Hoa Kỳ thoái lui có làm thay đổi diện mạo thế giới ?
Chuyển trục sang châu Á là một trong những trọng tâm chiến lược của Hoa Kỳ.Ảnh : AFP
Chuyển trục sang châu Á, ngập ngừng trong khủng hoảng Trung Đông và Ukraina hay như lạnh nhạt với châu Âu, Hoa Kỳ đã có những thay đổi trong chính sách đối ngoại, nhất là kể từ khi ông Barack Obama bước chân vào Nhà Trắng. Câu hỏi đặt ra « Liệu việc Hoa Kỳ thoái lui có làm thay đổi diện mạo thế giới hay không ? ». Trên mục Ý kiến độc giả của Le Figaro (28/03/2016), bà Isabelle Lasserre lần lượt giải đáp thắc mắc này qua bốn ý chính.
Tại sao Hoa Kỳ ngày càng ít can dự vào những hồ sơ thế giới ?
Chấm dứt phiêu lưu quân sự tại Irak hay tại Afghanistan từng là những cam kết của ông Barack Obama trong quá trình vận động tranh cử tổng thống. Thất bại của chiến dịch can thiệp quân sự vào Libya đã làm ông Obama càng tin rằng nhất thiết phải tránh xa mọi sự can thiệp vào một vùng Trung Đông không thể nào chế ngự được.
Đối với tổng thống Mỹ, các ưu tiên trong khu vực này chỉ là hồ sơ hạt nhân Iran, sự tồn tại của Israel và mối đe dọa al-Qaida. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo chưa từng được tổng thống Mỹ xem đó như là một mối họa hiện hữu đối với Hoa Kỳ.
Do đó, đối với ông « Syria cũng nguy hiểm như là Irak ». Niềm tin chắc đó đã làm cho tổng thống Mỹ càng tin rằng cái giá phải trả cho một hành động còn cao hơn là không làm gì, rằng phải từ bỏ ý định đánh chế độ Bachar al-Assad cũng như là hỗ trợ về mặt quân sự cho phe đối lập.
Theo ông, các hành động can thiệp của Hoa Kỳ thường cho kết quả tiêu cực, đồng thời ông Obama cũng hoài nghi về khả năng gây ảnh hưởng của Hoa Kỳ lên một thế giới đã bị toàn cầu hóa. Tổng thống Mỹ cho rằng Hoa Kỳ không thể nào một mình « cứu cả thế giới khỏi mọi sự khốn khổ », rằng ông muốn « chia sẻ gánh nặng » đó không chỉ trên phương diện chính trị mà cả tài chính với châu Âu.
Xuất phát từ nỗi ám ảnh không muốn bị lôi kéo vào những cuộc xung đột, Hoa Kỳ đã giao phó bớt công việc xử lý, thích điều khiển trong hậu trường (leadership from behind). Chẳng hạn như, để hồ sơ Ukraina cho Pháp và Đức ; Libya cho Ý, Pháp, Anh, và Syria cho Nga.
« Người ta có thể tóm lược vị thế của Hoa Kỳ bằng một câu như sau : hãy làm ít lại và để cho các đồng minh chúng ta làm nhiều hơn » theo như bình luận của ông Benjamin Haddad, chuyên gia nghiên cứu tại Hudson Institute tại Washington.
Những tác động nào ảnh hưởng lên các cuộc khủng hoảng lớn hiện nay ?
Giới chuyên gia cho rằng vào cái ngày 30/08/2013, khi ông Obama từ chối đánh chế độ Bachar al-Assad, vừa mới vượt « lằn ranh đỏ » khi sử dụng vũ khí hóa học chống lại thường dân, thì đó cũng là lúc Hoa Kỳ rũ bỏ vai trò « siêu cường duy nhất » và « không thể thiếu » trên thế giới.
Sự thoái lui đó của Mỹ đã để lại một khoảng trống lớn và làm cho nhiều nước khác khao khát được lấp vào. Nước Nga nhảy vào cuộc xung đột Syria, để rồi có đà lấn tiếp trong vụ xâm chiếm Crimée năm 2014. Thái độ ngập ngừng của Washington tại Trung Đông cũng tạo thuận lợi cho Iran theo hệ phái Shia, vốn dĩ đã là cường quốc khu vực, đẩy các con chốt của mình trong khu vực và cùng với Nga tạo thành một chiếc nạng khác để chống đỡ cho Bachar al-Assad.
