Mỹ đáp trả lời ve vãn lố bịch của Trung Quốc về Biển Đông
Hôm thứ Sáu (1/5), Mỹ đã nhanh chóng bác bỏ đề nghị của quan chức quân sự hàng đầu Trung Quốc muốn đưa các lực lượng cứu hộ quốc tế vào các vùng biển đang tranh chấp trên Biển Đông.
Thời gian qua, Trung Quốc luôn luôn nhận chỉ trích của phương Tây về các công trình xây dựng trái phép trên các đảo ở Biển Đông, bao gồm cả việc xây dựng một đường băng cũng như các kiến trúc khác.
Ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy công trình xây dựng trái phép một đường băng gần sắp hoàn thành của Trung Quốc tại bãi Đá Chữ Thập thuộc Quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Reuters |
Theo tờ Wall Street Journal (WSJ) và các tờ tin tức khác của Mỹ, một báo cáo đăng tải trên website Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết, Đô đốc Wu Shengli đã đưa ra lời đề nghị kể trên với người đồng cấp Mỹ của mình, Đô đốc Jonathan Greenert, trong một hội nghị video giữa hai bộ.
Đô đốc Wu viện dẫn rằng, công việc cải tạo của Trung Quốc trên các đảo tranh chấp “không đe doạ tự do hàng hải” và sẽ “nâng cao năng lực dự báo thời tiết, tìm kiếm cứu nạn hàng hải và hàng không, giúp bảo vệ an ninh hàng hải quốc tế”, tờ WSJ trích dẫn báo cáo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết.
“Chúng tôi hoan nghênh các tổ chức quốc tế, Mỹ và các nước có liên quan sử dụng các cơ sở này khi điều kiện chín muồi, tiến hành hợp tác về vấn đề cứu hộ nhân đạo và cứu hộ thảm hoả”, ông Đô đốc Wu của Trung Quốc nói.
Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jeff Rathke cho biết, Washington không quan tâm đến lời mời này. “Xây dựng các cơ sở trên khu vực tranh chấp chẳng đóng góp gì cho hoà bình và ổn định khu vực cả”, Rathke trả lời trước các phóng viên quốc tế, “Điều này cũng chả giúp ích gì ngay cả khi, như một số quan chức Trung Quốc từng tuyên bố, các cơ sở đó được sử dụng cho mục đích ứng phó thảm hoạ dân sự”.
Ông nói thêm: “Nếu thực sự mong muốn giảm bớt căng thẳng, Trung Quốc có thể tích cực giảm bớt chúng bằng cách thực hiện các bước cụ thể để dừng lại việc cải tạo các vùng đất [trong khu vực tranh chấp]”.
Bắc Kinh cần phải làm việc dựa trên “các cơ chế đa phương hiện có để cứu trợ nhân đạo và thiên tai”, chẳng hạn như dưới sự bảo trợ của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Hôm thứ Hai (27/4), ASEAN cũng đã ban hành một tuyên bố tại Hội nghị thượng đỉnh khu vực được tổ chức ở Malaysia, bày tỏ “những lo ngại nghiêm trọng” về việc Trung Quốc cải tạo đất trên các đảo, rặng san hô, bãi cạn thuộc chủ quyền của các thành viên ASEAN đang bị vướng vào tranh chấp với Trung Quốc.
Bắc Kinh luôn khẳng định chủ quyền với hầu hết Biển Đông, nhiều khu vực trong đó trên thực tế thuộc chủ quyền của các quốc gia châu Á khác. Hành động ngông cuồng đó của Trung Quốc bị cả thế giới lên án. Quốc tế đang lo ngại rằng các công trình xây dựng đang giúp cho nước này thắt chặt kiểm soát đường biển trên Biển Đông.
No comments:
Post a Comment