Phát biểu tại nghị trường Quốc hội ngày 28/3, ĐBQH Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng, về vấn đề Biển Đông, Quốc hội với tư cách là cơ quan đại diện cao nhất tiếng nói của dân đã phản ứng chậm.
Trải qua 3 nhiệm kỳ làm ĐBQH, ông Dương Trung Quốc nhận định, Quốc hội khoá XIII đã có những thay đổi tích cực trong nhiệm kỳ của  mình. Nhiệm kỳ khoá XIII Quốc hội đã ban hành số luật gấp đôi so với nhiệm kỳ trước. Thế nhưng, dường như cử tri chưa thực sự đánh giá cao hoạt động của Quốc hội.
Đề cập đến vấn đề đối ngoại, ông Quốc cho rằng, đây là lĩnh vực quan trọng, đa dạng với nhiều hoạt động lớn mà người dân có thể chưa thấy hết. Một trong những vấn đề thiết thực nhất mà người dân quan tâm là làm sao đi biển được yên tâm.
“Làm sao cho biển không còn gợn sóng, làm sao cho chúng ta bảo vệ được chủ quyền của đất nước. Trên lĩnh vực này, qua ý kiến của người dân thì người dân vẫn chưa hài lòng. Quốc hội với tư cách là cơ quan đại diện cao nhất tiếng nói của dân, nhiều phản ứng chúng tôi cho là còn chậm”, vị ĐBQH tỉnh Đồng Nai tâm tư.
ĐBQH Dương Trung Quốc bày tỏ lo lắng về vấn đề Biển Đông.
Ông Quốc chỉ rõ: “Quốc hội chính là lĩnh vực ngoại giao nhân dân cao nhất. Trải nghiệm lịch sử, tôi thấy tiếng nói Quốc hội rất khó, rất quan trọng, nó không chỉ thể hiện được ý chí quyết tâm mà còn thể hiện được mong muốn hòa bình. Những vấn đề còn nguyên vẹn như vậy, trong thời gian tới Quốc hội cần có tiếng nói kịp thời hơn nữa”.

Ông Dương Trung Quốc cho biết, chúng ta đã hết sức trân trọng đón ông Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Moon với một “bài diễn văn không dài nhưng rất chân thành”. Nhưng qua 3 nhiệm kỳ Quốc hội, ngoài ông Tổng thư ký Liên hợp quốc, chỉ có 2 lần chúng ta đón nguyên thủ quốc gia và đều là của Trung Quốc là ông Hồ Cẩm Đào và ông Tập Cận Bình.
“Đón nguyên thủ quốc gia một nước lớn, có nhiều quan hệ với chúng ta là điều rất đáng trân trọng, nhưng nếu chúng ta chỉ tổ chức thành một diễn đàn riêng thì rõ ràng dân băn khoăn. Tại sao chúng ta không tạo thành một thông lệ, tất nhiên có chuẩn mực là chúng ta mời để có nhiều tiếng nói hơn. Trong hoàn cảnh cụ thể của chúng ta hiện nay, vậy thì ai là người mời? Có phải ý chí của Quốc hội không?...
Diễn đàn Quốc hội là diễn đàn bày tỏ quan điểm. Người dân hỏi tôi, khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu ý kiến, các vị đại biểu vỗ tay trong tâm thế như thế nào? Đồng thuận với phát biểu chăng? Hay chỉ là xã giao? Chắc mỗi ĐBQH có mặt hôm đó đều suy nghĩ điều này. Vì thế tôi đề nghị chúng ta nên chuẩn mực chuyện đó, coi như một sinh hoạt thường xuyên của Quốc hội, quy định rõ ràng, thể hiện được sự đồng thuận của chúng ta khi đón các vị khách đến với diễn đàn của Quốc hội, để người dân biết được những vấn đề đối ngoại quan trọng của Quốc hội”, ông Quốc đề nghị.
Cũng trăn trở với nỗi lo vấn đề Biển Đông, ĐB Võ Thị Dung (TP. Hồ Chí Minh) gọi đó là “nỗi lo ngoại xâm”.
“Trung Quốc ngang nhiên xâm chiếm biển, đảo của nước ta, trước đây là Hoàng Sa, Trường Sa, nay là trên một số đảo của quần đảo Trường Sa. Đảng và Nhà nước đã có chủ trương đấu tranh kiên quyết, kiên trì bằng biện pháp hoà bình nhưng Trung Quốc thì ngày càng lấn tới. Đó là nỗi lo lớn về đại sự quốc gia” – vị ĐBQH đoàn TP. Hồ Chí Minh trăn trở.
ĐBQH Võ Thị Dung coi việc Trung Quốc xâm chiếm Biển Đông là nỗi lo ngoại xâm.
Nỗi lo "ngoại xâm" chưa dứt, nỗi lo về "nội xâm" cũng khiến vị nữ ĐB nghi ngại. Dưới góc nhìn của mình, nỗi lo nội xâm theo bà Dung là quốc nạn tham nhũng lớn, nhỏ, tham nhũng vặt ngày càng gia tăng, ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều người.
“Việc gì cũng phải "lót tay", phải "chạy", phải “lại quả”, việc gì cũng phải có phong bì, gây nên một lối sống nguy hại cho xã hội. Tình trạng lãng phí cũng là quốc nạn, gắn với tham nhũng làm cản trở sự đi lên của đất nước”- bà Dung nhấn mạnh.
“Có những vấn đề phải kiên trì, kiên quyết, lâu dài. Nhưng tôi tâm niệm điều mà Quốc hội chúng ta có thể làm được là hoạt động của Quốc hội phải trách nhiệm mạnh mẽ hơn nữa, gắn chặt hơn nữa với nỗi lo, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Công khai hơn nữa những hoạt động của Quốc hội để nhân dân, cử tri theo dõi, giám sát thì nhân dân sẽ có niềm tin và đó sẽ là động lực để xã hội và đất nước phát triển”- ĐB Võ Thị Dung nhấn mạnh.
Trường Giang