Tuesday, May 19, 2015

Con đường tơ lụa mới : mục tiêu ngầm của Trung Quốc

Con đường tơ lụa mới : mục tiêu ngầm của Trung Quốc

Con đường tơ lụa mới : mục tiêu ngầm của Trung Quốc
 
Ông Tập Cận Bình đề cập đến dự án lập Con đường tơ lụa mới thế kỷ XXI tại Diễn đàn APEC - Reuters

    Kinh tế không là động lực duy nhất của dự án xây dựng Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI của Trung Quốc. Bắc Kinh muốn ngăn chận ảnh hưởng của Hoa Kỳ tại châu Á, để trở thành trung tâm của một thị trường với khoảng ba tỷ dân bao phủ lên các vùng từ Đông Nam Á đến Ấn Độ, sang cả Trung Á và Châu Phi. « Chơi » với Trung Quốc được lợi những gì và trước mắt Bắc Kinh đang dùng những lá bài nào để chiêu dụ các quốc gia từ Á sang Âu tham gia vào dự án này ?

    Công du Kazachstan vào tháng 9/2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề nghị thành lập một « vành đai của con đường tơ lụa », nối liền Châu Âu, Trung Quốc với Trung Á. Đây sẽ là một thị trường với hơn ba tỷ dân. Một tháng sau đó, tại Indonesia, lãnh đạo Bắc Kinh một lần nữa đã trở lại với ý tưởng lập « Con đường tơ lụa trên biển của thế kỷ XXI ».
    Vào đầu tháng 11/2014 Trung Quốc tổ chức Hội trợ triễn lãm quốc tế con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI tại thành phố Đông Quản, tỉnh Quảng Đông và đã được 42 quốc gia hưởng ứng. 25 nước trong số đó trực tiếp liên quan đến dự án đã được ông Tập Cận Bình đề xướng. Cùng lúc, tại Thượng đỉnh của Diễn đàn Kinh tế Á châu Thái Bình Dương APEC- Bắc Kinh, Chủ tịch Tập Cận Bình thông báo đầu tư 40 tỷ đô la để làm sống lại con đường giao thương nổi tiếng trong lịch sử, nối liên Á-Âu. Bắc Kinh cũng thông báo là đã có 25 quốc gia muốn tham gia trực tiếp vào dự án này. 
    Bắc Kinh không chỉ bỏ ra 40 tỷ đô la để làm sống lại con đường giao thương huyền thoại đó. Cũng chính Trung Quốc đã có sáng kiến cùng với 4 nền kinh tế đang trỗi dậy khác là Brazil, Nga, Ấn Độ và Nam Phi thành lập Ngân hàng phát triển BRICS với số vốn ban đầu là 100 tỷ đô la, mà trong trong đó 41 tỷ là do Bắc Kinh bỏ ra. Gần đây hơn là dự án thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Á Châu, AIIB cũng với 100 tỷ đô la vốn. 
    Ngược dòng thời gian, Con đường tơ lụa trên đất liền đã từng bước hình thành vào quãng 140 năm trước Công Nguyên, dưới thời Hán Vũ Đế. Đó là tuyến đường nối liền thành phố Tây An, Trung Quốc với Antioche của Thổ Nhĩ Kỳ, gần biên giới với Syria, xuyên ngang qua Trung Á và Iran. Thế còn, Con đường tơ lụa trên biển, thì lại xuất phát từ Quảng Châu, hướng về các nước Đông Nam Á và kéo dài sang đến bờ đông Châu Phi. 
    Nhưng rồi, chính sách khép kín của triều đại nhà Minh - thế kỷ thứ XV- sự hình thành của Đế chế Ottoman sau khi thành Byzance thất thủ năm 1453, những trục lộ giao thông hàng hải được khai mở vào thế kỷ XVI từng bước đẩy con đường tơ lụa có từ hơn 1.500 năm vào quên lãng. 
    Mãi đến đầu năm 2011 dự án nối liền tuyến đường xe lửa giữa Trung Quốc với Châu Âu mới khơi lại ý tưởng của một con đường giao thương Âu Á mới, bao gồm cả một tuyến đường trên bộ và trên biển. Tuy nhiên theo các nhà quan sát, « Con đường tơ lụa mới » thực ra đã nhen nhúm hình thành từ trước đó ít nhất 20 năm, do khối lượng dầu hỏa chung chuyển từ Trung Đông sang Trung Quốc ngày càng lớn và Trung Quốc thì từ những năm 1990 đã trở thành « cơ xưởng sản xuất của thế giới », và rồi hàng hóa của Trung Quốc đã tràn ngập địa cầu.
