Sunday, November 1, 2015

Giải trừ uẩn khúc họp mật Thành Đô

Cập nhật: 22/10/2014 11:31


Giải trừ uẩn khúc họp mật Thành Đô


Gần đây, dân chúng Việt Nam dấy lên Phong trào “Chúng tôi muốn biết” (We Want To Know), đã gây cho chính quyền Cộng sản Việt Nam (CSVN) lúng túng. Vì sao chính quyền CSVN bị lúng túng khi người dân muốn biết một sự thật của đất nước mình?!
Cali Today News - Thế rồi giấy thì làm sao gói được lửa! Vì nội dung chính trong cuộc họp mật tại Thành Đô ở tỉnh Tứ Xuyên vào hai ngày 3 và 4 tháng 9 năm 1990, giữa lãnh đạo cao cấp nhất hai Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt-Trung; thành phần tham dự, phía CSVN gồm có: Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười và Cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng Phạm Văn Đồng; phía Trung cộng gồm có: Tổng bí thư đảng cộng sản Trung cộng Giang Trạch Dân và Thủ tướng Quốc vụ viện Trung cộng Lý Bằng; cho đến nay, nội dung và các thỏa thuận trong cuộc họp của đôi bên vẫn chưa được công bố.
 
Chính quyền CSVN lại giấu giếm các thỏa thuận mật giữa Việt-Trung không cho người dân biết, nhưng hai cuốn hồi ký “Nhật ký ngoại sự”, và “Hòa Bình phát triển hợp tác” của Lý Bằng đã ghi lại đầy đủ cả nội dung và hình ảnh. Lý Bằng giải thích vì sao không hội họp ở Bắc kinh mà hội đàm ở Thành Đô: “cuộc hội họp đặc biệt hệ trọng, nên để tiện cho việc bảo mật, địa điểm hội đàm sẽ được bố trí ở Thành Đô”. Và Tân Hoa Xã đã loan tải một thông điệp trọng yếu của phái đoàn Việt Nam: “Việt Nam bày tỏ mong muốn sẵn sàng chấp nhận làm một khu vực tự trị thuộc chính quyền trung ương tại Bắc Kinh như Trung Quốc đã dành cho Nội Mông, Tây Tạng, Quảng Tây… Phía Trung Quốc đồng ý và đồng ý chấp nhận đề nghị nói trên và cho Việt Nam thời gian 30 năm để Đảng Cộng sản Việt Nam giải quyết các bước tiến hành cần thiết cho việc gia nhập đại gia đình các dân tộc Trung Quốc!” Sau đấy Hoàn Cầu Thời Báo cũng tiếp tục đăng tin này, như vậy hai cơ quan ngôn luận chính của Trung cộng đã đăng tin những người lãnh đạo đảng CSVN bày tỏ mong muốn sẵn sàng chấp nhận Việt Nam làm một khu vực tự trị thuộc chính quyền trung ương tại Bắc Kinh là điều không thể xem thường?!. Phải chăng đây là sự thật, nên cuộc hội đàm tại Hà Nội vào ngày 18-6-2014, Hoàn Cầu Thời Báo lại đăng tin Ủy viên Quốc vụ viện Trung Cộng là Dương Khiết Trì đã nhắn nhủ đảng CSVN với lời lẽ trịch thượng: “Thúc giục đứa con hoang đàng trở về nhà”.
 
Từ đấy, chẳng những lòng dân băn khoăn, lo lắng cho vận nước gian nguy, mà những nhân vật trong hàng ngũ đảng CSVN còn tiềm tàng tình tự dân tộc, còn cảm thấy ngậm ngùi khi tổ quốc lâm nguy, cũng không thể lặng lẽ! Thế nên, vào ngày 20-7-2014, thiếu Tướng Lê Duy Mật, nguyên Phó Tư lệnh-Tham mưu trưởng Quân khu 2 và Tư lệnh Mặt trận 1979-1984 (Hà Giang), đã gửi kiến nghị đến lãnh đạo đảng CSVN, có đoạn viết: Chúng tôi cho rằng nguyên nhân sâu xa là ở Thỏa hiệp Thành Đô ngày 4/9/1990 của một số vị lãnh đạo. Chúng tôi chưa rõ thực hư thế nào mà chỉ biết sau này những hiện tượng tiêu cực xảy ra đã thể hiện nội dung của bản Thỏa hiệp đó. Xin trích một đoạn Thỏa hiệp Thành Đô: “ Vì sự tồn tại của sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa Cộng sản, Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam đề nghị phía Trung Quốc giải quyết các mối bất đồng giữa hai nước. Phía Việt Nam sẽ cố gắng hết sức mình để vun đắp tình hữu nghị vốn lâu đời vốn có giữa hai đảng và nhân dân hai nước do Chủ tịch Mao Trạch Đông và chủ Tịch Hồ Chí Minh đã dày công xây đắp trong quá khứ. Và Việt Nam bày tỏ mong muốn sẵn sàng chấp nhận làm một khu vực tự trị thuộc chính quyền Trung ương tại Bắc Kinh, như Trung Quốc đã dành cho Nội Mông, Tây Tạng, Quảng Tây….
 
