Friday, December 4, 2015

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ leo thang đến đâu ?

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ leo thang đến đâu ?

mediaTổng thống Nga (P) và Thổ Nhĩ Kỳ, lúc quan hệ còn thấm thiết. Ảnh tháng 12/2014.AFP PHOTO/ RIA-NOVOSTI/ POOL / ALEXEI NIKOLSKY
Đàm phán khó khăn về khí hậu, vòng xoáy bạo lực, khủng bố tấn công, xung khắc Nga-Thổ Nhĩ Kỳ là thực đơn trên báo chí Pháp hôm nay. Tình hình thế giới trong tháng cuối cùng của năm 2015 không có dấu hiệu yên bình.
Những tin chính trên trang nhất đều bất lợi cho chính phủ Pháp. Nhật báo Le Figaro : Thuế vụ và thất nghiệp, nước Pháp đánh đổ mọi kỷ lục. Từ gần 20 năm nay, chưa bao giờ người Pháp đóng thuế nặng như vậy và cũng chưa bao giờ có đông người như thế đi tìm công việc làm trong khi tại các thành viên khác của Liên Hiệp Châu Âu, tình hình kinh kế được cải thiện rõ nét. Les Echos cũng đề tựa lớn : Thuế và Thất nghiệp, hai kỷ lục mới của Pháp. Nhật báo kinh tế không ngần ngại dự báo thống kê không tốt đẹp này rơi xuống không đúng lúc, sẽ tác động lên lá phiếu của cử tri. Chính phủ cánh tả và đảng Xã hội cầm quyền sẽ trả giá cho cuộc bầu cử cấp vùng vào Chủ nhật tới. Tựa lớn của Le Monde trên trang nhất cũng theo chiều hướng báo động : Mặt Trận Quốc Gia ( bài ngoại) củng cố ảnh hưởng khắp nơi, 30% cử tri tuyên bố sẽ bầu cho đảng cực hữu có chủ trương đóng cửa biên giới và co cụm. Khẩu hiệu tuyên truyền này được « ăn khách » trong bối cảnh thất nghiệp trên 10% và di dân từ Châu Phi, Syria kéo sang Châu Âu tìm đời sống mới.
Nội tình của đảng Xã hội cũng không vững chắc. Dự án, đang ở giai đoạn thăm dò, sữa đổi Hiến pháp, kéo dài tình trạng khẩn cấp, thu hồi quốc tịch Pháp của khủng bố « gốc nước ngoài » cho dù thủ phạm là dân Pháp ngay từ lúc chào đời theo quyền nơi sinh, đang làm phe tả « cảm ho », theo Libération. Trong khi đó, Le Figaro khẳng định : « bước ngoặt an ninh của (Tổng thống) Hollande khó được đảng Xã hội đồng ý. Libération không nói khác hơn : Cánh tả không thể chấp nhận vì dự án này được phe cực hữu và cánh hữu ủng hộ. Liberation kêu gọi Tổng thống Hollande phải bỏ ý định truất quốc tịch vì biện pháp này « không cải thiện được an ninh mà còn đi ngược lại tinh thần cộng hòa ».
Nhật báo Công giáo La Croix, trong bài xã luận « Khẩn cấp (thì) không được kéo dài » nhận định : Dùng các biện pháp phá lệ để đối phó với khủng bố là hợp pháp, hợp hiến nhưng không được quá một thời gian nào đó. Vì một lúc nào đó, chính phủ sẽ phải trả lời trước công luận về các quyền tự do bị hạn chế . Một chế độ dân chủ là chế độ « yếu » nhất trong mọi chế độ. Nhưng sức mạnh của dân chủ nằm ngay trong « phần cốt lõi » của chế độ tức là các nguyên tắc thượng tôn pháp luật và đối thoại.
Lần đầu tiên Tổng thống Nga đụng đối thủ « ngang tầm ».
Liệu Matxcơva và Ankara sẽ động binh để giải quyết xung khắc sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay quân sự của Nga ngày 24/11 vừa qua ? Để trả lời câu hỏi này, nhật báo La Croix nhường lời cho chuyên gia chính trị quốc tế Pháp Thornike Gordadze (CERI).
