Hà Tường Cát - Khi quân đội Nhật mở rộng tầm hoạt động
Thứ Ba, ngày 22 tháng 9 năm 2015
Cảnh sát giữ trật tự cho những người biểu tình trước trụ sở quốc hội ở Tokyo, phản đối dự luật mở rộng quyền hành động của Lực Lượng Phòng Vệ Nhật Bản. (Hình: Masashi Kato/Getty Images) |
Hôm Thứ Bảy, quốc hội Nhật Bản thông qua dự luật mới về an ninh do Thủ Tướng Shinzo Abe đề nghị, cho phép quân đội Nhật nới rộng tầm hoạt động cho những sứ mạng bên ngoài lãnh thổ.
Sự kiện này mang một ý nghĩa quan trọng vào lúc Nhật Bản - Trung Quốc đang có nhiều va chạm đối đầu, và Nhật Bản càng ngày càng tỏ ra muốn có một vai trò tích cực hơn trong các vấn đề khu vực, đặc biệt là gia tăng sự hiện diện ở vùng Biển Đông.
Nhiều chính phủ Nhật trước đây đã có ý tu chỉnh đạo luật về Lực Lượng Phòng Vệ Nhật Bản đã có từ 70 năm trước, sau khi chế độ quân phiệt đế quốc thua trận Thế Chiến II. Luật quốc phòng cho tới nay giới hạn phạm vi hành động của quân đội chỉ trong những việc trực tiếp liên quan đến an ninh quốc nội.
Thủ Tướng Shinzo Abe được coi là người có lập trường diều hâu và nắm quyền lực vào giai đoạn Nhật có nhiều căng thẳng với Trung Quốc về vấn đề tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Mặc dầu có nhiều sự chống đối của giới chủ trương hòa bình và những cuộc biểu tình quần chúng kéo dài nhiều tháng, nhưng không ai hoài nghi rằng dự luật sẽ bị ngăn trở bởi vì đảng cầm quyền của ông Abe chiếm đa số ở cả hai viện quốc hội.
Các đảng đối lập và một số học giả cho rằng dự luật trái với bản hiến pháp hòa bình năm 1947, nhưng Thủ Tướng Abe muốn thúc đẩy việc mở rộng quyền hành động của quân đội nhiều hơn là chỉ với nhiệm vụ tự vệ. Ông coi đây là một ưu tiên trong các chương trình của chính quyền trong nhu cầu cần tăng cường liên minh quốc phòng với Hoa Kỳ.
Các giới chức Nhật Bản thận trọng không muốn tỏ ra khiêu khích Trung Quốc, nhưng cũng phải nhìn nhận rằng cần phải tăng cường vai trò răn đe của quân đội Nhật trước sự bành trướng quân lực Trung Quốc và điều này được Hoa Kỳ hoàn toàn ủng hộ.
Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF) được thành lập năm 1954. Tới 2010 Cục Phòng Vệ Nhật được nâng cấp lên thành bộ Quốc Phòng và quân đội Nhật bắt đầu có những hoạt động trong lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc, ở ngoài biên giới với tư cách như một quân đội chính quy. Thực tế này gây nên nhều tranh cãi về vai trò của JSDF và đưa đến những bất hòa trong xã hội Nhật.
Hiến pháp 1947 mang ý nghĩa hạn chế, nếu không phải là trừng phạt, việc Nhật Bản đã sử dụng quân lực để xâm lược và thành lập thuộc địa trong tham vọng hình thành đế quốc Đại Đông Á. Sau đó với sự phát triển kinh tế lớn mạnh, nhiều người tin rằng Nhật Bản nên phục hồi là một quốc gia với đầy đủ chủ quyền có thể đóng góp bình đẳng trong các hợp tác an ninh với Mỹ.
Năm 1960, Thủ Tướng Nobosuke Kishi, ông ngoại của Shinzo Abe, đã có chủ trương ký hiệp ước cho phép Hoa Kỳ mở rộng các căn cứ quân sự ở Nhật và hai nước cùng chiến đấu nếu Nhật Bản bị tấn công. Kishi thành công trong nỗ lực tranh thủ được sự ủng hộ của quốc hội để thông qua hiệp ước, nhưng việc này làm thương tổn uy tín chính trị của ông khiến một tháng sau đó ông phải từ nhiệm. Đó là thời kỳ Chiến Tranh Lạnh và đối tượng mà hai nước nhắm đương đầu là Liên Bang Sô Viết.
Qua 70 năm sống hòa bình, hầu hết dân Nhật không muốn nước mình đảm nhận một vai trò an ninh tích cực nào, và thăm dò dư luận cho thấy uy tín của Thủ Tướng Abe từ 51% hồi tháng 5 giảm xuống 43% hiện nay. Abe có thể chịu hậu quả trong cuộc bầu cử Thượng Viện vào tháng 7 năm 2016.
