Friday, March 14, 2014

Hành trình tìm cựu binh Trung Quốc

Hành trình tìm cựu binh Trung Quốc

Cập nhật: 15:47 GMT - thứ năm, 13 tháng 3, 2014
Ông Đăng được tặng ảnh bà mẹ đứng trước mộ con chết trận năm 1979
Cựu binh Ngô Nhật Đăng của cuộc chiến biên giới 1979 kể lại hành trình hàng trăm km đi tìm gặp những cựu thù hồi 35 năm trước.
Ông Đăng nói với BBC lúc đầu ông hy vọng có thể gặp các cựu binh của Sư đoàn 149, vốn thuộc Quân đoàn 50 nhưng lại tiến vào Việt Nam cùng Quân đoàn 13 ở ngả Vân Nam hồi năm 1979.
Cựu binh Việt Nam nói ông được biết Sư đoàn 149 "bị thương vong mất 2/3 quân số" dù tới đầu tháng Ba mới tham chiến.
Các cựu binh của Sư đoàn 149 dự định sẽ tổ chức tưởng niệm đồng đội nhưng cuối cùng dường như chính quyền đã can thiệp và các hoạt động công khai đã không diễn ra.
Điều này khiến ông Đăng cùng một người bạn đồng hành người Việt Nam và một blogger người Trung Quốc phải đi tìm kiếm trong nhiều ngày nhằm gặp được cựu binh Trung Quốc.
Ông Đăng kể lại:
"Ngay những ngày ban đầu chúng tôi đi qua hai nghĩa trang [liệt sỹ Trung Quốc] thì cảm giác đầu tiên là vắng lặng, rất là vắng vẻ.
"Cả nghĩa trang vắng, không có một ai cả.
"Sau đấy chúng tôi lên thì thấy nghĩa trang của họ được giữ gìn sạch sẽ.
"Nhưng chuyện gây ấn tượng là trong những ngày như thế này không có một cái gì ở đó.
"Tôi chỉ nhìn thấy 4, 5 vòng hoa bị đổ rạp, tôi có đến dựng lên và xem là những vòng hoa đấy là của người thân hay bạn bè gì đến tưởng nhớ đồng đội không thì thấy đó chỉ là vòng hoa của quan chức chính phủ thôi."
Ông Đăng nói đây cũng là tình trạng chung ở gần 10 nghĩa trang mà ông tới tại tỉnh Vân Nam.
Tại tỉnh Vân Nam, riêng một nghĩa trang ở Bình Biên, ông Đăng cho biết, đã có hơn 2.000 mộ liệt sỹ và một nghĩa trang khác ở Mã Lật Pha số liệt sỹ lên tới hơn 9.000.

'Họ né, họ sợ'

"Người dân Trung Quốc đối xử với mình là hoàn toàn bình thường," ông Đăng nói về cảm giác của một người Việt khi tới Vân Nam.
"Nó chỉ có việc gây cho người ta cảm giác khó chịu là vài chục cây số lại có trạm công an lên kiểm tra giấy tờ.
Tượng liệt sỹ Lý Thành Văn của Trung Quốc ở nghĩa trang tại Mã Quan, Vân Nam
"Cũng có trạm họ nhìn mình có vẻ cảnh giác nhưng cũng có trạm khi cảnh sát lên cầm hộ chiếu biết tôi là người Việt Nam thì họ lại cười rất thân thiện."
Ông Đăng nói khi ông ở khách sạn tại Ma Lật Pha cũng có công an tới tận khách sạn kiểm tra giấy tờ và có những nhân viên an ninh "bám theo".
Người cựu chiến binh nói một số cựu chiến binh Trung Quốc mà ông tiếp cận đều ngại gặp gỡ.
"Suốt trong một tuần chúng tôi gặp rất nhiều người nhưng họ đều né, họ sợ.
"Họ nói là nếu nói ra những điều mất mặt chính phủ [Trung Quốc] thì sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của họ, gia đình của họ, công việc của họ.
"Nói chung họ vẫn còn sợ hãi chính quyền."
Một số cựu binh Trung Quôc, theo ông Đăng, rất ngạc nhiên khi biết có cựu binh Việt Nam đi tìm gặp cựu binh Trung Quốc và nói họ "chưa chuẩn bị được tinh thần cho tình huống xảy ra như thế."

