Việt Nam sẽ mơ làm máy bay: Giấc mơ có thật
(Quan điểm) - Theo kỹ sư Bùi Hiển, Việt Nam hoàn toàn có thể làm được máy bay và bắt đầu bằng chính những sáng chế nho nhỏ.
Máy bay đã hoàn thiện, chỉ tập bay
Liên lạc với ông Bùi Hiển (ở TP Thủ Dầu Một, Bình Dương), người đã sáng chế ra hai chiếc trực thăng mang tên mình, vào chiều 1/12 thì ông đang kéo chiếc trực thăng thứ hai ra bãi thử của người bạn để tập bay. Ông cho biết, máy bay vẫn chưa bay được. So với chiếc trực thăng thứ nhất, chiếc thứ hai khó bay hơn rất nhiều.
Chiếc trực thăng thứ nhất được ông Hiển chế tạo năm 2012 có hai cánh quạt quay đồng trục ngược chiều nhau, điều khiển bằng bánh lái dạng cánh bướm. Động cơ của chiếc trực thăng được chế tạo bằng động cơ của cano, không bay được lâu. Chi phí đầu tư để chế tạo chiếc máy bay này khoảng 200 triệu đồng. Ông Hiển đã nhiều lần điều khiển máy bay này cất cánh bay lên khỏi mắt đất, tuy nhiên, do tính năng của nó vẫn chưa thỏa mãn các yêu cầu về kỹ thuật nên năm 2014, ông Bùi Hiển tiếp tục chi khoảng 300 triệu đồng làm chiếc trực thăng thứ hai khắc phục nhược điểm của chiếc đầu tiên.
Kỹ sư Bùi Hiển trên chiếc trực thăng do ông sáng chế. Ảnh: Duyên dáng Việt Nam |
Theo đó, chiếc trực thăng thứ hai sử dụng động cơ máy bay công nghệ Nhật, sản xuất bên Mỹ, có công suất gấp đôi công suất máy canô của máy bay đầu tiên và được ông Hiển đánh giá là "tuyệt vời". Các chi tiết khác như cánh quạt, bộ số, bộ truyền động, bộ não điều khiển... do ông tự mày mò, tận dụng những bộ phận sẵn có trên ô tô để ghép nối, chế tạo ra.
"Chúng vẫn đảm bảo hệ số an toàn và máy bay vẫn bay được nhưng nặng hơn, làm mất tải trọng. Ví dụ, hộp giảm tốc của nước ngoài tiêu chuẩn chỉ có 10kg nhưng do sử dụng hộp giảm tốc của ô tô nên trọng lượng tới 20kg. Hay cánh quạt nhôm của Đài Loan chỉ có 10kg, nhưng cánh quạt inox tôi tự chế nặng tới 14kg nhưng vẫn bay được, thậm chí nó còn phát ra tiếng kêu "phạch phạch" giống y như máy bay thật", kỹ sư Bùi Hiển cho biết.
Ông tỏ ra hài lòng với sản phẩm của mình: "Máy bay thứ hai ưu việt hơn chiếc đầu tiên nhiều. Hiện máy bay đã hoàn chỉnh, nó sẽ bay cao, bay xa giống như máy bay của người ta chứ không phải như chiếc đầu chỉ nhấc thân lên khỏi mặt đất. Mẫu mã của chiếc này cũng đẹp hơn, thấy là thích ngay".
Bởi máy bay trực thăng thứ hai có động cơ chuẩn, có thể bay cao, bay xa nên kỹ sư Bùi Hiển muốn xin phép bay thử. Đặc biệt, thủ tục xin phép bay thử rất thuận lợi, ông cho biết. Máy bay sẽ cất cánh trong khu vực quy định, hơn nữa với trần bay dưới 500m, vận tốc tối đa 200km/h tương đương với máy bay mô hình nên thủ tục không mấy khó khăn. Ông Hiển được Hội Hàng không - Vũ trụ Việt Nam giúp đỡ làm thủ tục xin phép bay thử và công việc của ông lúc này là tập bay.
Để lái được trực thăng, kỹ sư Bùi Hiển đã mua một phần mềm học bay trên vi tính, sau khi học trên đó xong ông mới ra thực tế.
"Người ta học phi công tới 5 năm mới lái được trực thăng, còn tôi mới học dăm tuần. Khi chiếc máy bay đầu tiên cất cánh, một anh bộ đội ở Sư đoàn Không quân 370 (Quân chủng Phòng không - Không quân) đã nói với tôi rằng, làm máy bay cất cánh chưa giỏi bằng việc làm xong leo lên bay được. Tôi đã mua một phần mềm học bay trên vi tính, sau khi bay trên đó xong mới ra thực tế. Chiếc trực thăng đầu tiên tôi mất 3 tháng mới bay được, còn cái này khó hơn, thêm động tác kéo góc cánh, khi lái phải kết hợp hai tay hai chân thành phản xạ có điều kiện nên bị chi phối nhiều, phải có thời gian mới học được. Tôi phấn đấu trong năm nay sẽ bay được", ông Hiển chia sẻ.
Giấc mơ bay bắt đầu từ đâu?
Kỹ sư Bùi Hiển tâm sự, ông dồn tâm huyết, tiền bạc sáng chế ra hai chiếc trực thăng không phải để kinh doanh mà là để chứng minh rằng người Việt cũng có thể làm được máy bay.
Ông khẳng định, cho đến nay những chiếc máy bay nho nhỏ Việt Nam hoàn toàn có thể làm được, đặc biệt đã làm chủ về mặt kỹ thuật. Tuy nhiên, ông cũng chỉ rõ cái khó là những chi tiết Việt Nam chế tạo ra không được đảm bảo, làm chỉ để cho bay được còn muốn an toàn tuyệt đối thì phải nhập khẩu.
No comments:
Post a Comment