Saturday, March 26, 2016

Nhà báo liên quan 'thư đồng chí Tập' được thả

Nhà báo liên quan 'thư đồng chí Tập' được thả

  • 5 giờ trước
Image copyrightApple Daily
Image captionCây bút bình luận Cổ Gia trong số 17 người bị bắt giữ trong cuộc điều tra lá thư chỉ trích ông Tập Cận Bình
Một nhà báo Trung Quốc đã được thả sau khi có tin ông này bị điều tra do viết thư kiến nghị trên mạng yêu cầu Chủ tịch Tập Cận Bình từ chức.
Luật sư đại diện cho phóng viên Cổ Gia cho biết ông đã được thả, được gặp vợ và có thể về nhà bất kỳ lúc nào.
Ông Cổ Gia bị cảnh sát triệu đi hồi đầu tháng và được cho là bị tạm giữ trong cuộc điều tra quan trọng về lá thư thúc giục ông Tập từ chức.
Lá thư xuất hiện chóng vánh trên trang mạng liên kết tới trang của chính phủ Trung Quốc, được k‎ý bởi “các Đảng viên Cộng sản trung thành” và đề tháng Ba 2016.
Thư chỉ trích nhiều quyết định chính trị, kinh tế và ngoại giao của chủ tịch Trung Quốc cũng như tạo ra tệ “sùng bái cá nhân”.
"Đồng chí Tập Cận Bình không còn đủ năng lực lãnh đạo Đảng và Quốc gia đi về tương lai để giữ chức Tổng bí thư và nên từ chức," thư viết.
Image copyrightWatching.cn
Image captionLá thư nói ông Tập đã 'vứt bỏ truyền thống của Đảng Cộng sản' là vì dân
Gia đình ông Cổ Gia phủ nhận việc ông này liên quan tới lá thư.
Bạn bè của ông nói với truyền thông rằng, họ tin ông mất tích là do ông cảnh báo một người bạn làm biên tập, ông Âu Dương Hồng Lượng, sau khi lá thư được đăng trên trang tin Watching của ông Âu, còn được biết đến là Wujie News.
Trang mạng được tạo lập năm ngoái nhằm quảng bá kế hoạch phát triển thương mại của Trung Quốc qua Trung Á.
Chủ tịch của Watching và hai biên tập viên gồm ông Âu cùng hai người phụ trách kỹ thuật trang web được cho là đã không thể liên hệ được trong nhiều ngày và có thể đang bị điều tra.
Cũng có tin báo chín nhân viên kỹ thuật làm việc cho một hãng công nghệ hỗ trợ cho trang web đã mất tích.
Trong khi đó, ông Ôn Vân Siêu, một nhà hoạt động có tiếng người Trung Quốc ở hải ngoại nói chính quyền Trung Quốc ở phía nam, quê ông, đã bắt giữ cha mẹ và em trai nhằm ép buộc ông thừa nhận có liên quan tới lá thư.
Nhưng ông viết trên Twitter rằng ông không hề liên quan.
Image copyrightAP
Image captionNhiều vụ bắt bớ phóng viên, luật sư và nhà hoạt động xảy ra dưới thời ông Tập
Gần đây đã xảy ra nhiều vụ đàn áp nhà báo, luật sư và các nhà bất đồng chính kiến ở Trung Quốc.
Phóng viên BBC, John Sudworth từ Bắc Kinh cho biết có tin đồn ở Trung Quốc rằng lá thư có thể do tin tặc đưa lên trang Watching. Nhưng nó cho thấy, dù Chủ tịch Tập có siết chặt kiểm soát đi nữa, những tiếng nói đối lập vẫn tìm ra cách để được lên tiếng.
Bản gốc của lá thư vẫn còn trên trang Canyu bằng tiếng Trung ở nước ngoài và được tải lại trên các tài khoản cá nhân ở Trung Quốc.

Tin liên quan

No comments:

Post a Comment