25/05/2015
Cảnh giác truyền thống hứa hão của Trung Quốc
Anh Vũ, thông tín viên RFA
Cần cảnh giác truyền thống hứa hão của Trung Quốc
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) tiếp Ông Nguyễn Phú Trọng tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 07 tháng 4 năm 2015. Ảnh AFP
Trung Quốc đang ráo riết biến đảo chìm thành đảo nổi ở vùng biển Trường Sa của Việt Nam. Điều đó cho thấy, Trung Quốc đã bộc lộ “truyền thống hứa hão” của họ, sẵn sàng quên ngay những điều cam kết trong Thông cáo chung Tập Cận Bình – Nguyễn Phú Trọng vừa ký kết rất hữu hảo cách đây không lâu. Các nhà bình luận chính trị nói gì về việc này?
Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong bối cảnh hiện nay
Kể từ khi bình thường hóa quan hệ vào năm 1990, đến tháng 5/2014 sau việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 vào Biển Đông, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc xấu đi chưa từng có.
Để khôi phục và củng cố quan hệ giữa 2 Đảng Cộng sản, từ ngày 7-10/4/2015, Tổng BT Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng đã tiến hành thăm chính thức Trung Quốc.
Trong chuyến thăm này, việc giải quyết các bất đồng về vấn đề Biển Đông là vấn đề trọng tâm của hai bên, điều này đã được thể hiện trong Thông cáo chung giữa hai bên ghi rõ: “…hai bên kiên trì thông qua hiệp thương và đàm phán hữu nghị, tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được”.
“Thực tế thì nhà cầm quyền Trung Quốc luôn hành động ngược lại, hơn một năm qua, họ đã vừa công khai, vừa âm thầm bồi đắp các đảo chìm thành những đảo nổi, những cái thực thể trên vùng biển Trường Sa của Việt Nam. Điều đó đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam và luật quốc tế”.
Đại tá Nguyễn Đăng Quang
Đại tá Nguyễn Đăng Quang
Đánh giá về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong bối cảnh hiện nay, từ Hà nội Đại tá Nguyễn Đăng Quang, nguyên sĩ quan công an đã nghỉ hưu nhận định:
“Hiện nay quan hệ Việt Nam - Trung Quốc không có gì nổi cộm lên hay cấn cá nhiều, và hai bên tôi cảm thấy cố giữ tình trạng này kéo dài càng tốt. Nhưng trên thực tế Trung Quốc không từ bỏ tham vọng của họ đối với Biển Đông. Hai bên đều ra sức có những lời lẽ thận trọng để giữ hòa hiếu với nhau và quan hệ tốt và người ta không quên nói to với thế giới rằng Trung Quốc luôn luôn giữ hòa hiếu với Việt Nam. Nhưng thực tế thì nhà cầm quyền Trung Quốc luôn hành động ngược lại, hơn một năm qua, họ đã vừa công khai, vừa âm thầm bồi đắp các đảo chìm thành những đảo nổi, những cái thực thể trên vùng biển Trường sa của Việt Nam. Điều đó đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam và luật quốc tế”.
Việc gần đây Trung Quốc đang ráo riết tiến hành việc biến các đảo chìm ở vùng biển Trường Sa của Việt Nam thành các đảo nổi, để có thể tiến tới thiết lập vúng cấm bay (ADIZ) trên Biển Đông. Điều đó đã cho thấy Trung Quốc sẵn sàng quên ngay những điều đã cam kết trong bản Thông cáo chung.
Từ Hà nội, Đại tá Phạm Xuân Phương nguyên sĩ quan cao cấp thuộc Tổng cục Chính trị, cảnh báo:
Vùng đảo Gạc Ma nhìn từ trên cao, ảnh minh họa chụp hôm 15/5/2014.
“Trung Quốc đã thực hiện một cuộc chiến không tuyên bố, nhằm mục đích áp đặt và buộc Việt Nam phải khuất phục, đó là điều rõ như ban ngày. Cho nên là chúng tôi cũng đã nhận thức một cách tỉnh táo, minh bạch rõ ràng rằng tình hình quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc đang xấu đi một cách nghiêm trọng và nguy hiểm”.
Đây là một âm mưu hết sức nguy hiểm của Trung Quốc nhằm biến Biển Đông thành của riêng, đồng thời để đẩy Việt Nam vào thế rất bất lợi. Ông Nguyễn Đăng Quang ghi nhận:
“Bây giờ Trung Quốc đã bồi đắp một diện tích rất lớn để biến các đảo chìm thành đảo nổi, ở trên đó người ta xây dựng nhà cửa, thậm chí có những tòa nhà cao 8-9 tầng và những cái cảng để tàu chiến có thể neo đậu được. Họ biến những cái thực thể để sau này họ có lý do để tuyên bố chủ quyền, mà đây thực chất là những căn cứ quân sự. Nhưng tôi nghĩ rằng, đây là một ý đồ của Trung Quốc để người ta có cở sở để thiết lập một vùng nhận diện phòng không (ADIZ). Nếu một khi Trung Quốc tuyên bố điều đó thì sẽ ảnh hưởng ngay đến quyền lợi, lợi ích và sự tự do đi lại về hàng hải và hàng không của Việt Nam”.