Sự vắng bóng của Hoa Kỳ tại Trung Đông đã đẩy khu vực này đi vào vòng hỗn loạn. Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh của Mỹ cũng đã chộp lấy thời cơ đánh vào người Kurdistan tại Syria hơn là đánh Daech. Nhiều tác nhân phi chính phủ cũng vì thế mà sinh sôi nảy nở.
Thế nhưng, sự thoái lui về chiến lược và cảm xúc ghét cay ghét đắng chiến tranh của ông Obama còn để lại những hệ quả gián tiếp. Như tại Afghanistan, phe Taliban đang trỗi dậy trở lại. Nói tóm lại là « Hoa Kỳ rút lui còn làm trầm trọng thêm những khó khăn và hỗn loạn trong khu vực », bà Emile Hokayem, viện IISS của Anh quốc bình luận, nhân một cuộc hội thảo về chiến lược được tổ chức tại đại học Sorbonne.
Các đồng minh của Hoa Kỳ sẽ bị tác động ra sao ?
Hậu quả trước mắt là niềm tin của các đồng minh vào Hoa Kỳ đang bị xói mòn. Tính chính đáng của Hoa Kỳ chắc chắn là đã bị mất đi nhiều ngay từ cái ngày 30/08/2013 định mệnh đó.
Dù vậy tác giả bài viết cho rằng sự xói mòn niềm tin đó cũng chưa hẳn là một cơ hội để cho nhiều cường quốc khác trục lợi. Ông Bruno Tertrais, chuyên gia tại Quỹ nghiên cứu chiến lược (Fondation pour la recherche stratégique FRS) cho rằng : « Sự sụp đổ các liên minh là không thể. Các đồng minh của Hoa Kỳ không có chọn lựa nào khác : Ả Rập Xê Út sẽ không xem Trung Quốc như là một người bảo hộ chắc chắn. Ai Cập cũng không thể thay thế nguồn hỗ trợ tài chính Hoa Kỳ bằng sự ủng hộ của Nga ».
Điều đáng lo nhất chính là hệ quả của chính sách này của Hoa Kỳ lên điều khoản số 5 của NATO, quy định rằng Liên Minh phải đến hỗ trợ cho một trong những nước thành viên bị tấn công. Nhiều chuyên gia nghi ngờ rằng niềm tin của các đồng minh vào Hoa Kỳ bị suy giảm có nguy cơ làm xói mòn năng lực của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương.
Chính sách không can thiệp của Hoa Kỳ cũng nhắc nhở châu Âu rằng họ chưa có khả năng hành động mà không có Hoa Kỳ. Do đó, sự thoái lui của Hoa Kỳ có lẽ sẽ thúc đẩy châu Âu phải tăng thêm ngân sách quốc phòng, buộc họ phải tự nắm lấy vận mệnh an ninh của chính mình.
Một mối lo khác cũng đáng ngại đó là sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc và các đảng phái cực hữu đang được củng cố.
« Thái độ ngập ngừng chiến lược » của Hoa Kỳ có kéo dài hay không ?
Nói đi cũng phải nói lại, sự thoái lui của Hoa Kỳ cũng có phần trách nhiệm của châu Âu và nhất là Pháp. Mỗi khi Hoa Kỳ động đậy, người ta lại lên tiếng chỉ trích, thậm chí còn buộc họ phải gánh lấy trách nhiệm cho mọi điều tồi tệ xấu xa của một khu vực. Nhưng nếu không làm gì thì cũng bị phê phán.