Chính quyền Abe lập luận rằng liên minh chặt chẽ với Hoa Kỳ và các nước Tây Phương khác sẽ làm an ninh của Nhật được vững bền hơn. Những người đối lập không đồng ý về quan điểm ấy, cho là hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ và can dự vào những nghĩa vụ quốc tế sẽ đưa tới nguy cơ khủng bố gia tăng tại quốc nội, tạo thêm gánh nặng cho nền kinh tế và khả năng phòng thủ suy yếu đi.
Hiến pháp năm 1947 của Nhật cấm phát triển quân lực và tham gia chiến tranh ở nước ngoài, hoặc triển khai quân đội nếu không phải là chỉ với mục tiêu phòng vệ. Luật quốc phòng vừa sửa đổi vẫn tôn trọng nguyên tắc ấy nhưng nới lỏng một số giới hạn hành động cho quân đội Nhật.
Điểm đáng chú ý nhất là JSDF có thể trợ lực bằng công tác tiếp liệu cho các nước đồng minh trong một cuộc chiến tranh ở nước ngoài không trực tiếp là xâm lăng vào Nhật nhưng đe dọa cho an ninh của Nhật. Chẳng hạn nếu xảy ra chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, SDF có thể tiếp tế đạn dược, nhiên liệu và những dịch vụ khác cho quân đội Hoa Kỳ và Nam Hàn. Chắc chắn rằng sẽ có nhiều tranh cãi về mức độ của sự đe dọa và giải thích chuyện đó tùy thuộc vào hoàn cảnh và tình hình thực tế trong tương lai.
Một điểm rõ ràng hơn là Nhật Bản có thể bắn hạ những hỏa tiễn nhắm tới Hoa Kỳ. Hiện nay JSDF không được quyền như vậy nếu không phải là hỏa tiễn nhắm trực tiếp tới đất Nhật, mặc dầu một số hệ thống hỏa tiễn phòng thủ được điều hành hỗn hợp bởi cả hai quân đội.
Bảo đảm tự do lưu thông hàng hải. Khi nói đến việc này người ta thường chỉ nghĩ tới đường hàng hải ngang Biển Đông. Tuy nhiên một nhu cầu sinh tử cho kinh tế Nhật Bản là đường chuyên chở dầu lửa từ Trung Đông qua Vịnh Persian, Ấn Độ Dương và đi ngang Biển Đông đến Thái Bình Dương. Luật quốc phòng mới của Nhật cho phép JSDF mở những cuộc hành quân, hỗn hợp hay đơn phương, bảo vệ an ninh và khai thông tuyến đường biển như là vét mìn khi cần thiết.
Quân đội Nhật thuộc JSDF có thể tham gia những chiến dịch nhân đạo của Liên Hiệp Quốc, ngay cả trường hợp ở những vùng thiếu an ninh. Nói cách khác Nhật có thể đưa tới đây những đơn vị chiến đấu, với mục đích bảo vệ an ninh cho công tác. Năm 2003, sau khi Hoa Kỳ triệt thoái khỏi Iraq, Nhật đã giúp xây dựng hạ tầng cơ sở, cầu đường, trường học và hệ thống cấp thủy, nhưng chỉ giới hạn trong một số khu vực bảo đảm an ninh. Giới hạn ấy sẽ được bãi bỏ với luật mới.
Để giải cứu cho công dân Nhật bị bắt giữ làm con tin ở hải ngoại, JSDF có thể triển khai những đơn vị lực lượng đặc biệt và sử dụng vũ khí tác chiến,
Trong một cuộc phỏng vấn của tờ Wall Street Journal, nói đến sự hợp tác hải quân Nhật-Mỹ, Thủ Tướng Abe giải thích: “Hải quân Mỹ và hải quân JSDF sẽ hợp tác theo nghĩa một cộng một là hai”.
Theo ông, Nhật có thể giúp bảo vệ cho một chiến hạm Mỹ ngay cả trường hợp không ở trong hải phận Nhật.
Thủ Tướng Abe trước đây đã muốn thông qua dự luật này sớm hơn, nhưng những chống đối mạnh mẽ khiến dự định phải chậm lại. Nhưng các quan sát viên cho rằng phái đối lập không thể nào vượt qua đảng Dân Chủ Cấp Tiến của Thủ Tướng Abe và ông đã đẩy mạnh việc này để từ nay đến cuối năm còn phải giải quyết nhiều vấn đề kinh tế tài chính khác trước khi đến mùa bầu cử năm 2016.
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét