Các hệ thống vũ khí, phương tiện chiến đấu tiên tiến của Ấn Độ như tên lửa hành trình BrahMos, tàu khu trục lớp Kolkata... đang tạo ra mối đe dọa lớn đối với Trung Quốc.
BrahMos rời bệ phóng thẳng đứng trên tàu khu trục Hải quân Ấn Độ
Tạp chí National Interest (Mỹ) nhận định nếu Trung-Ấn xảy ra xung đột, cuộc chiến thực sự sẽ diễn ra trên biển. Trung Quốc nhập khẩu một lượng lớn dầu mỏ từ nước ngoài và 2/3 số dầu này cần được vận chuyển qua Ấn Độ Dương.
Ấn Độ có vị trí nằm chắn ngang các tuyến đường biển cung cấp nguồn năng lượng cho Trung Quốc. Vì vậy, trong trường hợp căng thẳng, Hải quân Ấn Độ có thể triển khai phong tỏa các tuyến hàng hải quan trọng của Trung Quốc. Động thái này của Ấn Độ có thể khiến Hải quân Trung Quốc phải di chuyển xa hàng nghìn dặm tới Nam Á, vào Ấn Độ Dương để đối đầu với Hải quân Ấn Độ.
Nếu cuộc xung đột này xảy ra, theo National Interest, dưới đây là 5 loại vũ khí của Ấn Độ có thể khiến Trung Quốc lo ngại nhất:
1. Tàu sân bay Vikramaditya
Ấn Độ đã có lịch sử vận hành tàu sân bay hơn 50 năm, bắt đầu từ năm 1961 với tàu sân bây INS Vikrant. Được biên chế năm 2013, INS Vikramaditya là chiếc tàu sân bay mới nhất và uy lực nhất trong các thế hệ tàu sân bay Ấn Độ.
Con tàu ban đầu được đóng cho Hải quân Liên Xô với tên gọi Baku, sau được đổi thành Admiral Gorshkov. Tàu sân bay Admiral Gorshkov được biên chế cho Hải quân Nga năm 1987, sau đó do chi phí bảo trì và vận hành quá cao nên đến năm 1996 phải ngừng hoạt động.
Tàu sân bay INS Vikramaditya
Năm 2004, Ấn Độ mua lại con tàu. Sau khi nâng cấp, Baku bị loại bỏ hệ thống vũ khí cũ và trang bị boong phóng kiểu nhảy cầu để hỗ trợ máy bay cất hạ cánh. Dự kiến, phi đội máy bay trên tàu Vikramaditya sẽ bao gồm 30 tiêm kích MiG-29K hoặc máy bay chiến đấu Tejas và 12 trực thăng.
Lý do Trung Quốc lo ngại tàu sân bay Vikramaditya là bởi con tàu có thể chỉ huy phong toả tuyến hàng hải của Trung Quốc, máy bay trên tàu giúp tăng cường bán kính tác chiến cho hạm đội Ấn Độ. Tàu sân bay Vikramaditya còn có thể đóng góp lực lượng tấn công trên không, ngăn chặn bất cứ ý đồ phá vỡ thế phong tỏa từ phía tàu chiến Trung Quốc.
2. Máy bay chiến đấu thế hệ 5 (FGFA)
FGFA, máy bay chiến đấu thế hệ 5 đầu tiên của Ấn Độ, là sản phẩm hợp tác giữa tập đoàn Hindustan Aeronautics Limited (Ấn Độ) và Sukhoi (Nga).
Được phát triển trên cơ sở tiêm kích tàng hình thế hệ năm PAK-FA của Nga, FGFA sẽ đánh dấu một bước nhảy vọt trong năng lực của Không quân Ấn Độ và về mặt lý thuyết sẽ mang lại cho nước này một loại máy bay có thể sánh ngang với tiêm kích F-22 của Mỹ và J-20 Trung Quốc.
FGFA có thể thực hiện các nhiệm vụ tác chiến không đối không và không đối đất, có khả năng cơ động và tàng hình cao, bay với tốc độ siêu âm. Ngoài ra, máy bay còn được trang bị hệ thống kiểm soát hoả lực hiện đại và hệ thống radar quét mạng pha điện từ chủ động.
FGFA được phát triển trên cơ sở PAK FA của Nga.
Khoang vũ khí của FGFA lớn, có thể mang các loại vũ khí dẫn đường, trong đó có tới 6 tên lửa dẫn đường radar. Tên lửa không đối không trang bị cho FGFA có thể là tên lửa Astra do Ấn Độ phát triển. tầm bắn lên tới 100km. Một số nguồn tin cho biết FGFA có thể còn mang tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos.
Ấn Độ sẽ đầu tư 25 tỷ USD cho dự án FGFA và trang bị khoảng 250 máy bay loại này. Công tác bàn giao FGFA dự kiến bắt đầu từ năm 2022.