 Đến ngày 2-9-2014, gồm có 20 cựu sĩ quan cao cấp Lực lượng Vũ trang Quân Đội Nhân Dân Việt Nam cũng gửi kiến nghị gồm có 4 điểm chính, riêng điểm cuối cùng đã yêu cầu lãnh đạo đảng CSVN giải thích về cuộc họp mật tại Thành Đô: “Cuối cùng, bản kiến nghị cũng lặp lại điều mà trong một vài kiến nghị, góp ý vừa qua cũng đề cập đến là việc công khai về mối quan hệ Việt Nam-Trung Quốc. Cụ thể là những ký kết, cam kết, thỏa thuận có liên quan lớn đến an ninh, chủ quyền của quốc gia. Một trong những điều cần phải làm sáng tỏ là Hội nghị Thành Đô năm 1990!”.
 
Tất cả những kiến nghị này, chính quyền CSVN đều làm ngơ hay ngại ngần nên không trả lời công khai trước toàn dân. Thế mà, ngay lời mở đầu Hiến pháp năm 2013 của CSVN, Điều 2 lại/đã lừa lọc ghi rằng:
-1. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
 
-2. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”
Nhân dân làm chủ ư?! Thế mà vào sáng ngày 15-10-2014, tại hai thành phố lớn Hà Nội và Sài Gòn, đảng CSVN đã huy động rất đông đảo lực lượng công an/an ninh nhằm ngăn chặn, sách nhiễu những người dân dự kiến sẽ đến trụ sở Quốc hội để trao kiến nghị:“Yêu cầu Quốc hội Việt Nam bạch hoá Hội nghị Thành Đô”?! Ngoài ra, đảng CSVN còn tung tài liệu hướng dẫn các đảng viên, hòng giấu giếm sự thật về cuộc họp cấp cao Việt-Trung tại Thành Đô vào hai ngày 3 và 4 tháng 9 năm 1990, rằng: “Trong hội đàm Thành Đô, trao đổi không hề có vấn đề phía Trung quốc gây sức ép với ta về nhân sự, không hề có cái gọi là thỏa thuận rằng: Việt Nam sẽ thành khu tự trị thuộc Trung quốc, giống như Nội Mông, Tân Cương và Quảng Tây vào năm 2020…” Việc lấy thúng úp voi này làm sao giấu giếm được tất cả đảng viên CSVN, khi bí mật đã bật mí?!
Dân tôi được biết các vị lãnh đạo cao cấp Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam hiện nay, như tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, chủ tịch nước Trương Tấn Sang, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng... đều có bằng cấp cử nhân, tiến sĩ, chứ không phải như tiến sĩ giấy của Yên Đỗ Nguyễn Khuyến đã viết:
 
“Cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai
Cũng gọi ông nghè có kém ai.
.........
Ghế chéo lọng xanh ngồi bảnh chọe
Nghĩ rằng đồ thật hóa đồ chơi!”.
 
Dân tôi không dám nghĩ quí vị là tiến sĩ giấy, mà tiếng nói của quí vị hiện nay rất quan trọng, như người xưa đã nói: “Một lời nói có thể thịnh nước, một lời nói có thể mất nước” (Nhất ngôn nhi khả dĩ hưng bang, nhất ngôn nhi khả dĩ táng bang). Về việc họp mật tại Thành Đô, nếu hai bên cùng thỏa thuận giữ kín những cam kết đã ký kết trong hội nghị. Nhưng phía Trung cộng đã đơn phương tiết lộ nội dung trong cuộc họp mật này. Như thế, theo công pháp quốc tế, phía Trung cộng đã bội ước, khi hai bên cùng thỏa thuận giữ kín những ký kết trong cuộc hội đàm.
 