"Chính quyền không thể im lặng”
Dưới nhan đề "Chính quyền không thể im lặng”, tác giả Mai Tú Ân đã bày tỏ sự lo lắng của mình về việc Trung Quốc ra lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông, khi cho rằng: "Cùng với việc xây dựng kiên cố các đảo, thì giờ đây Trung Cộng lại ngang ngược ra một mệnh lệnh thuần túy hành chánh và bắt chúng ta phải thực hiện, y như Việt Nam chúng ta đã trở thành đất phiên thuộc hàng rào của chúng rồi. Chẳng biết lòng tham của những kẻ bá quyền này đến đâu, và Biển Đông dậy sóng đến bao giờ”.
Trả lời câu hỏi vì sao trước tình hình nghiêm trọng như vậy, phía chính quyền Việt Nam vẫn chưa có các phản ứng phù hợp?
PGS. Hoàng Ngọc Giao, nguyên Vụ trưởng Ban biên giới Chính phủ, trong một cuộc phỏng vấn gần đây đã cho RFA biết lý do. Ông nói:
"Tuy nhiên điều đáng tiếc là quan hệ chính trị cho nên chính phủ Việt Nam nhiều lúc cân nhắc đến chuyện quan hệ đối ngoại đối với Trung Quốc, giữ lấy khẩu hiệu 16 chữ vàng và 4 tốt. Và việc họ nêu ra như thế nhưng họ áp đặt chính phủ Việt Nam theo đường lối gọi là hữu hảo. Đây là một âm mưu một sách lược vừa đánh vừa trói buộc đối phương của Trung Quốc”.
“Rất rõ ràng rồi, toàn thế giới họ đã biết rằng Trung Quốc toàn nói một đằng làm một nẻo, đó là bản chất của nhà cầm quyền Trung Quốc hiện nay. Cho nên là các nước láng giềng của Trung Quốc, đặc biệt là Việt Nam phải hết sức cảnh giác về việc này”.
Đại tá Nguyễn Đăng Quang
Đại tá Nguyễn Đăng Quang
Khi được hỏi, ông có đánh giá gì về truyền thống hứa hão và chuyên nói một đằng làm một nẻo của nhà cầm quyền Trung Quốc?
“Phải hết sức cảnh giác, Trung Quốc luôn dùng chiêu bài nói một đằng nhưng làm một nẻo, đây là vấn đề bản chất của nhà cầm quyền Trung Quốc từ xưa đến nay”. Ông Nguyễn Đăng Quang khẳng định:
“Rất rõ ràng rồi, toàn thế giới họ đã biết rằng Trung Quốc toàn nói một đằng làm một nẻo, đó là bản chất của nhà cầm quyền Trung Quốc hiện nay. Cho nên là các nước láng giềng của Trung Quốc, đặc biệt là Việt Nam phải hết sức cảnh giác về việc này. Tức là chúng ta phải hành động sao cho đừng tin những gì họ nói, đừng tin những gì họ viết, đừng tin những gì họ tuyên bố, mà hày nhìn vào những việc làm để phán xử hành động của họ. Cho nên nếu cứ tin vào Trung Quốc rồi sẽ bị họ lừa, rồi họ ép mình để đẩy mình vào thế không cưỡng lại được”.
Trong bài viết "Quan hệ Việt-Trung: Bằng mặt, không bằng lòng?" trên trang VOA mới đây, Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy đã khẳng định: "Từ lâu Trung Quốc không phải là nước XHCN, mà nó là nước Đại Hán. Cho nên là chuyện nó lấn át được Việt Nam nó cứ lấn át. Lấn được bước nào thì cứ lấn. Cái chuyện mà lúc nó chơi cái này, nó thỏa hiệp cái này, làm ra vẻ hòa hoãn cái này, trong khi đó nó lại chơi cái chuyện khác thì là chuyện tất nhiên. Biên giới trên bộ thì Bộ trưởng hai bên gặp nhau, thỏa thuận, ra vẻ hòa bình, hữu nghị lắm, nhưng trên biển họ vẫn gây sự, cấm đánh bắt cá ở vùng biển của Việt Nam…”.
Thế giới đã thay đổi, trong lúc này không thể nhìn nhận quan hệ Việt Nam – Trung Quốc theo lối cũ. Đại tá Phạm Xuân Phương ghi nhận:
“Chúng tôi không tin tưởng vì thực tế đã diễn ra không như họ dạy chúng tôi, họ dạy chúng tôi nhiều lắm chứ. Họ dạy chúng tôi về tinh thần Quốc tế vô sản, về Chủ nghĩa Marx-Lenin, họ dạy chúng tôi nhiều thứ lắm. Nhưng thực tế diễn biến theo sự cảm nhận của chúng tôi không phải là như vậy. Thế giới đã thay đổi, song họ vẫn cứ nghĩ rằng thế giới không thay đổi, họ cứ nghĩ Trung Quốc và Việt Nam có cùng ý thức hệ. Đó là họ nhầm, không có đâu”.
Là hai nước láng giềng, chung biên giới trên bộ và trên biển, lại có quá trình gắn bó tương tác về văn hóa lịch sử, cũng như các cuộc chiến tranh qua lại giữa hai nước. Tuy vậy mọi hành động của Trung Quốc luôn cho người ta thấy rằng, nó thể hiện chủ nghĩa bá quyền Đại Hán, dùng bạo quyền để mở rộng biên giới, mở rộng vùng ảnh hưởng. Chính vì thế, người Việt Nam luôn phải cảnh giác đối với mọi âm mưu và thủ đoạn của người đồng chí phương Bắc.
A.V.
No comments:
Post a Comment