Sự kiện Tổng thống Obama tới Việt Nam lần này là chuyến công du thứ ba của các Tổng thống Mỹ tới Hà Nội kể từ sau khi Hoa Kỳ và Việt Nam bình thường hóa quan hệ năm 1995.
Mỗi chuyến công du đều mang những nét rất riêng và ý nghĩa đặc biệt cho mối quan hệ giữa hai nước.
Cùng nhìn lại những chuyến thăm trước đây của các Tổng thống Hoa Kỳ tới Việt Nam để thấy được sự khác biệt cũng như tác động của các sự kiện này lên mối quan hệ từ “cựu thù tới đối tác chiến lược” giữa Hà Nội và Washington.
Tổng thống Bill Clinton thăm Việt Nam năm 2000
Bill Clinton là Tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Việt Nam từ sau năm 1975. Ông cũng là người đặt nền móng chính thức cho việc bình thường hoá quan hệ song phương Việt Nam – Hoa Kỳ. Chuyến thăm vào tháng 11/2000 được đánh giá là có ý nghĩa rất to lớn, mở ra chương mới trong quan hệ giữa 2 nước, góp phần mở đường cho các chuyến thăm năm 2006 của Tổng thống George W.Bush và đương kim Tổng thống Barack Obama.

Quan hệ Việt Nam –Hoa Kỳ chắc chắn sẽ không phát triển, gần gũi, thân thiện như hôm nay nếu như ông Clinton không dám mạnh dạn bỏ lệnh cấm vận, thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam hơn 20 năm trước. Chuyến đi lịch sử này vừa giúp hai cựu thù hàn gắn những vết thương, nghi ngờ chiến tranh để lại. Nó vừa giúp hai bên phát triển, đẩy mạnh quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực.
Cựu Tổng thống Bill Clinton tới thăm hiện trường khai quật máy bay Mỹ bị bắn rơi tại Hà Nội. Nguồn: New York Times
Cựu Đệ nhất phu nhân Hillary Clinton cùng con gái rạng rỡ trong chiếc nón lá truyền thống của Việt Nam. Nguồn: AP
Bên cạnh ý nghĩa to lớn nói trên, những câu nói và hành động của ông Bill Clinton trong chuyến công du tới Việt Nam năm 2000 cũng để lại ấn tượng sâu sắc. Tại bữa tiệc khoản đãi quốc khách ở Phủ Chủ tịch, Tổng thống Bill Clinton đã dùng hai câu thơ của Nguyễn Du trong Đoạn Trường Tân Thanh (Truyện Kiều) để diễn tả về sự thay đổi của vạn vật qua bốn mùa rồi từ đó chuyển sang ý tưởng thời cuộc và quan hệ bang giao giữa hai nước: “Sen tàn cúc lại nở hoa; Sầu dài ngày ngắn, đông đà sang xuân.”
Ông Clinton còn khiến người dân Việt Nam và thế giới ngạc nhiên với hình ảnh bắt tay người Hà Nội từ ban công một tòa nhà đối diện Văn Miếu - Quốc Tử Giám, vẫy tay tươi cười với các em học sinh. Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm, vị Tổng thống Mỹ cùng phu nhân, bà Hilary Clinton, còn đến thăm hiện trường khai quật máy bay Mỹ bị bắn rơi vào năm 1967 ở huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc. Ở đây, thay vì hình ảnh đạo mạo của nhà lãnh đạo một cường quốc là những cử chỉ vô cùng thân thiện và chân thành của ông bà Clinton. Họ nói chuyện rất niềm nở với những người nông dân chân lấm tay bùn mà không hề có khoảng cách và sự phân biệt.
Khi bay vào thành phố Hồ Chí Minh, Tổng thống Bill Clinton đã thưởng thức món phở Việt tại quán Phở 2000 gần chợ Bến Thành. Ông rất hòa nhã, vui vẻ và còn chụp ảnh kỷ niệm với nhân viên tại đây.
Sau chuyến thăm lịch sử tới Việt Nam năm 2000, hình ảnh một Việt Nam hòa bình và thân thiện tiếp đón Tổng thống Hoa Kỳ được cả thế giới biết tới, giúp Hà Nội và Washington xích lại gần nhau hơn sau quá khứ đau buồn của chiến tranh.
Tổng thống George W. Bush thăm Việt Nam năm 2006
Tổng thống Bush thăm Việt Nam từ ngày 17-20/11/2006. So với chuyến thăm của ông Clinton năm 2000, chuyến đi này ít quan trọng, ý nghĩa hơn. Ông Bush đến Việt Nam năm đó cũng để tham dự Hội nghị thượng đỉnh APEC. Có thể so với Tổng thống Clinton, ông Bush không có tác động nhiều lên quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, nhưng ông cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới năm đó.
