truyền cho ngư dân được biết để họ tổ chức đánh bắt cá bình thường”. Nghe mà ngại. Chắc ông Khoa chưa bao giờ thấy tận mắt ngư dân máu me trở về, thuyền chìm giữa biển, có người tính mạng không còn vì tàu sắt của Trung Quốc đâm nên nói rất mạnh. Gia đình ông Khoa và nhiều quan chức VN nên chia nhau lên tàu với ngư dân, cùng đi ra biển để chia sẻ nguy nan với đồng bào mình, cũng như có trách nhiệm về cửa miệng mình. Biết đâu ông Khoa cùng nhiều quan chức khác cũng sẽ học được cách thở nhẹ và không địt khi gặp giặc phuong Bắc, để còn sống sót về với gia đình.
Biển Đông hôm nay thật giống vào mùa luận kiếm, ai cũng biết tỏng sức mình, sức người. Biết rõ kẻ chân thành, người nói láo. Mọi thứ ai cũng biết, nhưng không phải ai cũng dám nói ra, chỉ dám thở nhè nhẹ nhìn thế cuộc.

“Lợi thì có lợi mà răng chẳng còn”

000_Was7718641-305.jpg
Cờ Mỹ và cờ Trung Quốc tại Bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington DC (ảnh minh họa). AFP PHOTO.
Trong thế “toạ sơn quan hổ đấu”, Việt Nam ngồi xem tỉ thí giữa các nước lớn với nhau, chờ thời cơ. Trung Quốc thắng hay Mỹ thắng thì có vẻ như Việt Nam đều có lợi, dù bị cả hai thúc ép. Trung Quốc nhiều lần ép Việt Nam không được kiện cáo gì với quốc tế, còn Mỹ thì cố thúc Việt Nam phải có thái độ rõ ràng về lãnh hải và lãnh thổ mà Việt Nam rất hay tuyên bố chủ quyền
Ông bà ta vẫn nói bâng quơ “Lợi thì có lợi mà răng chẳng còn”. Mong rằng ai đó răng môi không lẫn lộn trong cuộc bể dâu – đi dây này.
Tại Hội nghị “Đối thoại Shangri-La” của các nước Asean, ông Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã từng tiết lộ rằng: “Họ (Trung Quốc) đã nhiều lần yêu cầu chúng tôi không đưa vụ việc ra tòa án quốc tế”. Còn trong tài liệu mới nhất vào 28 tháng 5 này, nhà báo bình luận chính trị David Alexander của Reuters cho biết động thái của chiếc máy bay hải quân P-8A Poseidon của Mỹ, mang theo các phóng viên của CNN, chuyển đi các hình ảnh Trung Quốc đang tổ chức xây dựng tiền đồn trên biển chính là một lời nhắc khéo với Việt Nam và các nước châu Á về hiểm hoạ đường lưỡi bò trên biển đang tới gần. Đặc biệt với Việt Nam – là người chịu ảnh hưởng nhiều nhất – rằng cơ hội độc lập kiểm soát trên biển đang mất dần. Một quốc gia có suy tính độc lập, ắt không thể chọn cách thở nhẹ và nín địt khi đi qua biển Đông từ đây, mãi mãi về sau.
“Không ai muốn một buổi sáng thức dậy và chợt phát hiện ra rằng Trung Quốc đã xây dựng nhiều tiền đồn, thậm chí còn tệ hơn nữa, khi trang bị đầy đủ các hệ thống quân sự”, Trợ lý Ngoại trưởng Daniel Russel nói đầy ngụ ý. Mà thật ra cũng chẳng phải ngụ ý gì, khi Trung Quốc đã công khai tuyên bố sở hữu 90 phần trăm Biển Đông giàu có dầu mỏ và khí đốt, bất chấp nhiều nơi còn đang nằm trong tuyên bố chủ quyền là Malaysia, Philippines, Việt Nam và Đài Loan. Và ngay lúc này, tin từ trang báo Trung Quốc (www.81.cn) còn cho biết quân đội Trung Quốc đangg tập trận ngày đêm không nghỉ, với cả phương thức tiến công vào bờ biển.
Vào cuộc luận kiếm, chỉ có duy nhất kẻ nhỏ bé tham gia Hoa Sơn là Philippines – dù võ công cũng thường – là thề quyết không chấp nhận chuyện phải thở nhẹ và nín địt ngay trên biển của mình.
Mọi chuyện có vẻ không ngừng lại đó, khi Bộ trưởng Quốc phòng Úc, ông Dennis Richardson nói rằng nước Úc quan ngại về việc Bắc Kinh đã đưa thêm súng phòng không và máy bay giám sát biển, có nghĩa là chuyện tuyên bố chủ quyền bầu trời (ADIZ) khắp biển Đông là điều không tránh khỏi, tiếp theo.
Thật kinh hãi, lẽ nào dân Việt sẽ phải thở nhẹ và không được địt khi đi biển, mà ngay cả khi bay trên trời cũng vậy?
Có buồn không, khi nhớ lại những ngày người dân Việt Nam ầm ầm khí thế, đòi Trung Quốc phải rút ngay giàn khoan 981 về. Hồn sông núi Hội nghị Diên Hồng mới hừng hực và kiêu hãnh làm sao. Cũng từ ấy, chính quyền khuyến cáo mọi người phải tập thở nhẹ và nên địt tại nhà.
Hôm nay mọi thứ vắng lặng lắm, dù tình hình đã gay gắt hơn gấp bội lần trước kia. Có thể con người và non sông đã quen dần quy tắc thở nhẹ và địt khiêm tốn, không khác gì gương mặt buồn buồn, mệt mỏi của người phát ngôn Bộ Ngoại Giao VN Lê Hải Bình khi cất lời phản đối.
Nhạc sĩ Tuấn Khanh, viết từ Sài Gòn
*Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của RFA.

No comments:

Post a Comment