FGFA là một mối lo với Trung Quốc bởi nó có thể cạnh tranh với tiêm kích J-20 mà Trung Quốc phát triển. Mặc dù còn tồn tại một số vấn đề, nhưng FGFA được phát triển dựa trên kinh nghiệm thiết kế máy bay chiến đấu đã có hơn 70 năm của Sukhoi. Trong khi đó, J-20 có rất ít hoặc không có sự hỗ trợ của chuyên môn nước ngoài. Nếu FGFA phát triển thành công, trong tương lai gần, nó sẽ giúp Ấn Độ bắt kịp với những tiến bộ của không quân Trung Quốc.
3. Tên lửa hành trình BrahMos
BrahMos là tên lửa hành trình siêu âm tầm ngắn do Nga-Ấn Độ hợp tác phát triển. Đây là một trong những tên lửa hiện đại nhất trên thế giới hiện nay, có thể tấn công chính xác mục tiêu trên biển và trên đất liền.
BrahMos được phóng lần đầu tiên vào năm 2001, 3 biến thể phóng trên bộ, trên tàu chiến mặt nước và phóng từ tàu ngầm đã được đưa vào sử dụng. Biến thể phóng trên không dự kiến được thử nghiệm cuối năm 2014.
Tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos
BrahMos có thể di chuyển với tốc độ lên tới Mach 3, mang đầu đạn nặng 200-300kg với đương lượng nổ cao, tầm bắn xa đến 290km.
Tên lửa BrahMos tạo thành mối đe doạ thực sự đối với Lục quân và Hải quân Trung Quốc. Với tốc độ của BrahMos, các hệ thống phòng không trên bộ và trên biển của Trung Quốc, với những tính năng chưa từng được kiểm chứng, sẽ chỉ có vài giây để đối phó.
4. Tàu khu trục lớp Kolkata
Kolkata là lớp tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường mới nhất của Ấn Độ. Tàu có tốc độ nhanh, khả năng tàng hình cao, trang bị thiết bị cảm biến tiên tiến và hệ thống vũ khí đối không, đối đất và đối hải mạnh.
Kolkata là một lớp tàu khu trục đa năng thực sự, có thể bảo vệ tàu sân bay Ấn Độ hoặc hoạt động độc lập. Hệ thống radar quét mạng pha điện tử chủ động trên tàu do Tập đoàn công nghiệp máy bay Israel phát triển, được cho là có thể sánh với hệ thống radar trên tàu chiến Aegis của Mỹ. Loại radar này có khả năng phát triển các mục tiêu trên không và trên biển, đồng thời dẫn hướng cho các loại tên lửa dẫn đường bằng radar. Kolkata còn được trang bị loại sonar có thể phát hiện tàu ngầm.
Hình ảnh chiếc tàu khu trục đầu tiên lớp Kolkta tại Mumbai
Hỏa lực của Kolkata rất mạnh. Tàu trang bị các phóng tên lửa thẳng đứng, tên lửa tầm ngắn Barak 1 và tầm trung Barak 8 cho phép Kolkata thực hiện tốt vai trò phòng không cho nhóm tác chiến tàu sân bay, các nhóm tác chiến mặt nước, các nhóm tấn công đổ bộ và các đội tàu hộ vệ.
Mỗi tàu khu trục lớp Kolkata trang bị 16 tên lửa hành trình BrahMos. Ngoài ra, trên tàu còn có 4 pháo AK-630, rocket chống ngầm và ngư lôi.
Ấn Độ có kế hoạch đóng lô 3 tàu khu trục lớp Kolkata, tàu đầu tiên dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động trong năm nay.
Kolkata sẽ đảm trách nhiệm vụ phòng không cho các tàu chiến khác của Ấn Độ như tàu sân bay Vikramaditya. Với việc trang bị 16 tên lửa BrahMos và có thể độc lập thực hiện nhiệm vụ, Kolkata là mối đe doạ đối với hoạt động hàng hải của Trung Quốc.
5. Tàu ngầm hạt nhân lớp Arihant
Tàu ngầm hạt nhân lớp Arihant được thiết kế để phóng các loại tên lửa hạt nhân. Tàu có thể trang bị 12 tên lửa hạt nhân tầm ngắn K-15 hoặc 4 tên lửa hạt nhân tầm trung K-4. Với tầm bắn 700km, tên lửa K-15 có thể vươn tới Trung Quốc từ Ấn Độ Dương. Trong khi với tầm bắn 3.500km, K-4 có thể vươn tới Bắc Kinh. INS Arihant là tàu ngầm hạt nhân đầu tiên được thiết kế và chế tạo tại Ấn Độ.
Tàu ngầm hạt nhân INS Arihant.
Trên danh nghĩa, Trung Quốc có lẽ không cần phải “kinh hãi” tàu ngầm Arihant bởi Ấn Độ đã áp dụng chính sách hạt nhân “không tấn công trước”, đồng nghĩa với việc Ấn Độ sẽ không phải là bên đầu tiên phóng tên lửa hạt nhân. Dù chính sách này có thay đổi, một tàu ngầm lớp Arihant cũng chỉ có thể mang 12 tên lửa hạt nhân. Tuy nhiên, 12 tên lửa này lại mang trong mình khả năng thực hiện những điều không tưởng, bất chấp chính sách được ban hành khiến mối đe dọa từ chúng bị coi nhẹ.
Theo Tri Thức Trẻ
(Tựa bài do Infonet đặt lại)