    Từ năm 2013, dự án con đường tơ lụa mới của Trung Quốc đã từng bước được hình thành với mục tiêu không hề che giấu của Bắc Kinh là nâng tổng trao đổi mậu dịch của các bên liên quan đang từ 400 tỷ đô la năm 2012 lên thành 1.000 tỷ vào năm 2020.
    Để đạt được mục tiêu đó, Bắc Kinh đã không để lãng phí thời gian. Trung Quốc đã bắt tay vào việc xây dựng đường cao tốc 213 cây số, nối liền thành phố Kashgar –Tân Cương với Erkeshtam củaKirghizistan. Tổng chi phí dự án lên tới 630 triệu đô la. Con đường cao tốc này sau đó sẽ mở rộng ra tiếp sang Ouzbekistan, Tadjikistan, Turkmenistan, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ. Song song với dự án đường cao tốc đó, Trung Quốc còn phát triển hai đề án khác, cũng để mở cửa cho Trung Quốc đến gần với Châu Âu. Dự án thứ nhất xuyên ngang Kazakhstan và Nga, trong khi lộ trình thứ nhì dự trù hướng tới Kazakhstan nhưng xuyên qua lòng Biển Caspi. 
    Quay lại với khu vực Đông Nam Á, một nhà báo Malaysia làm việc tại Bắc Kinh, nhận định, Malaysia có tới 40% dân số là người Hoa, có tranh chấp lãnh thổ trên biển với Trung Quốc, nhưng Malaysia cần xuất khẩu sang Trung Quốc và mua hàng hóa của nước này, cho nên, Kuala Lumpour đã đặc biệt tỏ ra kín tiếng trên hồ sơ Biển Đông. 
    Singapore, cũng là nơi có tới 65% dân cư là người Hoa, cho nên từ rất nhiều năm qua, đảng cầm quyền đã luôn « khéo léo đi dây trong quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ ». Nhiều quốc gia trong vùng Đông Nam Á thì đã ký các hiệp định quan hệ đối tác với Bắc Kinh. 
    Công du Pakistan vào hạ tuần tháng 4/2015, ông Tập Cận Bình đã hứa hẹn 46 tỷ đô la đầu tư vào quốc gia Nam Á này. 
    Trả lời ban Việt ngữ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa tại Hoa Kỳ trước hết trở lại với ý tưởng về một con đường tơ lụa mới đã được chủ tịch Trung Quốc đề cập tới lần đầu tiên cách nay hai năm. 
    Nguyễn-Xuân Nghĩa Ông Tập Cận Bình loan báo từ Thượng đỉnh APEC vào cuối năm 2013 và từ đó cứ vài ba tháng Bắc Kinh lại cung cấp thêm chi tiết về Con Đường Tơ Lụa Mới.  
    Trước hết, nó gồm có khái niệm Nhất Đới Nhất Lộ. Đới là vành đai, ở đây là đường lộ vận từ các tỉnh miền Tây Trung Quốc qua Trung Á, Nam Á, tới Tây Á, Trung Đông và Âu Châu. Còn Lộ ở đây là đường thủy vận, từ các hải cảng Trung Quốc đến Nam Dương quần đảo qua Ấn Độ Dương tới Hồng hải và Trung Đông.  
    Thứ hai, nó giải quyết một yêu cầu sinh tử cho Bắc Kinh là phát triển hạ tầng cơ sở cho các tỉnh bị khóa trong lục địa của Trung Quốc và không có đường thông thương ra ngoài nên là khu vực lạc hậu nhất. Các tỉnh đó là Tân Cương, Thanh Hải, Cam Túc, Ninh Hạ, Thiểm Tây, Tứ Xuyên, Vân Nam và Quảng Tây. Bắc Kinh trù tính bỏ ra khoảng 100 tỷ đô la cho hơn 50 dự án sẽ thực hiện ở khu vực nội địa này và sẽ nối kết với Con đường Tơ lụa trên đất liền và ở ngoài biển.  
    Vì họ vừa quảng cáo vừa tính tiền nên thế giới lúng túng không hiểu là kế hoạch Tơ Lụa này trị giá bao nhiêu tiền và nhắm vào những gì. Chúng ta nên nhìn thấy ba chuyện mà Trung Quốc đang tính toán. Một là khai thông khu vực lạc hậu bên trong, hai là mở đường qua Tây Vực và Trung Á để tiến tới Trung Đông và Âu Châu, ba là phát triển mạng lưới hàng hải từ quần đảo Nam Dương –Indonesia qua Thái bình dương, Ấn Độ dương và vào tới Hồng hải, xuống tới Đông Phi. 