Tổng thống Nga Putin, sau biện pháp trừng phạt kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ, leo thang thêm một nấc, lên án đích danh Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ và gia đình bao che khủng bố Daech, buôn lậu dầu hỏa. Tổng thống Erdogan, không vừa gì, nêu đích danh tên một doanh nghiệp mang hai dòng máu Nga-Syria, môi giới buôn lậu dầu hỏa cho Nga và Daech.
Theo nhà nghiên cứu Thornike Gordadze, hai bên đang ở giai đoạn « mặc cả ». Bị Ankara bắn rơi chiếc Su-24 tối tân, Matxcơva buộc phải lên cơ bắp. Chế độ Putin đã kích động xu hướng dân tộc chủ nghĩa hiếu chiến trong nước, để định hướng công luận quên đi những vấn đề nội địa, làm cho người dân Nga lầm tưởng đất nước của họ là một đại cường quân sự, có khả năng can thiệp khắp nơi trên địa cầu, ngang tầm với Mỹ , nhất là gặp lúc Hoa Kỳ có một vị tổng thống bị mô tả là « người yếu ».
Trong bối cảnh này, bị một cú đá lái phá hủy một chiếc oanh tạc cơ trên không, Tổng thống Putin không thể bất động. Ông chọn giải pháp cấm vận kinh tế ? Tuy nhiên, giải pháp này khó thực hiện hiệu quả vì bản thân kinh tế Nga bị quốc tế trừng phạt. Thêm vào đó, thương mại hai nước chỉ tập trung trên khí đốt của Nga bán cho Thổ Nhĩ Kỳ và đổi lại, nhập khẩu hàng biến chế và nông phẩm của láng giềng. Thế mà Ankara không cần mua khí đốt của Matxcơva vì đã có nhiều nguồn cung cấp khác trong vùng. Nga cần bán mà Thổ không cần mua và Châu Âu cũng thực hiện chính sách giảm lệ thuộc vào năng lượng của Nga từ khi xảy ra khủng hoảng Ukraina.
Cái giá mà Thổ Nhĩ Kỳ phải trả là quán ăn, doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ ở Nga bị sách nhiễu và du khách Nga sẽ giảm đi.
Sau trả đũa kinh tế, liệu hai bên sẽ dùng đến vũ lực ?
Theo nhận định của chuyên gia Thornike Gordadze, thực chất hai ông Putin và Erdogan không khác gì nhau. Cả hai đều quyết định theo lối độc đoán. Cả hai đều ương ngạnh, võ đoán. Do vậy, khủng hoảng mới leo thang. Lần đầu tiên, ông Putin đụng phải một người có cùng giọng điệu với mình. Tuy nhiên, xung khắc khó có thể nghiêm trọng hơn. Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO, Washington không thể để Ankara chiến đấu đơn độc.
Miến Điện : chiến tranh sắc tộc sẽ tiếp tục dù Ang San Suu Kyi lãnh đạo
Le Monde là nhật báo duy nhất dành một trang lớn cho thời sự Châu Á : Đối với sắc tộc Shan tại Miến Điện, chiến tranh tiếp diễn. Từ những ngày gần đây, quân đội Miến Điện sử dụng chiến thuật mới, dùng trực thăng tấn công vị trí của du kích Shan, lực lượng thiếu số từ chối ký thỏa hiệp hòa bình với chính phủ trung ương.
Đặc phái viên của Le Monde đến tận Tổng hành dinh của " Quân đội Bắc Shan ". Theo các sĩ quan của lực lượng du kích, không phải họ gây chiến mà chính quân đội muốn khủng bố tinh thần dân chúng và trừng phạt lực lượng từ chối ký lệnh ngưng bắn. Xung đột giữa quân đội chính phủ có tiếng bạo ngược và lực lượng du kích Shan chỉ là giai đoạn mới của một cuộc chiến kéo dài tự năm 1962 sau cuộc đảo chính của tướng Ne Win. Tuy thiệt hại nhân mạng trong những ngày qua chưa cao nhưng đây không phải là tín hiệu tốt cho tương lai , ít ra là đến tháng 01/2016, khi chính phủ của bà Aung San suu Kyi được thành lập. Tuy nhiên, người Shan không mấy hy vọng. Đối với họ, quân đội Miến Điện và dân Miến Điện là " kẻ chiếm đóng ". Lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi bị dân Shan xem là người Miến trước khi hoan nghênh là nhà dân chủ. Bà bị chỉ trích là không bao giờ đi thăm bang Shan và quan tâm đến số phận người Shan.
