Mỹ-Phi chống giữ Biển Đông
Xe lội nước của Hải Quân Mỹ trong một cuộc tập trận với Philippines năm 2014.Reuters
Hoa Kỳ trở lại Philippines liệu có trễ quá không ? Thánh chiến Daech bị đánh lui ở Irak và Syria nhưng chỉ cần một tổ nằm vùng tại Bruxelles đủ làm châu Âu rung chuyển. Số phận lãnh đạo Syria, Bachar Al Assad trong tay Matxcơva. Dân chúng Cuba , sau nửa thế kỷ bị cấm, lần đầu tiên được xem buổi diễn của The Rolling Stones « phản động ». Thế giới bóng đá khóc thần tượng Johan Cruyff. Đó là những chủ đề trên báo Pháp hôm nay.
Với tựa « Mỹ trở lại Philippines. Manila và Washington lên án Bắc Kinh quân sự hóa biển Nam hải » và tấm bản đồ « đường lưỡi bò » của Trung Quốc « liếm » gần hết biển Đông, thông tín viên của Le Monde từ Hoa lục nhấn mạnh, tại Biển Đông « liên tục xảy ra những vụ va chạm » giữa Trung Quốc và các nước láng giềng, trong bối cảnh Hoa Kỳ can dự nhiều hơn vào khu vực bị Bắc Kinh đơn phương tuyên bố chủ quyền.
Ngày 19/03, cảnh sát biển Trung Quốc dùng bạo lực cướp một chiếc tàu đánh cá bị Indonesia áp giải, gây sự cố ngoại giao với Jakarta . Hai nước dám chống lại tham vọng của Trung Quốc là Indonesia và Philippines. Trong trường hợp của Indonesia, tổng thống Joko Widodo không để cho Bắc Kinh tự tung tự tác. Tuần duyên Indonesia đã bắt tàu đánh cá lậu Trung Quốc, một chiếc bị đánh chìm để làm gương vào năm 2015.
Đối với Philippines, Trung Quốc gia cố đảo đá ngầm Scarborough sau khi lấn chiếm của Manila năm 2012. Hàng chục bãi đá ngầm khác ở biển Đông đã bị Trung Quốc lấn chiếm và biến thành đảo nhân tạo. Chiếm Scarborough, đổi tên là Hoàng Nham, Bắc Kinh đã gây thương tổn cho danh dự Philippines. Về mặt quân sự, chiếm được Scarborough , Trung Quốc hoàn tất thế « chân vạc » với các căn cứ ở Hoàng Sa và Trường Sa . Hoa Kỳ lo ngại Bắc Kinh sẽ tuyên bố « vùng nhận dạng phòng không » như ở Hoa Đông năm 2013.
Trước mục tiêu gần như không cần che giấu của Trung Quốc, Hoa Kỳ tăng cường tuần tra và kêu gọi Ấn Độ tham gia vào nỗ lực chung với Nhật và Úc. Manila cho phép Mỹ sử dụng năm căn cứ quân sự trong khuôn khổ hiệp định hợp tác quốc phòng tăng cường mở đường cho quân đội Mỹ trở lại quần đảo từng là tiền đồn của Mỹ trong thời chiến tranh Việt Nam. Tư lệnh lực lượng Mỹ lên án Trung Quốc « quân sự hóa » biển Đông nhưng Bắc Kinh đáp trả bằng lập luận chính Hoa Kỳ thiết lập một mạng lưới liên minh quân sự trong Thái Bình dương.
Trên thực tế, giới lãnh đạo Bắc Kinh tin rằng chiến thuật gây hấn sẽ thắng. Chuyên gia Mỹ gốc Trung Quốc Tôn Vân (Sun Yun) thuộc viện nghiên cứu Stimson, giải thích : Trung Quốc đã tạo ra một vòng đai rộng hơn trong vùng tranh chấp và tăng cường kiểm soát trên thực tế. Họ vẽ lại làn ranh, thực tế hay biểu tượng, giới hạn hoạt động quân sự của Mỹ tại biển Đông.
Quản lý biển khơi : Cao vọng của Liên Hiệp Quốc
Vào lúc châu Á chật vật đối phó với tham vọng biển đảo của Bắc Kinh, thì trong vòng 15 ngày tới, kể từ thứ hai 28/03, Liên Hiệp Quốc tổ chức đàm phán về biển khơi với hy vọng đi đến một thỏa thuận quốc tế quản lý 50% diện tích Trái đất nằm ngoài thẩm quyền của từng quốc gia.
Với tựa " Kho tàng biển khơi gây thèm muốn", nhật báo Công giáo La Croix nhấn mạnh đến nhu cầu « vừa bảo vệ tài sản chung của nhân loại vừa chia sẻ tài nguyên di truyền một cách hài hòa ». Les Echos hài lòng vì « các quốc gia cuối cùng đã ý thức đến nhu cầu bảo vệ biển khơi ». Nhật báo kinh tế minh họa bằng bức ảnh khí lưu huỳnh bốc lên từ đáy biển với lời chú : lưu huỳnh dưới đáy biển có chứ kim loại quý, bên cạnh sắt , đồng còn có bạc và vàng.
Cho đến nay, thẩm quyền quản lý biển khơi chia ra cho ba cơ quan khác nhau mà không có phối hợp : tổ chức biển quốc tế, cơ quan quyền lực đáy biển và các cơ quan cấp vùng quản lý ngư nghiệp.
