Blomberg đưa tin, sau khi có thông tin tàu Trung Quốc gây sự với tàu Indonesia trên Biển Đông, một nhà ngoại giao cấp cao Trung Quốc đã gọi cho một quan chức Indonesia để xin xỏ: “Đừng nói với truyền thông, chúng ta là bạn cả mà".
Vị quan chức Indonesia tiết lộ cuộc gọi trên muốn giấu tên vì tính nhạy cảm của vụ việc, trong khi đại sứ quán Trung Quốc không trả lời 4 cuộc gọi và 2 email phỏng vấn của Bloomberg để xác thực thông tin trên.
Indonesia đã từ chối yêu cầu giấu diếm sự việc từ phía Trung Quốc và thực hiện một loạt hành động cứng rắn như triệu tập đại sứ Trung Quốc tại Jakarta, gửi công hàm phản đối và tổ chức họp báo để lên án hành động của Bắc Kinh.
Ngày 20/3, Indonesia tố tàu bảo vệ bờ biển Trung Quốc dùng vũ lực để ngăn Lực lượng Giám sát Thủy sản và Hàng hải nước này bắt giữ một tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép gần quần đảo Natuna của Indonesia.
Một tàu tuần duyên của Trung Quốc.
Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi nói Bắc Kinh đã “vi phạm chủ quyền lãnh hải của Indonesia”.

Bloomberg dẫn lời một quan chức cấp cao của Indonesia cho hay, chính phủ nước ông không muốn nhưng buộc phải hành động kiên quyết như vậy với Trung Quốc bởi hành động của Trung Quốc quá khiêu khích. Hơn nữa Trung Quốc đang ngày càng hung hăng tại nhiều vùng biển trên Biển Đông.
Theo Bloomberg, cuộc gọi “hậu trường” trên có thể là cách thức trước đây cả hai bên giải quyết những sự cố tương tự như vậy. Hãng tin này cũng cho rằng Indonesia có truyền thống tránh công bố những sự cố trên Biển Đông để giữ gìn mối quan hệ kinh tế quan trọng với Bắc Kinh.
Trung Quốc là đối tác thương mại hai chiều lớn nhất của Indonesia. Jakarta cũng đang lệ thuộc nhiều vào các nguồn quỹ từ Bắc Kinh để xây dựng cơ sở hạ tầng. 
Có lẽ vì vậy mà Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc có bài viết kêu gọi cả hai bên kiềm chế và tập trung vào các lợi ích chung, đồng thời lấy tuyến đường sắt cao tốc mà Trung Quốc đang xây dựng giữa Jakarta và Bandung làm ví dụ cho các lợi ích chung đó.
Một hòn đảo thuộc quần đảo Natuna.
Việc Indonesia công khai sự việc lần này cho thấy Jakarta có thể đã hết kiên nhẫn với những hành động gây hấn của Bắc Kinh. Không chỉ chỉ trích công khai Trung Quốc, gần đây hải quân Indonesia đã bắt đầu triển khai nhiều tàu chiến đến khu vực Natuna.
Tiến sĩ Ian Storey thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) ở Singapore nhận định: "Trước đây, khi có sự cố như thế này xảy ra, Indonesia có xu hướng giảm nhẹ vấn đề hoặc thậm chí che đậy chúng để bảo vệ những lợi ích trong mối quan hệ hài hòa với Trung Quốc".
Giải thích cho phản ứng giận dữ của Indonesia lần này. Ông nhấn mạnh: “Nhưng nếu Trung Quốc bắt đầu thử hay thực thi những yêu sách vô lý của mình trong vùng biển của Indonesia, Jakarta sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoại trừ việc công khai và đẩy lùi các hành động hung hăng của Bắc Kinh”.
Bộ trưởng Ngoại giao Retno Marsudi nói: "Chúng tôi nói với phía Trung Quốc rằng mối quan hệ của chúng ta đang rất tốt và trong vấn đề này tất cả chúng ta nên tôn trọng luật pháp quốc tế”.
Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi yêu cầu tàu Trung Quốc không đi vào lãnh hải của Jakarta.
Vụ việc trên được công khai lần đầu tiên hôm 20/3 bởi Bộ trưởng Thủy sản Susi Pudjiastuti, người đang là thành viên nổi bật trong nội các của Tổng thống Jokowi bởi có lập trường mạnh mẽ đối với các tàu thuyền đánh bắt cá bất hợp pháp.
Bà Natalie Sambhi, nhà nghiên cứu ở Trung tâm Mỹ - châu Á, chuyên về các chính sách đối ngoại và quốc phòng của Indonesia cho hay: “Trọng tâm trong tầm nhìn “điểm tựa hàng hải toàn cầu” của ông Jokowi là quyết tâm bảo vệ chủ quyền của Indonesia”. Do vậy, Indonesia không giữ im lặng đối với những hành vi vi phạm chủ quyền của nước này.
Theo chuyên gia Euan Graham, Giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế Viện Lowy tại Sydney (Úc) cho hay: "Việc gây hấn xung quanh vùng EEZ này không mới, và Indonesia dưới chính quyền này và những người trước đây đã dùng biện pháp không đối đầu. Thứ có thể thay đổi được điều đó là khi chủ quyền của Indonesia bị vi phạm”.
Theo Bloomberg, dù phía Trung Quốc đã thực hiện cuộc gọi nhờ phía Indonesia giữ bí mật về sự việc, nhưng phát biểu trước truyền thông Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh vẫn khẳng định sự việc xảy ra trong "ngư trường truyền thống của Trung Quốc". Bà này còn cho rằng, tàu Trung Quốc đã bị "tấn công và quấy rối" bởi một tàu Indonesia có vũ trang.
Trong khi đó Thời báo Hoàn cầu nói: "Quần đảo Natuna là của Indonesia. Trung Quốc không phản đối nhưng vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia chồng chéo một phần của "đường 9 đoạn"(do Trung Quốc tự vẽ ra), nên các tranh chấp đánh bắt cá ở khu vực này là không thể tránh khỏi".
Bloomberg nhận định, sở dĩ Bắc Kinh muốn giấu diếm sự việc bởi không muốn có thêm tai tiếng trong bối cảnh nước này đang phải chờ đợi phán quyết của tòa án quốc tế về vụ kiện của Philippines.
Nội dung được thực hiện qua thảm khảo nguồn tin từ Bloomberg News. Bloomberg News cùng tờ BusinessWeek là hai chuyên trang về kinh tế, phân tích tài chính và cung cấp dữ liệu cho các đối tác doanh nghiệp của Tập đoàn truyền thông Bloomberg.
PHẠM KHÁNH (Lược dịch)