Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia thăm VN
- 13 tháng 12 2015
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Campuchia dẫn đầu đoàn quân sự cấp cao thăm Việt Nam trong ba ngày (11-13/12/2015).
Đại tướng Tea Banh đã hội đàm với Đại tướng Phùng Quang Thanh vào hôm 12/12/2015, trang web Bộ Quốc phòng Việt Nam đưa tin.
Cuộc hội đàm này được mô tả là tập trung vào các lĩnh vực tuần tra chung trên biển, cất bốc, hồi hương hài cốt lính Việt Nam hy sinh trên đất Campuchia qua các thời kỳ chiến tranh và tăng cường công tác phối hợp quản lý bảo vệ đường biên giới trên bộ hai nước...
"Hai bên khẳng định, hợp tác quốc phòng vừa qua đã mang lại hiệu quả thiết thực.
"Các lĩnh vực nổi bật như đào tạo nhân lực, phối hợp thực hiện Hiệp định phân giới cắm mốc, bảo vệ đường biên giới đã phát huy hiệu quả, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới giữa hai nước," trang web Bộ Quốc phòng đưa tin.
Chuyến công du của phái đoàn quân sự cấp cao do Đại tướng Tea Banh, người cũng giữ chức phó thủ tướng, tới Việt Nam diễn ra sau chuyến thăm tương tự nhưng dài ngày hơn do ông dẫn đầu tới Bắc Kinh hồi tháng Bảy năm nay.
Trong khi cả hai phía Trung Quốc và Campuchia khi đó nói chuyến thăm này không có gì "to tát" và chỉ là thăm viếng "thường xuyên" thì giới quan sát lại có nhận định khác.
Chuyến thăm diễn ra chỉ vài ngày sau khi xảy ra một số vụ lộn xộn trên đường biên Việt Nam và Campuchia, được xem là có hệ lụy tới an ninh và chủ quyền của cả hai nước này.
Giới lãnh đạo quân sự Campuchia và Trung Quốc cam kết tăng cường liên hệ quân sự và tiếp tục hỗ trợ nhau về các vấn đề được xem là "lợi ích cốt lõi" tại hội đàm cấp cao này.
Trong khi Trung Quốc được xem đã và đang gây ảnh hưởng tới Campuchia trong tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông thì một trong các "lợi ích cốt lõi" của Campuchia không thể không nói tới là tranh chấp biên giới với Việt Nam, theo bài nhận định trên báo The Diplomat.
Trung Quốc là nước viện trợ quân sự lớn nhất cho Cambodia và quan hệ quốc phòng hai nước được tăng cường trong những năm qua.
Campuchia cũng đã tăng ngân sách quốc phòng cho năm 2016 lên hơn 17%.
Trong ngân sách quốc gia 4.6 tỉ USD được Quốc hội nước này thông qua cho năm 2016, chi tiêu quốc phòng được ấn định ở mức 383 triệu USD, tăng 17% so với năm 2015 và tương đương 2% GDP.
Cùng với khoảng 286 triệu USD cho cho an ninh quốc nội, tổng ngân sách được phân bổ cho an ninh và quốc phòng Campuchia tăng 10% theo năm.
Phe đối lập ở Campuchia bị cáo buộc sử dụng lý do tranh chấp đất đai tại những nơi chưa phân định cột mốc rõ ràng trong các cuộc vận động chính trị.
Ngoại trưởng Campuchia Hor Namhong hồi đầu tháng Chín tuyên bố “đã giải quyết xong vấn đề bản đồ” sau buổi lễ thẩm định bản đồ Pháp cho Campuchia mượn để giải quyết tranh cãi về cắm mốc giữa Campuchia và Việt Nam.
Đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia (CNRP) lên án chính phủ nước này trong vấn đề phân giới cắm mốc giữa Campuchia và Việt Nam.
Buổi thẩm định hôm 03/09 có đại diện của đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền, đảng Cứu nguy dân tộc Campuchia (CNRP) đối lập và đảng FUNCINPEC.
Sau ba tiếng thẩm định, ông Namhong tuyên bố câu chuyện đã xong, loại bỏ việc thẩm định thêm nữa và nói ông hy vọng bản đồ Pháp đã “mở mắt” cho những người phản đối của đảng CNRP.
Tuy nhiên các nghị sĩ đảng CNRP vẫn nói buổi thẩm định chưa chứng minh các bản đồ là đồng nhất.
Hồi tháng 10 năm nay Việt Nam và Campuchia đối thoại chính sách quốc phòng cấp thứ trưởng lần đầu tiên tại trụ sở Bộ Quốc phòng Campuchia ở Phnom Penh.
Tại một phiên họp của Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam Campuchia vào tháng 10 năm nay, hai vấn đề được mang ra thảo luận là các biện pháp cụ thể nhằm đẩy nhanh công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền cùng quản lý biên giới; và bảo đảm các quyền chính đáng của kiều dân hai nước được làm ăn, sinh sống ổn định tại mỗi nước.
Thời gian gần đây tâm lý bài người Việt ở Campuchia cũng gia tăng, nhất là sau khi các đảng đối lập sử dụng điều này để vận động cho nghị trình chính trị của mình, theo bài tường thuật của phóng viên Hồng Nga của BBC tiếng Việt từ Kompong Chhnang, Campuchia.
Tin liên quan
- Người Việt và nỗi lo tái định cư ở Biển Hồ
- 2.000 người Campuchia tới biên giới VN
- Việt Nam-Campuchia họp về biên giới
- Xô xát trên biên giới Việt-Campuchia
- Campuchia bắt người 'tuyên truyền chống VN'
- Hun Sen nhờ LHQ giúp vụ bản đồ
- Lãnh đạo chính trị Campuchia 'tăng đối thoại'
- Campuchia lại phản đối Việt Nam về biên giới
No comments:
Post a Comment