Nếu như ông Bill Clinton hướng đến việc cải thiện hình ảnh của nước Mỹ trong mắt người dân Việt Nam cũng như khắc phục những hậu quả do các sự việc trước kia mang lại thì ông Bush lại nhắm vào một mối quan hệ thực tế hơn, thông qua các hợp tác kinh tế song phương. Tại Hà Nội, Tổng thống Bush và Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã thảo luận nhiều vấn đề, từ tăng cường hợp tác song phương trong các lĩnh vực đầu tư, thương mại, an ninh, nhân đạo, viện trợ phát triển tới các vấn đề quốc tế như chống khủng bố. Ông và phu nhân Laura Bush cũng đã tham gia nhiều hoạt động bên lề của Hội nghị cấp cao APEC.
Cựu Tổng thống George Bush và phu nhân được chào đón tại sân bay trong chuyến thăm Việt Nam năm 2006. Nguồn: China News
Ông Bush thân thiện trò chuyện với các em bé Việt Nam. Nguồn: BBC
Vào thành phố Hồ Chí Minh, Tổng thống Bush đã tới thăm Trung tâm Giao dịch chứng khoán, dự hội nghị bàn tròn về kinh tế, bao gồm các chủ tịch tập đoàn Mỹ đang làm ăn với Việt Nam và các doanh nhân Việt kiều ở Mỹ. Hội nghị bàn tròn là cơ hội để Tổng thống Bush trao đổi về cải cách kinh tế cũng như môi trường kinh doanh ở Việt Nam. Tổng thống Bush cũng tới thăm Viện Pasteur và Bảo tàng lịch sử.
Một điều đặc biệt khi Tổng thống Bush quyết định công du tới Việt Nam năm 2006, đó là sự cởi mở, thân thiện, trẻ trung, năng động của con người, đất nước Việt Nam đã khiến vị Tổng thống Hoa Kỳ hết sức ngạc nhiên. Đó là điều ông không nghĩ tới trước đó bởi ông luôn băn khoăn liệu người dân Việt Nam sẽ đón nguyên thủ một nước cựu thù như thế nào.
Ngay khi đến Việt Nam, hàng nghìn người kéo ra đường chào đón, khắp nơi là hoa và những nụ cười. Trước khung cảnh đó, Tổng thống Hoa Kỳ đã trút bỏ hết lo lắng, không ngại ngần kéo thấp cửa xe xuống để vẫy chào mọi người hai bên đường. “Lúc chào từ biệt tại sân bay Tân Sơn Nhất, khi được hỏi về cảm tưởng, ông Bush đã nói thật lòng rằng: Tôi đi gần như khắp thế giới rồi nhưng chỉ có hai nước không ném cà chua và biểu tình chống tôi thôi, đó là Việt Nam và Honduras”, một quan chức cấp cao ngoại giao Việt Nam khi đó kể lại.
Tổng thống Barack Obama thăm Việt Nam năm 2016
Chuyến thăm Việt Nam lần này (23-25/5) của Tổng thống Barack Obama có thể là chuyến thăm được bàn và chờ đợi nhiều nhất. Dưới thời ông Obama, quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ đã được cải thiện trên tất cả mọi lĩnh vực, từ chính trị, quốc phòng đến kinh tế, giáo dục.
Chuyến công du của ông Obama lần này mang tới nhiều kỳ vọng. Nguồn: BBC
Chuyến công du của ông Obama được quan chức cao cấp cả hai chính phủ đánh giá là thể hiện quan hệ đối tác toàn diện phát triển vượt bậc giữa hai bên. Chuyến thăm của ông Obama được kỳ vọng sẽ là chìa khóa giúp giải quyết các vấn đề còn tồn đọng cũng như thúc đẩy một tương lai tốt đẹp hơn giữa hai nước.
Tấm poster chào đón Tổng thống Obama tới thăm Việt Nam tại một cửa hàng ở thành phố Hồ Chí Minh. Nguồn: Global Times
Những vấn đề nổi bật được chú trọng trong chuyến thăm của Tổng thống Obama lần này, bao gồm khả năng gỡ bỏ cấm vận với vũ khí, thúc đẩy TPP, tranh chấp trên Biển Đông, thành lập Đại học Fulbright và hợp tác con người với con người.
Trước đó, trong buổi họp báo công bố về chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama, Giám đốc Cấp cao Hội đồng An ninh Quốc gia về Các vấn đề châu Á Daniel Kritenbrink, đã khẳng định: “Tất cả những lĩnh vực hợp tác và kết quả chúng tôi đạt được trong hơn 20 năm qua tạo ra nền tảng vững chắc cho các thành tựu chúng tôi sẽ đạt được trong 20 năm tới và xa hơn”.
Dù mới đặt chân tới Việt Nam được vài giờ nhưng những công đoạn đón tiếp bước đầu cùng nụ cười rạng rỡ và những cái bắt tay nồng ấm của Tổng thống Obama cho phép Việt Nam kỳ vọng vào kết quả tốt đẹp của chuyến công du này. Và cũng như mọi khi, người dân Việt Nam nổi tiếng thân thiện và hiếu khách một lần nữa hân hoan đứng hai bên đường chào đón ông Obama càng chứng tỏ Việt Nam sẵn sàng hướng tới tương lai tươi sáng trong mối quan hệ với Hoa Kỳ.
Tuệ Minh (tổng hợp)