Kịch bản thảm họa với Nga khi giá dầu về 30 USD/thùng
(Tin tức 24h) - Trong phiên 30/11, qiá dầu Brent giao tháng 1/2016 giảm 11 xu Mỹ, hay 0,25%, xuống 44,75 USD/thùng vào lúc 6h03 giờ GMT.
Trong khi đó, giá dầu của Mỹ tăng 8 xu Mỹ, lên 41,79 USD/thùng.
Giá dầu đang hướng đến mức giảm 10% trong tháng này khi tình trạng dư thừa nguồn cung không có dấu hiệu dịu bớt và đồng USD tăng giá đã khiến các hợp đồng được định giá bằng đồng tiền này trở nên đắt hơn với những người nắm giữ các đồng tiền khác.
Đồng USD đã tăng giá lên mức cao mới trong tám tháng so với rổ các đồng tiền mạnh trong phiên 30/11.
Theo dự báo mà ngân hàng Goldman Sachs đưa ra vào hôm 18/11, giá dầu thậm chí có thể giảm tới mức 20 USD/thùng trong năm 2016. |
Theo TTXVN, nhóm nghiên cứu của OPEC nhận định nhu cầu đối với dầu của tổ chức này sẽ tăng trong năm tới, khi nguồn cung từ các nước như Mỹ giảm, từ đó có thể giúp tình trạng dư cung giảm bớt, với nhu cầu dầu của thế giới tăng 1,25 triệu thùng/ngày.
Tuy nhiên, các quan chức OPEC nghi ngờ dự báo lạc quan đó, khi không cho rằng tình trạng dư cung sẽ giảm nhanh trong năm 2016.
Các nhà giao dịch đang chờ báo cáo việc làm phi nông nghiệp của Mỹ sẽ được công bố vào cuối tuần này. Nếu báo cáo này là tích cực sẽ cho phép Cục Dự trữ Liên bang Mỹ quyết định tăng lãi suất tại cuộc họp vào ngày 15-16/12 tới.
Số liệu việc làm của Mỹ sẽ gây biến động mạnh cho đồng USD và điều này, ngược lại, sẽ có những tác động đến giá dầu, tùy thuộc vào việc đồng bạc xanh tăng giá đến đâu.
Trước đó, trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu tuần trước (28/11), giá dầu thô trên các thị trường cũng đồng loạt giảm sâu. Theo ước tính của giới chuyên gia, tính từ đầu tháng 11 đến nay, giá dầu thô đã giảm đến 9%.
Như vậy, hiệu ứng từ căng thẳng Nga-Thổ Nhĩ Kỳ đối với giá dầu đã không còn được duy trì. Còn nhớ, ngay sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay của Nga ở khu vực dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria hôm 24/11, giá dầu đã tăng mạnh bởi lo ngại về khả năng gián đoạn nguồn cung. Trong phiên giao dịch ngày 24/11, trên thị trường Mỹ, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI đã có lúc tăng đến 4%.
Thông thường, biến động chính trị bất lợi tại một nước sản xuất dầu khu vực Trung Đông sẽ ngay lập tức khiến giá dầu tăng. Trong năm nay, điều đó đã không xảy ra bởi lượng dầu dư thừa quá lớn khiến thị trường không quan tâm đến bất ổn địa chính trị. Hơn nữa những bất ổn đó cho đến nay chủ yếu xảy ra ở Syria, nước sản xuất quá ít dầu.
Trong trường hợp giá dầu tiếp tục đà suy giảm và về mức 30 USD/thùng thì đối với nước Nga, đó sẽ là một 'thảm họa', hãng tin Bloomberg đánh giá.
Theo kết quả một cuộc khảo sát ý kiến do Bloomberg thực hiện mới đây, 63% chuyên gia được hỏi tin rằng mức giá dầu như vậy sẽ đẩy nền kinh tế Nga chìm sâu vào suy thoái tới mức đe dọa hệ thống tài chính nước này.
Kết quả khảo sát cho thấy, giá dầu giảm sâu hơn là rủi ro lớn nhất đối với kinh tế Nga trong năm 2016, bên cạnh những rủi ro khác như căng thẳng địa chính trị, bất ổn trong hệ thống ngân hàng và tỷ giá đồng Rúp.
“Nếu giá dầu giảm sâu hơn và giữ ở mức thấp trong thời gian dài, nguy cơ mất ổn định ngân sách và tài chính Nga sẽ tăng mạnh”, nhà phân tích Sergei Narkevich thuộc ngân hàng PAO Promsvyazbank ở Moscow nhận định.
Trong vòng một năm qua, giá dầu giảm 37% đã buộc Nga phải có những điều chỉnh như cắt giảm chi tiêu để thích nghi. Trong trường hợp giá dầu tiếp tục giảm, những bước điều chỉnh chính sách tiếp theo chắc chắn là điều mà Nga không thể tránh khỏi.
“Chỉ thoát lệnh trừng phạt thì kinh tế Nga mới tăng trưởng trở lại được”, ông Wolf-Fabian Hungerland, chuyên gia kinh tế thuộc ngân hàng Berenberg Bank ở Hamburg, Đức, nhận định. Mặc dù vậy, ông Hungerland cho rằng, cơ hội hiếm hoi hiện nay cho sự “tan băng” quan hệ Nga-phương Tây có thể không được tranh thủ, dẫn tới lệnh trừng phạt Nga kéo dài.
An Nhiên (Tổng hợp)
No comments:
Post a Comment