COP21 : Nước giàu chịu chi bao nhiêu để giúp nước nghèo ?
Thủ tướng Modi đến COP21 bảo vệ quan điểm của Ấn Độ đòi được quyền phát triển - REUTERS /Ian Langsdon
Từ 10 cho tới 16 trang. Đó là số lượng bài viết mà các báo Pháp hôm nay, 01/12/2015, dành cho Hội nghị quốc tế về khí hậu. Chủ đề COP21 đẩy đa số các thông tin khác xuống hàng thứ yếu, trong đó có sự kiện Canada tạm ngưng tham gia chiến dịch oanh kích nhắm vào Daech (báo Le Monde). Đổi lại, Ottawa cam kết tiếp đón 25.000 người tị nạn Syria.
Libération dành hai trang cho Ngày Thế giới chống bệnh Sida, nói về những thành quả khích lệ trong việc phòng chống ‘‘dịch bệnh’’, qua trường hợp khá tiêu biểu của thành phố San Francisco, Hoa Kỳ. Le Figaro quan tâm tới diễn tiến của vụ tai tiếng Volkswagen. Sau hơn hai tháng giữ im lặng, giới lãnh đạo tập đoàn này chính thức lên tiếng xin lỗi và trình bày kế hoạch hầu khôi phục lòng tin của khách hàng.
Riêng về chủ đề COP21, báo Le Figaro trong bài xã luận, tỏ vẻ hoài nghi về kết quả chung cuộc. Theo tờ báo, các thành phố Trung Quốc đang ngạt thở vì không khí ô nhiễm liên tục tăng lên mức báo động. Hạn hán lại kéo dài tại bang California, Hoa Kỳ, khiến cho cây khô dễ bén lửa, các đám cháy đã thiêu hủy rừng trên một diện tích lớn. Tại các vùng nhiệt đới, mực nước biển dâng cao đe dọa trực tiếp tới các quốc đảo, trong khi ở vùng Bắc Cực, các lớp băng lại tan một cách nhanh chóng bất thường.
Trong bối cảnh đó, theo Le Figaro sự kiện các lãnh đạo thế giới đưa ra những lời cam kết chống biến đổi khí hậu cũng chẳng trấn an được ai. Vấn đề bị vướng mắc ở ba điểm. Thứ nhất là tính toán chính trị, mỗi quốc gia vì quyền lợi của riêng mình có thể đưa ra cam kết, nhưng chưa chắc gì có quyết tâm thực hiện. Trở ngại thứ hai là kinh tế, các quốc gia đang trỗi dậy có chịu thay đổi mô hình phát triển hay chăng : cam kết chống biến đổi khí hậu cũng có nghĩa là phải chịu giảm tỷ lệ tăng trưởng. Khó khăn thứ ba là tài chính : Liệu các nước giàu ở phương Bắc có chịu đóng góp mỗi năm 100 tỷ đô la vào Quỹ Khí hậu xanh để giúp các nước nghèo ở phương Nam chống biến đổi khí hậu ?
Khí hậu : Ấn Độ đòi sự công bằng
Báo Le Monde trả lời phần nào câu hỏi này trong bài phân tích đề tựa : Nam-Bắc đối chọi, vấn đề then chốt của COP21. Khối phương Nam gồm các nước đang trỗi dậy và các nước nghèo có lập trường khác hẳn, nếu không nói là đi ngược lại chủ trương của khối phương Bắc gồm các nước công nghiệp phát triển. Thông qua bài phỏng vấn trên báo Financial Times, Thủ tướng Ấn độ Narendra Modi đã đòi điều mà ông gọi là ‘‘Công lý về Khí hậu’’.
Theo đó, sau quá trình công nghiệp hóa trong những thế kỷ vừa qua, các nước giàu có trách nhiệm lớn trong việc phát thải các loại khí gây hâm nóng trái đất. Các nước giàu giờ đây khó thể nào áp đặt các nước đang phát triển phải kềm hãm tăng trưởng của họ, để giúp chống biến đổi khí hậu.
Ấn Độ biện minh cho quan điểm của mình và đòi được quyền phát triển. New Delhi chỉ cam kết nhân lên gấp 20 lần mức sản xuất năng lượng mặt trời, và dùng 40% năng lượng sạch để sản xuất điện lực từ đây cho tới năm 2030. Theo Le Monde, Ấn Độ trước hết bảo vệ quyền lợi riêng : ở một đất nước mà hàng trăm triệu hộ gia đình chưa có nhà vệ sinh, không có đủ điện nước để sinh hoạt, thì việc chống biến đổi khí hậu vẫn là một điều gì đó còn trừu tượng xa vời, một thứ xa xỉ phẩm mà người nghèo chưa dám nghĩ tới.
