Thế giới hoan nghênh thỏa thuận Paris về khí hậu
Từ Anh, Mỹ đến Ấn Độ và Đức, tất cả các nhà lãnh đạo nước đều hoan nghênh thỏa thuận chống biến đổi khí hậuREUTERS/Stephane de Sakutin
Vào lúc 19 giờ 30 tối ngày 12/12/2015 tại trung tâm Hội nghị Le Bourget, trước cử tọa hơn 2000 người gồm các bộ trưởng, các chuyên gia, các quan sát viên quốc tế, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius chính thức thông báo thông qua thỏa thuận « lịch sử » chống biến đổi khí hậu.
Là một trong những nguyên thủ quốc gia đầu tiên lên tiếng chào mừng thỏa thuận Paris, Tổng thống Mỹ Barack Obama đánh giá đây là « cơ hội tốt nhất để cứu hành tinh trước đe dọa biến đổi khí hậu ». Chủ nhân Nhà Trắng nhấn mạnh đến « khúc quanh lịch sử », khi tất cả các quốc gia đã có cùng một tiếng nói trước thách thức khí hậu. Vẫn theo Tổng thống Barack Obama, « Thỏa thuận Paris không cho phép giải quyết tất cả mọi vấn đề nhưng đây là một cơ sở cần thiết và mang tính lâu bền để đối phó với khủng hoảng khí hậu ».
Hoa Kỳ là quốc gia thải khí carbon nhiều nhất, làm hâm nóng trái đất. 56 % công luận Mỹ ủng hộ một thỏa thuận về khí hậu mang tính ràng buộc. Ngược lại, đảng Cộng hòa chiếm đa số ở Hạ Viện và nhiều ứng cử viên muốn đại diện cho đảng này ra tranh cử Tổng thống năm 2016 thì lại xem thỏa thuận Paris là một mối đe dọa cho công việc làm của người dân Mỹ.
Nhìn sang Ấn Độ, nền kinh tế gây ô nhiễm thứ 4 trên toàn cầu, từ New Delhi, Thủ tướng Narendra Modi tỏ ra hài lòng về văn bản cuối cùng vừa được thông qua. Theo ông Modi «Không có người thắng, hay kẻ thua. Phần thắng đã thuộc về Công lý (…) Thành quả có được tại Paris là nhờ sự khôn ngoan tập thể của các nhà lãnh đạo trên thế giới để giảm thiểu tác động do biến đổi khí hậu gây nên ».
Bộ trưởng Môi trường Ấn Độ quan niệm là quốc tế vừa « viết nên một trang sử mới, đem lại hy vọng cho 7 tỷ người trên hành tinh ». Trưởng đoàn đàm phán Trung Quốc cũng nhấn mạnh đến tính chất « lịch sử của thỏa thuận Paris cho những thế hệ mai sau ».
Thủ tướng Anh David Cameron nhấn mạnh với thỏa thuận vừa đạt được, toàn thế giới cùng «bảo đảm tương lai cho các thế hệ sau này ». Riêng Thủ tướng Đức Angela Merkel, bà kêu gọi cộng đồng quốc tế « bắt tay ngay vào việc để hàng tỷ người trên trái đất được sống trong những điều kiện an toàn hơn ».
Cùng chủ đề
No comments:
Post a Comment