Nói cách khác, chính sách hòa giải dân tộc, ước nguyện của bà Aung San Suu Kyi, khó có thể sớm chiều được hoàn tất.
Khủng bố “ nghĩ gì ” trong đầu ?
Một ngày sau vụ thảm sát ở San Bernardino, Bang California Hoa Kỳ, Le Figaro xác quyết: Nước Mỹ đối đầu với khủng bố. Hai thủ phạm bắn giết 14 người dường như có liên hệ với các nhóm khủng bố.
Vụ thảm sát ở California làm Hoa Kỳ lo s , tựa của La Croix. Không lo sao được, vì theo lời chỉ huy trưởng cảnh sát, hung thủ “ chuẩn bị hành động như thi hành một sứ mệnh ”.
Để tìm hiểu “ cơ chế vận hành trong đầu ” các tay khủng bố tự sát, Libération dành một trang cho chuyên gia khoa học Pascal Huguet, giám đốc nghiên cứu CNRS. Theo tác giả , thì từ năm 1970, một công trình nghiên cứu tâm lý học đã phát hiện cơ chế này. Đó là hệ quả của một chính sách nhồi sọ, không bắt buộc là từ Hồi giáo cực đoan. Kẻ bị ngồi sọ chỉ biết “ có phe ta là đúng ” còn lại chỉ là bòn phản ngịch phải diệt trừ. Chính nhãn quan đơn giản này đã đẩy đối tượng bị nhồi sọ thành một kẻ chỉ biết “ tuân thủ lệnh của phe nhóm của mình mà thôi ”  và nhìn đâu cũng thấy kẻ thù. Khi tâm lý tuân thủ lên cực điểm thì người này phải chứng tỏ mình xứng đáng hơn các bạn đồng hành. Đó là tâm trạng của những công an bạo ngược thời Đức Quốc xã hành xử như những kẻ mất nhân tính. Và khi đạt đến đỉnh điểm của “ tuân thủ ”   thì đương sự sẵn sàng liều thân cho “ sứ mệnh ”. Đó là lý tưởng mà một tay khủng bố tân thời phải đạt đến để được tôn vinh là “ thánh tử đạo ”.
COP21
Năm ngày sau lễ khai mạc Hội nghị Khí hậu tại Le Bourget, Pháp, Le Figaro cho biết đàm phán tiến từng bước nhỏ. Một dự thảo thỏa thuận đã được công bố nhưng còn đến 250 đề nghị đang được thảo luận.
Hội nghị thành công hay không, các báo chí Pháp không mấy tin tưởng. Nhưng công luận, xã hội công dân có giải pháp riêng. Cụ thể, trên Le Figaro, bốn nhà khí hậu học kêu gọi sử dụng năng lượng hạt nhân. Le Monde chú ý hội nghị 1000 thị trưởng trên thế giới vào hôm nay tại Paris do đô trưởng Paris Anne Hidalgo và thị trưởng New York Michael Blomberg đồng tổ chức. Mục đích là để tạo phong trào chống ô nhiễm khí trời không cần phải chờ hiệp ước khí hậu.
Còn Libération, sau vụ tai tiếng tập đoàn xe hơi Đức Vokswagen gian trá, nhà bình luận William Boudon cảnh báo không nên tin cậy vào thiện chí của giới doanh nghiệp mà cần phải áp đặt những biện pháp kiểm soát những “bạo chúa” lấy lợi nhuận ngắn hạn làm ưu tiên số một.
Về lãnh vực này, độc giả nào tò mò muốn rõ chính quyền Nga đóng góp ra sao? Có “ vượt bực ” như Tổng thống Putin quãng cáo trong diễn văn khai mạc Thượng đỉnh Khí hậu hay không, quý vị có thể vào trang Liberation.fr, gõ chữ desintox ( phản tuyên truyền ) sẽ rõ.
Cùng chủ đề

No comments:

Post a Comment