Các nhà phân tích đơn cử một ví dụ minh họa cho sự đối chọi Nam-Bắc : người giàu muốn đóng tiền bảo hiểm nhà cửa, trong khi người nghèo bữa ăn chưa no, tiền đâu mà tính đến chuyện mua nhà. Vì thế cho nên, để đạt được mục tiêu, hội nghị COP21 phải giải quyết đầu tiên hết một vấn đề : các nước giàu chịu chi bao nhiêu tiền và trong bao lâu, để khuyến khích giúp đỡ các nước nghèo (hay các quốc gia đang phát triển) nỗ lực chống biến đổi khí hậu.
Thiên tai : Châu Á đứng mũi chịu sào
Cũng liên quan tới vấn đề khí hậu, tuần báo Courrier International trích dẫn tờ báo The Strait Times của Singapore cho biết tại châu Á, bốn quốc gia hứng chịu nhiều thiên tai nhất vẫn là Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines và Indonesia. Tình trạng biến đổi khí hậu trên toàn cầu khiến cho thiên tai ngày càng diễn ra thường xuyên hơn, mức độ thiệt hại vì thế cũng nghiêm trọng hơn.
Dựa vào bản báo cáo dày 30 trang của Liên hiệp quốc dành riêng cho lục địa châu Á, tờ báo cho biết cường độ thiên tai đã tăng đáng kể trong 20 năm vừa qua. Tính tổng cộng, đã có 300.000 người dân các nước châu Á thiệt mạng trong các trận bão, lũ lụt, cháy rừng, hạn hán hay động đất. Về nhịp độ, Trung Quốc đứng đầu bảng xếp hạng với 441 lần thiên tai trong vòng hai thập niên, Ấn Độ về nhì (288 lần), Philippines xếp hạng ba (274 lần) và Indonesia đứng hạng tư (163 lần). Nếu so sánh với toàn thế giới, thì Hoa Kỳ vẫn là quốc gia bị nhiều thiên tai nhất : 472 lần trong 20 năm qua, nhưng số nạn nhân thiên tai ở Bắc Mỹ vẫn thấp hơn nhiều so với các quốc gia châu Á.
Trường hợp của Miến Điện là một ca riêng biệt, trận bão Nargis đổ ập vào nước này vào năm 2008 đã gây nhiều thiệt hại nhân mạng nhất trong hai thập niên qua. Số người chết và mất tích tại Miến Điện lên tới 138.000 nạn nhân. Hàng trăm ngàn người dân khác buộc phải di dời chỗ ở. Biến đổi khí hậu làm cho thiên tai thêm trầm trọng, đặc biệt là vào năm 2002, hậu quả không thấy ngay trước mắt mà lại tác động chậm về lâu về dài. Hạn hán tác hại đến đời sống của 300 triệu dân Ấn Độ trên một vùng rộng lớn, các đợt bão cát cũng ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt của 100 triệu dân Trung Quốc.
Theo bà Margareta Wahlstrom, chuyên gia Liên hiệp quốc về các rủi ro thiên tai, kế hoạch giảm thiểu các loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính là một trong những biện pháp cần thiết để hạn chế các thiệt hại nhân mạng và vật chất, nhất là đối với các vùng đông dân cư ven miền duyên hải, trong khi mực nước biển vẫn dâng cao. Sau khi tàn phá nhà cửa mùa màng, thiên tai còn làm ô nhiễm các nguồn nước sạch, gieo mầm bệnh tật, tạo thêm gánh nặng cho các hộ gia đình, gây nhiều phí tổn cho ngành y tế công cộng.
Trường hợp của các quốc đảo Thái Bình Dương
Đối với các quốc gia tí hon ở vùng châu Á Thái Bình Dương, trận bão nhiệt đới Pam hồi đầu năm 2015 quét qua quần đảo tí hon Vanuatu, dĩ nhiên đã không gây nhiều thiệt hại nhân mạng bằng trận bão Nargis ở Miến Điện, nhưng hậu quả là một nửa dân số Vanuatu (khoảng 300.000 dân) đã bị thiếu nước sạch trong vòng nhiều tháng trời.
