Ấn Độ chi tiết hóa việc thiết lập trạm xử lý dữ liệu vệ tinh ở Việt Nam
Tên lửa Ấn Độ phóng vệ tinh lên quỹ đạo từ trung tâm không gian Satish Dhawan ở Sriharikota (Ấn Độ). Ảnh tư liệu ngày 27/08/2015.Reuters
Theo báo Nhật Bản Asahi Shimbun ngày 29/03/2016, các quan chức bộ Ngoại Giao Ấn Độ vừa tiết lộ thông tin cụ thể hơn về dự án xây dựng tại Việt Nam một trạm thu và xử lý tín hiệu vệ tinh. Theo tờ báo Nhật Bản, đây là một hành động phối hợp hành động cụ thể giữa Ấn Độ và Việt Nam trong việc đối phó với đà bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông.
Theo các nguồn tin trên, cơ sở xử lý dữ liệu vệ tinh của Ấn Độ sẽ bao gồm một trung tâm xử lý tín hiệu vệ tinh ở thành phố Hồ Chí Minh, và cơ sở thu phát tín hiệu vệ tinh đặt ở ngoại thành thủ phủ miền Nam Việt Nam. Ấn Độ sẽ chịu tất cả kinh phí xây dựng và chi phí vận hành trong 5 năm đầu (khoảng 22 triệu đô la).
Cũng theo các quan chức ngoại giao Ấn Độ, công trình xây dựng trung tâm này sẽ bắt đầu vào khoảng giữa tháng Tư và tháng Sáu 2016, và sẽ do Ấn Độ cùng các quốc gia ASEAN hợp tác vận hành. Trạm xử lý đặt tại Việt Nam sẽ cung cấp cho các nước Đông Nam Á các dữ liệu thu được từ các vệ tinh quan sát trái đất của Ấn Độ.
Ấn Độ là quốc gia có khả năng cung cấp cho Việt Nam và các láng giềng Đông Nam Á những thông tin quý giá, vì phải nói là Ấn Độ hiện có một chương trình không gian khá phát triển, đã phóng được 57 vệ tinh cho 20 nước, và từng đưa tàu thăm dò không người lái vào quỹ đạo sao Hỏa vào năm 2014.
Mặc dù giới chức Ấn Độ luôn nhấn mạnh trạm xử lý tín hiệu vệ tinh của Ấn đặt tại Việt Nam không nhằm vào bất kỳ ai, nhưng theo báo Asahi, đó là một động thái tăng cường hợp tác với Việt Nam và các nước ASEAN đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, tương tự như Ấn Độ.
Theo báo Asahi Shimbun, một nguồn tin thân cận với bộ Quốc phòng Việt Nam cho biết là trạm xử lý tín hiệu vệ tinh Ấn Độ tại Việt Nam là một phần nỗ lực của chính phủ Việt Nàm nhằm « tăng cường năng lực thu thập thông tin tình báo ở Biển Đông ».
Nguồn tin trên còn nói thêm là Việt Nam đã cố tăng tốc độ nâng cao khả năng thu thập thông tin tình báo, từ khi bị thất bại trong việc thu thập nhanh chóng thông tin về vụ Trung Quốc đơn phương khoan dò dầu khí Hoàng Sa và bồi đắp đảo nhân tạo tại Trường Sa.
Hà Nội rất muốn thắt chặt thêm quan hệ quân sự với New Delhi để đối phó với Hải Quân Trung Quốc, vì không thể dựa hẳn vào Mỹ như Philippines.
Cùng chủ đề
No comments:
Post a Comment