Dẫu sao thì có nhiều chuyên gia cũng có những nhận định khách quan về chính sách không can thiệp của Hoa Kỳ. Ông Sergey Utkin, Viện Quan Hệ Quốc Tế Matxcơva cho rằng : «Vladimir tận dụng sự vắng bóng của Hoa Kỳ. Nhưng thế giới liệu có thật nguy hiểm hơn lúc trước hay không ? Tình hình hiện nay không mấy nghiêm trọng hơn sau đợt can thiệp quân sự của Georges W.Bush tại Irak năm 2003. Ngược lại, việc Hoa Kỳ không can thiệp vào Ukraina cũng không khuyến khích Nga dấn thân xa hơn chiến dịch quân sự của mình ».
Chưa có gì chắc rằng vắng bóng chiến lược của Hoa Kỳ sẽ lâu dài. Nếu như trúng cử, bà Hillary Clinton chắc chắn sẽ tiến hành một chính sách can thiệp nhiều hơn so với người tiền nhiệm. Theo ông Bruno Tertrais, « Hoa Kỳ không thể không ngó ngàng gì đến thế giới hiện nay. Nếu như Mỹ không quan tâm đến Trung Đông, có chắc gì Trung Đông để ý đến họ ».
Trung Quốc : Khi lợi nhuận che mờ con mắt
« Bắc Kinh tiết lộ một đường dây buôn vắc-xin đã hết hạn sử dụng », tựa thông báo của nhật báo Le Monde. Hàng triệu người được tiêm ngừa giờ mới biết được rằng họ đã được tiêm những loại vắc-xin không còn tác dụng.
Điều nhật báo Le Monde chỉ trích mạnh mẽ là thái độ không minh bạch của chính quyền, một trong những lời phàn nàn chính của người dân xuất hiện trên các trang mạng xã hội. Sự việc được phát hiện ra cách nay một năm. Các vụ bắt giữ đầu tiên diễn ra từ tháng 4/2015, nhưng chính quyền chỉ thực sự mới thông báo lần đầu tiên vào ngày cuối tuần 19-20/3 vừa qua để xác định các lô thuốc đã hết hạn đang được lưu hành.
Sự thiếu minh bạch này còn được thấy rõ qua việc rút các bài viết trên các trang mạng liên quan đến chủ đề này, kể cả bài viết tiết lộ thông tin đăng trên trang mạng thepaper.cn, ngày 18/3, một trang báo mạng nhà nước nhưng ít nhiều cũng có chút độc lập.
Giới truyền thông Trung Quốc đã nhận được chỉ thị « không được đăng lại hay như truyền tải bài viết của The Paper », theo như tường thuật của trang mạng China Digital Times.
Ngày thứ Sáu 18/3, chính quyền Trung Quốc thông báo bắt giữ một dược sĩ và cô con gái của người này, bị cáo buộc bác các loại vắc-xin đã hết hạn hay không được bảo quản tốt chỉ để thu lợi bất chính một khoản tiền lên đến 570 triệu yuan (tương đương với 78 triệu euro). Trong vụ việc này, hơn 130 người đã bị bắt giữ, theo như loan báo của Bắc Kinh hôm thứ Năm 24/3.
Điều đáng nói là bà dược sĩ trên năm 2009 đã từng bị cấm hành nghề trong vòng ba năm vì đã bán lậu vắc-xin. Người phụ nữ này còn được biết là có những mối quan hệ mật thiết với các hãng dược, theo như tường thuật của tờ South China Morning Post. Cùng với cô con gái vừa mới được cấp bằng bác sĩ, bà này đã mua những loại vắc-xin sắp hết hạn với giá rẻ mạt ở những nhà sản xuất được ủy quyền rồi bán lại cho các nhà buôn trung gian với giá thị trường.
Le Figaro : nước Pháp thương tiếc một nhà kể chuyện tài ba
Le Figaro dành một góc trang trọng trên trang nhất để tỏ lòng kính trọng nhà văn và viện sĩ hàn lâm « Alain Decaux, người làm cho dân Pháp yêu thích lịch sử ». Ông Decaux, một người kể chuyện sử hay không ai sánh bằng người đã qua đời hôm Chủ Nhật, thọ 91 tuổi.
Từng nắm giữ các chức vụ bộ trưởng Pháp ngữ, ông Alain Decaux – một người rất đam mê văn học và kịch nghệ, đã tài tình truyền cảm hứng yêu thích lịch sử cho người dân Pháp qua những chương trình phát thanh truyền hình rất nổi tiếng.
