Ở nơi tôi sống, Milton Keynes, cứ đến gần ngày 15/3, nhân viên quản lý lại đến, đi quanh hồ, và treo những tấm biển No fishing (cấm câu cá).
Ở đây, thời gian cấm câu cá từ 15/3 đến 15/6, năm nào cũng như năm nào.
Đó là mùa cá đẻ, họ cấm câu vì muốn cá có thời gian sinh sôi, quả vậy, tôi đi bộ quanh hồ, và nhìn xuống những con suối, dễ dàng thấy vô số cá con.
Và tuyệt nhiên không thấy những lều câu cá của các anh mê câu, mặc dụ họ chỉ câu lên rồi lại thả xuống.
Hôm trước, một anh bạn tôi ở Lạng Sơn hay làm ăn với người Trung Quốc cho biết, các thương gia Trung Quốc đang tràn sang mua cá biển, hóa ra lệnh cấm đánh cá ở Biển Đông đã có hiệu lực.
Có vẻ như năm nay, họ ban lệnh sớm hơn lệ thường. Mọi tàu cá của họ đều đắp chiếu.
Trung Quốc và hầu hết các quốc gia có biển, đều có một lệnh cấm đánh cá mùa cá sinh sản, bỏ qua những xung đột về chính trị hay chủ quyền, đây rõ ràng là chủ trương đúng, cá đẻ rất quan trọng, hãy tạm nghỉ đánh cá, để cá con kịp lớn và sinh sôi, như vậy, nguồn cá sẽ không bao giờ cạn.
Tôi đã đọc một tàu tuần duyên của Mỹ tại Honolulu bắt giữ một tàu cá Trung Quốc vì nghi ngờ tàu này đánh bắt trái phép 40 tấn cá bằng loại lưới bị cấm.
Những người Trung Quốc trên thuyền đã sử dụng tấm lưới 12,8 km và vét lên tất cả những gì vướng vào đó.
Vậy là, khi đánh cá sai quy định chung vì sử dụng lưới mắt nhỏ, thì ai cũng có quyền bắt giữ.
Về lưới mắt nhỏ, thì tôi đã xem rất nhiều lần ở bãi biển Sầm Sơn, khi đi nghỉ mát, tôi thích dậy sớm đi dọc bãi biển và thấy họ kéo bằng những tấm lưới dài cỡ gần một nghìn mét và mắt lưới bé như vải màn, họ lôi lên những con cá bé đến nỗi tôi phải ghé sát vào mới nhìn được.
"Khi Trung Quốc ban hành lệnh cấm đánh cá trên Biển Đông, Việt Nam lập tức bác bỏ và tuyên bố lệnh cấm đó vô giá trị
"
Những con mực chỉ nhỏ như ngón út, và nhưng con bạch tuộc con còn bé hơn nữa, họ ném cho bọn trẻ con chơi trong một cái lỗ đào trên cát ven biển. Tôi cũng không biết họ sẽ làm gì mới những con cá chỉ bé như đầu đũa kia?
Dân Việt Namcũng thích đánh cá bằng điện, không khó để thấy một anh đeo cái bình ắc quy ở lưng, một bộ kích điện rẻ tiền để thúc dòng điện 12 vôn ắc-quy thành trên một nghìn vôn, lang thang khắc các kênh mương hồ ao và dùng hai cái sào dài gí hai cực đó xuống nước, tất cả những con gì ngọ nguậy được đều bị điện giật chết nổi lên, và bị vớt.
Tôi cũng xem một phóng sự ở đảo Lý Sơn, nhiều người dân ở đây đánh cá bằng…. mìn, theo như phóng sự, trên 100 tầu cá ở Lý Sơn chuyên đánh cá bằng chất nổ và lực lượng biên phòng đã thu giữ một tấn thuốc nổ một năm.
Đánh bằng thuốc nổ nhàn hạ và năng suất hơn đánh bằng lưới 10 lần, ném một cục thuốc nổ xuống, là tha hồ vớt cá, tuy nhiên, khối thuốc nổ đó hủy diệt cả rặng san hô, và giết toàn bộ cá, tôm, cua, ốc, bạch tuộc…tất cả.
Một tấn thuốc nổ chỉ là con số thu giữ được, còn bao nhiêu tấn chưa thu, và không ít dân đi biển Lý Sơn vẫn ra khơi vào lộng với những con thuyền chứa đầy thuốc nổ như những chiến binh cảm tử?
Và họ cũng phải đối mặt với nguy cơ bị tàu của bất kì quốc gia nào bắt giữ, do đánh cá phạm luật.
Đánh cá tận diệt
Việt Nam là bán đảo, và nguồn lợi từ biển rất quan trọng, nhưng với kiểu đánh cá tận diệt, Việt Nam đang tự mình đánh mất đi những tài nguyên từ biển.
Khi Trung Quốc ban hành lệnh cấm đánh cá trên Biển Đông, Việt Nam lập tức bác bỏ và tuyên bố lệnh cấm đó vô giá trị.
Bỏ qua những tranh chấp về biển đảo, thì lệnh cấm đánh cá mùa cá đẻ theo người viết là hoàn toàn cần thiết, để bảo vệ nguồn lợi cho tương lai, không thể chỉ đánh hôm nay mà quên đi miếng cơm cho con cháu mai sau bằng cách đánh tận diệt.
Một lệnh cấm đánh cá mùa cá sinh sản là cần thiết và sẽ giữ cho Biển Đông luôn dồi dào cá, Việt nam, nếu bác bỏ lệnh cấm đánh bắt của Trung Quốc, thì cần có một lệnh cấm đánh cá của riêng mình, để cá có thời gian phát triển trong ít nhất ba tháng vào mùa sinh sản.
Khi Việt Nam đã kí kết vào Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông còn gọi là Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Nam Trung Hoa, viết tắt là DOC, là một văn kiện được các nước ASEAN và Trung Quốc ký kết ngày 4/11 năm 2002.
Điều 6 của Tuyên bố có câu cần chung tay Bảo vệ môi trường biển và đấu tranh chống hoạt động buôn bán trái phép vũ khí gồm cả thuốc nổ.
Và nếu đã kí kết, Việt Nam cần tôn trọng luật chơi chung.
Biển Đông rộng lớn không phải của riêng Việt Nam, mà chung với tất cả các quốc gia như Malaysia, Phillipinnes, Bruney, Đài Loan, Trung Quốc...khi có lệnh cấm đánh, tất cả các quốc gia kia với hàng vạn tàu thuyền đều nằm bờ chờ hết lệnh cấm, thì riêng một mình Việt Nam ra khơi đánh cá là một việc, với tôi, hơi lố bịch.
Để làm bạn với các quốc gia láng giềng, thì tôn trọng lẫn nhau là điều cần thiết. Những tấn cá được đánh trong mùa cá đẻ không làm Việt Nam giàu hơn.
Theo tôi, Việt Nam cần có lệnh cấm đánh cá mùa sinh sản, không liên quan đến lệnh cấm của bất kì nước nào, hãy bỏ qua những tranh chấp về lãnh thổ để giữ lại nguồn lợi thủy sản ở Biển Đông cho con cháu sau này, và mãi mãi.