Tuesday, September 15, 2015

Chiến tranh kinh tế Mỹ-Trung?

Chiến tranh kinh tế Mỹ-Trung?

Chỉ số Dow Jones ở New York trên kênh truyền hình CNN sáng 24/8/2015 (ảnh Bùi Văn Phú)
Chỉ số Dow Jones ở New York trên kênh truyền hình CNN sáng 24/8/2015 (ảnh Bùi Văn Phú)
Nếu bạn có tài khoản chứng khoán thì hơn tháng qua chắc cũng không khỏi hồi hộp vì mỗi ngày nhìn chỉ số Dow Jones và Nasdaq lên xuống mà lo, lên thì ít mà xuống vài trăm điểm trong một ngày là thường.
Sáng thứ Hai 24/8, 6 giờ 30 ở California. Một ngày đầu tuần. Vừa thức dậy, như thường nhật bật ti-vi nghe tin giao thông, thời tiết thì có tin thị trường chứng khoán ở Phố Wall, New York vừa mở cửa đã tuột giốc hơn một nghìn điểm. Đó là tin nóng buổi sáng trên tất cả các kênh truyền hình. Giá cổ phiếu các công ty lớn bé rơi tuốt luốt. Apple, Google, Facebook rớt vài phần trăm. Pepsi, Costco, General Electric mất gần 20%.
Nhiều gia đình Mỹ, trong đó có chúng tôi, ngày nay để dành tiền hưu trí gởi vào quỹ 401(k) hay trương mục IRA. Nhìn con số đỏ nhảy múa liên hồi trên màn hình mà tim tăng nhịp đập. Chứng khoán Mỹ lại sụp nữa sao, như năm 1987 hay 2008? Quỹ hưu trí 401(k) của nhân viên công ty thường được các nhà đầu tư đổ vào thị trường chứng khoán để sinh lời nhiều. Với đà tuột dốc chứng khoán, sau cơn bão thị trường này rồi tiền tiết kiệm của hàng triệu người sẽ còn bao nhiêu? Thật là một ngày hồi hộp cho những ai sắp đến tuổi hưu. Nhưng cuối ngày chỉ số chứng khoán chỉ rơi gần 600 điểm.
Các nhà đầu tư đều khuyên mọi người không nên hoảng loạn, tức là đừng thấy vậy mà vội rút tiền. Hãy nắm chặt tay cầm trong chuyến du hành lên xuống như trò chơi cao tốc đang nhào lộn này. Rồi cũng đáp bến bình yên thôi.
Đó là lời khuyên ở Mỹ, còn bên Trung Quốc có ai khuyên người dân như thế không mà sao họ ùn ùn bán đổ, bán tháo nhiều loại cổ phiếu khiến chỉ số Shanghai ngày một tụt xuống.
Chứng khoán Dow Jones ở New York sau khi lên cao đến trên 18,000 điểm trong nửa đầu của năm nay, hiện tại tụt xuống còn ở mức 16,300 tức là đã mất khoảng 1,700 điểm, gần 10%. Tuy nhiên các chuyên gia kinh tế tài chánh cho đó chỉ là sự điều chỉnh của thị trường đã quá nóng, không phải sự sụp đổ tài chánh như đã xảy ra năm 1987, khi Dow Jones tuột dốc 22% trong một ngày; hay như gần đây là năm 2008 với thị trường bất động sản sụp đổ khiến chính phủ Mỹ phải bơm hàng trăm tỉ đô-la vào trợ giúp.
Năm 1987 tôi đang làm việc ở Hồng Kông. Lúc đó chưa biết mua cổ phiếu nhưng buổi sáng đọc báo và nghe chung quanh bàn tán chứng khoán Hang Seng rớt nhiều ngày liên tục mà cũng lo vì mình có chương mục ở Bank of America và sắp hết hạn công tác để về lại Hoa Kỳ, không biết có rút hết tiền ra và đóng chương mục được không. Khi đi rút hết tiền, cô thư ký hỏi có phải lo sợ chứng khoán tuột dốc hay không, tôi trả lời đó không phải lý do mà là vì tôi sắp phải rời nơi đây.
Hồng Kông lúc đó còn là tô địa Anh quốc và có nền kinh tế phát triển vững trong khu vực châu Á,chỉ thua Nhật. Suy sụp tài chánh cuối năm 1987 khiến chứng khoán Hang Seng mất hơn 40% và đã kéo theo các thị trường khác từ Mỹ, Úc đến Tây Âu.
Từ năm 1997 Hồng Kông được trả về cho Trung Quốc và nơi đây đã là cửa ngõ thương mại cho Trung Quốc mở rộng giao thương với thế giới vì các định chế kinh tế tài chánh của Hồng Kông đã vận hành tốt qua nhiều thập niên.
Trong những tuần qua, mức độ xuống khá nhiều của các thị trường chứng khoán ở châu Âu, ở Mỹ là do ảnh hưởng từ Hồng Kông và đặc biệt là thị trường Shanghai từ Trung Quốc, một quốc gia nay đã trỗi lên vị trí kinh tế lớn thứ nhì thế giới sau Hoa Kỳ.
Vài tháng trước, các chuyên gia lo ngại sự sụp đổ của nền kinh tế Hy Lạp sẽ kéo theo khủng hoảng tài chánh ở châu Âu, nhưng nay không còn nhắc đến Hy Lạp nữa. Mọi quan sát từng ngày đang đổ dồn về Trung Quốc.

