Tuesday, September 1, 2015

Quan hệ Seoul và Bắc Kinh nồng ấm, Bình Nhưỡng thêm cô lập

Quan hệ Seoul và Bắc Kinh nồng ấm, Bình Nhưỡng thêm cô lập

mediaNgười dân Hàn Quốc mừng 70 năm Triều Tiên thoát ách đô hộ Nhật Bản (1910-1945), Seoul, ngày 15/08/2015.REUTERS/Kim Hong-Ji
Trong tuần này, nguyên thủ Hàn Quốc tới Bắc Kinh dự lễ kỷ niệm 70 năm kết thúc đệ nhị thế chiến tại Châu Á và gặp gỡ các nhà lãnh đạo Trung Quốc, còn lãnh đạo Bắc Triều Tiên thì vắng mặt. Theo giới phân tích, sự kiện này tác động đến mối quan hệ tam giác Bắc Kinh-Seoul-Bình Nhưỡng và quan hệ Trung-Hàn càng được sưởi ấm thì Bắc Triều Tiên càng bị cô lập.
Tại Bắc Kinh, bà Park Geun-hye sẽ có các cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường. Nguyên thủ Hàn Quốc cũng sẽ dự lễ duyệt binh trên Quảng trường Thiên An Môn.
Theo Seoul, sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, Tổng thống Hàn Quốc đã quyết định sang Trung Quốc. Trong khi đó, Bắc Triều Tiên, đồng minh quân sự duy nhất của Trung Quốc, lại chỉ cử ông Choe Ryong Hae, Phó Chủ tịch Quân Ủy, được coi như trợ lý của lãnh đạo Kim Jong-un, sang Bắc Kinh. Hiện chưa rõ liệu ông Choe có được các lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường tiếp hay không. Đáng chú ý là kể từ khi lên cầm quyền, vào cuối năm 2011, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un chưa hề công du nước ngoài và cũng chưa gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, còn nguyên thủ Trung Quốc và Hàn Quốc đã gặp nhau hai lần, ở Seoul và Bắc Kinh.
Kinh tế là một trong những lý do chính thúc đẩy quan hệ giữa Trung Quốc và Hàn Quốc. Theo số liệu của Seoul, trong sáu tháng đầu năm nay, trao đổi thương mại của Trung Quốc với Hàn Quốc lớn gấp 50 lần so với tổng trao đổi mậu dịch của Bắc Kinh với Bình Nhưỡng. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc và Seoul là đối tác thương mại đứng hàng thứ tư của Bắc Kinh.
Về mặt chiến lược, một số nhà phân tích cho rằng việc Bắc Kinh thúc đẩy bang giao với Seoul là nhằm làm suy yếu liên minh tay ba trong khu vực, Hoa Kỳ-Nhật Bản-Hàn Quốc. Các quan chức Hàn Quốc bác bỏ nhận định này. Hiện vẫn có tới gần 30 000 lính Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc để đối phó với mối đe dọa của Bắc Triều Tiên. Seoul nhấn mạnh là Trung Quốc ngày càng hiểu rõ hơn lập trường của Hàn Quốc trong hồ sơ Bắc Triều Tiên. Trong các cuộc gặp trước đây, nguyên thủ Trung-Hàn đã thảo luận cả vấn đề thống nhất trên bán đảo Triều Tiên, một chủ đề vốn được coi là kiêng kỵ đối với Bắc Kinh.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc, chỗ dựa chủ chốt về kinh tế của Bắc Triều Tiên, có thái độ phê phán mạnh mẽ hơn đối với chế độ Bình Nhưỡng. Vậy Trung Quốc có thể gây áp lực như thế nào đối với Bắc Triều Tiên ? Đây là câu hỏi gây nhiều tranh luận trong giới chuyên gia. Đa số các nhà phân tích có cùng nhận định là mối quan tâm hàng đầu của Bắc Kinh là không để cho chế độ Bình Nhưỡng sụp đổ, gây bất ổn định cho các tỉnh phía đông bắc Trung Quốc, với nguy cơ hàng trăm ngàn người Bắc Triều Tiên chạy sang tỵ nạn. Tuy nhiên, một số chuyên gia nhận định, chiến lược của Tổng thống Park Geun-hye là làm giảm bớt khả năng Bắc Triều Tiên trông cậy vào sự ủng hộ của Trung Quốc, để làm chỗ dựa tấn công Hàn Quốc và các nước khác.
Theo ông Robert Kelly, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Quốc gia Pusan, Hàn Quốc, được tờ The Wall Street Journal trích dẫn, thì Tổng thống Hàn Quốc đang tìm mọi cách vuốt ve, thuyết phục Trung Quốc từng bước buông Bắc Triều Tiên ra, nhưng « điều này không thể xẩy ra trong một đêm. Nếu bị cắt quan hệ với Trung Quốc, Bắc Triều Tiên không biết đi về đâu ».
Nhiều chuyên gia nhấn mạnh, chính Hàn Quốc là nước có thể giúp Trung Quốc giải quyết vấn đề Bắc Triều Tiên : Sau khi đạt được thỏa thuận làm giảm căng thẳng ở biên giới, ngày 24/08, Seoul tuyên bố sẵn sàng thảo luận việc bãi bỏ cấm vận kinh tế đối với Bình Nhưỡng, được áp dụng từ năm 2010 sau vụ 46 thủy thủ bị thiệt mạng khi một tàu của hải quân Hàn Quốc bị bắn chìm mà Bắc Triều Tiên bị nghi ngờ là thủ phạm.
Tuy vậy, ông Ken Gause, chuyên gia về Bắc Triều Tiên thuộc Trung tâm Phân tích Hải quân CNA lưu ý, việc tan băng trong quan hệ liên Triều sẽ chỉ diễn ra chừng nào Bình Nhưỡng đạt được điều họ muốn trong đàm phán vì « đến một lúc nào đó, Bắc Triều Tiên có thể quay lại thủ đoạn gây căng thẳng, bên miệng hố chiến tranh ».
Cùng chủ đề

No comments:

Post a Comment