Lương thực cũng trở nên khan hiếm do mùa màng bị tàn phá, mức sống của người dân địa phương cũng nghèo đi do các nguồn ngoại tệ của ngành du lịch sút giảm. Tuy quần đảo tí hon ở vùng Thái Bình Dương đã nhận được viện trợ khẩn cấp của quốc tế, chủ yếu là từ Úc và New Zealand, nhưng số tiền viện trợ vẫn dành cho các biện pháp cấp tốc để ‘’chữa cháy’’ hơn là ‘’phòng cháy’’.
Các chương trình báo động thiên tai chỉ mới ở giai đoạn đầu, và cũng như nhiều quốc đảo tí hon khác, rất khó thể nào mà thuyết phục được người dân địa phương di dời chỗ ở, đến định cư ở những nơi có độ cao hơn nhiều so với mực nước, phần lớn cũng vì nếp sống của họ gắn liền với miền duyên hải, kể cả các sinh hoạt chài lưới hay các ngôi làng du lịch ven biển. Nếu như mực nước biển vẫn tiếp tục dâng cao thì nguy cơ xoá tên một số hải đảo trên bản đồ thế giới ngày càng rõ nét.
Du khách Trung Quốc tràn ngập Tokyo
Trên lãnh vực văn hoá đời sống, phụ trang kinh tế Le Monde cho biết lượng khách Trung Quốc đi du lịch tại xứ hoa anh đào đã tăng một cách đáng kể, trong thời gian gần đây. Điều đó phần lớn cũng vì đồng yen bị mất giá đến 20% so với năm trước, vì thế cho nên, Nhật Bản trở thành một tụ điểm du lịch hấp dẫn trong mắt du khách đến từ Hoa lục.
Theo Sở Du lịch Nhật Bản, tính từ đầu năm cho tới tháng Mười 2015, đã có gần bốn triệu rưỡi lượt du khách Trung Quốc đến thăm xứ hoa anh đào, tức tương đương với một phần tư lượng du khách nước ngoài (Nhật Bản thu hút 16 triệu du khách ngoại quốc hàng năm). So với cùng thời kỳ năm trước (2014) lượng khách đến từ Hoa lục đã nhân lên gấp đôi.
Theo Le Monde, bất kể quan hệ bang giao Nhật-Trung có thật sự được sưởi ấm lại hay chưa, dân Trung Quốc vẫn sang thăm Nhật Bản trước hết vì thủ đô Tokyo cũng như thành phố Osaka đã trở thành những điểm đến có giá cả phải chăng. Dân Trung Quốc khi đi du lịch thiên về chuyện mua sắm nhiều hơn là văn hóa.
Trong mắt người Hoa, ‘‘Made in Japan’’đồng nghĩa với chất lượng, thương hiệu có uy tín, hàng thật hàng xịn, sản phẩm chắc bền. Du khách Trung Quốc đổ xô đi mua mỹ phẩm, đồ gia dụng, hàng điện tử, game video hay sản phẩm thời trang cao cấp. Điều đó buộc các trung tâm thương mại tại các khu phố như Ginza hay Shinjuku phải thay đổi cung cách dịch vụ hầu thích ứng với đối tượng khách hàng mới : tuyển thêm nhân viên nói tiếng Hoa, mở thêm quầy đổi tiền, gắn thêm bản hiệu hay in thêm sách hướng dẫn, các quyển catalogue bằng tiếng Hoa. Chỉ riêng trong ba tháng hè (từ tháng 7 đến tháng 9/2015) du khách Trung Quốc đã đem về cho Nhật Bản năm ngàn tỷ yen (tức gần 4 tỷ đô la).
Trước hiện tượng bùng phát này, người Nhật dùng chữ ‘‘bakugai’’ để nói về cơn sốt mua sắm của du khách đến từ Hoa lục. Lẽ dĩ nhiên là sự kiện đồng yen bị mất giá làm tăng thêm mãi lực của du khách nước ngoài. Tuy nhiên, bài viết của Le Monde không nhắc tới những hiện tượng ‘‘tiêu cực’’ liên quan tới việc lượng khách Trung Quốc tăng rất nhanh trong thời gian ngắn.
Có lẽ cũng vì thế mà báo Le Monde chạy hàng tựa đậm : Du khách Trung Quốc ‘‘tràn ngập’’ Tokyo. Trước đây, cư dân mạng đã từng than phiền về hiện tượng du khách Trung Quốc ‘‘đổ bộ’’ lên đảo Jeju của Hàn Quốc, hay sang Hồng Kông ‘‘vơ vét’’ hàng hóa. Hy vọng rằng thủ đô Tokyo vẫn giữ được khách hàng Trung Hoa mà vẫn không gặp phải quá nhiều phiền toái.
Cùng chủ đề
No comments:
Post a Comment