Chứng khoán Mỹ tháng qua xuống gần 10%. Nhưng con số ảm đạm đó cũng chỉ bằng một phần tư mức tuột dốc trong của sàn chứng khoán Shanghai, mất 37% trong ba tháng.
Ảnh hưởng của Trung Quốc đang lây lan ra khắp nơi trên thế giới, cả tới Việt Nam, là một quốc gia chưa thực sự có nền kinh tế thị trường nhưng chỉ số chứng khoán ở Thành phố Hồ Chí Minh, mới lên sàn từ 15 năm qua, cũng giảm từ cao điểm 640 vào cuối tháng 7 xuống còn 530 điểm, mất 17% trong ngày chứng khoán thế giới lao dốc hôm 24/8, nay đã lên mức 570.
Từ hai thập niên qua, cụm từ “toàn cầu hoá” – globalization – được nhắc đến nhiều để chỉ việc phát triển giao thương giữa các nước trên thế giới. Với thị trường chứng khoán ở những vùng phát triển như châu Âu, Bắc Mỹ và Trung Quốc, Nhật Bản tuy lên xuống có cường độ khác nhau, nhưng cùng một nhịp điệu đã cho thấy ngày nay có sự ràng buộc kinh tế chặt chẽ giữa các nước với nhau.
Dưới thời Mao, Trung Quốc không phải là quốc gia có nền kinh tế thị trường nhưng đã bắt đầu gia nhập sân chơi kinh tế toàn cầu, mở cửa ra giao thương với thế giới sau cuộc gặp giữa Tổng thống Richard Nixon và Chủ tịch Mao Trạch Đông vào đầu thập niên 1970.
Năm 1985 tôi có dịp đến Trung Quốc. Đường xá giờ tan sở ngập tràn công nhân mặc đồng phục mầu xanh biển đậm chầm chậm di chuyển bằng xe đạp trên đường phố. So với Hồng Kông lúc đó với xe ô-tô nườm nượp trên phố thì Shanghai, Canton còn nhỏ bé và quê mùa.
Năm 1987 khi chứng khoán Hang Seng ở Hồng Kông mất hơn 40% và Dow Jones mất hơn 20% thì kinh tế Trung Quốc còn ở giai đoạn chập chững, Shanghai chưa có sàn cổ phiếu cho đến năm 1990.
Đầu thập niên 1990 rất nhiều công ty Mỹ và từ nhiều nước phát triển khác tái cấu trúc, ào ạt đưa hãng xưởng sản xuất vào Trung Quốc – outsourcing – vì giá nhân công rẻ nên đã giúp cho nền kinh tế Trung Quốc cất cánh lên, GDP tăng mỗi năm trên 10%.
Ngày nay Shanghai đang bắt kịp Hồng Kông với nhà cao tầng san sát, phố xá toàn xe hơi và là trung tâm tài chính thương mại chính của Trung Quốc. Chỉ số chứng khoán Shanghai bây giờ lên xuống đã thực sự làm giao động kinh tế toàn cầu từ châu Âu sang đến Hoa Kỳ, như đã thấy trong những tuần qua.
Sau hơn 30 năm phát triển giao thương, kim ngạch giao dịch hàng hoá giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc lên đến 600 tỉ đô-la mỗi năm, đa phần là hàng Trung Quốc nhập vào Hoa Kỳ. Trong bảy tháng đầu năm nay, giao thương giữa hai nước đã đạt trên 330 tỉ đô-la, nhập vào Mỹ lên đến 267 tỉ.