    RFI : Một cách cụ thể, Trung Quốc dự kiến chi ra bao nhiêu tiền cho dự án Con đường tơ lụa mới đó, và đã thuyết phục được những ai rồi ?  
    Nguyễn Xuân Nghĩa : Chúng ta cần phân biệt ba bốn chuyện thì mới hiểu ra sự thể. Bắc Kinh nói đến 40 tỷ cho Con đường Tơ lụa, thật ra trù tính nhiều hơn vậy. 
    Trước hết là khoảng 100 tỷ đô la cho hơn 50 dự án bên trong lãnh thổ Trung Quốc để giải quyết nạn thất quân bình nội bộ của họ. Bên ngoài lãnh thổ thì có ít ra một chục dự án công tư hỗn hợp và liên doanh giữa song phương hay đa phương với 11 quốc gia khác. Các dự án này gồm có bốn hải cảng, ba thiết lộ, hai ống dẫn khí và một xa lộ, đều là dự án có tính chất chiến lược về kinh tế lẫn an ninh. 
    Cho các dự an quy mô này, Bắc Kinh đã dự chi ngân sách trị giá hơn 240 tỷ đô la của mình trong những năm sắp tới, chưa kể 100 tỷ của Tân ngân hàng Phát triển BRICS và 100 tỷ của Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Á châu AIIB đang được thành lập với sự tham gia của 57 quốc gia.
    RFI : Đâu là những mục tiêu ngầm của Bắc Kinh ? 
    Nguyễn Xuân Nghĩa : Có bốn mục tiêu chính thức được Tập Cận Bình nói ra, rồi khóa họp mới đây của Quốc hội Bắc Kinh xác nhận. Đó là 
    1. Tự do chuyển dịch tài hóa và cải thiện việc sung dụng tài nguyên
    2. Phối hợp và hội nhập chính sách kinh tế với các nước
    3. Tăng cường mạng lưới kết nối Âu-Á-Phi và các mặt biển phụ cận
    4. Khai thác tiềm năng của thị trường, khuyến khích đầu tư và tạo ra việc làm 
    Chính thức thì Bắc Kinh muốn chiêu dụ các nước Á châu cùng tham gia thực hiện các dự án này vì quyền lợi và nhu cầu xây dựng của Á châu, được ước tính khoảng một ngàn tỷ đô la một năm. 
    Còn mục tiêu thật của họ là mở rộng ảnh hưởng của đồng bạc Trung Quốc trong luồng giao dịch và đầu tư với các nước Châu Á. Sâu xa hơn vậy là mục tiêu tăng cường sức mạnh kinh tế với các nước đối tác. Thứ ba là dùng quyền lợi kinh tế mua chuộc các nước để hợp thức hóa sự xuất hiện của Trung Quốc như một cường quốc hải dương, trong đó có cả việc hợp thức hóa hành vi chiếm đóng của Trung Quốc ngoài Đông Hải. Và sau cùng là mục tiêu đẩy lui ảnh hưởng của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ. 
    RFI : Tính cách khả thi của kế hoạch « Con đường tơ lụa thế kỷ XXI » ? 
    Nguyễn Xuân Nghĩa : Xưa nay Bắc Kinh làm các dự án hạ tầng đều « lỗ chỏng gọng ». Lý do bên trong vì các chính quyền địa phương vay tiền làm ẩu. Với bên ngoài thì lý do là các doanh nghiệp Trung Quốc thường làm bậy, có tiêu chuẩn an toàn thấp và rủi ro tín dụng cao, nên 90% là mất tiền. 
    Người ta tính ra là từ 2005 đến 2014 đã có ít ra 130 dự án thất bại, mất cỡ 200 tỷ, bằng một phần ba của tổng số đầu tư ra ngoài. Cũng vì vậy, Bắc Kinh cần sự góp sức của các xứ khác để chia sẻ rủi ro và nâng cao khả năng quán lý dự án. Nhưng rủi ro vẫn còn vì khi có nhà nước là lại có nạn “ỷ thế làm liều”, thuật ngữ bảo hiểm và kinh tế gọi là “moral hazard”. 
    Và thật ra nhiều quốc gia khác cũng e ngại âm mưu bành trướng của Bắc Kinh nên chưa chắc là họ đã mua dải lụa của Trung Quốc để tự thắt cổ sau này ! 

    Các lưu trữ
    1. 1
    2. 2
    3. 3
    4. ...
    5. trang sau >
    6. trang cuối >
    1. 1
    2. 2
    3. 3
    4. ...
    5. trang sau >
    6. trang cuối >
    Các chương trình

    No comments:

    Post a Comment