Từ đấy, chính quyền Việt Nam hiện nay có quyền kiện Trung Cộng đã đơn phương vi phạm cam kết là đơn phương cho phổ biến tài liệu mật?!. Cũng từ đấy, phía Việt Nam có quyền hủy bỏ những cam kết đã ký kết trong cuộc hội họp mật tại Thành Đô.
 
Điều kiện thiết yếu là chính quyền Việt Nam có dám kiện Trung cộng và hủy bỏ những cam kết đã ký kết hay không?! Có lẽ chỉ biết cúi đầu với thiên triều, như việc Trung cộng đã/đang cướp biển Đông, mà Philippines đã kiện Trung cộng ra tòa án Quốc tế từ lâu, còn Việt Nam thì vẫn im thin thít vì quy lụy thiên triều?!
 
Non nước Việt Nam biết bao máu xương vun đắp và gìn giữ mới có hôm nay, vì vậy chúng ta không thể quên lời dặn dò của tiền nhân. Nhà Thái dịch Lý Đông A (1920-1946?) đã nhắn nhủ đồng bào Việt: “Chúng ta hãy quay về mình xem hình thể của tự mình. Đất ta là đất cơ sở của Thái Bình Dương, trung tâm của Đông Nam Á, tư lệnh đài của quốc tế, được ta thì tiến lên xưng bá loài người, lui về tự thủ muôn thuở, bất cứ trên chính trị, quân sự, kinh tế, chiến lược, văn hóa đều đứng vào thiên hiểm của trung tâm. Cho nên tự phần ta nên hiểu: đời nay nếu ta muốn sống phải hết sức mạnh mà ta hững hờ thì tất diệt...”.
 
Từ đấy, gẫm hoàn cảnh Việt Nam sẽ giống như khu tự trị Tân Cương của người Ngô Gia Nhĩ (Uyghgur)?! Khu tự trị Tân Cương, vào năm 1949 thì tỷ lệ người Hán tăng từ dưới 7%, hiện nay đã tăng lên tới 40% người Hán mỗi năm. Theo thống kê dân số năm 2000 thì ở Tân Cương người Ngô Gia Nhĩ là 8.345.622 người (tỷ lệ 45.21%), người Hán 7.489.919 người (tỷ lệ 40.58%), còn lại các sắc dân khác: Hồi, Mông Cổ, Nga... như vậy thử hỏi làm sao giành lại được độc lập?!
 
Người tiền nhân kế đến là Nhượng Tống Hoàng Phạm Trân (1904-1949), trong bài thơ: “Cảm Đề Lịch Sử”, ông lo lắng cho quê hương vô cùng thống thiết:
 
“Ba xứ non sông một giải liền
Máu đào, xương trắng điểm tô nên
Cơ trời dù đổi trò tang hải
Mặt đất chưa tàn nghiệp tổ tiên
Có nước, có dân đừng rẻ rúng
Muốn còn, muốn sống phải đua chen
Giật mình nhớ chuyện nghìn năm cũ
Chiêm-Lạp xưa kia vốn chẳng hèn”
 
Dân tôi mong mỏi các vị lãnh đạo cao cấp Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam hiện nay, hãy nghiền ngẫm lời dặn dò của hai vị tiền nhân vừa nêu. Và kế đến, thiết tha mời quí vị ngẫm nghĩ hai sự kiện lịch sử có liên quan đến người Tàu, vì “Soi gương để biết hình, xem việc xưa để biết nay” (Minh kính khả dĩ sát hình, vãng cổ khả dĩ tri kim). Một khi đất nước chúng ta “làm một khu tự trị thuộc chính quyền trung ương tại Bắc Kinh”, thì quí vị muốn làm Thái thú cho Tàu để hưởng bổng lộc cũng không ổn được rồi?! Hai mẩu chuyện ấy là:
 