Trung Quốc ngày nay còn là quốc gia đứng đầu nắm giữ tài sản ngân khố Hoa Kỳ với gần 1,300 tỉ đô-la, hơn cả Nhật với 1,200 tỉ.
Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc dự đoán sẽ chậm lại, không còn ở mức 10% như trong hai thập niên qua, mà xuống khoảng 7%, là điều làm giới lãnh đạo Bắc Kinh lo lắng và thế giới quan ngại điều đó sẽ kéo theo suy trầm kinh tế toàn cầu.
Mấy tháng trước, dư luận còn nhắc nhiều đến căng thẳng ngoài Biển Đông, coi đó có thể là điểm nóng nơi xung đột Mỹ-Trung có thể xảy ra.
Hơn tháng qua tình hình Biển Đông như yên sóng. Trong khi đó lại đang nổi lên những đợt sóng kinh tế. Với chỉ số chứng khoán ngày càng tuột dốc ở Trung Quốc, Bắc Kinh đã bơm 235 tỉ đô-la vào thị trường và đang tìm mọi cách chặn lại sự suy sụp, kể cả việc bắt giam những nhà đầu tư, những nhà báo đưa ra thông tin kinh tế mà nhà nước cho là thất thiệt khiến người dân ào ạt bán cổ phiếu.
Cùng lúc, các nhà đầu tư Mỹ và các nước Tây Âu cũng đang mất niềm tin vào cổ phiếu và sự phát triển bền vững của nhiều công ty Trung Quốc.
Súng có nổ trên Biển Đông thì người dân Mỹ cũng không bị ảnh hưởng gì nhiều. Nhưng nếu thực sự đang có chiến tranh kinh tế giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, thì cuộc chiến này sẽ làm cả thế giới lo ngại. Giá cả nhiều loại hàng sẽ tăng vọt, trong khi tiền tiết kiệm của nhiều người dân Mỹ có nguy cơ bốc hơi.
Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Bùi Văn Phú

Tác giả dạy đại học cộng đồng và hiện sống tại vùng Vịnh San Francisco, California.
Trình bày ý kiến
Bấm vào đây để góp ý trên diễn đàn này (6)
Ý kiến
     
bởi: Minh Đức từ: Canada
15.09.2015 17:57
Toàn bộ bài viết này nói về những điều nhìn thấy trên chỉ số của các thị trường chứng khoán mà không nói gì đến sự liên quan giữa hai nền kinh tế Hoa Kỳ và Trung Quốc. Mà bài viết cũng không đưa ra cụ thể là chính phủ Hoa Kỳ làm gì và chính phủ Trung Quốc làm gì để có thể nói là có chiến tranh kinh tế giữa hai nước.

Lý do chỉ số thị trường chứng khoán tại Trung Quốc tuột dốc thì các bản tin về kinh tế trên Internet có hàng ngày. Nếu theo dõi các bài phân tích thì có thể hiểu tại sao và thấy không dính dáng gì đến việc làm của chính phủ Hoa Kỳ cả.

bởi: Huê Ký
15.09.2015 10:57
Người hiểu biết và khách quan.Cũng như giá dầu Tây Âu, Mỹ muốn lên thì lên,mà xuống ,có thể còn vài đô /t lúc lên thì cho là khan hiếm.
Nga dường như đã phải đầu hàng nếu không có TQ.Để có cớ mất giá đồng Tệ̣ thì mua bán với Âu,Mỹ là 1 vấn đề.Hàng sẽ đắt thì dân không mua.Mỹ,Âu sẽ thất nghiệp nhiều.Kinh tế TQ vẫn phát triển bình thường chứ không phải rơi dốc.
Thành ra tựa đề bài nầy cho thấy tác giả rất uyên bác.

bởi: Bàn từ: Ờ Mé Ri Cần
14.09.2015 21:30
Ước gì thành phố Hồ Chí Minh trở thanh cửa ngõ giao thương của Chung Cuốc như " Cảng Thơm " trước đây nhỉ !

bởi: Bàn từ: Ờ Mé Ri Cần
14.09.2015 21:26
Kết luận nà : bất chấp lời dạy của bác Hồ " đánh cho Mỹ cút " , cháu hư bác Hồ Nguyễn Tấn Dũng sẽ phải bôn ba qua Mẽo tìm đường ...cứu đảng trong vòng 3 tháng tới . Nếu quẻ của em sai ,em xin tự kiểm điểm , tự chấp hành kỷ luật ,rút khỏi đài địch .

bởi: Bàn từ: À Mé Ri Cần
14.09.2015 20:50
Sống trong chế độ cộng sản thì người dân rất có kinh nghiệm với túi tiền của mình .Dân của cụ Mao sẽ thủ vàng ,đô la và sẽ tiếp tục bán tháo trên thị trường chứng khoán . Thị trường chứng khoán bác Mao suy sụp sẽ kéo các tập đoàn công ty của bác Mao vào chỗ bế tắc , sản xuất đình đốn và sa thải nhân công ,thu hẹp sản xuất . Khi đó suất siêu của bác Mao sẽ giảm MẠNH và nhập siêu của bác Hồ cũng giảm rất MẠNH . Dân Mỹ sẽ phải " điều chỉnh " lại cách vung tay mua sắm hàng rẻ làm bởi nhân công của bác Mao và bác Hồ .
Vậy là đã đến lúc chú Tập ở nhà còn chú Dũng thì sắp lon ton qua Mẽo cầu viện .

bởi: Nguyen Seattle từ: Highpoint
13.09.2015 22:16
Bai viet hay, chung to tac gia la nguoi lich lam, quan sat va danh gia cht dinh thoi.

No comments:

Post a Comment