Dư thừa sản xuất của Trung quốc làm xấu triển vọng tăng trưởng của châu Á 2016
Kinh tế Trung Quốc còn nhiều bất ổn. Ảnh chụp trên một đường phố Bắc Kinh ngày 24/08/2012Reuters
Sản lượng công nghiệp quá dư thừa của Trung Quốc sẽ gây khó khăn cho tăng trưởng của quốc gia này và khu vực trong năm nay. Ngân hàng phát triển châu Á – ADB - hôm thứ Tư, 30/03/2016, đã giảm mức dự báo đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Trong báo cáo được chú ý nhất của ADB về "Toàn cảnh phát triển của châu Á", tăng trưởng GDP của Trung Quốc được dự báo giảm còn 6,5% trong năm 2016, so với dự báo hồi tháng 12 năm ngoái là 6,7%.
Với ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực, ngân hàng phát triển châu Á cũng giảm mức dự báo tăng trưởng của châu Á xuống còn 5,7%, so với dự báo 6,0% cũng như mức điều chỉnh 5,9% vào cuối năm ngoái.
Theo kinh tế trưởng của ABD Shang-Jin Wei, "tăng trưởng giảm và kinh tế thế giới hồi phục không như mong muốn làm giảm tăng trưởng chung của châu Á".
Bản báo cáo được công bố đúng lúc vào lúc thế giới không chắc về khả năng cắt giảm sản lượng cần thiết của Bắc Kinh trong các lĩnh vực như thép, than đá, xi-măng, và khả năng quản lý nền kinh tế trong giai đoạn chuyển giao sang mô hình theo nhu cầu tiêu dùng.
Năm ngoái, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng ở mức thấp nhất trong vòng 25 năm qua, dấy lên nhiều quan ngại rằng mục tiêu tăng trưởng 6,7% của Bắc Kinh có thể còn thấp hơn.
Theo ông Wei, "nhu cầu từ các thị trường quốc tế giảm, cùng với dư thừa sản lượng ở một số ngành, trong khi số lượng lao động giảm, lương tăng, ngày càng tiếp tục làm giảm tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc".
Thêm vào đó, sự sụt giảm nhanh trong lĩnh vực đầu tư bất động sản cũng sẽ là trở ngại của nền kinh tế, mặc dù điều này có thể được bù đắp bởi nhu cầu và đầu tư "xanh" ngày càng tăng.
Trưởng bộ phận kinh tế Trung Quốc của ADB, ông Jurgen Conrad nói rằng chính phủ cần khẩn cấp đẩy nhanh việc cắt giảm sản lượng dư thừa trong lĩnh vực bất động sản và sản xuất, cũng như đề cập đến nợ của các doanh nghiệp nhà nước như là một thách thức khác.
Cũng theo ông Conrad, cải tổ nguồn cung là điều mà Trung Quốc và châu Á cần, và Bắc Kinh không nên dùng liệu pháp sốc để thay đổi.
Ấn độ tăng tốc vượt Trung Quốc
Tuy nhiên, theo ngân hàng ADB, còn một nơi khác ở châu Á có triển vọng sáng sủa hơn. ADB dự báo tăng trưởng của Ấn độ, nền kinh tế có độ mở nhanh nhất, giảm xuống còn 7,4% từ 7,6% năm 2015, nhưng sẽ tăng trở lại 7,8% vào năm 2017.
Theo ông Wei, "Ấn độ đang tăng trưởng nhanh hơn Trung Quốc, và vẫn tiếp tục như vậy trong tương lai gần".
Nhưng cải cách mang tính cấu trúc và cải thiện trong việc giám sát thị trường lao động sẽ giúp thúc đẩy kinh tế.
Indonesia sẽ dẫn đầu Đông Nam Á khi Jakarta đầu tư vào cơ sở hạ tầng và khuyến khích đầu tư ở khu vự tư nhân, ngân hàng ADB cho biết thêm, dự báo GDP sẽ tăng trưởng 5,2% năm nay, từ mức 4,8% năm 2015.
Các ngành công nghiệp nặng của Trung Quốc, phần nhiều là doanh nghiệp nhà nước, tuyển dụng khoảng 10 triệu lao động nhưng đang là các nguồn gây thua lỗ và là con nợ lớn.
Theo ngân hàng ADB, việc đóng cửa các doanh nghiệp không hiệu quả có thể gây ra một số hệ lụy, khả năng khoảng 3.6 triệu người sẽ mất việc và các chính quyền địa phương mất đi một nguồn thuế đáng kể.
"Việc Trung Quốc đang cố gắng làm hiện nay, trong ngữ cảnh sự chuyển giao của nền kinh tế, hoàn toàn chưa từng có tiền lệ", giám đốc tại Trung Quốc của ADB, Hamid Sharif cho biết. "Chúng tôi biết được từ kinh nghiệm của một số nước, việc chuyển giao phần lớn là một nghệ thuật, không phải là một khoa học".
"Ở mỗi quốc gia, các quyết định phải phải tính đến điều gì là có thể, điều gì có thể đạt được, hơn là các nhà kinh tế lý thuyết ngồi trong tháp ngà và quyết định nên làm cái gì".
Về dài hạn, ngân hàng ADB cảnh báo Trung Quốc sẽ đối mặt với vấn đề nhân khẩu học khi số lượng dân số già tăng, điều này tăng áp lực cho các cơ quan Nhà nước phải hành động từ bây giờ để cải tổ nền kinh tế.
Kinh tế trưởng của ADB nói thêm "tăng lương và giảm dân số trong độ tuổi lao động là những nguyên nhân cơ bản đối với việc giảm tốc độ tăng trưởng".
No comments:
Post a Comment