Tuesday, September 22, 2015

Mỹ và Ấn khởi động cơ chế Đối thoại Chiến lược-Thương mại

Mỹ và Ấn khởi động cơ chế Đối thoại Chiến lược-Thương mại

mediaTổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (phải) tại New Delhi, ngày 25/01/2015.Reuters
Ngày 22/09/2015, các bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Mỹ và Ấn Độ bắt đầu thảo luận với nhau, trong khuôn khổ cơ chế Đối thoại Chiến lược-Thương mại thường niên vừa được lãnh đạo hai nước sáng lập. Ngày hôm trước, cơ chế này đã được chính thức khởi động tại Washington, với mục tiêu được tuyên bố là « hợp tác đối phó với các thách thức trong những thập kỷ tới đây ».
Phát biểu nhân buổi khởi động cơ chế mang tên chính thức Đối thoại Chiến lược và Thương mại Mỹ-Ấn, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố : « Chúng ta đang ở một thời điểm thuận lợi trong quan hệ giữa Mỹ và Ấn Độ… (vốn sẽ) định hình thế kỷ 21 ».
Ông Biden không che giấu : « Mục tiêu của chúng tôi là trở thành người bạn tốt nhất của Ấn Độ ». xác nhận xu hướng xích lại gần Ấn Độ một cách ngoạn mục của Hoa Kỳ, cho dù đồng minh lịch sử của Mỹ là Pakistan, đối thủ của Ấn trong vùng Nam Á.
Trong một bản thông cáo, chính quyền Mỹ cho biết là cơ chế đối thoại mới Mỹ-Ấn đã được Tổng thống Barack Obama và Thủ tướng Narendra Modi quyết định thành lập trong năm nay để « tăng cường quan hệ đối tác song phương để đáp ứng những thách thức của những thập kỷ tới, từ biến đổi khí hậu đến an ninh khu vực. »
Trung Quốc bị đả kích trên vấn đề Biển Đông
Và chính trong vấn đề an ninh khu vực, Phó Tổng thống Mỹ ngày 21/09/2015 đã không ngần ngại đả kích – cho dù một cách bóng gió - tham vọng của Trung Quốc, láng giềng và đối thủ Ấn Độ. Ông Biden đã nhắc lại cam kết của Washington bảo vệ quyền « tự do hàng hải » ở các vùng biển Châu Á, ám chỉ tới những căng thẳng trên Biển Đông giữa Bắc Kinh và các nước láng giềng.
Vào cuối tuần này, Thủ tướng Ấn Độ Modi sẽ đến New York tham dự Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Tại đấy, ông có thể sẽ tiếp xúc với Tổng thống Mỹ Obama, trước khi ghé California gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp Mỹ. Trên bình diện kinh tế, quan hệ thương mại Mỹ-Ấn còn khiêm tốn, chỉ đạt 100 tỷ đô la mỗi năm, ít hơn gấp năm lần so với trao đổi mậu dịch giữa Washington và Bắc Kinh.
Cùng chủ đề

No comments:

Post a Comment