Daech đang thua ở Trung Đông, nhưng cài khủng bố và bom di dân nổ chậm ở châu Âu
Daech sắp bị đánh bật ra khỏi Palmyra ở Syria, Le Figaro loan báo. Daech bị hai cuộc tấn công ở Syria và Irak, lãnh thổ của thánh chiến bị thu hẹp lại, Bagdad ráo riết hành quân chiếm lại Mossoul, là tựa trên Les Echos. Tuy nhiên, Le Figaro đưa thêm thông tin đáng lo cho châu Âu : Libya, mối đe dọa mới. Tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo bị thiệt hại nặng tại Syria nên dồn quân sang Libya trong lúc có 800.000 di dân đang chờ cơ hội vượt biển Điạ Trung hải sang châu Âu. Nhật báo cánh hữu đặt câu hỏi thúc giục : Liên Hiệp Châu Âu còn chờ gì nữa ? Nếu có thể dùng bom để hủy diệt thế lực của thánh chiến kiểm soát lãnh thổ và tài nguyên dầu khí Libya thì tại sao phải chần chừ ? Đơn độc trên tuyến đầu, Liên Hiệp Châu Âu phải lấy quyết định ít tồi tệ nhất.
Le Monde cũng nhận định mô hình của châu Âu đang bị thách thức. Một chiến binh thánh chiến trước khi bị cảnh sát Pháp giết chết hồi mùa thu 2015 cho biết khoảng 90 thành viên khủng bố đã xâm nhập châu Âu theo chân đoàn người tị nạn. Thông tin này gián tiếp xác nhận lãnh đạo của nhiều nước ở Đông Âu như Ba Lan, Hungary… đã có lý khi từ khướt đón nhận di dân và công kích chính sách rộng lượng của Berlin.
Nhật báo cánh tả Liberation còn làm độc giả ớn lạnh thêm với phóng sự về những thiếu sót trong việc bảo vệ an ninh các nhà máy điện nguyên tử Bỉ, đang gây lo ngại cho chính phủ Bruxelles khi mà các nhà máy hạt nhân là mục tiêu tiềm tàng của tổ thánh chiến. Cụ thể là vào năm 2013, một kỹ sư của lò hạt nhân Doel 4 bị đuổi việc vì theo Hồi giáo cực đoan. Kỹ sư này không ai khác hơn là anh em rể của Abdu Abdulla, chiến binh Daech. Một năm sau, động cơ của nhà máy này bị phá hoại mà cho đến bây giờ cũng không rõ tại sao.
Trong khi đó thì ở Trung Đông, cho dù quân đội của Damas được Nga yểm trợ và quân đội Bagdad được Mỹ giúp đỡ đang giành lại thế thượng phong, nhưng Les Echos cũng cho rằng Daech thừa khả năng gây rối tại Libya và ở châu Âu.
La Croix cho biết số phận của lãnh đạo Syria, Bachar Al Assad đang ở trong tay của tổng thống Nga Putin. Phe cánh của nhà độc tài bị phân hóa vì một phe theo Iran, một phe theo Nga. Lực lượng trung thành bảo vệ thủ đô gần như 95% là tín đồ hệ phái Allaoui. Hệ phái Sunni mất hết trọng lượng làm cho quân đội chủ lực suy yếu. Bản thân người chị của tổng thống cũng bỏ rơi em mình từ khi ông chồng là giám đốc tình báo bị ám sát chết vì có tin đồn ông ngã theo Paris. Chế độ Damas giờ đây như một vỏ ốc trống rỗng.
Báo chí Pháp chú ý đến số phận của Bachar Al Assad, vì hôm nay tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Les Echos cho rằng John Kerry « thổi lửa » Syria vào Kremli, nhưng cơ may hai đại cường dàn xếp được số phận lãnh đạo Damas rất thấp.
Le Figaro với cái nhìn địa chính trị dự đoán Ngoại trưởng Mỹ sẽ nhân cuộc hội kiến tại Matxcơva, thúc giục Putin trả tự do cho nữ phi công Ukraina bị Nga tuyên án 22 năm tù và buộc phe ly khai ở đông Ukraina tôn trọng lệnh ngưng bắn. Ông Putin vẫn bất bình vì chỉ được thảo luận ngang hàng với Pháp và Đức trong hồ sơ Ukraina theo công thức bốn bên (Matxcơva- Berlin-Paris-Kiev), trong khi Washington đứng ngoài chỉ đạo. Về hồ sơ Syria, theo Le Figaro, tổng thống Nga rất hài lòng vì Nga được Mỹ đối xử ngang hàng. Tuy nhiên, theo chuyên gia Nga Stanislav Belkovski thì ông Putin không nên tưởng bở. Barack Obama chỉ thảo luận với ông Putin các hồ sơ khu vực mà không cho Nga bàn đến số phận thế giới theo mong chờ của Putin.
Nói tóm lại, Nga hết cô lập, nhưng chưa hoàn toàn trở lại chính trường thế giới .
Cuba chào mừng The Rolling Stones
Trong lãnh vực âm nhạc, ban nhạc rock của Anh « The Rolling Stones » hôm nay trình diễn miễn phí tại thủ đô Cuba. Libération nhấn mạnh yếu tố « lịch sử » qua bài phóng sự « Cuba on the Rock » với tâm tình của người dân hải đảo của Fidel Castro, bị cấm nhạc « đế quốc » từ nửa thế kỷ nay. Lần đầu tiên các nghệ sĩ một thời bị lên án là kẻ thù của cách mạng trình diễn tại La Habana.
Thế giới vĩnh biệt cầu thủ Johan Cruyff
Hôm nay, báo chí Pháp cũng dành nhiều trang để vĩnh biệt huyền thoại bóng đá Hà Lan Johan Cruyff, qua đời ở tuổi 68. Huyền thoại tắt lịm, một tượng đài ra đi, tựa của Le Figaro. Libération chơi chữ : Cruyff, cuộc cách mạng màu cam.
Cùng chủ đề
No comments:
Post a Comment