Khổ nạn làng văn hóa du lịch Việt
Câu chuyện về làng văn hóa Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội bị bỏ hoang sau khi làm tiêu tốn ngân sách quốc gia với số tiền lên đến 3.256,8 tỉ đồng cũng như hàng ngàn trung tâm văn hóa, nhà văn hóa và khu du lịch văn hóa xây xong lại bỏ hoang, không có khách đến tham quan là câu chuyện nhức nhối của một đất nước nghèo như Việt Nam. Vấn đề cần bàn ở đây là có bao nhiều tiền thuế, tiền mồ hôi của nhân dân đã bị đốt trong các làng văn hóa? Và người dân nhận được gì với kiểu làm du lịch vừa đốt tiền lại vừa đốt uy tín của ngành du lịch Việt Nam?
Làm du lịch cần phải có lương tri
Ông Hồ Thà, người dân Đồng Mô, Sơn Tây cho ý kiến: “Cái cách làm du lịch của người phía Bắc thì nói thật là khó mà hài lòng. Nó phá nhiều hơn là xây dựng. Khu Đồng Mô Sơn Tây nó lộn xộn, khó mà chơi thoải mái được. Khu đó không có gì để khám phá và cũng không có gì để giải trí. Có vẻ như người ta làm để mà làm vậy thôi chứ chẳng có giá trị du lịch gì!”
Cách làm du lịch của người phía Bắc thì nói thật là khó mà hài lòng. Nó phá nhiều hơn là xây dựng. Khu Đồng Mô Sơn Tây nó lộn xộn, khó mà chơi thoải mái được. Khu đó không có gì để khám phá và cũng không có gì để giải trí.
-Ông Hồ Thà
Theo ông Thà, làm du lịch không chỉ đơn giản là xây dựng lên những khu khách sạn, khu phức hợp văn hóa gì đó hay khu nghỉ mát rồi đón khách du lịch. Cách làm này không sớm thì mượn sẽ thất bại ê chề, làm ảnh hưởng đến uy tín lâu dài nếu không muốn nói là hoàn toàn mất uy tín. Bởi theo ông Thà, thứ cần nhất để làm du lịch ở một nước nghèo nhưng có nhiều cảnh đẹp như Việt Nam là lương tri và lòng tự trọng chứ không phải là sự lừa dối và khả năng vay nợ vô tội vạ.
Giải thích thêm về vấn đề lương tri và lòng tự trọng trong làm du lịch, ông Thà cho rằng chính lương tri sẽ giúp cho những người có trách nhiệm và chức năng trong tổ chức du lịch sẽ thấy việc cần làm là gì và việc nào không nên làm. Bởi chính vì thiếu lượng tri nên động cơ khi xây dựng những khu phức hợp du lịch hoàn toàn thiếu cơ sở khoa học nhưng lại thừa cơ sở để chấm mút, hối lộ, móc ngoặc, đút lót và tham nhũng.
Bởi vì du lịch, suy cho cùng đó không phải là một trung tâm với đầy rẫy những mô hình mà con người xây dựng một năm, hai năm để khách tham quan ngắm những thứ đó sẽ khái quát được văn hóa bản địa của một nơi nào đó. Nếu như đi du lịch để đến những khu phức hợp như vậy mà phải bỏ tiền đi máy bay, mua tour và lặn lội đường xa, người ta sẽ chọn xem tivi, xem những chương trình khám phá trên truyền hình. Vấn đề du lịch xây dựng theo mô hình phức hợp để tập trung khách là một loại tư duy hợp tác xã, tư duy kinh tế tập thể, vừa thiếu lương tri lại vừa thiếu văn hóa một cách trầm trọng.
Ông Thà nhấn mạnh rằng ông là người chạy xe ôm suốt gần hai mươi năm nay để chở khách đi du lịch bằng xe máy từ Bắc chí Nam, ông đã từng chở khách ngoại quốc lên đến cao nguyên đất đỏ, lên đến Tây Nguyên, thậm chí xuống miệt Tây Nam Bộ. Và kinh nghiệm chở khách lâu năm cho ông thấy bất kì khách du lịch nào cũng muốn khám phá văn hóa bản địa, khám phá những vùng quê yên bình, những thôn làng đã hình thành cả trăm năm để hòa nhập vào đời sống nơi đó.
Cách làm theo kiểu tập trung vào một khu phức hợp du lịch là cách bán lúa non, không có ý nghĩa gì. Và nó thể hiện tầm văn hóa của những người ký quyết định xây dựng dự án ở mức quá kém. Bên cạnh đó, nó cũng cho thấy người ta thiếu hẳn lương tri và lòng tự trọng. Bởi nếu có lương tri và lòng tự trọng, câu hỏi đặt ra của người nắm chức trách sẽ là liệu bản thân họ có am hiểu gì về văn hóa, du lịch? Và với kiến thức hiện có về văn hóa, du lịch, họ có kham nổi sứ mệnh, trách nhiệm nâng cao uy tín cho ngành du lịch Việt Nam hay không?
