Việt Nam: Lợi ích quốc gia và TPP
- 5 giờ trước
Việc Việt Nam gia nhập TPP và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu tất nhiên là sự lựa chọn đúng đắn. Tuy nhiên, lãnh đạo Cộng sản cần đặt lợi ích quốc gia và quyền lợi của công dân lên hàng đầu trong mục tiêu phát triển kinh tế và đất nước.
TPP tại Hoa Kỳ
Tại Hoa Kỳ, một số nhân vật bảo thủ gần đây đã lên tiếng mạnh mẽ kêu gọi chính quyền Obama minh bạch hóa các chi tiết liên quan đến Hiệp định Đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership – TPP). TPP đã bị cáo buộc gây ra những bí mật không cần thiết và có thể làm nguy hiểm đến công ăn việc làm trên đất Mỹ. Ngay chính các đảng viên Đảng Dân chủ [Hoa Kỳ], vốn phần lớn bị chi phối bởi các tổ chức lao động, cũng lên tiếng đồng thuận với những lời chỉ trích đó.
TPP không chỉ đơn thuần là một hiệp định thương mại mà còn bao gồm một số tiêu chuẩn nền tảng về môi trường và lao động, sở hữu trí tuệ, và an toàn thực phẩm. Nếu được thông qua thì TPP sẽ mở rộng cảnh cửa thương mại cho 12 nước thành viên châu Á–Thái Bình Dương cũng như tạo điều kiện hội nhập sâu rộng hơn vào nền các nền kinh tế giữa các bên.
Nếu gia nhập vào được TPP, mà cho đến nay nhiều chuyên gia cho rằng chỉ còn vấn đề thời gian, Việt Nam sẽ tiếp cận sâu rộng hơn vào hai nền kinh tế lớn nhất thế giới – Hoa Kỳ và Nhật Bản. Thỏa thuận này chắc chắn sẽ giúp nâng cao triển vọng kinh tế của Việt Nam; và với mức lương tương đối vẫn còn thấp so với một số nước khác trong TPP, Việt Nam có nhiều tiềm năng chuyển mình thành một trung tâm xuất khẩu đầy hứa hẹn.
Kinh tế thị trường XHCN
Đất nước 90 triệu dân hiện đang do Đảng Cộng sản Việt Nam độc quyền chính trị đã bỏ nền kinh tế kế hoạch tập trung vào thập niên 1980, và chuyển hướng sang nền kinh tế đặc thù chủ nghĩa tư bản phe nhóm – hoặc còn được gọi nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa bởi giới lãnh đạo cộng sản.
Nhưng thực chất nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong chế độ một đảng là Đảng Cộng sản Việt Nam tự biến mình thành nhà nước bằng cách tiếm quyền làm chủ của người dân, biến tài sản nhà nước thành tài sản riêng của một đảng và biến nền kinh tế quốc gia thành nền kinh tế phe nhóm phục vụ cho lợi ích của một đảng.
Đây không chỉ cho thấy một chính quyền không chính danh mà còn là một chính quyền thiếu minh bạch và không có trách nhiệm, vì gần như không có nước nào trong TPP có nền kinh tế lấy doanh nghiệp nhà nước làm chủ đạo, ngăn cấm công nhân lập công đoàn độc lập, tội phạm hóa quyền chính trị và những ý kiến trái chiều với chính quyền.
Khi đàm phán về hiệp định này, Việt Nam đã liên tục bác bỏ đề xuất liên quan đến những quy tắc đối với các tổng công ty và doanh nghiệp do nhà nước quản lý. Điều này nêu bật lên sự bất cân đối giữa các nền kinh tế trong nhóm TPP và làm suy yếu trọng tâm của hiệp định vốn đề cao sự cạnh tranh bình đẳng, môi trường làm việc an toàn, bảo vệ môi sinh và quyền con người.
Nhân quyền ở Việt Nam và TPP
Ngoài các thỏa thuận kinh tế thì Việt Nam còn đang vướng mắc một số chướng ngại khác liên quan đến vấn đề mang tính cơ bản và phổ quát, cụ thể là quyền con người và công đoàn độc lập.
Liệu Hoa Kỳ có bỏ qua những chi tiết trên khi tiếp tục đàm phán để đưa Việt Nam vào TPP? Và liệu hiệp định này có thúc đẩy Việt Nam cải thiện tình trạng nhân quyền vốn đã bị nhiều nước chỉ trích trong gần nửa thể kỷ qua?
