COP 21 : Pháp cần tiếng nói của Trung Quốc để hội nghị thành công
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp đón Tổng thống François Hollande tại Bắc Kinh - REUTERS/Jason Lee
Vì sao Trung Quốc là chặng cuối trong cuộc chạy đua việt dã của Tổng thống Pháp François Hollande để thuyết phục quốc tế hành động chống biến đổi khí hậu, giữ nhiệt độ của Trái đất chỉ tăng thêm 2 °C từ nay cho tới cuối thế kỷ ?
Để hoàn thành nhiệm vụ, thuyết phục 195 quốc gia tham dự Hội nghị Paris COP21 (30/11/2015 -11/12/2015), từ đầu năm 2015 Tổng thống Pháp đã công du nhiều nơi từ Philippines đến vùng Caribê, từ Châu Phi tới Iceland. Tuy nhiên, Bắc Kinh là chặng cuối cùng, bởi Pháp trông đợi Trung Quốc đóng một vai trò đầu tầu, thuyết phục các quốc gia kém phát triển đóng góp nhiều hơn vì tương lai của nhân loại.
Là quốc gia phát lượng thải khí gây ô nhiễm nhiều nhất hành tinh, trước cả Hoa Kỳ, Trung Quốc cũng là nguồn tiêu thụ than đá số 1 của thế giới, với hậu quả trực tiếp là mỗi ngày có hơn 4000 ca tử vọng vì các bệnh đường hô hấp, theo như một nghiên cứu của đại học Berkeley, Hoa Kỳ được công bố vào tháng 4/2015.
Năng lượng hóa thạch bảo đảm đến hơn 65 % nhu cầu năng lượng trên toàn quốc. Các nhà máy công nghiệp Trung Quốc thải ra đến 25 % khí carbon của toàn thế giới. Dù vậy, Bắc Kinh liên tục đưa ra nhiều cam kết cụ thể trong lĩnh vực môi trường : Trung Quốc đang đầu tư vào năng lượng tái tạo, vào công nghệ xanh và thậm chí còn xem lĩnh vực này là một động lực tăng trưởng.
Tháng 11/2014, khi tiếp Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tại Bắc Kinh, Chủ tịch Tập Cận Bình đã chính thức thông báo Trung Quốc giảm mức thải khí CO2 kể từ năm 2030. Gần đây hơn, cũng ông Tập Cận Bình, trong chuyến công du Hoa Kỳ hồi tháng 9/2015, đã thông báo thành lập một thị trường nội địa carbon trước năm 2017, với mục đích khuyến khích khu vực sản xuất giới hạn lượng thải khí carbon.
Một vài con số nói trên cho thấy thành công hay thất bại của Hội nghị quốc tế về khí hậu và môi trường Paris phần nào đang được đặt trong tay Bắc Kinh.
Pháp không quên rằng, Hội nghị khí hậu COP15 tổ chức tại Copenhagen-Đan Mạch năm 2009 đã thất bại một phần do Trung Quốc. Trung Quốc và Ấn Độ khi đó dứt khoát từ chối giới hạn lượng khí thải carbon làm hâm nóng trái đất, với lý do, cả New Delhi lẫn Bắc Kinh cùng không muốn yếu tố môi trường làm phương hại tới đà tăng trưởng của hai đầu tàu kinh tế châu Á này. Lại cũng Trung Quốc đã một mực bác bỏ khả năng để cho quốc tế giám sát các chuẩn mực về môi trường mà các bên đã cam kết.
Một lý do khác khiến Tổng thống Hollande phải dừng chân ở Bắc Kinh lần này, là vì Trung Quốc đang dẫn đầu một nhóm gọi là G77, quy tụ 133 quốc gia đang phát triển. Nhóm này đang rất thận trọng trước sáng kiến của Paris muốn giới hạn nhiệt độ trái đất nóng lên không quá 2°C.
Trung Quốc là một đối tác chính trị, tài chình và kinh tế quan trọng của các quốc gia chậm phát triển đó và do vậy Bắc Kinh có nhiều kênh để thuyết phục các nền kinh tế đang trỗi dậy cùng nỗ lực đóng góp để những thế hệ mai sau được sống trong một môi trường trong sạch hơn.
Theo các nhà quan sát, tính toán của phủ tổng thống Pháp là rất khôn ngoan, khi biết rằng, từ hội nghị khí hậu COP15 đến COP21, Bắc Kinh đã thay đổi hẳn một thế hệ lãnh đạo.
Một khác biệt nữa so với hội nghị hồi năm 2009 là tại Copenhagen, Tổng thống Mỹ, Barack Obama trong năm đầu nhiệm kỳ đã lơ là với hồ sơ khí hậu. Thế nhưng từ đó tới nay, và nhất là một năm trước khi rời Nhà Trắng, ông Obama muốn đi vào lịch sử như một vị tổng thống đã đưa Hoa Kỳ trở thành một quốc gia có trách nhiệm đối với các thế hệ mai sau. Tính toán đó của lãnh đạo Mỹ đã buộc Bắc Kinh phản ứng. Ngay cả trên hồ sơ môi trường, ông Tập Cận Bình chủ trương rằng , Trung Quốc muốn chiếm một vị trí ngang hàng với Mỹ.
Đó là chưa kể về mặt đối nội, Bắc Kinh ý thức được rằng, nguyện vọng của người dân Trung Quốc đòi được sống trong một môi trường lành mạnh hơn ngày càng lớn. Bên cạnh những đòi hỏi về thịnh vượng kinh tế, môi trường và khí hậu cũng là một yếu tố góp phần duy trì ổn định xã hội tại quốc gia này.
Có lẽ đây mới chính là những động cơ thực sự thôi thúc Bắc Kinh ủng hộ Pháp để thỏa thuận Paris về khí hậu và môi trường xứng đáng là một « thỏa thuận đầy tham vọng và mang tính ràng buộc về pháp lý ». Tiếng nói của Trung Quốc trên hồ sơ này, theo như nhận định của Tổng thống Hollande, đang mở ra triển vọng Hội nghị COP21 sẽ thành công.
Cùng chủ đề
No comments:
Post a Comment