Tình hình Biển Đông: Singapore đột phá, Trung Quốc dùng thủ đoạn
(Tin tức 24h) - Không phải một bên yêu sách ở Biển Đông và duy trì lập trường trung lập trong tranh chấp chủ quyền lãnh thổ nhưng Singapore đã có bước đi bất ngờ.
Tạp chí Foreign Policy ngày 7/12 đưa tin, Singapore đã phê duyệt phương án hỗ trợ Hoa Kỳ giám sát Biển Đông, để mắt đến hoạt động xây dựng đảo nhân tạo mà Trung Quốc tiến hành (bất hợp pháp) ở Trường Sa của Việt Nam, một hồi chuông báo động tình hình Biển Đông với các nước láng giềng trong khu vực.
Theo đó, Singapore quyết định cho phép máy bay trinh sát Hoa Kỳ sử dụng lãnh thổ của mình để giám sát các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang bồi lấp.
Máy bay Poseidon. Ảnh: FlightJournal |
Trong tuyên bố chung ở Washington D.C, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và người đồng cấp Singapore Ng Eng Hen cho biết từ ngày 7 đến 14/12 tới, quân đội Mỹ sẽ điều máy bay P-8 Poseidon đến Singapore.
Hai bộ trưởng khẳng định việc triển khai máy bay P-8 Poseidon ở Singapore “sẽ giúp tăng cường sự tương hỗ giữa các quân đội khu vực thông qua tập trận chung song phương và đa phương, đồng thời hỗ trợ các nỗ lực bảo vệ an ninh hàng hải và cứu trợ nhân đạo”.
Một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ tiết lộ Washington sẽ tiếp tục điều máy bay P-8 Poseidon tới Singapore nhiều lần trong thời gian tới.
Như vậy, dù không phải một bên yêu sách ở Biển Đông và duy trì lập trường trung lập trong vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ nhưng động thái của Singapore thể hiện sự quan ngại của quốc gia này với các hành động của Trung Quốc, theo đánh giá của Foreign Policy.
Cũng theo tạp chí này, việc Singapore cho phép tiếp nhận các máy bay P-8 của Hải quân Mỹ mang lại lợi thế chiến lược cho Washington trong việc theo dõi những động thái quân sự của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Trong khi đó, tờ Straits Times dẫn thông tin từ Bộ Quốc phòng Singapore cho biết, việc hợp tác này nhằm thúc đẩy "sự liên kết giữa các nền quân sự trong khu vực, hỗ trợ kịp thời cho những hoạt động nhân đạo và cứu nạn, cùng những nỗ lực bảo đảm an ninh hàng hải". Trước đây, Singapore từng cho phép một số nước đưa máy bay giám sát đến đảo quốc này để làm nhiệm vụ.
Còn Reuters nhận định, việc Mỹ triển khai máy bay quân sự có khả năng sẽ chọc giận Trung Quốc, vốn đã xung khắc với Mỹ về vấn đề Biển Đông.
Trung Quốc nhận vơ gần như toàn bộ khu vực biển giàu tài nguyên này, nơi mỗi năm hàng hóa trị giá hơn 5.000 tỷ USD đi qua.
Mỹ đã cho máy bay trinh sát P8 hoạt động xuất phát từ Nhật Bản và Philippines cũng như từ nước láng giềng Singapore là Malaysia.
Mỹ và Singapore có truyền thống hợp tác quốc phòng suốt gần nửa thế kỷ qua. Mỹ cho phép Không quân Singapore đồn trú và diễn tập huấn luyện trên nước Mỹ. Trong khi đó, Singapore cho phép Mỹ triển khai thiết bị quân sự đến các căn cứ quân sự của mình và hỗ trợ hậu cần.
Gần đây nhất là việc Mỹ triển khai thành công 2 tàu tác chiến cận bờ (LCS) USS Freedom (tháng 3.2013) và USS Fort Worth (từ tháng 12.2014) tại Singapore. Hai bên đang sẵn sàng cho việc triển khai chiếc LCS thứ 3 trong năm 2016 và chiếc thứ 4 vào cuối năm 2017.
Tờ China Times (Đài Loan) ngày 7/12 cho biết, để triển khai máy bay ném bom chiến lược ở Biển Đông trong thời gian ngắn, Trung Quốc đã xây dựng thêm 3 sân bay quân sự (bất hợp pháp) trên đảo nhân tạo mà Bắc Kinh mới bồi lấp (trái phép) trên đá Chữ Thập, Xu Bi và Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam).
Chuyên gia an ninh Đông Á Euan Graham đến từ châu Úc cho rằng, sự tồn tại của những căn cứ quân sự trên đảo nhân tạo đã giúp cho Trung Quốc có năng lực nhanh chóng triển khai tàu cảnh sát biển và tàu chiến ở Trường Sa.
Sự lo ngại này tăng cao khi Trung Quốc triển khai bất hợp pháp máy bay chiến đấu J-11 ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam).
Nếu những máy bay chiến đấu của Quân đội Trung Quốc cất cánh từ những đường băng này và tiến hành tuần tra thường xuyên trên bầu trời Biển Đông sẽ khiến cho quan hệ giữa Trung Quốc với Việt Nam, Philippines rơi vào căng thẳng, kể cả hành động thực hiện quyền tự do đi lại của Quân đội Mỹ cũng sẽ bị ảnh hưởng bất lợi.
Vài sân bay ở Biển Đông có thể giúp cho Quân đội Trung Quốc bổ sung nhiên liệu và đạn dược cho máy bay chiến đấu của họ.
Chuyên gia quân sự Mỹ Hans Kristensen cho rằng, sự xuất hiện của những máy bay chiến đấu này sẽ làm cho các đối thủ của Trung Quốc phải mất nhiều thời gian hơn để tính toán làm thế nào để đối phó chúng.
|
An Nhiên (Tổng hợp)
No comments:
Post a Comment