Một khi biết tự đặt ra những câu hỏi như vậy thì người ta sẽ không vì động cơ đút lót, chia chác, chấm mút, tham nhũng, rút ruột công trình… mà quyết định xây dựng vô tội vạ, làm hao tổn ngân sách nhà nước một cách khủng khiếp như vậy.
Bởi trong vài ngàn tỉ đồng bỏ ra để xây dựng khu phức hợp du lịch Đồng Mô, Sơn Tây, nếu là người có lương tri, người ta sẽ suy nghĩ về mồ hôi, nước mắt của hàng mấy chục triệu dân nghèo đang ngày đêm còng lương đóng thuế nhà nước thông qua việc mua gói mì tôm, mua ký gạo, mua lít dầu lửa, mua lít xăng, thậm chí mua bó rau… Mọi thứ hàng hóa trên thị trường Việt Nam đều gánh thuế giá trị gia tăng và thứ thuế này không từ bỏ bất kì ai, từ người giàu cho đến người nghèo mua gói mì tôm cầm hơi mỗi ngày cũng phải đóng thuế thông qua gói mì họ đã mua.
Có bao nhiêu tiền thuế của dân đốt vào khu du lịch?
Các khu du lịch ngoài Bắc người ta mở cửa để câu trai gái vào đó chơi, hẹn hò. Nó gây tốn kém về giá đất, về mặt bằng chứ nó chẳng xây cất gì đâu cho ra hồn. Nó không có văn hóa gì đó cả, nó chỉ là khu ăn chơi hơi cao cấp vậy thôi.
-Ông Mỹ
Một người khác tên Mỹ, hiện sống tại Hà Đông, Hà Nội, chia sẻ:“Tức là các khu du lịch ngoài Bắc người ta mở cửa để câu trai gái vào đó chơi, hẹn hò. Nó gây tốn kém về giá đất, về mặt bằng chứ nó chẳng xây cất gì đâu cho ra hồn. Nó không có văn hóa gì đó cả, nó chỉ là khu ăn chơi hơi cao cấp vậy thôi chứ không có văn nhóa hay du lịch, khám phá gì đâu!”
Cũng là người chuyên chở khách đi phượt từ Bắc chí Nam, ông Mỹ cho rằng những gì ông chứng kiến, có thể số tiền của ngân sách quốc gia lên đến hàng chục triệu tỉ đồng để đốt vào việc xây dựng các khu du lịch theo kiểu phức hợp du lịch. Không riêng gì nhà nước mà cả tư nhân cũng tham gia đốt ngân sách quốc gia vô vạ. Sở dĩ có chuyện tréo ngoe như vậy là do chính sách, sách lược về du lịch quá kém.
Giải thích vấn đề đã nêu, ông Mỹ cho biết là từ Bắc chí Nam, bất kì tỉnh nào cũng có dự án xây dựng những khu phức hợp du lịch, tượng đài chiến thắng nhằm phục vụ du lịch, khu nghỉ mát. Và chiếm chừng 70% các khu này là do nhà nước xây dựng, số còn lại của tư nhân nhưng số đông là vay tiền nhà nước để xây dựng.
Nghĩa là các chủ tư nhân có thế lực đã làm những dự án, sau đó dựa vào thế lực trong hệ thống nhà nước để vay tiền xây dựng thành khu phức hợp du lịch hoặc khu nghỉ mát. Thường thì những khu của tư nhân có thể hái ra lợi nhuận bởi họ đã tính toán kĩ lưỡng để tránh tình trạng phải ngồi tù vì nợ ngân hàng.
Ngược lại, các khu tượng đài chiến thắng, các khu phức hợp văn hóa du lịch nhà nước thì xây xong lại bỏ hoang bởi chẳng có khách du lịch nào lại chọn những điểm đến mà ở đó, mói thứ đều được mô phỏng, khái quát và có tính chất trình diễn, người ta không tìm thấy hồn vía, nét văn hóa bản địa ở đó. Thậm chí, còn không tìm thấy cả quán nước hay khu ẩm thực để giải lao, ăn uống lấy sức.
Kiểu làm du lịch soạn ra một tour, sau đó cho khách chạy theo tour của mình mà không có thời gian để thở, để nghỉ ngơi, đến điểm tham quan thì chẳng có gì để xem, để học, để suy ngẫm và cũng chẳng có gì để ăn uống như vậy sẽ nhanh chóng đẩy du lịch Việt Nam đến chỗ mất uy tín và có tính chất bịp bợm trong mắt khách bốn phương.
Ông Mỹ cho rằng trong suốt gần mười năm phát động và quảng bá du lịch, hệ quả dễ thấy nhất là ngành du lịch Việt Nam mất hết uy tín, lượng khách quốc tế tìm đến Việt Nam giảm đi rất nhiều so với các nước khu vực. Và cái mà ngành du lịch Việt Nam đạt được chính là khoản tiền khổng lồ từ ngận sách đã bị đốt cháy không thương tiếc, đời sống người dân trở nên vô hồn vì chạy theo đồng tiền, thậm chí nhiều đồng bào thiểu số ở Việt Nam đã đánh mất bản tính hồn nhiên vì chạy theo những ảo tưởng kiếm tiền từ du lịch.
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.
No comments:
Post a Comment