Wednesday, December 9, 2015

Biển Đông: Nước cờ TQ và nỗi lo ASEAN mất phương hướng

Biển Đông: Nước cờ TQ và nỗi lo ASEAN mất phương hướng

(Tin tức thời sự) - Các học giả quốc tế lo ASEAN "không biết đi đường nào" trong vấn đề Biển Đông. Còn bản đồ lưỡi bò phi lý, không nước nào tin Trung Quốc.

Ngày 4/12, tại Hà Nội diễn ra hội thảo quốc tế “Xây dựng lòng tin ở châu Á” do Viện nghiên cứu Đông Bắc Á (Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức.
Các học giả chỉ rõ, môi trường an ninh khu vực vẫn ẩn chứa nhiều rủi ro bởi xu hướng chạy đua vũ trang gia tăng, tranh chấp lãnh thổ và chủ quyền biển đảo diễn ra gay gắt, đặc biệt là chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa đơn phương và thái độ chính trị cường quyền nước lớn, bất chấp luật pháp quốc tế, bất chấp phương hại đến hòa bình, an ninh và môi trường sống của nhân loại có xu hướng trỗi dậy.
Sự chia rẽ lợi ích và thiếu vắng lòng tin chiến lược giữa các quốc gia khiến châu Á vẫn chưa có được các thỏa thuận, cơ chế hoặc cấu trúc an ninh tập thể hữu hiệu để đối phó với các thách thức đang nổi lên.
Một số ý kiến tại hội thảo thẳng thắn nói những hành động đơn phương ở khu vực Biển Đông chính là cản trở xây dựng lòng tin giữa các bên, chừng nào Trung Quốc còn giữ bản đồ đường lười bò phi lý trên Biển Đông thì các quốc gia còn không tin Trung Quốc.
Xét theo cơ sở khoa học và luật pháp quốc tế thì bản đồ đường lưỡi bò không có bất cứ cơ sở nào, chính vì vậy Trung Quốc bỏ đường lưỡi bỏ thì niềm tin mới được xây dựng.
Bien Dong: Nuoc co TQ va noi lo ASEAN mat phuong huong
Các lãnh đạo ASEAN thể hiện sự đoàn kết tại hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 4/2015 ở Malaysia. Ảnh: Straitstimes
Đánh giá về mối quan hệ giữa các nước Đông Nam Á và Trung Quốc, ông William Choong, chuyên gia cao cấp của Đối thoại Shangri-La về an ninh châu Á-Thái Bình Dương cho hay, nếu nhìn về khía cạnh kinh tế thì "không vấn đề gì" nhưng quan hệ giữa các bên không thuần túy như vậy, bởi ngoài kinh tế còn vấn đề về an ninh và chiến lược.
Nhấn mạnh về những căng thẳng khu vực Biển Đông thời gian gần đây, học giả người Singapore cho rằng, thái độ của Trung Quốc không phải chỉ xuất phát trong khoảng 2-3 năm gần đây mà đã có trong khoảng thời gian dài.
Khoảng thời gian ấy theo ông đã kéo dài vài chục năm với những sự kiện trên biển vào những năm 1974 hay 1988. "Họ đã nghĩ tới nước cờ dài," ông William Choong nói.
Trong khi ấy, với ASEAN, ông William Choong đánh giá, phản ứng của các nước trong khu vực lại thường chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn và không tương ứng với thái độ của Trung Quốc trong suốt những năm qua.
Nhận định ASEAN đang đứng trước bối cảnh "nguy hiểm," vị học giả ví von ASEAN như vị trí người cầm lái khi giải quyết các vấn đề châu Á, tuy nhiên, chính người "lái xe" này lại đang "không biết đi đâu" với các vấn đề liên quan tới ​Biển Đông.
Theo ông, một trong những minh chứng là tại Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng hồi tháng 11 vừa qua, các nước đã không thể đưa ra tuyên bố chung. Ngoài ra, bộ quy trắc ứng xử có sự ràng buộc pháp lý giữa Trung Quốc và ASEAN cũng đã trì hoãn vô thời hạn.
Sự mất phương hướng của ASEAN cũng là vấn đề được Tiến sĩ Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược ngoại giao đồng tình.
Theo ông, sự lạc hướng ấy chính là rủi ro khi ASEAN "không biết ưu tiên quan hệ với nước lớn nào." Qua đó, ông Thái cũng kêu gọi, các nước cần cải cách càng sớm càng tốt để tránh tình trạng ASEAN để mất vai trò trung tâm.
Góp ý thêm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Dũng, Viện trưởng Viện nghiên cứu Đông Nam Á cho rằng, chính các nước trong ASEAN cũng khá chia rẽ trong vấn đề ​Biển Đông.
Theo ông, các nước không có tranh chấp thì tìm kiếm sự hợp kinh tế với Trung Quốc. Trong khi đó, các nước có tranh chấp biển thì cũng có quan điểm khác nhau trong ứng xử.
Để giải quyết vấn đề căng thẳng ấy, ông Dũng cho rằng, các quốc gia ASEAN không cần phải trở thành cường quốc quân sự mà về cơ bản, cần có cơ chế thuyết phục Trung Quốc tự kiềm chế và dần từ bỏ chính sách nước lớn của mình với khu vực.
Đây cũng là ý kiến được ông William Choong cho rằng quan trọng hơn việc đưa ra tuyên bố chung ASEAN.
"Tôi cho rằng thách thức lớn với ASEAN không chỉ đưa ra tuyên bố chung mà quan trọng hơn là ASEAN buộc Trung Quốc trao đổi về các vấn đề này," ông William Choong nói.
Góp thêm giải pháp, Giáo sư Kawashima Shin, Đại học Tokyo, Nhật Bản nhận định, các nước cần sự hậu thuẫn của công luận quốc tế. Đây là hoạt động theo ông Nhật Bản đã thúc đẩy mạnh trong năm nay để tranh thủ sự đồng tình từ khắp nơi trên thế giới.
"Chúng ta cần giải thích lập trường của mình với thế giới vì các nước khác ở Châu Âu​ hay Mỹ La​tinh có thể không hiểu rõ vấn đề", Giáo sư Kawashima Shin lên tiếng.
An Nhiên (Tổng hợp Tuổi trẻ/TTXVN)

No comments:

Post a Comment