Cũng trên trang nhất, Le Figaro lưu ý « Sự ủng hộ nhỏ nhoi của Pháp đối với những người Cơ Đốc giáo phương Đông ». Paris thật sự hạn chế số visa được cấp cho các gia đình thuộc các nhóm thiểu số tôn giáo đến từ Irak. Một chính sách đi ngược với những cam kết do bộ Nội vụ Pháp đưa ra.
« Mất Palmyra : một vố đâu mới dành cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo » là hàng tít nhỏ khác trên Le Figaro. Quân đội của chế độ Bachar al-Assad, được sự yểm trợ của không quân Nga và chiến binh Hezbollah Liban, hôm Chủ Nhật đã chiếm lại được thành phố Palmyra nằm trong tay Daech từ tháng 5/2015.
Le Monde : Nguồn cội của phát triển thánh chiến Bỉ
« Nguồn cội của thánh chiến Bỉ » là tít lớn trên trang nhất Le Monde. Nước Bỉ, bị xâu xé giữa cuộc chiến Wallon và Flamand, giữa những người theo công giáo và những người theo chủ nghĩa tự do, đã vô hình chung nhường chỗ cho một hiện tượng « phân biệt chủng tộc » thật sự hình thành ở những lớp trẻ xuất thân từ di dân.
Tại những khu phố nghèo nhất ở Bruxelles, tỉ lệ thất nghiệp ở giới trẻ lên đến 60% và đẩy họ đi vào con đường sai trái như trộm cướp hay cực đoan hóa. Trong khi đó, theo một phóng sự được thực hiện tại một trường trung học cấp 3 ở Bỉ, nếu như 80% học sinh ở đây là theo đạo Hồi, thì 95% giáo viên đều không phải là Hồi giáo.
Tờ báo lưu ý các lò phản ứng hạt nhân của Bỉ hiện đang là những mục tiêu tấn công tiềm tàng. Hiện có bốn điểm được 140 binh sĩ Bỉ canh phòng.
Một chủ đề khác đáng chú ý trên trang nhất của Le Monde là « Tại Ấn Độ, quyền lực bí mật của những người Ấn Độ giáo cuồng tín ». Đây cũng chính là hồ sơ lớn về địa chính trị được Le Monde khai thác trên trang 12-13. RSS, tổ chức theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan góp một vai trò quyết định trong việc ông Narendra Modi trúng cử thành thủ tướng Ấn Độ.
Hiện tổ chức này có đến gần 6 triệu thành viên đang phục vụ cho một quốc gia Ấn Độ «thuần khiết » có thể gây tổn hại đến những người theo Cơ Đốc giáo hay đạo Hồi.
Các sản phẩm từ nhà dòng lên hạng !
Cuối cùng, như để hòa mình cùng với ngày lễ Phục Sinh, nhật báo Le Parisien, khép lại mục điểm báo với bài viết nói về các dòng sản phẩm do các nhà dòng sản xuất.
Một thị trường đang nở rộ nhưng ít ai đề cập đến : các sản phẩm của các nhà dòng, nổi tiếng là an toàn và được làm thủ công. Nhưng không chỉ có dành cho người công giáo. 243 trong số 340 nhà dòng đang hoạt động tại Pháp, không chỉ có đời sống tinh thần. Nhiều doanh nghiệp nhỏ không ngừng được đổi mới để thoát khủng hoảng. Và may mắn là đã thành công.
Thị trường các sản phẩm của nhà dòng, được ước tính đến 70 tỷ euro đang bùng phát mạnh. Ví dụ như nhãn hiệu mứt Epinal của các sơ hay như mật ong của của thầy tu. Những người đi theo tiếng gọi của Đấng Chúa Trời còn đề nghị với các bạn những chiếc bánh cốm không có chất gluten, hay như phô mai, các loại thịt ướp đủ loại, các loại sản phẩm làm đẹp cho phái nữ như nước tẩy trang mát da, thậm chí có cả mỹ phẩm cho nam giới.
Cùng chủ đề
No comments:
Post a Comment