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry cũng tái khẳng định trong chuyến thăm Trung Quốc hồi cuối tuần qua rằng TPP nhắm đến nâng cao các tiêu chuẩn thương mại, tính minh bạch và trách nhiệm; đồng thời thiết lập các tiêu chuẩn cao đối với các vấn đề như môi trường, lao động, doanh nghiệp nhà nước, và sở hữu trí tuệ.
Những điều kiện tương tự cũng đã từng được mang ra đàm phán khi Việt Nam ký hiệp định song phương với Hoa Kỳ năm 2000 và gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007, nhưng cho đến nay thì hồ sơ nhân quyền và môi trường chính trị tại Việt Nam vẫn không có gì thay đổi.
Thậm chí, theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền và báo cáo thường niên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thì môi trường làm việc của công nhân và số người bất đồng chính kiến với nhà nước bị bắt giam mỗi năm mỗi tồi tệ hơn.
Trong khoảng thời gian đàm phán TPP với Hoa Kỳ, Việt Nam đã bắt và kết án hơn 150 nhân vật bất đồng chính kiến trong khi số người được trả tự do chỉ được thưa thớt trên đầu ngón tay.
Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ về Dân chủ, Nhân quyền và Lao động, ông Tom Malinowski, trong buổi Đối thoại Nhân quyền Việt–Mỹ tại Hà Nội đầu tháng Năm vừa qua cũng nhấn mạnh rằng vấn đề nhân quyền “sẽ có tác động rất lớn đối với tiến trình đàm phán TPP”.
Cho đến nay, công đoàn độc lập – hệ thống bảo vệ công nhân mà chính giới cộng sản đã từng lên án thời thực dân – vẫn không thể hoạt động độc lập tại Việt Nam, ngoài Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam chiếm độc quyền lãnh đạo.
Minh bạch và lợi ích quốc gia
Ngoài hai trụ cột nhà nước pháp quyền [thượng tôn pháp luật] và xã hội dân sự, để phát triển xã hội công bằng thì Việt Nam cần có một nền kinh tế thị trường chuẩn mực. Hiện nay, khi Đảng Cộng sản Việt Nam đặt nền kinh tế doanh nghiệp nhà nước làm chủ đạo và độc quyền kiểm soát cả ngành tòa án lẫn chính trị thì sự minh bạch và công bằng rất khó tồn tại – nếu không muốn nói là không thể – để đảm bảo một nền kinh tế bền vững, chuẩn mực và mang tính cạnh tranh cao.
Bài học quá khứ WTO phần nào cho thấy thương mại không giúp Việt Nam cải thiện môi trường lao động, chính trị và tình trạng nhân quyền. TPP có thể thúc đẩy thương mại Việt Nam nhưng sẽ không mang lại nhiều cải cách chính trị cơ bản – điều mà nhiều người dân Việt Nam đang mong đợi.
Việc Việt Nam gia nhập TPP và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu tất nhiên là sự lựa chọn đúng đắn. TPP sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam giảm sự lệ thuộc quá nhiều vào nước láng giềng phương Bắc, mang lại cơ hội to lớn về kinh tế .
Tuy nhiên, quá trình đàm phán và gia nhập cần phải có sự tham gia của toàn dân, và giới lãnh đạo cộng sản cần đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu.
Hiện trạng một đảng độc quyền chính trị chỉ chiếm khoảng 5% dân số nhân danh toàn dân để đàm phán những vấn đề hệ trọng của quốc gia rõ ràng là thiếu minh bạch và không chính trực.
Hơn nữa, nếu nhu cầu về các quy định mới trong việc quản lý doanh nghiệp nhà nước, các quyền lao động và cơ chế phổ quát bảo vệ công dân của mình đều bị giới lãnh đạo cộng sản gạt sang một bên thì ai sẽ là người được hưởng lợi nhiều nhất từ TPP?
Nhiều người cho rằng chủ đề nhân quyền mà phía Hoa Kỳ đặt ra nghiêng nặng về nghi thức ngoại giao, nhưng nếu giới lãnh đạo cộng sản quan tâm và đặt nặng lợi ích quốc gia và quyền của người dân Việt Nam thì chủ đề này ngay từ đầu đã không cần mang ra bàn đàm phán.
Thiết lập nền tảng hệ thống chính trị minh bạch để có một chính quyền đại diện cho người dân một cách chính danh và đặt nặng lợi ích quốc gia mới có thể tạo dựng một nền kinh tế khả tin và bền vững.
Đó cuối cùng cũng là các tiêu chuẩn mà TPP đang hướng đến trong cách tiếp cận thương mại, phát triển và đầu tư trong nền kinh tế toàn cầu.
Bài viết phản ánh quan điểm và văn phong riêng của các tác giả, hiện đang sống tại Canada.
No comments:
Post a Comment