Nhắn tin trực tiếp

13:21Tin Mới Nhất

Trong cuộc họp báo chung có sự tham gia của Tổng thống Obama và Chủ tịch Quang, Hoa Kỳ tuyên bố "dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương với Việt Nam".
Ông Quang đọc thông cáo nói hai bên "nhất trí ưu tiên cao hơn việc giải quyết hậu quả chiến tranh, và cam kết tiếp tục hợp tác tích cực về vấn đề này".
Ông Obama nói việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí chứng tỏ quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam hoàn toàn bình thường.

23:47

Hãng tin Tass dẫn lời ông Anatoly Punchuk, Phó Giám đốc Cục hợp tác Quân sự-Kỹ thuật Quốc gia Nga nói rằng Moscow và Hà Nội có quan hệ đối tác lâu dài và việc Mỹ bỏ cấm vận vũ khí sát thương "không ảnh hưởng tới xuất khẩu vũ khí của Nga".
Việt Nam là khách hàng mua vũ khí lớn thứ ba của Nga, theo báo Kommersant. 

23:44

Báo chí tràn ngập tin VietJet ký hợp đồng trị giá 11,3 tỷ USD đặt 100 chiếc 737 MAX 200 từ Boeing trong ngày đầu tiên Tổng thống Barack Obama tới thăm Việt Nam. 
Mua thêm 100 phi cơ, VietJet nay trở thành một trong những hãng hàng không giá rẻ phát triển nhanh nhất tại Đông Nam Á.
Trước đó, hãng đã ký mua từ EU 100 chiếc Airbus giữa năm 2013 với hợp đồng trên 9 tỷ USD và mua bổ sung 30 chiếc hồi 11/2015 trị giá gần 3,5 tỷ USD.

22:26

Viện Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) nêu ra rằng Hoa Kỳ bán vũ khí cho 96 quốc gia, gần bằng một nửa số thành viên Liên Hiệp Quốc.
Trong số các khách hàng lớn nhất có Ả Rập Saudi (10%), và Liên hiệp các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE -9,1%).
Còn theo tác giả Samuel Oakford, kể từ năm 2010, Hoa Kỳ đã bán ra 90 tỷ USD tiền vũ khí, quân trang quân bị cho hai quốc gia Vùng Vịnh này.
Tại châu Á, ngoài Đài Loan còn có Hàn Quốc là nước mua nhiều vũ khí của Mỹ, theo trang Time cuối năm 2015. 

21:58

Tiến sĩ Đoàn Xuân Lộc từ Anh nhận định: 

"Với quyết định bỏ cấm vận vũ khí với Việt Nam của Tổng thống Obama hôm nay, Mỹ và Việt Nam cuối cùng đã hoàn toàn bình thường hóa quan hệ song phương – một tiến trình mà Tổng thống Bill Clinton đã khai mở cách đây hơn 20 năm.
Nó cũng giúp nâng cấp quan hệ Mỹ-Việt. Về ngữ nghĩa, hiện giờ Mỹ chỉ là ‘đối tác toàn diện’ – đứng sau ‘đối tác chiến lược’, như Ấn Độ hay Tây Ba Nha, và ‘đối tác chiến lược toàn diện’ hay ‘đối tác hợp tác chiến lược toàn diện’ mà Hà Nội đã thiết lập với Nga và Trung Quốc.
Nhưng về nội dung, có thể nói quan hệ của Việt Nam với Mỹ hiện giờ rất ‘toàn diện, chiến lược’ – thậm chí còn ‘toàn diện, chiến lược’, ý nghĩa, quan trọng hơn quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc.
Quyết định của ông Obama hôm này gây không ít bất ngờ, thất vọng đối với một số người vì xem ra chính quyền Việt Nam không có nhượng bộ gì vấn đề nhân quyền. Nhưng nhìn chung cuộc, quyết định này sẽ rất tốt, có lợi cho Việt Nam.
Cách đây 21 năm khi ông Clinton quyết định nối bang giao với Việt Nam cũng có nhiều người chống đối vì cho rằng Việt Nam không có tự do, dân chủ, nhân quyền. Nhưng nhờ quyết định ấy của ông, quan hệ Việt-Mỹ đã phát triển tốt, có lợi cho Việt Nam. Hiện Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Nếu không có một thị trường như Mỹ, Việt Nam không thể cân bằng mậu dịch, kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Chắc chắn việc gỡ bỏ cấm vận vũ khí của Mỹ cũng như những thỏa thuận khác về an ninh, kinh tế, thương mại, giáo dục đạt được trong chuyến đi này sẽ giúp Việt Nam gần hơn Mỹ. Và điều đó sẽ rất tốt cho người dân, đất nước Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc càng ngày càng mạnh bạo ở Biển Đông."

20:27

John Coughlan từ Ân xá Quốc tế trả lời Issac Chotiner trên trang báo Mỹ Slate.com về các quyền của người dân Việt Nam:
“Người dân Việt Nam coi Hoa Kỳ là đại diện cho những giá trị như tự do ngôn luận, tự do hội họp.
Đây là các quyền bị siết chặt ở Việt Nam, nên nếu ông Obama kêu gọi chính quyền nới lỏng chúng, người dân Việt Nam sẽ không hỏi ‘Sao ông ta dám nói thế’, mà họ coi đây là hành động bày tỏ tình đoàn kết. Vì thế, khi ông Obama tới, đa số người Việt Nam cảm thấy vô cùng tự hào. Nhưng vấn đề là nhân quyền lại không phải là phần trọng tâm của chuyến đi.”

18:30Tin Mới Nhất

Từ Nhật, Tetsuo Kotani, một nhà nghiên cứu, nói tin Mỹ xóa lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam sẽ được Nhật Bản hoan nghênh.

Ông Tetsuo Kotani làm việc ở Viện Nghiên cứu Quốc tế Nhật Bản.

Ông nói: “Với Tokyo, đây là tin tốt vì vẫn còn sự nhạy cảm chính trị để có thể phát triển hợp tác quốc phòng sâu hơn giữa Việt Nam và Nhật do khác biệt hệ thống chính trị.”

Việt Nam đã kêu gọi Nhật Bản đóng vai trò lớn hơn để tìm kiếm giải pháp hòa bình cho tranh chấp Biển Đông.