- Vào năm 1788, Lê Chiêu Thống (1766-1793) cầu viện nhà Thanh, khi quân Thanh đến Thăng Long, vua Lê đã trả thù tàn bạo những ai theo Tây Sơn. Trớ trêu thay! Lê Chiêu Thống là vua nước Nam, nhưng giấy tờ trong nước, đều dùng niên hiệu Càn Long. Mồng 1 Tết năm Kỷ dậu (1789), Nguyễn Huệ cầm quân đánh tan 20 vạn quân Thanh xâm lược. Lê Chiêu Thống cùng bầy tôi 25 người: Phạm Như Tùng, Lê Hân, Lê Quí Thích, Hoàng Ích Hiểu... chạy theo giặc. Vua tôi nhà Lê bị nhà Thanh bạc đãi. Vua Càng Long ra chỉ dụ ngày mồng 5 tháng 5 năm Kỷ dậu: “Nay truyền lệnh các viên tổng đốc, tuần phủ lập tức lệnh Lê Duy Kỳ (Lê Chiêu Thống) cùng bọn tùy tùng của y phải cạo đầu, dùng y phục của Thiên triều. Trong tương lai Nguyễn Quang Hiển đi qua Quế Lâm, trực tiếp đến gặp Lê Duy Kỳ trò chuyện, thấy y đã cạo tóc ăn mặc khác lạ, không còn lý nào trở về nước; rồi bảo Hiển sai người trở về nước báo với Nguyễn Huệ để không còn sự nghi ngờ”. Quí vị thấy đấy, kẻ (Lê Chiêu Thống) theo giặc Tàu thì giặc khinh khi, người (Nguyễn Huệ) diệt giặc thì giặc nể sợ?! Ngày 20 tháng 4 năm Tân hợi (22-5-1791), vua Thanh ra chỉ dụ truyền vua Lê về đất Tuyên Quang, triệu vua Lê cùng các quan vào triều tạ ơn. Đoàn lưu vong tin thật, đến đầy đủ để chuẩn bị nhận chỉ, thì bị giữ ở phòng riêng. Sau đó, vua tôi của Lê Chiêu Thống bị nhà Thanh đày đi các nơi khác nhau; từ đấy đoàn lưu vong tự nhiên bị tan rã. Lê Chiêu Thống nhớ quê hương và ăn năn việc lỡ lầm rước voi cõng rắn, nên bị bịnh mất ngày 16-10-1793, tại Yên Kinh (Tàu), hưởng dương 28 tuổi.
 
- Ngậm ngùi thay kẻ hai lòng!: Trong trận ác chiến Hán-Sở ở Bành Thành, quân Hán của Lưu Bang bị đại bại, Đinh Công truy sát vung đao sắp chém đầu Lưu Bang, Lưu Bang than: “Đinh tướng công, Bang với tướng công không có hiềm gì, sao nỡ ra tay sát hại!” Đinh Công nghe vậy tha mạng Lưu Bang, rồi quay ngựa trở về. Khi Lưu Bang dẹp được Tây Sở Bá Vương, gồm thâu thiên hạ, năm 202 TCN lên ngôi lấy đế hiệu là Hán Cao tổ hoàng đế. Đinh Công lặn lội đến Hán triều xin vào yết kiến vua Hán, vì đinh ninh rằng thế nào Hán Cao tổ cũng nhớ ơn xưa, mình sẽ được hậu đãi và trọng dụng. Khi Đinh Công lạy Hán Cao tổ ra mắt xong, thì Lưu Bang bảo: “Sở Bá Vương mất thiên hạ là do thằng tướng ăn ở hai lòng này, bổn phận làm tôi như thế sao được? Phải nghiêm trị để răn đời và hậu thế”. Hán Cao tổ thét võ sĩ trói Đinh Công đem chém và treo đầu giữa chợ.
 
Cuối cùng, muốn “Giải trừ uẩn khúc họp mật Thành Đô” bây giờ chỉ có hai cách:
 
- Các vị đang lãnh đạo cao cấp Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam hiện nay, hãy tuyên bố Trung Cộng đã bội ước trong cuộc hội đàm. Nên Việt Nam kiện Trung Cộng đã đơn phương vi phạm cam kết, để hủy bỏ những cam kết đã ký kết trong cuộc hội họp mật tại Thành Đô. Mong mỏi quí vị hãy ngẫm nghĩ?! Đây là dịp tốt để quí vị đứng về phía dân tộc và tổ quốc. Đây là dịp tốt để quí vị được danh thơm muôn thuở, như người xưa đã nói: “Mai cốt bất mai danh” (Xương cốt có thể chôn, nhưng danh tiếng không chôn bao giờ”.
- Đất nước chúng ta đang bị hiểm họa bởi Trung cộng, nếu đảng CSVN vẫn tiếp tục quy lụy thiên triều (Tàu)! Đồng bào Việt Nam chỉ còn một con đường duy nhất để cứu nguy tổ quốc và dân tộc là đồng lòng giải thể độc đảng CSVN, giành lại quyền làm chủ đất nước, hủy bỏ những hiệp ước hay thỏa thuận giữa đảng CSVN với đảng cộng sản Tàu, mà họ đã âm thầm và đơn phương ký kết không hề hỏi ý kiến của nhân dân Việt Nam.
 
Ngày 20-10-2014
Nguyễn Lộc Yên
 

No comments:

Post a Comment