Gặp gỡ tình cờ

Nhưng cuối cùng ông Đăng và hai người bạn cũng tìm gặp được những cựu thù năm xưa.
Ông kể lại:
"Trên cùng chuyến xe [chúng tôi] gặp một cậu kỹ sư trẻ cậu ấy biết là cách đấy khoảng 200 cây số có một người thợ ảnh đã từng là cựu chiến binh và người thợ đấy chuyên môn chụp ảnh cho tất cả cựu chiến binh tham gia trận Mạo Sơn quanh vùng đấy và đưa lên internet nhiều năm nay rồi.
"Cậu kỹ sư đó cung cấp địa chỉ cho chúng tôi và chúng tôi quyết định tới vùng Ma Lật Pha để tìm người thợ ảnh đó.
Ông Đăng nói cuối cùng ông tìm ra người thợ ảnh và đã có cuộc nói chuyện "thân mật" và "trao đổi được nhiều điều.
Người cựu binh Trung Quốc cũng cung cấp cho ông Đăng một cuốn tư liệu 300 trang với ảnh và nhật ký từng ngày chiến tranh của một đơn vị Trung Quốc.
"Trước khi về thì người thợ ảnh Trung Quốc có nói với tôi một câu như thế này, cũng đáng để chúng ta suy nghĩ, tuy nhiên là quan điểm của cá nhân anh ấy thôi.
"Anh ấy nói là 'Thôi, bây giờ chúng ta không bàn đến chuyện đúng sai nhưng tất cả những người, kể cả hai bên, ngã xuống cần được nhắc tới, cần được tưởng niệm. Nếu tôi có dịp sang Việt Nam tôi cũng sẽ tìm đến nghĩa trang của người Việt Nam để tưởng niệm những người lính đã ngã xuống.'
"Tôi thấy dù sao họ cũng đã có bước tiến rất dài.
"Chuyến đi này cho tôi thấy niềm kỳ vọng vào tương lai."

'Khao khát hòa bình'

Ông Đăng cũng nói ngay trước khi trở về Việt Nam hôm 11/3, ông đã lại có dịp gặp hai cựu binh Trung Quốc khác.
"Không ai khao khát hòa bình hơn những người lính chúng ta, nếu ở bất cứ đâu xảy ra chuyện đó một lần nữa, chúng ta phải là người kiên quyết chống lại."
Một cựu binh Trung Quốc
Ông chia sẻ trên Facebook: "Suốt một tuần, chúng tôi không làm sao gặp được các cựu chiến binh Trung Quốc, đã ba lần họ lại rút lui khi đến phút cuối.
"Đi lại từ vùng này đến vùng khác hàng trăm km mà không đạt được ý định, khi thất vọng tràn trề thì lại có 3 người đồng ý gặp, một người là lính quân y, một người bộ binh và một lính pháo binh.
"Hai người đến khách sạn đón chúng tôi, ngồi chờ một lúc thì người lính quân y gọi điện thoại : "Cho tôi xin lỗi, tôi không thể đến được, tôi chứng kiến quá nhiều cái chết, quá nhiều bạn bè bị cắt chân cắt tay, bây giờ gợi lại cái ký ức kinh hoàng ấy, tôi sợ mình không chịu nổi".
Người lính pháo binh ôm mình rưng rưng: "Không ai khao khát hòa bình hơn những người lính chúng ta, nếu ở bất cứ đâu xảy ra chuyện đó một lần nữa, chúng ta phải là người kiên quyết chống lại."

Thêm về tin này

No comments:

Post a Comment